Vào trưa ngày 21/9, buổi họp báo với chủ đề "Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu COVID-19" đã được tổ chức với sự góp mặt của đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng hàng loạt đạo diễn, ekip phim nổi tiếng. Sự kiện là dịp để các nhà làm phim chia sẻ góc nhìn về quá trình sản xuất, cũng như bàn luận, đưa ra những giải pháp kích cầu, thu hút khán giả trở lại rạp sau thời gian dài nghỉ dịch.
Buổi họp báo với chủ đề "Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu COVID-19" diễn ra vào ngày 21/9
Ở buổi họp báo, ông Tạ Quang Đông - Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc khi nhiều dự án phim phải tạm hoãn hay giảm tiến độ trong thời gian giãn cách xã hội. Thậm chí, các ekip phải "sống chung với dịch", tìm biện pháp đảm bảo an toàn môi trường làm việc hoặc ít nhất là tiến hành khâu chuẩn bị trang thiết bị, khảo sát bối cảnh trước và giảm thiểu tập trung đông người.
Ông Tạ Quang Đông - Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
"Không có các bom tấn nước ngoài, việc thu hút sự chú ý của khán giả đối với rạp phim khiến doanh thu tụt dốc đáng kể. Hệ thống rạp giảm sút buộc nhiều nơi phải cắt giảm nhân viên, thậm chí đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Ngay cả khi đã triển khai nhiều biện pháp và mở cửa các rạp từ tháng 5/2020, lượng khán giả đến xem phim và doanh thu chỉ đạt gần 25% so với cùng kỳ năm trước." - ông Tạ Quang Đông nói thêm.
Mặt khác, ông ghi nhận nỗ lực giữ lửa đam mê của nghệ sĩ, diễn viên và các ekip phim Việt. Ông khẳng định đây là thời điểm để các đoàn phim trau chuốt kịch bản, tăng cường đầu tư phần hậu kỳ, nâng cao chất lượng tác phẩm. Đồng thời, ngành điện ảnh cũng cần dựa trên xu hướng, cách thức giải trí của khán giả để nắm bắt, tiếp cận thị trường nhằm chọn lịch ra mắt phim phù hợp.
Đây là thời điểm để các ekip trau chuốt lại các dự án, chờ đợi đến ngày ra rạp thật bùng nổ
Thứ Trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng bày tỏ lòng cảm kích khi các rạp phim lớn của Việt Nam đã cùng ngồi lại, tìm giải pháp đưa phim Việt trở lại trong thời gian tới. Ông chia sẻ: "Thị trường Việt Nam đang trên lộ trình hình thành nền công nghiệp. Cơ hội để phim Việt lấy lại thị trường chỉ mới bắt đầu những năm gần đây. Quy mô nền điện ảnh vẫn còn hạn chế so với dân số, tiềm năng và các nước trong khu vực. Giờ đây, khi đại dịch đang dần được khống chế, thị trường điện ảnh đang dần được khôi phục, các dịch vụ phim ảnh đã mở cửa trở lại".
"Để thị trường phim Việt khôi phục lại trạng thái ban đầu, chúng ta đang rất cần sự chung tay góp sức của các ban ngành và nhà sản xuất, phát hành phim. Đặc biệt là ở bối cảnh bom tấn nước ngoài đang vắng mặt, đây là THỜI ĐIỂM VÀNG cho nền điện ảnh Việt Nam. Tôi kêu gọi các đơn vị phát hành phân bổ lịch hợp lý, tránh để các phim Việt cạnh tranh lẫn nhau trong cùng thời điểm hay đối đầu trực tiếp với bom tấn ngoại. Ngoài ra, nên thúc đẩy quảng cáo, tăng suất chiếu cho phim Việt nhất là ở các khung giờ vàng." - ông nhấn mạnh. Cuối cùng, ông Tạ Quang Đông tin tưởng rằng với những chương trình ưu đãi và lòng nhiệt thành của khán giả, ngành phim Việt sẽ vững vàng vượt qua mọi thách thức trong giai đoạn hiện tại và sắp tới.
Những bộ phim giải cứu phòng vé hiện tại đều là phim nội địa chứ không phải bom tấn nước ngoài. Ở thị trường Hàn Quốc, bộ phim Ác Quỷ Đối Đầu (Deliver Us From Evil) vượt mặt một số siêu phẩm ngoại quốc như TENET ở cuộc đua phòng vé. Trong khi đó, bộ phim Bát Bách (The Eight Hundred) được xem là cứu tinh của điện ảnh Trung Quốc
Tại buổi toạ đàm, báo chí cũng được công bố một số kết quả khảo sát lẫn các con số thị trường đầy hứa hẹn về phòng vé và cơ hội cho phim Việt. Đến năm 2025, điện ảnh Việt sẽ có vị trí cao trên bản đồ thế giới với ước tính 125 triệu lượt khán giả đến rạp, 50% thị phần là đến từ phim Việt Nam.
Theo khảo sát từ năm 1979 đến 2019, độ tuổi vàng về lao động và nhu cầu giải trí của Việt Nam đã tăng mạnh. Ngoài ra, độ tuổi này chiếm gần 75% tổng dân số, dẫn đến cơ hội màu mỡ để các ngành giải trí, đặc biệt là điện ảnh, phát huy tiềm năng của mình. Lứa tuổi mê phim đa phần là đối tượng dưới 34 tuổi (chiếm 90% thị phần), trong đó khán giả dưới 29 tuổi chiếm tận 80%. Đây là độ tuổi trẻ hơn rất nhiều so với các thị trường trong khu vực và trên thế giới, và Việt Nam có dư sức phát triển ngành điện ảnh khi độ tuổi khán giả có thói quen xem phim.
