Bài viết có tiết lộ một phần nội dung, cân nhắc trước khi đọc!
Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel chính là mùa đầu tiên trong chuỗi series về hiện trường vụ án, bộ phim tài liệu này được “nhào nặn” bởi Joe Berlinger - cha đẻ của bộ phim tài liệu Conversations With a Killer: The Ted Bundy Tapes(Trò Chuyện Với Kẻ Sát Nhân: Băng Ghi Âm Ted Bundy). Lấy cảm hứng từ vụ án mất tích bí ẩn của Elisa Lam, Netflix đã dựng nên bộ phim tài liệu này với quyết tâm tìm ra câu trả lời cho cái chết bí ẩn của cô gái xấu số, ngoài ra còn khai thác các khía cạnh lịch sử bí ẩn xoay quanh khách sạn Cecil.
Sau nhiều ngày tháng chờ đợi, cuối cùng thì seriesCrime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel (Hiện Trường Vụ Án: Vụ Mất Tích Tại Khách Sạn Cecil) đã công chiếu trên Netflix. Song hành cùng sự mong đợi của khán giả, liệu bộ phim tài liệu này có thực sự đáp ứng tốt như kỳ vọng hay chỉ là sự thổi phồng từ phía nhà sản xuất?
Tóm Tắt Vụ Án
Vào ngày 31 tháng 1 năm 2013, Elisa Lam, cô sinh viên 21 tuổi đến từ Canada, đã mất tích một cách đầy bí ẩn trong chuyến du lịch một mình quanh California. Cô đã ở tại khách sạn Cecil tọa lạc tại trung tâm thành phố Los Angeles vào thời điểm cô mất tích. Sau mọi nỗ lực tìm kiếm của cảnh sát, cuối cùng thi thể của Elisa cũng được tìm thấy tại bồn chứa nước ở tầng thượng của khách sạn Cecil.
Khi LAPD khét tiếng Hoa Kỳ còn phải chào thua thám tử mạng và… Youtuber
Bộ phim tài liệu này được dựng lại thông qua lời tự truyện của nhân vật Elisa Lam dựa trên các dòng blog được cô chia sẻ như nhật ký cá nhân thông qua mạng xã hội. Cũng như các bộ phim tài liệu khác, bộ phim đã tiến hành phỏng vấn các điều tra viên, giám đốc khách sạn, nhân viên, các du khách liên quan để có cái nhìn khách quan về vụ án. Tuy nhiên, sẽ không có gì đáng nói nếu như nhà sản xuất không mời các “thám tử mạng” và Youtuber vào phỏng vấn một cách quá chi tiết và không cần thiết. Nếu như trước đây, Netflix đã thành công với bộ phim tài liệu Don't F**k With Cats: Hunting an Internet Killer (Đừng Đùa Với Mèo: Săn Lùng Kẻ Sát Nhân Trên Mạng), trong đó các thám tử mạng đã góp phần phá án và tìm ra thủ phạm của một số tội ác rùng rợn thì đến với Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel, các vị thám tử mạng và đến cả Youtuber đã lần góp phần đưa ra các giả thuyết “sượng trân”, phi logic xoay quanh vụ án.
Từ cảnh sát, giám đốc khách sạn đến cả... Youtuber cũng được đưa vào phỏng vấn
Plot twist kịch tính như phim kinh dị: Từ truyền thuyết đô thị ma ám đến gián điệp chính trị
Thông qua các màn phỏng vấn với các bên liên quan, bộ phim tài liệu đã mang đến những giả thuyết mở khác nhau ở các tập đầu để các “thám tử màn ảnh” suy luận. Các thuyết âm mưu lần lượt được đưa ra dựa theo bối cảnh của các hiện trường xung quanh vụ án, mở đầu là khách sạn bí ẩn Cecil và khu ổ chuột xập xệ Skid Row. Lịch sử và những truyền thuyết đô thị đầy rùng rợn, bí ẩn về quá khứ đen tối của khách sạn Cecil cũng được bật mí thông qua 2 tập đầu của bộ phim. Tiếp đến là bí ẩn xoay quanh giả thuyết chiếc thang máy ma ám tất nhiên cũng được mang vào bộ phim, thế nhưng đoạn video hiện trường về chiếc thang máy lại được “xào đi xào lại” trong bộ phim quá nhiều, chắc phải chiếm sóng đến hơn nửa bộ phim. Tuy nhiên là sau đó giả thuyết này đã được giải thích một cách có khoa học và bớt xa rời thực tế hơn!
Thước phim cuối cùng của Elisa được tìm thấy tại khách sạn Cecil
Vẻ ngoài bí ẩn ma mị của Cecil Hotel
Một bộ phim tài liệu dài đến tận 4 tiếng, nhưng các thuyết âm mưu bên đoàn làm phim đưa ra lại quá chủ quan, phi logic, khó hiểu nhất là thuyết âm mưu gián điệp chính trị của Elisa Lam
Điểm trừ của Crime Scene: Thiếu tinh tế trong việc sử dụng tư liệu từ đời tư cá nhân
Nếu như bộ phim tài liệu American Murder: The Family Next Door (Án Mạng Trong Căn Nhà Hàng Xóm) đã sử dụng khéo léo tư liệu từ trang mạng xã hội để “vạch mặt” sát nhân và trả lại tiếng nói cho nạn nhân. Qua đến Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel, dường như đội ngũ sản xuất đã cho thấy sự non nớt phản chiếu qua việc lạm dụng các tư liệu trên trang blog Tumblr của Elisa Lam để đào sâu hơn vào sự riêng tư và nỗi đau của gia đình cô. Bên cạnh đó, nhà sản xuất còn đưa cả các nhà tâm lý học vào phim để tiến hành “phân tích tâm lý” Elisa Lam với những phỏng đoán hết sức thiếu tinh tế và khó hiểu. Trái lại, nếu như đi theo mô típ phỏng vấn bạn bè và gia đình của cô như các bộ phim tài liệu khác thì có phải phần nào sẽ làm sáng tỏ được tâm lý Elisa Lam hơn không?
Hồi chuông cảnh tỉnh về loại độc dược mang tên “trầm cảm”
Nửa sau của bộ phim mới là thước phim đáng giá và thấm thía nhất, và là giả thuyết hợp lý cho câu hỏi mà khán giả đang tìm kiếm bấy lâu. Bên cạnh đó, điểm sáng của bộ phim này là mang đến khán giả cái nhìn khác hơn về sức khỏe tâm thần, và là hồi chuông cảnh tỉnh không nên xem nhẹ các căn bệnh này! Ngoài ra, bộ phim tài liệu này còn khai thác tốt các khía cạnh về bối cảnh lịch sử, văn hoá xoay quanh hiện trường vụ án Cecil Hotel. Nếu Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel thực hiện khéo léo hơn về các phân cảnh tâm lý của nhân vật thay vì lựa chọn đưa ra quá nhiều tình tiết thừa và phi logic, thì chắc hẳn mùa đầu tiên của series này sẽ tuyệt vời hơn cả!
Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel hiện đang khởi chiếu trên Netflix.
Nguồn ảnh: Netflix, Tổng hợp