Không còn là một series phim với những câu chuyện riêng lẻ trong mỗi tập,Girl From Nowhere (Cô Gái Đến Từ Hư Vô) mùa 2 với thời lượng chỉ vỏn vẹn 8 tập là một tổng thể có liên kết chặt chẽ nhờ sự xuất hiện của một nhân vật xuyên suốt mới: Yuri (Nink Chanya McClory). Nhân vật này xuất hiện thoáng qua ở hai tập đầu tiên, đến tập thứ ba mới trực tiếp can thiệp vào công việc của Nanno (Kitty Chicha) và có một tập phim riêng (tập 4) để lý giải về nguồn gốc xuất hiện của mình. Bản thân là một người thường mang trong mình đầy thù hận, nhờ vô tình uống máu của Nanno mà trở nên bất tử, Yuri suốt nửa sau của bộ phim liên tục đeo bám và thúc đẩy quá trình trừng phạt kẻ ác của Nanno theo một cách thức nhanh chóng, tiêu cực hơn. Khán giả có thể cảm nhận rõ nét sự khác nhau trong việc phán xét, trừng trị kẻ ác của Nanno và Yuri nhưng sau cùng ai mới là người tàn nhẫn hơn, đủ tư cách để phán xét hơn thì vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Nanno - Khi cái chết không phải bản án nặng nề nhất
Không một ai, kể cả khán giả, biết Nanno thực sự là ai, ngoài việc tên của cô trong tiếng Thái có nghĩa là “con gái của quỷ thần”. Ngay từ tập đầu tiên của mùa 1, Nanno đã đóng vai trò là người thúc đẩy những điều xấu xa nhất trong bản chất con người bộc lộ ra ngoài. Nanno khi là nạn nhân, lúc lại là nguồn cơn của tội ác, điều này đồng nghĩa với việc Nanno thôi thúc phần "con" trong mỗi người, những ai không đủ lương thiện để kìm hãm nó thì tất cả những cảm xúc tiêu cực, từ ham muốn nhục dục, lòng ganh ghét, đố kị đến sự tự ti thái quá đều sẽ bị phô bày trước mắt Nanno. Nanno không có nghĩa là cái ác, cũng không có vai trò khơi gợi cái ác bởi tất cả những người cô tiếp cận đều có sẵn cái ác trong người, chỉ là khi đối diện với Nanno, phần bản năng đó sẽ được thể hiện ở một phương diện rõ nét nhất, cần tiêu diệt nhất.
Nanno có rất nhiều cách thức để đày đọa kẻ có-vấn-đề, tuy nhiên cô rất ít khi sử dụng đến cái chết bởi dường như Nanno luôn muốn mở ra cho con người một đường lui hoặc đôi khi với Nanno, chết không phải cái giá đắt nhất mà con người ta phải trả. Ở tập mở màn của cả series phim, gã thầy giáo chuyên lạm dụng tình dục học sinh đã phải chứng kiến đứa con chưa đủ tuổi vị thành niên của mình đi quá giới hạn với bạn trai và rồi lại phải thấy con bị xe tông chết. Đây cũng là tập phim hiếm hoi mà Nanno sử dụng đến cái chết để đày đọa nhân vật, tuy nhiên lại không phải cái chết của kẻ có-vấn-đề.
Nanno giống như một người gỡ rối một cuộn dây với cách thức gỡ vô cùng ám ảnh, thậm chí thiếu nhân tính. Cô sẽ khiến kẻ có suy nghĩ lệch lạc phải trải nghiệm tất cả những cảm giác tương tự việc mình đã gây ra hoặc đau đớn hơn để kẻ đó tỉnh ngộ hoặc sống trong sự ám ảnh. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở tập Những Lời Xin Lỗi, Bức Tường Kì Diệu, Mãi Mãi Là Bạn Thân của mùa 1, tập 1 - 3 - 5 của mùa 2 (tuy nhiên tập 3 và tập 5 này có sự can thiệp của một nhân vật khác nên kết cục bị thay đổi).
Nhiều người cho rằng Nanno đang cố gắng gỡ dây và mở ra cho kẻ ác một lối đi mới nhưng đôi khi lối đi đó còn kinh hoàng hơn cái chết. Như câu chuyện ở Bức Tường Diệu Kỳ, kẻ đố kị cuối cùng phải chịu kết cục sống trong thế giới không còn một bóng người, nơi không còn một ai để cô đố kị, ganh ghét hay chịu trách nhiệm cho những việc mà mình đã khơi mào. Hay tập Mãi Mãi Là Bạn Thân, Nanno đẩy những người bạn học cũ của mình vào thảm cảnh khi tất cả những mặt xấu xa nhất đều bị lộ tẩy, họ cũng phải chém giết lẫn nhau để giành lấy thuốc giải rồi giết bạn, uống máu với hi vọng được sống. Tuy cuối cùng tất cả chỉ là một giấc mơ, không một ai trong lớp bị tổn hại hay phải chết nhưng tất cả đều nhớ rõ nét giấc mơ ấy và nhìn thấy tất thảy bản chất của những người mà mình từng xem trọng.
