Công chiếu từ ngày 23/10, Tiệc Trăng Máuchính thức khuynh đảo màn ảnh Việt và trở thành tựa phim điện ảnh đắt khách nhất thời điểm hiện tại. Remake từ tựa phim nổi tiếng Perfect Strangers của Ý, Tiệc Trăng Máu bản Việt sớm chiếm trọn cảm tình khán giả bởi cách làm phim sáng tạo, duyên dáng và cũng lắm chất đời, chất người, kết hợp cùng dàn diễn viên đình đám nhất nhì màn ảnh Việt. Đứng sau thành công của Tiệc Trăng Máu chính là của bộ đôi đạo diễn, NSX tài ba có tiếng trong nghề Nguyễn Quang Dũng và Phan Gia Nhật Linh (Phan Xine). Chúng tôi đã có một buổi phỏng vấn nho nhỏ với hai “cha đẻ” củasiêu phẩm Tiệc Trăng Máu để hiểu hơn về phim, quá trình làm nghề cũng như đời tư của họ.
Phỏng vấn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và NSX Phan Gia Nhật Linh
Làm nhà sản xuất để hiện thực hóa nhiều hơn những ý tưởng chưa có thời gian chạm tới
Số dự án mà hai anh đã kết hợp với nhau cho tới thời điểm này là bao nhiêu?
Nguyễn Quang Dũng: Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã làm với nhau 2 dự án là Tiệc Trăng Máu và Em Là Bà Nội Của Anh, sắp tới sẽ cònEm Và Trịnh nữa. Ngoài ra, chúng tôi cũng từng gặp nhau ở nhiều dự án khác với những vai trò khác như: Võ Lâm Truyền Kỳ, Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt, Mỹ Nhân Kế,... Trước khi Linh trở thành đạo diễn, tôi và cậu ấy đã có mối quan hệ rất tốt rồi bởi ngày đó Linh làm nhà báo, thường phỏng vấn tôi. Không ngờ có một ngày cậu nhà báo ấy lại đi làm phim!
Một nhà báo chuyển qua làm đạo diễn, giờ còn làm nhà sản xuất nữa, cảm giác sao nhỉ?
Phan Gia Nhật Linh: Trước khi giữ vai trò nhà sản xuất cho bộ phim lần này, tôi đã từng làm đạo diễn cho 3 bộ phim điện ảnh cũng như cố vấn đạo diễn cho một số dự án. Bởi vì không muốn tiếp tục làm phim remake nữa nên ban đầu tôi cũng không nghĩ mình sẽ tham gia Tiệc Trăng Máu đâu. Tuy nhiên khi biết đạo diễn của phim là anh Nguyễn Quang Dũng - một người anh thân thiết trong nghề lại có phong cách làm phim trái ngược với mình, tôi đã quyết định kết hợp với anh để cùng nhau tạo nên sự thú vị cho dự án này.
Thế còn lý do quyết định làm nhà sản xuất thì sao, có phải trước đây làm đạo diễn anh phải chịu nhiều “ấm ức”?
Phan Gia Nhật Linh: Cũng có một phần đó! Trong thời gian làm đạo diễn, có đôi lúc tôi vẫn mong muốn được trao đổi chuyên môn và đồng sáng tạo với các nhà sản xuất. Tuy nhiên, sáng tạo phim không phải là thế mạnh của họ nên mong muốn ấy của tôi vẫn chưa được thực thi. Dự án này giúp tôi có được trải nghiệm đó.
