Cú lội ngược dòng nào cho phim Việt?

Trong ba tháng cuối năm, điện ảnh Việt chào đón nhiều tác phẩm kinh dị. Tuy nhiên, đây không phải công thức làm phim có thể dễ dàng thu về trăm tỷ từ phòng vé.

Ngày 30/9, bộ phim Mười: Lời Nguyền Trở Lại - tác phẩm tiếp theo thuộc thương hiệu kinh dị Mười, với sự góp mặt của Chi Pu, Rima Thanh Vy, Hồng Ánh... trong các vai chính, đã chính thức ra rạp. Sau ngày khởi chiếu, doanh thu của phim đang ở mức 3,4 tỷ đồng (theo Box Office Vietnam). Đây chỉ là một trong số 5 tác phẩm điện ảnh Việt Nam ra mắt khán giả trong những tháng cuối năm.

Chín tháng đầu năm 2022 là một giai đoạn ảm đạm của điện ảnh Việt. Liệu trong ba tháng ngắn ngủi còn lại, điện ảnh Việt có kịp tạo ra một cú lội ngược dòng bằng phim doanh thu trăm tỷ? Chùm tác phẩm thuộc thể loại giật gân, kinh dị của Việt Nam có thể cạnh tranh với những bom tấn Hollywood như Black Adam hay Black Panther: Wakanda Forever?

Cú lội ngược dòng nào cho phim Việt? - Ảnh 1.

Phim hồn ma, xác sống, quái vật, sát nhân tâm thần… nô nức ra rạp

Theo thống kê trên trang Moveek, trong năm 2022, điện ảnh Việt có 34 phim ra rạp. Nếu không tính Trạng Tí Phiêu Lưu Ký là phim ra mắt từ năm 2021 được tái phát hành, và Trịnh Công Sơn được quảng cáo là "góc nhìn khác" của Em Và Trịnh, con số chỉ còn 32 tác phẩm. Trong đó, có 11 tác phẩm được gắn nhãn "kinh dị" trong thể loại - chiếm 35%. Con số ngang ngửa lượng tác phẩm thể loại tình cảm - hài luôn được coi là dòng phim chủ đạo của phòng vé.

Hồi đầu năm, mùa phim Tết từng chứng kiến màn lội ngược dòng ấn tượng của tựa phim kinh dị Chuyện Ma Gần Nhà trong cuộc cạnh tranh với phim hài Chìa Khóa Trăm TỷBẫy Ngọt Ngào thuộc thể loại chính kịch. Kết thúc mùa phim Tết, Chuyện Ma Gần Nhà cán đích ở vị trí thứ ba với 58,8 tỷ đồng - không hề kém cạnh Bẫy Ngọt Ngào ở vị trí thứ nhất với 83,2 tỷ đồng. Ngoài Chuyện Ma Gần Nhà, mùa phim Tết 2022 cũng có sự góp mặt của một phim kinh dị khác là Nhà Không Bán, thu về hơn 26 tỷ đồng khi ra rạp.

Cú lội ngược dòng nào cho phim Việt? - Ảnh 2.

Hiệu ứng truyền miệng giúp Chuyện Ma Gần Nhà bứt tốc tại phòng vé Tết 2022. Tuy nhiên, phim cũng vấp phải nhiều bình luận trái chiều xung quanh cách PR cũng như chất lượng nội dung

6 tháng cuối năm 2022 có thể coi là vô tiền khoáng hậu với thị trường điện ảnh Việt khi có 8/14 bộ phim ra rạp thuộc thể loại kinh dị. Tiếp thục thu hẹp phạm vi tới bốn tháng cuối năm, ngoại trừ Cô Gái Từ Quá Khứ, cả sáu tác phẩm còn lại - gồm: Cù Lao Xác Sống, Trò Chơi Tử Thần, Mười: Lời Nguyền Trở Lại, Đảo Độc Đắc - Tử Mẫu Thiên Linh Cái, Virus Cuồng LoạnHạnh Phúc Máu - đều là những cốt truyện có sự xuất hiện của ma quỷ, xác sống.

