Có thể nói thế giới võ hiệp Kim Dung trở nên phổ biến với thế hệ chúng ta chủ yếu qua phim ảnh, để rồi sau này mới tìm đến nguyên tác truyện để củng cố thêm, tìm hiểu thêm, giải đáp những thắc mắc tò mò. Không ngoa khi nói rằng những cảnh quay điên đảo trời đất ngày ấy đã đặt những viên gạch nền móng đầu tiên, ghim chặt vào tiềm thức chúng ta - khi ấy còn là những đứa trẻ giỏi mơ giỏi mộng, ước được 1 ngày có thể đứng giữa võ lâm, loạn đả quần hùng như những Tiêu Phong, Lệnh Hồ Xung vừa được xem.
Để khắc họa tính cách nhân vật, mang đến cho người xem những cảm xúc yêu ghét rạch ròi nhất, các đạo diễn phim thường cố gắng bám sát nguyên tác, giữ lại tất cả những chi tiết đắt giá, những tình tiết bước ngoặt để đẩy cao trào phim lên nấc mới một cách hợp lý hơn. Những tưởng thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ trong điện ảnh sẽ dễ hơn nhiều lần việc truyền tải bằng con chữ, ấy thế nhưng vẫn có những ngoại lệ - khi cơn vần vũ chữ nghĩa của cố nhà văn Kim Dung lại làm khó chính các nhà làm phim phải vò đầu bắt tai không biết mô tả làm sao cho đúng, cho đủ mà lại không khiến cộng đồng dậy sóng.
Vâng, cảnh cưỡng hiếp Tiểu Long Nữ của Doãn Chí Bình chính là một ví dụ điển hình. Có lẽ đối với thế hệ người xem phim, dù đã lâu lắm rồi nhưng không một ai có thể quên cái phân cảnh oan nghiệt ấy. Cái đê hèn, bỉ ổi của Doãn Chí Bình khi lợi dụng thời cơ, dở trò đồi bại với một Tiểu Long Nữ đang toàn thân bất động vì dính diểm huyệt, lại còn đốn mạt phủ một tấm voan trắng lên mặt nàng để tránh lộ thân phận đã từng khiến biết bao thế hệ bùng cơn giận giữ.
Trừ phiên bản 1995, cảnh quay này khiến rất nhiều nhà làm phim phải e ngại
Sau này, việc có thực hiện phân cảnh đó hay không vẫn là một bài toán nan giải đầy rủi ro cho các nhà làm phim về Thần Điêu Hiệp Lữ. Cho dù tư tưởng người xem đã thoáng hơn và cả thiết bị máy móc đều đã được phát triển hơn nhưng riêng chi tiết ấy, dù bao năm qua đi, vẫn ít ai đành lòng xem lại từ đầu chí cuối. Dẫn chứng chính là phiên bản Singapore với quyết định quay rõ cảnh Tiểu Long Nữ bị lột sạch y phục còn Doãn Chí Bình thì dùng tay khám phá cơ thể nàng đã khiến cộng đồng dậy sóng, là chủ đề tranh cãi nảy lửa trong suốt thời gian dài.
Cảnh quay gây sốc ở "Thần điêu đại hiệp" của Singapore
Không chỉ là sự ám ảnh, đây là một chi tiết có tính bước ngoặt với cả Tiểu Long Nữ, Dương Quá, Doãn Chí Bình và đẩy mạch phim lên cao trào nhưng rất khó để lột tả nó một cách tinh tế. 1 khung cảnh nhưng có quá nhiều thứ đối ngược cần phải diễn tả, ấy là cơn hoan hỉ đồi bại của Doãn Chí Bình, sự lầm tưởng hạnh phúc đầy tội nghiệp của Tiểu Long Nữ, mộng tưởng đẹp đẽ, sự thực tàn nhẫn, tưởng viên mãn lại hóa đau thương, tưởng cam tâm tình nguyện mà lại hóa thừa thời cơ cưỡng bức. Hơn hết là đối với người xem, việc phải chứng kiến gương mặt đỏ ửng, nét đẹp trong veo và ánh mắt ngượng ngùng của Tiểu Long Nữ vì nhầm tưởng người cùng mình là Dương Quá - khi bản thân đã biết rõ ngọn ngành - là một thứ gì đó rất khó chịu, rất thương tâm.
Có thể thấy ở hầu hết các phiên bản, các nhà làm phim sẽ chọn cách "miêu tả sương sương" tình huống này, ví dụ như Tiểu Long Nữ bị bịt mắt, Doãn Chí Bình lao tới ôm lấy rồi cắt cảnh chẳng hạn. "Ai cũng biết câu chuyện đó là gì, không nên làm nó thêm 1 lần bi thương".
Các phiên bản khác đều bị cắt cảnh ở đây
Một dẫn chứng khác có thể kể đến tình tiết Tống Thanh Thư cưỡng hiếp Chu Chỉ Nhược. Cũng giống như Tiểu Long Nữ, Chu Chỉ Nhược lúc này bị trúng thuốc mê nên toàn thân bất động, bị Tống Thanh Thư giở trò đồi bại, dẫn đến những phát triển tâm lý về sau, rằng Trương Vô Kỵ cưới nàng chỉ vì cảm giác có lỗi. Tình tiết này được cho là từng được chính Kim Dung viết ra, nhưng ở các bản thảo sau này nó lại biến mất.
Ngoại trừ Tân Ỷ Thiên Đồ Long Ký là có sử dụng tình tiết Tống Thanh Thư định cưỡng đoạt Chu Chỉ Nhược (đã đổi lại thành được giải cứu kịp thời) thì chưa từng có bản phim nào thực hiện phân cảnh (gốc) này.
Thế mới biết có những điều dù cả chục năm qua đi nhưng người ta vẫn sẽ không bao giờ quên, có những nút thắt mà dù tâm tưởng có tiên tiến đến đâu cũng khó lòng được tháo mở. Những nhân vật nữ xuất hiện trong các bộ truyện của Kim Dung hầu hết đều gặp nhiều trắc trở, lay động lòng người, đôi khi chỉ muốn mãi mãi nhớ về Tiểu Long Nữ là một nữ nhân tuyệt đẹp, chất phác, thanh thuần mà thôi.