Nguyễn Quang Dũng: Từ khi kết hợp với Nhật Linh trong bộ phim Mỹ Nhân Kế, tôi đã vô cùng mong mỏi có ngày sẽ thấy cậu ấy trở thành đạo diễn. Bởi lẽ, có những lúc Nhật Linh phân tích kịch bản và sáng tạo tình tiết phim còn nhanh nhạy hơn cả tôi. Cậu ấy làm gì, nghĩ gì đều kỹ lưỡng và logic cả. Ngoài ra, đối với một đạo diễn, nếu trở thành nhà sản xuất phim cũng là trải nghiệm rất thú vị. Bởi lẽ, đạo diễn đơn thuần thì 2 - 3 năm mới làm xong một bộ phim nhưng khi nhà sản xuất thì khác, vai trò này sẽ gián tiếp giúp chúng ta hiện thực hóa ý tưởng của mình nếu bản thân không có đủ thời gian để tự hoàn thành nó. Hơn nữa, nếu đã từng làm đạo diễn, bạn sẽ trở thành một nhà sản xuất phim tâm lý hơn chứ không phải lúc nào cũng đặt vấn đề tài chính lên hàng đầu.
Một đạo diễn 2 - 3 năm mới làm xong một bộ phim nhưng nhà sản xuất thì khác, vai trò này sẽ gián tiếp giúp chúng ta hiện thực hóa ý tưởng của mình nếu bản thân không có đủ thời gian để tự hoàn thành nó. Nếu đã từng làm đạo diễn, bạn sẽ trở thành một nhà sản xuất phim tâm lý hơn chứ không phải lúc nào cũng đặt vấn đề tài chính lên hàng đầu.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Vì có khoảng thời gian chơi thân nên tôi khá hiểu tính Nhật Linh. Cậu ấy vốn là một đạo diễn mạnh bạo trong giao tiếp nên dễ khắc khẩu với mọi người. Vì thế, trong mỗi cuộc tranh cãi, tôi không quan trọng ai đúng ai sai mà chỉ để tâm đến những bài học mà anh em nhận được.
Mặc dù không chênh lệch quá lớn về tuổi tác nhưng nếu đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được coi là “lão làng” thì đạo diễn Nhật Linh lại được gọi là “đạo diễn trẻ”?
Phan Gia Nhật Linh: Mặc dù báo chí vẫn hay gọi anh Nguyễn Quang Dũng là đạo diễn “lão làng” nhưng cục điện ảnh vẫn nhận định anh ấy là đạo diễn trẻ đó chứ! Anh Dũng cũng từng nhận được giải thưởng đạo diễn trẻ xuất sắc mà. Dĩ nhiên mọi người nói vậy cũng dễ hiểu thôi, tôi chỉ mới chính thức ra mắt 2 dự án phim điện ảnh hoàn chỉnh. Có lẽ, chữ “trẻ” ấy là trẻ về tuổi nghề chứ không phải tuổi đời.
Nguyễn Quang Dũng: Bộ phim đầu tay của tôi được ra mắt lúc tôi chỉ mới 26 tuổi. Cho đến 27 tuổi tôi có được một bộ phim ăn khách, lúc đó mọi người gọi tôi là “đạo diễn trẻ”, khi số lượng phim tăng lên rõ rệt thì cũng là lúc danh xưng ấy thay đổi. Ba tôi vẫn hay nói rằng cuộc đời ông ấy chỉ được mọi người biết đến qua hai giai đoạn là nhà văn trẻ và nhà văn lão làng. Đó là chuyện bình thường của giới nghệ sĩ mà!
Nếu 24 tuổi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có phim điện ảnh đầu tay thì đạo diễn Nhật Linh phải đến 36 tuổi mới có. Theo anh, nên làm phim khi tuổi trẻ hay lúc tuổi đã chín muồi?