Tập mở đầu của mùa 2 - Có Thai - cũng là tập phim tạo được hiệu ứng tốt nhất trên mạng xã hội của mùa phim này, một lần nữa cho thấy rõ nét cách thức để khiến con người trả giá của Nanno. Nanai từ một nam thần học đường có sở thích “ăn ốc né vỏ” chỉ sau một lần quan hệ với Nanno, bỗng dưng lại trở thành mẹ bỉm, có bầu, sinh con, thậm chí còn tự biết cho con bú. Không phải cái chết hay chịu trách nhiệm cho hằng hà sa số những cô gái đã từng bị mình coi như công cụ thỏa mãn nhục dục, Nanai phải tự mình trải nghiệm cảm giác của một nạn nhân. Cậu phải hoảng sợ khi biết tin mình có bầu, đau đớn tìm cách phá bỏ đứa nhỏ, bị Nanno rũ bỏ trách nhiệm và hiểu cảm giác của một “người mẹ”.
Cách khiến con người trả giá của Nanno khiến khán giả khó phân định được rằng nó là tàn ác hay nhân văn. Cô thường tự mình sắm vai nạn nhân, để kẻ ác đày đọa, cưỡng bức, thậm chí là đoạt mạng mình vô số lần và sau đó là trở lại trả thù.
Yuri lại khác…
Yuri theo chân Nanno ngay từ tập đầu tiên nhưng chỉ đến tập 3 mới thực sự thể hiện quyền năng của mình. Nếu gọi Nanno là người gỡ rối sợi dây thì Yuri sẽ là người cắt đứt hoặc đốt luôn sợi dây đó. Cô luôn phàn nàn rằng Nanno quá lằng nhằng, chậm chạp và với tâm lý của một kẻ từng là nạn nhân, từng sử dụng cái chết để báo thù, Yuri dường như đang cho rằng đoạt mạng là cách thức tàn độc nhất khiến kẻ ác trả giá.
Không ai chắc chắn việc Yuri trở nên bất tử có nằm trong tính toán của Nanno hay không, hay đó chỉ là một sự cố. Nhưng có vẻ tất cả đều nằm trong tính toán vì nếu uống máu Nanno sẽ trở nên bất tử thì Yuri không phải người duy nhất (một nam sinh trong tập 6 của mùa 2 vô tình ăn chiếc kem có dính máu của Nanno). Rất có thể Yuri chỉ là một thử nghiệm của Nanno, rằng nếu để người thường tự tay thực thi công lý thì cái kết sẽ ra sao. Đúng như câu hỏi ở cuối mùa 2, phân đoạn mà nhiều khán giả cho rằng Nanno đã thực sự chết sau những sai lầm của mình: “Một thế giới tự do tuyệt đối, nơi mà người ta tự tay thực thi công lý. Liệu thế giới vẫn cần Nanno sau chuyện này chứ?”.
Bỏ qua giả thuyết Yuri là một phép thử của Nanno thì cách thức để trừng phạt kẻ ác của Yuri khác hoàn toàn với Nanno. Trong cả mùa 2, có 3 lần cô can thiệp sâu vào công việc của Nanno và hai lần khiến đại kết cục thay đổi hoàn toàn. Lần đầu tiên là ở tập Minnie Và Bốn Thi Thể, với việc gây ra cái chết thương tâm cho 4 người bạn và dùng tiền để lách luật, Minnie đã bị Nanno cho trải nghiệm cái chết 3 lần, mỗi lần lại đến từ một đối tượng khác nhau: cư dân mạng, người nhà nạn nhân và chính bố Minnie. Có lẽ Minnie sẽ còn phải trải nghiệm cái chết thêm một lần nữa bằng chính việc sống tiếp để trả giá nhưng Yuri đã xuất hiện, thúc đẩy khiến cái chết thứ tư được hiểu theo nghĩa đen, khi Minnie reo mình tự tử.