Trong chùm phim, Cù Lao Xác Sống gây chú ý khi là phim đầu tiên khai thác đề tài xác sống của Việt Nam được cấp phép phát hành tại rạp; Mười: Lời Nguyền Trở Lại Đảo Độc Đắc - Tử Mẫu Thiên Linh Cái đều là phần phim tiếp theo của một thương hiệu kinh dị gây chú ý trước đó (MườiThiên Linh Cái). Không được liệt kê vào thể loại kinh dị, nhưng Cô Gái Từ Quá Khứ (có kết nối tình tiết với loạt Gái Già Lắm Chiêu) cũng được kỳ vọng sẽ hòa vào dòng chảy kinh dị, giật gân trên màn ảnh Việt những tháng cuối năm với đoạn teaser rùng rợn, đen tối.

Cú lội ngược dòng nào cho phim Việt? - Ảnh 3.

Cù Lao Xác Sống hứng chịu sự chê cười của khán giả khi ra rạp vì kịch bản ngô nghê, nhiều tình tiết vô lý, sến súa

Tại sao phải là phim kinh dị?

Chia sẻ với chúng tôi, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm phân tích, đặc thù của dòng kinh dị là những tác phẩm được đầu tư kinh phí thấp, nhưng sẽ thu về lợi nhuận gấp hàng chục lần nếu tìm ra đúng ý tưởng khơi gợi trí tò mò, thích thú của khán giả. Lý giải về việc các phim kinh dị Việt Nam ồ ạt ra rạp thời gian qua, vị chuyên gia cho rằng đây là kết quả bị chi phối bởi nhiều yếu tố.

"Theo tôi, việc các bộ phim kinh dị chỉ tốn chi phí sản xuất thấp nhưng thu về lợi nhuận cao là yếu tố đầu tiên. Đặc điểm này phù hợp với thị trường điện ảnh Việt Nam nơi các dự án phim vẫn đang được đầu tư kinh phí khá thấp. Bên cạnh đó, doanh thu phòng vé khả quan, thậm chí cao của Nhà Không Bán, Chuyện Ma Gần Nhà hay Bóng Đè phát hành hồi đầu năm cũng khuyến khích các nhà đầu tư, nhà làm phim và nhà phát hành hùa theo vì mục tiêu lợi nhuận", ông Lê Hồng Lâm chia sẻ.

Cú lội ngược dòng nào cho phim Việt? - Ảnh 4.

Bóng Đè tệ về cả nội dung lẫn kỹ xảo hình ảnh nhưng vẫn thu tới gần 40 tỷ đồng tại phòng vé

Trước Mười: Lời Nguyền Trở Lại, thị trường điện ảnh 2022 đã chào đón 7 bộ phim kinh dị Việt Nam ra mắt. Trong đó: Nhà Không Bán thu 26 tỷ đồng, Chuyện Ma Gần Nhà đạt doanh thu cao nhất với 58,8 tỷ đồng, Người Lắng Nghe kiếm 2,2 tỷ đồng, Bóng Đè thu gần 40 tỷ đồng, Vô Diện Sát Nhân thu hơn 4 tỷ đồng, Cù Lao Xác Sống thu 12 tỷ và Trò Chơi Tử Thần mới thu 560 triệu đồng. Có thể thấy, thành công phòng vé của Chuyện Ma Gần Nhà đã không thể ngăn cản đồ thị doanh thu của chùm phim kinh dị Việt khỏi trượt dốc trong các quý tiếp theo.

Nhận xét chung về chất lượng các bộ phim kinh dị ra mắt trong năm 2022, nhà phê bình đánh giá chúng chỉ ở mức trung bình, chưa có tác phẩm thực sự chỉn chu về nội dung hay bứt phá trong ý tưởng. Theo ông: "Điểm yếu cố hữu của các bộ phim kinh dị vẫn là kịch bản. Chúng đặt ra nhiều vấn đề, nhưng đều giải quyết chưa tới. Câu chuyện nhìn chung đều nông và hời hợt, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là yêu đương, ghen tuông, người thứ ba… - những đề tài thường chỉ sinh ra để phục vụ khán giả truyền hình. Vô hình trung, chúng khiến khán giả chưa thỏa mãn, và dần mất niềm tin vào phim Việt".

Cú lội ngược dòng nào cho phim Việt? - Ảnh 5.

