Bài viết có tiết lộ tình tiết trong phim và bộc lộ quan điểm cá nhân.
Tôi đi xem Tiệc Trăng Máu vào một ngày trời quang mây tạnh, cơn gió đầu đông của Hà Nội thổi nhè nhẹ trên làn tóc mai. Những điều ấy báo hiệu cho một ngày thật đẹp, và còn điều gì thú vị hơn cho ngày dài năng động ngoài việc đi hóng drama chửi nhau lên bờ xuống ruộng, xem người giàu "tự hủy" và ố á trước những mối tình tréo ngoe? Thế cho nên tôi chọn Tiệc Trăng Máu.
Được đồn đoán là "bom tấn" điện ảnh Việt bùng nổ dịp cuối năm nay, Tiệc Trăng Máu thật sự đã cho tôi banh xác. Nhưng không phải vì những sự vụ bồ bịch, dối trá của phim làm tôi mất máu, mà chính là sự vô lý và sến sẩm không giới hạn của phim khiến tôi phải quắn quéo ở trong rạp, chỉ ước gì bữa tiệc này kết thúc, hay ước gì nhân vật được viết hay hơn.
Đầu tiên để nói cho công tâm, vẫn xin khẳng định rằng Tiệc Trăng Máu là một tác phẩm được đầu tư chỉn chu, nghiêm túc với dàn diễn viên rõ ràng là khó có thể chê. So với mặt bằng chung của phim Việt, chắc chắn phải đặt Tiệc Trăng Máu lên một level nào đó đủ cao. Không dừng lại ở đó, bối cảnh phim được rêu rao là tốn hàng tỉ đồng xây dựng thì cũng toát lên vẻ sang chảnh, thượng lưu của gia chủ bề thế lắm tiền (nhưng hóa ra nợ nần, ủa???). Các diễn viên của phim, thậm chí cả Kaity Nguyễn, cũng đang được coi thuộc hàng “chiếu trên” của điện ảnh Việt, và mặc dù bộ phim có bị “chiếm sóng” bởi Thu Trang và Thái Hòa thì mọi người đều có đất diễn để tạo ra được dấu ấn trong bữa tiệc xa hoa mà lúc sau hoang tàn lủng liểng.
Bữa tiệc khó thở nhất Hệ Mặt Trời
Trò chơi của sự văn vở, đã có nhiều bí mật vậy cứ đòi chơi như khát nước vậy đó!
Quanh đi quẩn lại, sau vô vàn trận cãi vã ỏm tỏi, tình tiết chính của phim vẫn chỉ loanh quanh mấy trò tay ba, tay bốn xoàng xĩnh, với chủ đề đồng tính lấp ló ở mép màn hình (dấu hiệu của đồng tính là… không dám thi tè "xem ai xa hơn nào” với các bạn?). Xen kẽ giữa các trận cãi nhau ỏm tỏi của Tiệc Trăng Máu, tôi và khán giả xung quanh được chiêu đãi với những trò đùa đủ hài hước để khiến người ta phải nhếch mép, nhưng không quá hài để được coi là thông minh.
Được cái, các anh chị nào thiếu caption để đăng ảnh, đăng trạng thái Facebook thì khi xem Tiệc Trăng Máu về sẽ có cả một rổ quote lủng lẳng trong túi. Đôi khi, nhân vật trong phim thở ra những câu thoại triết lý đến mức vô lý, và trong khi diễn viên phải oằn mình để tỏ ra rưng rưng cảm động thì tôi lại sởn hết cả da gà. Ủa có phải những người nói đạo lý thường sống... rất chán không?
Ai mướn chơi chi rồi giờ ngồi khóc?
Đã bao giờ bạn đang ngồi ăn với hội chị em bạn dì, để rồi một người bất ngờ lên tiếng “Chiếc điện thoại chứa quá nhiều bí mật...”, sau đó bắt mọi người phải lật hết điện thoại lên cho cả hội cùng xem chưa? Có ý kiến còn cho rằng trò chơi này rất hấp dẫn và ai cũng có thể áp dụng được. Xin phép được cười nửa miệng. Một người bạn như vậy rõ ràng có sự vô duyên ăn vào máu và cái kiểu tọc mạch ấy thì chắc chỉ có ma mới muốn chơi cùng!
Cứ coi như tôi, bạn của tôi, và một vài người bạn nữa cùng ngồi xuống nhai trệu trạo miếng thịt cua và chơi trò này. Điện thoại kêu reng reng. Có thông báo. Là app đồ ăn gửi thông báo mời người dùng đặt trà sữa. Là ai đó đã bình luận vào ảnh của mình. Là group chat công ty căng thẳng nói xấu khách. Là các cô em có giọng nói ngọt ngào từ bên bán động sản, bên ngân hàng, bên dịch vụ tài chính… gọi đến chèo kéo xin anh chị dành một chút thời gian nghe em phát biểu về sản phẩm. Chỉ có ở một vương quốc xa xôi trong Tiệc Trăng Máu - nơi loài người sống hạnh phúc vì không phải nhận noti và cuộc gọi rác, chúng ta mới rảnh đến mức đi hóng hớt, tọc mạch và phá tanh bành chuyện người khác. Hay là điện thoại của các cô chú thế hệ 40 - 50 tuổi bây giờ nó khác?
