Dù rằng Nhật Bản là đất nước có cái nhìn thoáng về những vấn đề vốn được xem là tế nhị và cũng là một trong những thị trường game cực kỳ phát triển cùng nhiều thương hiệu phát hành nổi tiếng, thế nhưng đôi lúc họ cũng xem game là một “cơn nghiện”, “bệnh dịch” như cách mà WHO đã tuyên bố cách đây không lâu.
Và trong một cuộc điều tra về số tiền mà game thủ nạp vào game của chương trình News Zero, các nhà sản xuất đã đi quá xa khi công khai chỉ trích thú vui nạp tiền của những người chơi và vô bổ và xa xỉ.
News Zero đã phỏng vấn những người đi đường và một anh chàng game thủ cho biết anh đã nạp hơn 200.000 Yên (khoảng 43 triệu VND) vào game. Hiện tại, nam game thủ 28 tuổi đang công tác trong lĩnh vực y tế, một ngành hái ra tiền ở xứ sở mặt trời mọc và dù rằng 200.000 Yên có thể lớn đối với một số người, anh cho biết đây là mức chi có thể chấp nhận được của mình. Bên cạnh đó, anh chàng chỉ chơi game khoảng 2 – 3 tiếng mỗi ngày, không hề ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, công việc và việc nạp tiền cũng chỉ vì anh muốn sở hữu các vật phẩm hiếm.
Thế nhưng, chương trình lại gây phẫn nộ bằng tiêu đề “Chơi game quá đà, game thủ tiêu hết 200.000 Yên”. Ngay lập tức, rất nhiều game thủ đã tỏ ra bức xúc vì thực ra 200.000 Yên chỉ là một số tiền bình thường đối với một người có thu nhập ổn định tại Nhật Bản.
Đa số đều cho rằng chương trình đang có một cái nhìn vô cùng phiến diện và khiến xã hội có cái nhìn ác cảm về game thủ, bởi nếu số tiền đó chi vào để sưu tầm tem, mua áo quần hay cho một buổi đi chơi thì lại chẳng ai để ý. Họ nhấn mạnh rằng tiêu tiền thế nào là quyền tự do của mỗi người, miễn là số tiền ấy trong sạch do họ kiếm được.
“Những người không thích game sẽ cảm thấy nạp vào game 200.000 Yên là quá nhiều, những người không thích thời trang sẽ cảm thấy tiêu 200.000 Yên cho những bộ quần áo là quá nhiều, con người luôn không chịu hiểu tại sao người ta lại tiêu tiền cho những thứ bản thân mình không thấy hứng thú, chỉ cảm thấy như thế là quá lãng phí, nhưng tiêu tiền thế nào là tự do của mỗi người, chỉ cần vui vẻ là được.”
“Phải tiêu tiền mới thúc đẩy kinh tế được chứ.”
“Chẳng lẽ tiêu 200.000 Yên cho đam mê của mình là quá sao? Như thế là có vấn đề, có bệnh à? Nếu mà tiêu đúng số tiền này cho những sở thích như du lịch hay xe cộ thì chắc không bị nói thế này đâu nhỉ? Rõ ràng những sở thích ngoài game sẽ không bị nói thành một chứng bệnh tại sao chỉ đối xử như thế với một mình game chứ?”
Hiện tại, phía đại diện sản xuất của chương trình vẫn chưa có phản hồi chính thức về cơn bão phản đối trong cộng đồng game thủ đối với phóng sự trên trong khi gạch đá vẫn không ngừng gia tăng. Có lẽ, việc chơi game được hợp thực hoá là một trò giải trí lành mạnh bình thường và nhận được cái nhìn thấu hiểu của xã hội sẽ là một chuyện còn xa vời lắm.