Mười: Lời Nguyền Trở Lại vẫn mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn ghen tuông, trả thù được thiết lập từ phần phim đầu tiên

Năm 2022, sau thời gian dài liên tiếp bỏ tiền ra rạp để xem chuỗi phim "made in Vietnam" không mấy ấn tượng, đặc biệt các phẩm thể loại kinh dị, khán giả đang trở nên khắt khe, và cảnh giác hơn với những tựa phim mới. Tình huống này tạo ra áp lực lớn với các nhà phát hành khi chùm phim Việt ra mắt trong ba tháng cuối năm đều thuộc thể loại giật gân, kinh dị - một xu hướng đã sớm thoái trào từ sau Bóng Đè phát hành hồi giữa tháng 3.

Nói cách khác, cơ hội để phim Việt có cú lội ngược dòng trong những tháng cuối năm rất mong manh. Lựa chọn phim nội địa của khán giả trước mắt khá nghèo nàn về thể thoại khi tính đến hết tháng 11, rạp chỉ có phim giật gân và kinh dị. Hiện tại, Chuyện Ma Gần Nhà đang là phim kinh dị có doanh thu cao nhất 2022, nhưng chưa thể cán mốc 60 tỷ đồng. Ta có thể lạc quan tin vào khả năng một bộ phim kinh dị sắp ra mắt trong thời gian tới có thể đạt hoặc vượt con số này, nhưng để tạo ra một bom tấn 100 tỷ đồng doanh thu là hoàn toàn bất khả thi.

Cú lội ngược dòng nào cho phim Việt? - Ảnh 6.

Đảo Độc Đắc - Tử Mẫu Thiên Linh Cái có liên hệ với tác phẩm kinh dị Thất Sơn Tâm Linh (2019)

Phim kinh dị Việt liệu có cửa thắng tại phòng vé cuối năm?

Trên bảng xếp hạng doanh thu phim Việt của Wikipedia, danh hiệu tác phẩm kinh dị có doanh thu cao nhất hiện thuộc về Lật Mặt: Nhà Có Khách (2019) của Lý Hải với 117,5 tỷ. Tuy nhiên, đây là bộ phim kết hợp thể loại kinh dị với hài kịch, trong đó hài kịch chiếm ưu thế. Phim cũng thuộc về một thương hiệu điện ảnh nhiều phần đã gây tiếng vang với khán giả từ nhiều năm trước đó.

Tuy nhiên, từ những thông tin đã được phía nhà phát hành tiết lộ, chùm phim Việt ra mắt cuối năm nay dường như không dành nhiều đất cho thể loại hài kịch. Mười: Lời Nguyền Trở Lại, Cô Gái Từ Quá Khứ hay Đảo Độc Đắc - Tử Mẫu Thiên Linh Cái đang giành lợi thế trên đường đua khi có thể coi như phần hậu truyện của một phim điện ảnh đã ra mắt trước đó. Tuy nhiên, Mười (2007) đã ra mắt từ 15 năm trước; Thiên Linh Cái phải đổi tên thành Thất Sơn Tâm Linh và trải qua nhiều lần chỉnh sửa nội dung để được phát hành, còn Gái Già Lắm Chiêu lại thuộc thể loại tình cảm - hài.

Cú lội ngược dòng nào cho phim Việt? - Ảnh 7.

Cô Gái Từ Quá Khứ là cú "bẻ lái" về thể loại đến từ Bảo Nhân và Nam Cito

Theo chia sẻ của ông Lê Hồng Lâm, việc chùm phim kinh dị kể trên có kịch bản kết nối với một tác phẩm điện ảnh có tiếng tăm trước đó cho thấy các nhà làm phim đã nắm bắt và theo kịp xu hướng làm phim tiền truyện, hậu truyện, ngoại truyện… của các thương hiệu điện ảnh được các nền điện ảnh lớn ưa chuộng nhiều năm qua.

Chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại đây mới chỉ là sự bắt kịp xu hướng về bề nổi thay vì bản chất vấn đề. Ông nói: "Các nhà làm phim Việt Nam đang nắm bắt rất nhanh xu hướng làm phim franchise. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự theo kịp trên bề nổi. Điện ảnh Việt chưa có một đội ngũ các nhà sáng tạo đủ tay nghề để phát triển một tác phẩm thành thương hiệu điện ảnh có thể khiến khán giả tò mò muốn xem và sẵn sàng chờ đợi".

Ảnh: Mar6, Silver Moonlight, ProductionQ...