Nguyễn Quang Dũng: Tôi nghĩ tuổi tác không quan trọng bằng khả năng, miễn sao lúc mình trẻ đừng có giả dạng mình già và lúc già lại muốn mình trẻ là được rồi. Tuy nhiên, không dễ để một người trẻ có thể làm phim điện ảnh bởi nó vốn là một quãng đường rất dài để học hỏi kinh nghiệm và trau dồi kĩ năng. Ngoài ra, phim điện ảnh còn rất cần những phút giây ngông cuồng và khoảnh khắc thăng hoa cảm xúc, đó vốn là thế mạnh của các đạo diễn trẻ. Nếu kết hợp được độ lắng của kinh nghiệm và sự ngông cuồng trong cảm xúc giữa các thế hệ thì sẽ vô cùng thú vị. Nói chung điều quan trọng nhất vẫn là thời điểm, lúc nào bản thân mình cảm thấy thích hợp nhất thì làm thôi chứ đừng suy nghĩ nhiều quá. Thực ra, Nhật Linh vốn được mời làm đạo diễn từ rất sớm nhưng có lẽ cậu ấy lại khá đặt nặng vấn đề này nên phải chờ đến lúc bản thân chín muồi nhất mới bắt đầu nhận làm.
Tuổi tác không quan trọng bằng khả năng, miễn sao lúc mình trẻ đừng có giả dạng già và lúc già lại muốn mình trẻ là được rồi. Không dễ để một người trẻ có thể làm phim điện ảnh bởi nó vốn là một quãng đường rất dài để học hỏi kinh nghiệm và trau dồi kĩ năng. Ngoài ra, phim điện ảnh còn rất cần những phút giây ngông cuồng và khoảnh khắc thăng hoa cảm xúc, đó vốn là thế mạnh của các đạo diễn trẻ. Nếu kết hợp được độ lắng của kinh nghiệm và sự ngông cuồng trong cảm xúc giữa các thế hệ thì sẽ vô cùng thú vị
Nguyễn Quang Dũng
Nếu muốn sáng tạo thì còn nhận kịch bản remake làm gì?
Mỗi khi nhận một kịch bản remake, tôi thường khá áp lực về việc sáng tạo nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nếu muốn sáng tạo thì còn nhận kịch bản remake làm gì. Mỗi thể loại đều có một giá trị riêng, điều quan trọng nhất có lẽ nằm ở những cảm xúc mới mẻ mà mình thổi vào kịch bản có sẵn mà thôi.
Nguyễn Quang Dũng
Mới làm phim chưa lâu nhưng đạo diễn Nhật Linh đã nói không làm phim remake nữa còn Nguyễn Quang Dũng, anh nghĩ sao về dòng phim này?
Nguyễn Quang Dũng: Bất cứ đạo diễn nào cũng có sự tự ái nghề nghiệp riêng. Tuy nhiên, khác với Nhật Linh có bộ phim đầu tay vô cùng thành công là phim remake, tôi lại làm phim remake sau khi đã khẳng định được khả năng của mình ở những thể loại khác.Tháng Năm Rực Rỡ và Tiệc Trăng Máu chính là hai bộ phim remake mà tôi tâm đắc. Mỗi khi nhận một kịch bản remake, tôi thường khá áp lực về việc sáng tạo nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nếu muốn sáng tạo thì còn nhận kịch bản remake làm gì? Mỗi thể loại đều có một giá trị riêng, điều quan trọng nhất có lẽ nằm ở những cảm xúc mới mẻ mà mình thổi vào kịch bản có sẵn mà thôi. Tiệc Trăng Máu là bộ phim được remake ở rất nhiều quốc gia, cũng giống như vở kịch của Shakespeare thịnh hành trên cả nhân loại, bạn nên có cái nhìn thoáng về thể loại này.
Còn theo đạo diễn Nhật Linh, làm phim remake hay phim chuyển thể sẽ dễ hơn?
Phan Gia Nhật Linh: Làm phim remake lợi thế hơn phim chuyển thể ở chỗ chúng ta đã có sẵn một phiên bản hoàn chỉnh để hình dung về bối cảnh, nhịp điệu và nhân vật. Thậm chí, làm phim chuyển thể còn đáng sợ hơn hẳn ở chỗ mỗi độc giả của truyện gốc đều có một hình dung về mọi thứ cho riêng mình. Hình dung ấy khác với hình dung của đạo diễn nên sẽ rất dễ bị đem ra so sánh. Ví dụ như bộ phim Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, nhiều fan của truyện Nguyễn Nhật Ánh sẽ than rằng Việt An không thể giống như Miu Lê, Hưng khác hẳn với Ngô Kiến Huy mặc dù hai diễn viên này được chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rất thích và đồng tình để vào vai nhân vật trong truyện của ông.
