Câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu thời chiến
Mẹ chồng tôi của đạo diễn NSND Khải Hưng kể về Thuận (NSƯT Chiều Xuân) - một người vợ thời chiến. Vừa kết hôn xong, người chồng trẻ đã phải lên đường đi chiến đấu, ở nhà chỉ còn Thuận và mẹ chồng (Cố NSƯT Thu An) nương tựa nhau. Mẹ chồng chị là một người phụ nữ hiền lành, bao dung, yêu thương con dâu như con ruột.
Thuận rơi vào mối tình sai trái với Lực (NSƯT Trần Lực). Một bên là cô gái xinh đẹp có giọng hát hay, một bên là người phụ trách đài phát thanh xã giỏi giang, chân thành. Những va chạm ngày thường đã kéo hai người lại gần nhau và dần nảy sinh tình cảm. Họ đã phạm sai lầm trong một đêm mưa gió. Rồi một ngày Thuận bị cảm lạnh, được mẹ chồng cạo gió. Từ đó bà nhìn ra những dấu hiệu bất thường trên người con dâu, nhận ra chị đã có thai.
Đau xót đến tột cùng, nhưng mẹ chồng Thuận vẫn kìm nỗi đau lại. Bà không chỉ khuyên bảo, tha thứ cho con dâu mà còn đón nhận và yêu thương chăm sóc đứa cháu không phải máu mủ ruột rà. Thuận cắt đứt với Lực, còn Lực cũng hổ thẹn mà rời đi. Sáu năm sau Lực trở lại quê cũ một thời gian rồi tham gia chiến đấu và hi sinh. Cho đến cuối cùng, anh vẫn không biết con gái Thuận là con mình. Mẹ chồng Thuận biết chuyện, đã đồng ý để chị đưa con gái đến viếng bố ruột.
Sự phi thường của người phụ nữ bình thường
Bộ phim lên sóng lần đầu trong Văn nghệ chiều thứ bảy năm 1994. Gần ba mươi năm sau, khán giả vẫn nhớ hình ảnh người mẹ chồng tóc bạc cười hiền hậu của cố nghệ sĩ ưu tú Thu An. Lòng vị tha vô bờ của bà như dòng nước mát, làm dịu đi những nỗi đau và tủi hổ của một người phụ nữ trẻ lầm lỡ.
Mẹ chồng là chỗ dựa tinh thần duy nhất cho Thuận khi chồng chiến đấu xa nhà.
Thời kháng chiến, tất cả mọi người đều một lòng đánh giặc; của cải, tuổi trẻ và sinh mệnh đều sẵn sàng đem ra đánh đổi, chỉ mong giành về độc lập tự do. Chính vì thế, nhiều tâm tư tình cảm bị xem nhẹ. Trái tim khao khát yêu thương của những người vợ trẻ như Thuận bị vùi trong dòng thời gian chờ đợi đằng đẵng không hẹn ngày gặp lại. Bởi vậy, con người ta cũng dễ yếu lòng trước cảm giác đồng điệu chợt đến.
Con dâu phạm một lỗi tày trời đến thế, là mẹ chồng, có lẽ oán trách đay nghiến sẽ là điều thường thấy nhất, dễ làm nhất và cũng hợp lý nhất với tâm lý đại chúng dù ở thời nào. Nhưng mẹ chồng Thuận là một người phụ nữ đáng kinh ngạc. Bà khoan dung với cả những điều tưởng chừng không thể tha thứ. Vượt lên trên những cảm xúc thông thường, bà suy nghĩ bằng cái tâm của một người mẹ “con dại cái mang”, đau xót vì mình "không biết cách dạy con". Dù Thuận có trăm ngàn chỗ sai, bà vẫn thương chị lắm, vì trong thâm tâm từ lâu bà đã coi con dâu như con đẻ, đứa con do chị sinh ra cũng là cháu của bà. Phải làm như thế nào mới là tốt nhất cho tất cả? Bởi lẽ cuộc sống của Thuận còn dài, dù chuyện gì xảy ra thì chị vẫn phải tiếp tục sống.
Mẹ chồng Thuận đã chọn bao dung.
Mẹ chồng Thuận thương yêu đứa cháu không chung dòng máu như cháu ruột.
Khi Lực hi sinh, Thuận vốn không định đến dự đám tang của anh do lo sợ điều tiếng. Chính mẹ chồng chị là người đã khuyên giải để chị đưa con gái đến thắp cho bố ruột nén nhang. Những lời bà nói khiến Thuận rơi nước mắt còn người xem thì xúc động sâu sắc.
"Không xử thế như thế được con ạ. Ngăn cản nó thắp hương cho bố nó là tàn ác lắm, là thất đức lắm. Nghĩa tử là nghĩa tận, đừng lo chuyện ứng phó, cái cốt là ở tấm lòng."
Trong thân hình nhỏ bé của một người phụ nữ thôn quê không được học hành lại cất chứa một sức mạnh phi thường. Nó có thể chữa lành những vết thương mà cả thời gian cũng không thể hoàn toàn xóa mờ. Nó có thể dẫn người ta đi đúng hướng dù đã từng lầm đường lạc lối.
Cuối phim, mẹ chồng Thuận đã nói với con dâu một câu mà có thể dùng để khái quát tinh thần nhân văn của bộ phim:
“Rồi con sẽ thay mẹ, cháu sẽ thay con, cứ thế nối tiếp nhau bồi đắp mãi cho mảnh đất này. Muốn thế, phải giữ tình người cho đẹp con ạ.”