Hình ảnh thế hệ cũ nhìn vào màn hình mỗi khi có thông báo
Một điều khiến tôi thắc mắc mãi chính là các nhân vật chính, cho dù có nhiều bí mật chất cao như ngọn núi đè lên trấn yểm Tôn Ngộ Không suốt 500 năm, lại cứ đòi chơi "công bố bí mật" cho bằng được. Không chỉ lần 1, lần 2 mà cho đến khi phốt ngập cổ, hội bạn thân này vẫn cứ thích thú cái trò mạo hiểm này như khát nước. Hay là mình đã chịu trận thì kẻ khác cũng phải chịu cùng? Xin từ chối tiếp nhận một tình bạn ích kỷ như vậy. Hội bạn trong phim độc hại quá!
Tạm bỏ qua vấn đề trên, vì nếu không có nó thì sẽ chẳng có phim để xem. Chúng ta đành chấp nhận cách mở đầu khiên cưỡng này để trò chơi vô duyên được phép bắt đầu.
Tình tiết phim phá tan mọi logic?
Hội bạn của Tiệc Trăng Máu, mang tiếng chơi với nhau 40 năm có lẻ, nói chuyện và tương tác qua những câu thoại “sượng trân”, nồng nặc mùi giả lả. Mà nếu không giả lả thì sẽ là triết lý dài như một bản sớ được tìm thấy trong những bài văn nghị luận đi thi đại học, nghe chỉ muốn… ngủ ngang. Những phút giây ái ngại, im lặng của bàn tiệc nhiều đến mức đáng ngờ - làm tôi tự hỏi hội bạn này có thật sự chơi với nhau suốt 40 năm hay tất cả chỉ là xạo? Đúng rồi, làm gì có hội nhóm thân thiết như keo sơn nào mà còn không biết bạn mình là gay, hay thậm chí còn có gan đi “dập dềnh” với vợ của ông khác…
Không hiểu thân thiết kiểu gì mà nói chuyện được vài câu đã tính choảng nhau thế này?
Sự vô lý bao trùm lên kịch bản của phim khiến tôi - một người chưa xem các phiên bản Tiệc Trăng Máu các nước khác - phải khó chịu, đêm trằn trọc ngủ không yên vì nhiều thắc mắc. Tại sao còng lưng ôm khoản nợ 50 tỷ lại hân hoan sở hữu chiếc phòng ngủ hơn chục tỷ làm gì? Tại sao nhà sắp bị siết nợ còn mời bạn qua ăn tân gia? Đoạn block nhau không hiểu lắm, nhưng tại sao block rồi còn mời qua ăn hả trời? Thời nay người ta unfollow nhau cho sang thôi bà nội ơi. Đây chỉ là những câu hỏi đầu tiên vụt lên trong suy nghĩ của tôi khi mới đi được phần đầu của Tiệc Trăng Máu.
Gương mặt khắc khổ của nữ chính khi nhà nợ 50 tỷ mà lỡ mời bạn qua ăn yến tiệc linh đình
Bộ phim xây dựng nên những nhân vật thoạt nhìn thì có vẻ lý tưởng cho những sự vụ drama, thế nhưng câu chuyện trước và sau lại không tương xứng với nhau. Mà làm gì còn drama nào thú vị khi chúng ta phát giác ra sự điêu ngoa ở trong đấy? Thế là tôi chưng hửng.
Khi những bí mật của hội bạn thân dần được lật mở, mọi thứ thay vì được phối hợp, ghép lại tài tình thì cũng chỉ là những mảng miếng uẩn khúc vợ chồng, bồ bịch, “bóng kín” trôi nổi. Đến một lúc nào đó, các tình tiết lặp lại này cũng khiến tôi mất kiên nhẫn. Là do trái tim có 4 ngăn nên biên kịch cứ muốn nhân vật phải yêu hơn 1 người?
Dàn nhân vật có hành tung siêu lạ lùng: tự tiện vào phòng người khác để thể hiện đẳng cấp là sao?
Bình (Thái Hòa) - một nhân vật “tòm tem” bà già 60 tuổi làm mọi cách để che giấu mối tình vụng trộm này nhưng lại gào mồm lên xúc phạm vợ khi biết cô dám có cuộc hội thoại về nội y với “Hàn Mặc Tử”. Là do khi bị phản bội người ta như thế, hay nhân vật này bị sảng rồi? Người viết chưa cắm sừng ai, cũng chưa phải “đổ vỏ” bao giờ nên có thể không hiểu được rõ tâm lý nhân vật, câu hỏi này xin đành bỏ ngỏ…
Em không sai - chúng ta sai
Cô nàng Kathy (Kaity Nguyễn) được xem như một em gái thông minh, tài giỏi thánh thiện cũng giữ vững hình ảnh này cho đến đoạn cuối phim. Nữ bác sĩ thú y sau khi khóc nức nở trong nhà tắm vì yêu phải gã tồi sau đó đã bí mật… vào phòng ngủ của người khác để trang điểm, dặm phấn tô son. Ủa có gương trong WC rồi thì còn mò vô phòng ngủ người ta chi?