Tuy nhiên, sự đáng sợ ấy chỉ thuộc về áp lực đối với công chúng. Còn với vai trò là một đạo diễn, tôi lại thích làm phim chuyển thể hơn phim remake vì phim remake có sự chặt chẽ đến mức khuôn mẫu về nội dung. Sắp tới Trạng Tí sẽ ra mắt, vì được chuyển thể từ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt nên 90% bộ phim này là sáng tạo của tôi cùng ekip, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều bất ngờ cho khán giả.
Nguyễn Quang Dũng: Trên cương vị là một khán giả xem phim, tôi cũng không thích phim chuyển thể bằng phim remake. Ví dụ như phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung chẳng hạn. Tôi có một người chị sau mỗi lần xem phim chuyển thể từ truyện Kim Dung lại sẽ quay về đọc truyện trong sự ấm ức rằng tại sao các đạo diễn lại biến tấu cốt truyện đi quá nhiều. Đó chính là đặc trưng của văn học. Nó tạo ra một không gian tưởng tượng cho mỗi độc giả. Để làm phim chuyển thể, đạo diễn sẽ phải cụ thể hóa trí tưởng tượng ấy để phục vụ cho số đông khán giả. Vậy nên, để làm vừa lòng đa số người xem là điều rất khó. Khi chọn đến rạp xem phim chuyển thể, người xem cần chấp nhận rằng bản thân đang khám phá một thế giới riêng chứ không nên so sánh quá nhiều với phiên bản truyện gốc.
Vậy một dự án như thế nào sẽ lọt được mắt xanh của đạo diễn Nhật Linh và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng?
Phan Gia Nhật Linh: Tôi có khá nhiều nguyên tắc trong quá trình làm phim. Như việc không làm phim remake nữa chẳng hạn. Tôi không hề có ác cảm gì với thể loại phim này nhưng sau bộ phim remake đầu tay, mọi người ai gặp tôi cũng hỏi “sắp tới sẽ làm lại phim gì?”, đó chính là lý do khiến tôi quyết định từ bỏ. Nói cách khác, tôi có tính tự ái nghề nghiệp khá lớn nên rất sợ mọi người sẽ đóng đinh mình với một thể loại phim nào đó. Ngoài ra, tôi có những nguyên tắc riêng trong nghề như không làm phim đi ngược lại đạo đức cộng đồng.
Nguyễn Quang Dũng: Tôi không có quá nhiều nguyên tắc trong việc lựa chọn nội dung phim. Mặc dù không cổ súy nhưng trong phim của tôi ít nhiều vẫn xuất hiện các tệ nạn xã hội vì nhiều khi đó chính là những điều cần có ở nhân vật. Nguyên tắc làm phim lớn nhất của tôi lại nghiêng về khâu sản xuất nhiều hơn. Đặc biệt là trong những bộ phim hành động, vấn đề an toàn cho đoàn phim được đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến nội dung truyền tải. Nghệ thuật đến cuối cùng vẫn là để làm đẹp, làm vui cho đời, vì thế không có lý do gì phải ích kỉ đánh đổi đến mức mất mát để làm ra nó.
Theo đánh giá của Nguyễn Quang Dũng thì giữa anh và anh Linh, ai làm đạo diễn, ai làm NSX hợp hơn?
