Harry Potter là bộ truyện nổi tiếng của nhà văn người Anh J. K. Rowling, kể về cuộc phiêu lưu của cậu bé phù thủy Harry Potter cùng những người bạn tại trường Phù thủy và Pháp sư Hogwarts. Qua 7 tập truyện, họ chống lại tên Chúa tể hắc ám Voldemort, kẻ có tham vọng muốn trở nên bất tử, thống trị thế giới phù thủy, nô dịch hóa những người phi pháp thuật và tiêu diệt những ai cản đường hắn.
Đây là bộ truyện bán chạy nhất trong lịch sử và được dịch sang 67 thứ tiếng, được giới phê bình đánh giá cao tính văn hóa, xã hội và giáo dục.
Cuối năm nay, 40 sinh viên năm thứ tư và thứ năm may mắn tại Đại học Khoa học Tư pháp Kolkata, thuộc Đại học Quốc gia Đông Bengal (NUJS) (Ấn Độ) sẽ được trải qua một khóa học của giáo sư Shouvik Kumar Guha về vai trò và quyền lực của pháp luật ở thế giới phép thuật trong Harry Potter.
Theo các giáo sư của trường đại học này, thế giới pháp thuật của các phù thủy so với thế giới chúng ta đang sống cũng có nhiều điểm tương đồng như một chính phủ thiếu dân chủ, một bộ máy tư pháp không độc lập, các công dân bị tước mất quyền tố tụng hợp pháp,…
Chính vì thế, thế giới pháp thuật giả tưởng trong Harry Potter chính là một bối cảnh tuyệt vời và vô cùng thuận lợi cho phép các sinh viên thoải mái áp dụng kiến thức pháp luật của mình mà không phải chịu ảnh hưởng của các khuynh hướng chính trị trong thế giới thực.
Các sinh viên sẽ được tham dự khóa học kéo dài 45 giờ mang tên "Sự giao thoa giữa Văn học Giả tưởng và Luật pháp". Tại đây, họ sẽ cùng nhau tìm hiểu các chủ đề về các truyền thống và định chế pháp luật của "Bộ Pháp thuật" tới "Những lời nguyền Không thể tha thứ" và "Các phiên tòa ở Tòa án Pháp thuật cấp cao", quyền và sự bất công mà nhiều giai cấp phải hứng chịu như Người sói, Người khổng lồ, Nhân mã, Máu bùn và Squib (á phù thủy),…
Qua đó, các sinh viên sẽ có được những cái nhìn khác nhau về sự phân cấp trong xã hội, bộ máy quan liêu đang vận hành chính phủ để so sánh với thực tế, mở ra những cách nghĩ sáng tạo vượt ra khỏi những khuôn mẫu gò bó trong chương trình học của các trường luật đã áp lên họ hàng bao năm qua.
Sau đó, sinh viên sẽ phải viết các bài luận và trình bày bài luận của mình trước lớp, nếu không họ cũng có một lựa chọn khác là biểu diễn ảo thuật trong vòng 15 phút và giành được 20 điểm. Mặc dù đây mới chỉ là một khóa học thử nghiệm nhưng các sinh viên tham gia vẫn phải thi cuối kì và chắc chắn là nó không hề dễ dàng.
Khóa học của giáo sư Guha được đánh giá là một bước đột phá trong hình thức giáo dục ở các trường đại học ở Ấn Độ, vì từ trước đến nay đất nước này vẫn thiên về các chương trình học được quy định chặt chẽ và việc học thuộc lòng (học vẹt) vẫn chiếm ưu thế.
Fantastic Beast 2 sẽ được khởi chiếu vào ngày 16/11 tới đây!