Kathy sau đó bước những sải chân nóng bỏng và quyến rũ từ phòng ngủ nhà người ta ra bếp, không hề ý thức hành động mình vừa làm là cực kỳ thiếu ý tứ (chưa kể cái phòng ngủ đó chục tỷ!). Là do chiếc gương khổng lồ trong nhà vệ sinh không đủ cho cái tôi của chị? Xin lỗi, cho dù lớp kem nền kia có mịn màng đến mấy thì với tôi, nhân vật của chị được xây dựng thật gập ghềnh, đầu voi đuôi chuột.
Lấy cái túi rồi té giùm đi, bánh bèo "du diên" quá!
Nhân vật Nguyệt Ánh (Hồng Ánh) dành cả bộ phim để cau có, để lắc lắc ly rượu, để nhắc chúng ta rằng chị đã dại dột và sai lầm thời niên thiếu, sau đó cũng khiến người xem phải sửng sốt với bí mật ngoại tình. Rúng động hơn nữa, chị ngoại tình khi đã có một ông chồng giàu và đẹp trai như Hứa Vĩ Văn! Cuộc tình này - trong cả 2 cái kết mà bộ phim vẽ nên - đều không được đưa ra ánh sáng. Điều này khiến kịch bản trở nên bất công với các nhân vật, nhất là khi ai cũng bị trò chơi kia hành cho ra bã. Rồi bà nội này có gì hơn người mà được giữ bộ mặt sang chảnh ý tứ đến cuối phim?
Nhân vật Nguyệt Ánh từ đó cũng mất đi sức nặng là người “cầm trịch” trò chơi mạo hiểm. Từ phút giây tôi biết chị cũng chẳng khá khẩm gì mà cứ giật lấy điện thoại người khác “đổ dầu vào lửa”, trong mắt tôi đây chính là cái gai cần phải nhổ (mà đấy là còn chưa nói đến việc chê phẫu thuật thẩm mỹ cho chán, sau đấy đòi… đi làm ngực?).
Fast & Furious chào thua trước tốc độ "bẻ cua" của chị
Vân - anh bồ 6 múi bị giấu kín của nhân vật Mạnh (Đức Thịnh) cũng là một nhân vật khiến tôi tức điên. Không thể tin sau những lời xúc phạm, chửi bới người yêu nặng nề đến như vậy, anh ta vẫn còn mặt dày nhắn tin nhung nhớ đôi môi hay ăn mì tôm của Mạnh. Thứ gì đâu mà trắc nết quá? Khùng điên như vậy bảo sao người ta chọn giấu đi.
Nguyên hội bạn này giải tán giùm đi là vừa
Cái kết nước đôi làm tôi bối rối
Cái kết của Tiệc Trăng Máu, giống như phần lớn bộ phim, thất bại trong việc khiến khán giả thỏa mãn. Thay vì tiếp nối mạch truyện vừa được vẽ ra (khi phần lớn cuộc sống của các nhân vật đều thực sự tốt đẹp hơn - Kaity Nguyễn còn tung tưởi catwalk về nhà), bộ phim bấm nút “tự hủy” toàn bộ phần lớn thời lượng của mình để vẽ ra một chiều không gian khác nơi tất cả chỉ là giấc mộng vu vơ. Rồi xong.
Buồn đến tốc cả váy vì phim vô lý...
Mặc dù tôi hiểu thông điệp cũng như câu hỏi mà bộ phim muốn đặt ra để chất vấn các khán giả về cuộc sống đẹp nhưng toàn lời nói dối, động thái này lại không khiến bộ phim đứng về một phía nào, hay định hướng cho khán giả biết điều nào là nên hoặc không nên. Các nhân vật có lối sống sai lầm, gian dối vẫn tiếp tục bình yên bên nhân tình mà không phải gánh chịu bất kỳ hậu quả nào. Ăn mà không mất tiền thì mình cứ ăn tự nhiên, hén?
Tôi bước ra khỏi rạp phim sau 2 tiếng gồng mình cùng Tiệc Trăng Máu, bỗng thấy trong tâm trí bất ổn đến lạ. Phim không dở - nhưng mà để nói là xuất sắc thì chắc tôi sẽ khóc ra đây ngay bây giờ. Tiệc Trăng Máu thực sự giống nguyệt thực - rất khuyết.
Trailer của Tiệc Trăng Máu
Nguồn ảnh: Tổng hợp từ phim