Chuyển thể tác phẩm văn học lên phim – Nhiều cơ hội, lắm cạm bẫy

Tác phẩm nổi tiếng là mảnh đất màu mỡ để nhà làm phim khai thác và thu hút lượng fan có sẵn. Tuy nhiên chuyển thể tác phẩm văn học thành phim cũng là sự lựa chọn nhiều cơ hội, lắm cạm bẫy. 

Kịch bản phim Cậu Vàng được lấy cảm hứng từ những tác phẩm kinh điển của cố nhà văn Nam Cao, do cố NSND Bùi Cường chắp bút và đạo diễn Trần Vũ Thủy cầm trịch. Tưởng chừng như Cậu Vàng sẽ là bom tấn mang đậm nét trữ tình, hiện thực và những chi tiết đắt giá của kho tàng văn học Nam Cao. Thế nhưng chỉ vừa mới ra mắt, Cậu Vàng bóp nát lòng háo hức của người hâm mộ bằng một kịch bản hời hợt và mờ nhạt. Bối cảnh phim đưa khán giả rơi vào “khoảng không vô định”, không thể xác định được đây có phải thời điểm trước cách mạng tháng 8 hay không?

Hình ảnh trong phim Cậu Vàng lấy cảm hứng từ nhiều truyện ngắn của nhà văn Nam Cao vừa ra mắt (ẢNH: ĐPCC)

Có luồng ý kiến còn cho rằng, Cậu Vàng thật ngô nghê dưới con mắt của những kẻ không hiểu thời cuộc, không phản ánh đúng tinh thần và giá trị nhân văn mà Nam Cao hướng tới. Nhưng cũng có người cho rằng, Cậu Vàng đã vô cùng sáng tạo với tư duy tươi mới. 

Không chỉ Cậu Vàng, có rất nhiều dự án phóng tác hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm nổi tiếng như Kiều của Mai Thu Huyền. Dù là dự án đã ấp ủ 10 năm nhưng Kiều vẫn không tránh nổi những thiếu sót, chẳng hạn như dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Nôm với lời giải thích: sợ chữ Nôm giống chữ Hán; Trang phục lòe loẹt. Đặc biệt, bộ phim nhấn mạnh vào mối tình tay ba của Thúy Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư. Thế nhưng so với nguyên tác, Kiều và Thúc Sinh không có mối nhân duyên tốt đẹp đến thế, Thúc Sinh chỉ thương xót mà chuộc Kiều về chứ không có chuyện yêu đương nồng thắm. Từ đó mà nổ ra bao cuộc tranh cãi, giải thích giữa khán giả và nhà làm phim.

Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học chính là “tự so sánh” với nguyên tác, ngay cả phóng tác thành công cũng khó tránh khỏi. Nói về Mắt Biếc (phim được chọn đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự vòng sơ loại giải Oscar 2021) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh, khi chắp bút phóng tác thành phim, biên kịch Kay Nguyễn bộc bạch: 

“Tiểu thuyết Mắt biếc đã ra mắt từ 30 năm trước. Khi chuyển thể tiểu thuyết thành phim, với tôi, có nhiều áp lực. Bởi đó là tác phẩm văn học đã quá quen thuộc với nhiều người, mình không biết khán giả sẽ đón nhận phiên bản điện ảnh thế nào”

Mắt Biếc được phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Ngay chính đạo diễn Lương Đình Dũng, khi chuyển thể tiểu thuyết của chính mình cũng cho rằng:“Việc mô tả trong văn học có phần đơn giản hơn điện ảnh. Chẳng hạn chỉ khoảng 1/3 trang sách nhưng khi đưa lên màn ảnh phải mất tới cả tuần mà vẫn không xong, thậm chí có khi là bất khả thi”.

Quả thật, chuyển thể phim từ tác phẩm nổi tiếng vừa dễ lại vừa khó. Dễ ở chỗ nó đã có sức hút; khó ở chỗ, làm thế nào để cho “ra” cái chất và tinh thần văn học được truyền tải ở nguyên tác.