Trong tập 5 - SOTUS, Kaye - một đàn anh cuối cấp từng bị đày đọa bởi Sotus (hình thức nhập môn dành cho những học sinh/ sinh viên năm nhất chập chững vào trường) đã đem chính những nỗi đau mình từng trải qua đổ lên người những học sinh mới, thậm chí là đánh chết Nanno đã bị Nanno cho nếm trải cảm giác đau khổ thêm một lần nữa. Kaye bị đánh đập, đổ oan, phải hành lễ với một con chó nhưng Nanno không có ý giết Kaye, cô muốn Kaye trả giá bằng cách trải nghiệm tất cả những gì mình từng reo rắc lên người khác. Và rõ ràng với cách thức có phần tàn nhẫn này, Kaye đã nhận ra lỗi lầm của mình nhưng Yuri không muốn mọi việc kết thúc ở đó, cô xuất hiện và dồn Kaye vào bước đường cùng - cái chết.
Yuri luôn muốn cái chết và nghĩ rằng cái chết là cảnh giới cao nhất của sự trả giá. Ngay cả ở tập cuối của mùa 2, cô cũng thúc đẩy để Junko tự tay giết mẹ mình. Nanno là quỷ thần nhưng dường như cô lại có tính người, Yuri là người thường nhưng với nỗi thù hận quá lớn, cô đã để con quỷ ngự trị bản thân mình. Nhưng khách quan mà nói, cách thức thực thi công lý của Yuri chưa chắc đã tàn ác bằng Nanno. Yuri không nghĩ được xa, với cô cái chết là sự trả giá đắt nhất nhưng rõ ràng sự thật không phải vậy. Một người cha bệnh hoạn phải sống tiếp sau khi tự tay đẩy con mình vào đường chết, một kẻ đố kị phải sống tiếp trong thế giới không còn một ai tồn tại, một nam thần chuyên hại đời con gái phải sống tiếp và trải nghiệm tất thảy những cảm giác mình đã từng gây ra với các nạn nhân, một kẻ ham mê sự nổi tiếng phải sống tiếp cùng sự áp đặt của chính những fan hâm mộ trên mạng xã hội,... Những sự trả giá này không phải còn đắt giá hơn cái chết sao?
Nhưng rốt cuộc ai mới là kẻ được quyền phán xét những tội lỗi?
Trong khi Yuri là người thường, là nạn nhân thì Nanno tạm được cho là quỷ thần, hai thực thể đại diện cho những kiểu công lý khác nhau và cũng thật khó để đánh giá đâu là kiểu công lý đích đáng nhất. Nhưng vấn đề đặt ra là giữa Nanno và Yuri, giữa nạn nhân và kẻ thúc đẩy tội ác, ai mới là thực thể đủ tư cách để phán xét tội lỗi, thực thi công lý. Nanno mùa 1 gần như không bao giờ sai, mùa 2 lại khác, cô phạm sai lầm lớn tới độ khiến cho chính bản thân mình mất đi khả năng phục hồi, thậm chí còn có dấu hiệu trở lại làm một người bình thường. Điều này thể hiện rõ nét ở tập 7 - JennyX và tập cuối - Phán Quyết. Với tập phim JennyX, Jane - một cô gái ban đầu là nạn nhân của bố mẹ, sau cùng lại mất đi cả thân phận thật, thậm chí trở thành tội đồ. Câu hỏi của Jane ở cuối tập phim “Tôi thật sự sai đến thế sao Nanno? Tôi thật sự đáng bị cậu đối xử thế này à?” đã trở thành điểm yếu của Nanno khi cô không thể trả lời được, càng không biết rốt cuộc những điều mình làm có đúng hay không.
Nanno đã phạm sai lầm khiến cô dần mất đi phần nào sức mạnh nhưng Yuri thì sao, cách cô kết liễu cuộc đời những kẻ ác có đúng hay không? Với nhiều khán giả, Girl From Nowhere mùa 2 có vẻ bạo lực, máu me và nhạt nhẽo hơn nhưng với sự xuất hiện xuyên suốt của Yuri, nó lại khiến người xem phải tự đặt ra câu hỏi: Công lý, chính nghĩa tuyệt đối nằm ở đâu, có thực sự tồn tại hay không và ai có quyền phán xét nó?
Thực tế câu hỏi của Jane “Tôi thật sự đáng bị cậu đối xử thế này à?” có thể xuất hiện ở bất kì tập phim nào bởi khách quan mà nói, Nanno dường như đang chỉ nhắm vào kẻ ác mà chưa tìm về căn nguyên của cái ác đó. Cô đã sai khi kết luận Junko (ở tập 8) là nạn nhân, sai khi quên mất rằng bố mẹ của Jane mới là những người thực sự phải chịu trận.
Rốt cuộc cả Nanno và Yuri đều chỉ là người ngoài cuộc, họ có thật sự đủ tỉnh táo và tư cách để thực thi công lý hay không? “Một thế giới tự do tuyệt đối, nơi mà người ta tự tay thực thi công lý. Liệu thế giới vẫn cần Nanno sau chuyện này chứ?”.
Nguồn ảnh: Tổng hợp