Nguyễn Quang Dũng: Nếu nói về năng suất thì tôi nhiều hơn rồi, nhưng tính theo tỉ lệ phần trăm thì Linh giỏi hơn. Còn về mặt sản xuất thì Linh hợp hơn tôi, Linh rất chi tiết đúng một vai trò của NSX. Bởi tôi nghĩ khi mà nhận sản xuất với một người đạo diễn nào đấy thì mình phải hoàn toàn tin tưởng họ. Thường thì tôi sẽ nhận sản xuất với những người đạo diễn mà mình tin tưởng và hỗ trợ tối đa nhất cho họ.
Với những diễn viên mình đã từng hợp tác thì sao, khi làm việc với họ lần 2, lần 3, hai anh làm thế nào để tìm được nguồn cảm hứng mới?
Phan Gia Nhật Linh: Mọi người đều nghĩ Miu Lê là nàng thơ của tôi vì đã đóng liên tiếp hai phim rồi. Có điều ở cả hai dự án thì Miu Lê đều là lựa chọn cuối cùng, trong Em Là Bà Nội Của Anh, ban đầu tôi còn không biết Miu Lê là ai, vào phút chót lúc đang tuyệt vọng thì mới phát hiện ra Miu Lê và thấy cô này đóng hay quá. Ở Miu có một điểm rất hay mà các diễn viên khác không có, cô ấy đã diễn thì sẽ không giữ lại điều gì, rất nhiệt huyết, điều này giúp tôi dễ điều khiển điều tiết được cảm xúc của nhân vật. Sang tới Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, tôi dự định tìm một dàn diễn viên mới hoàn toàn nhưng cuối cùng không tìm được ai, rốt cuộc ngay lúc tuyệt vọng nhất, tôi lại tìm tới Miu và cô ấy cho tôi thấy rằng à kiểu người mình mong muốn đây rồi.
Tôi có chọn vài người khác nhưng vào diễn đều hỏng hết. Ban đầu Ben Phạm được nhắm cho vai Thư nhưng lúc vào diễn Miu lại hỏi: "Ủa anh, em đóng vai cô giáo của cậu bé này ạ?", tại vì lúc đó Ben Phạm mới có 16 tuổi, tuy tôi rất thích nhưng Ben lại không phù hợp với Miu Lê. Lựa chọn tiếp theo là Jun Phạm nhưng cũng không phù hợp. Cuối cùng chọn Ngô Kiến Huy, Huy vào cast và Huy diễn rất hợp.
Nàng thơ thứ hai là Thu Trang. Ở phim Em Là Bà Nội Của Anh khi viết kịch bản xong, tôi đã chốt sẽ để vai Duyên cho Trang bởi trước đó khi xem Thu Trang trong một số tiểu phẩm hài và trong Trúng Số, tôi quá thích cách diễn của cô ấy. Đến Tiệc Trăng Máu thì cả tôi và Dũng đều quyết định chọn Trang.
Nguyễn Quang Dũng: Thật ra khi chọn một diễn viên để hợp tác cùng thì giữa hai người cũng đã có những điểm chung rồi, làm xong một dự án và thành công nghĩ là họ đã hiểu nhau. Theo tôi điều quan trọng nhất vẫn là sự tin tưởng lẫn nhau, nghĩa là khi làm đạo diễn phải khiến diễn viên tin tưởng mình thì mới có cảm hứng làm việc. Khi có một quá trình chơi với nhau hay làm việc cùng nhau thì sẽ có sự quan sát nhất định. Ví dụ như Thanh Hằng, tại sao Hằng đóng rất nhiều phim của tôi, vì thật ra tôi quan sát và thấy cô này còn một khía cạnh khác, thú vị và hay ho mà tôi chưa khai thác. Thế nên ở phim tôi, Thanh Hằng sẽ có những điều khai thác khác nhau. Ở một nàng thơ phải có cả thói quen cảm xúc lẫn sự tò mò, sự tò mò này sẽ được kiểm chứng bằng thói quen khi mình tin rằng người này họ sẽ chịu làm với mình và khi mình làm cái mới thì họ sẽ chấp nhận những điều đó.