Khán giả trẻ dưới 30 tuổi là đối tượng chính giúp ngành điện ảnh Việt "thắng đậm"
Dần dà, các sản phẩm phim Việt được khán giả trong nước ưu ái hơn, từ đó lọt top dự án được mong chờ nhất. Vào năm 2019, các phim như Mắt Biếc, Hai Phượng, Lật Mặt: Nhà Có Khách, Trạng Quỳnh,... đều nhận được tình cảm của khán giả, đồng thời chiếm sóng cả top 10 phim có doanh thu cao nhất năm.
Bước sang nửa đầu năm 2020, thông qua khảo sát gần 11.000 người, các tựa phim nội địa như Ròm, Lật Mặt 5, Nắng 3, Tiệc Trăng Máu, Chị Mười Ba phần 2,... đều được nhắc đến bên cạnh nhiều bom tấn nước ngoài nổi tiếng. Có thể thấy, cuộc đua phim Việt đang dần tăng tốc không hề thua kém "lực lượng" dự án ngoại quốc.
Số lượng rạp phim của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm (2014-2019) cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể từ 65 đến 206 rạp với hơn 1.000 màn hình, con số tương đương với các nước trong khu vực. Từ đó, các nhà phát hành phim hi vọng đến năm 2024, cả nước sẽ đạt 1.500 màn hình, nâng hệ số phòng chiếu lên 17 màn hình/1 triệu dân. Ngoài ra, phía rạp cũng dự đoán với tốc độ phát triển doanh thu và lượt xem như hiện tại, đến năm 2024 ngành phim Việt sẽ dễ dàng chạm mốc 100 triệu lượt người đến rạp và 300 triệu đô doanh thu. Buổi toạ đàm cũng cho biết, các nhà phát hành phim cũng đang đẩy mạnh phát triển hệ thống rạp chiếu về các tỉnh. Kết quả là đến năm 2020, số lượng rạp chiếu tại các tỉnh đã tăng mạnh, không còn bị hạn chế như 3 năm về trước.
Các rạp phim đang được mở nhiều hơn ở khu vực tỉnh
Một phép so sánh trong khu vực châu Á cũng được đưa ra, cho thấy với dân số 100 triệu, Việt Nam lại có vẻ “yếu thế” hơn so với các nước bạn. Bằng chứng là doanh thu phòng vé năm 2018 của nước ta chỉ có 143 triệu đô, trong khi Thái Lan - với dân số khoảng 70 triệu - lại đạt đến 164 triệu đô. Cũng trong năm 2018, ta có tổng lượt người xem là 47 triệu, hơn hẳn Đài Loan nhưng nếu so về doanh thu thì lại kém hơn một nửa (Đài Loan: 314 triệu đô).
Lý do được đưa ra là giá vé trung bình của ta thấp so với các nước như Đài Loan, Hong Kong hay Singapore. Thế nhưng, Việt Nam có thế mạnh ở thị phần phim nội địa với mức doanh thu chiếm 23 - 30%. Nước ta và Indonesia hiện được cho là hai quốc gia tiềm năng nhất của khu vực trong việc phát triển kho tàng phim trong nước.
Thái Lan có doanh thu cao hơn dù dân số không nhiều như Việt Nam
Sắp tới, việc đạt con số người xem ở cán mốc 150 hay 160 triệu có thể giúp đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia có lượt khán giả đến rạp nhiều nhất thế giới. Xét trường hợp của Brazil đang đứng hạng 10 với 161 triệu lượt, tốc độ phát triển tại nước này hay một số cường quốc như Pháp hay Nhật Bản đang “giậm chân tại chỗ” hoặc có dấu hiệu đi xuống. Điều đó tạo điều kiện cho Việt Nam - một thị trường đang phát triển - có thể vươn lên những vị trí cao trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Việt Nam có đủ sức để đưa thị trường điện ảnh của mình lên "sàn đấu" quốc tế
Với các phân tích trên, thời điểm sắp tới là cơ hội vàng cho thị trường phim nội địa, giúp các bom tấn Việt có thời cơ mang về thành công lớn và hồi phục hệ thống rạp chiếu trong nước, mang đến cho khán giả trải nghiệm điện ảnh hấp dẫn và chất lượng sau mùa dịch.
Một số hình ảnh khách mời tại buổi toạ đàm diễn ra vào ngày 21/9:
Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng đại diện các nhà phát hành và cụm rạp chiếu phim
Diễn viên, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh
Diễn viên, nhà sản xuất, đạo diễn Hồng Ánh
Diễn viên Lãnh Thanh
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh
Đạo diễn Luk Vân
Đạo diễn Charlie Nguyễn
Cặp đôi đạo diễn, nhà sản xuất Lý Hải - Minh Hà
Nhà sản xuất Vũ Quỳnh Hà và nhà sản xuất, đạo diễn Trần Khánh Tân
Phan Gia Nhật Linh chia sẻ tại buổi toạ đàm
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Nội dung CJ CGV Việt Nam
Các diễn viên, đạo diễn và ekip phim góp mặt đông đủ tại sự kiện quan trọng
Nguồn tin và ảnh: Tổng hợp