Người độc thân họ quá hạnh phúc với cái “nền” tự do nên đâu muốn ai bước vào cuộc sống của mình nữa
Quen thân và làm việc với nhau khá lâu rồi, liệu hai anh còn điều gì lấn cấn ở đối phương không?
Nguyễn Quang Dũng: Tôi đã sản xuất phim cho Linh, Linh cũng đã sản xuất phim cho tôi nhưng Linh đã đóng phim của tôi còn tôi thì chưa, đó là một cái “nợ” đấy!
Phan Gia Nhật Linh: Thật ra tôi đã định mời anh Dũng đóng rồi, ví dụ như trong phim Em và Trịnh có nhân vật Nguyễn Quang Sáng rất phù hợp với anh Dũng. Nhưng sau đó tôi suy nghĩ lại thấy vai này quan trọng quá không thể vì quen biết mà mình mời một diễn viên không chuyên vào một vai quan trọng trong phim.
Một câu hỏi cá nhân nhưng vẫn liên quan đến chủ đề phim, đã bao giờ hai anh xem trộm điện thoại của người khác chưa?
Nguyễn Quang Dũng: Tôi thường rất ít quan tâm tới chuyện của người khác. Bình thường tôi rất dễ tính nhưng cũng có những chuyện lại khó tính vô cùng, ví dụ như trong yêu đương chẳng hạn, tôi không thích chuyện ai đó cứ hỏi về người cũ của tôi, cũng không thích bạn bè kể lể về chuyện cũ của họ. Tôi rất muốn mọi người tôn trọng cái riêng của mình nên cũng không bao giờ xem điện thoại của người khác hay tò mò về chuyện trước đó của họ. Tôi cũng rất khó chịu khi ai đó xem điện thoại của tôi, không phải vì nó có bí mật mà tôi nghĩ mình cần được tôn trọng và giữ một khoảng riêng tư. Tôi nghĩ niềm tin quan trọng hơn sự thật, trong cuộc sống yêu đương hay gia đình cũng vậy khi đã hoài nghi thì mình đã bắt đầu có sự sứt mẻ và mất niềm tin rồi.
Phan Gia Nhật Linh: Tôi không biết xem điện thoại của người khác để làm gì nữa, và tôi cũng không thích người khác nhìn vào điện thoại của mình. Tính riêng tư đối với tôi rất quan trọng, tôi còn là người người không thích giao tiếp nữa mà.
Vì không thích giao tiếp nên anh vẫn còn độc thân tới giờ?
Phan Gia Nhật Linh: Tôi thấy hầu hết những người làm đạo diễn sẽ kết hôn muộn, trừ một vài người đặc biệt như Victor Vũ thôi. Ngày trước tôi cũng có nhiều mối quan hệ và nghĩ rằng mình sẽ đi đến hôn nhân nhưng hiện lịch trình làm việc của tôi rất đặc thù nên kiếm một người để hiểu mình thực sự khó.
Những người độc thân họ quá hạnh phúc với cái “nền” độc lập của mình nên không muốn một người nào khác phá vỡ thói quen cuộc sống đó. Càng sống độc thân lâu thì càng khó chịu với việc có một ai đó bước vào cuộc sống của mình.
Phan Gia Nhật Linh
Thế còn anh Dũng, độc thân ở tuổi 40 có gì đáng sợ hay thú vị không?
Nguyễn Quang Dũng: Thật ra cái đáng sợ nhất ở tuổi 40 là chuyện người ta hay gọi mình là U50. Trước đây, tôi đã từng suy nghĩ về chuyện lập gia đình nhưng có những điều đã trôi qua và cơ hội thì vụt mất. Dần dần chuyện độc thân cũng thành thói quen, vì tính tôi cũng rất kỳ quái, thích tự do. Lập gia đình để hạnh phúc như trong mơ thì rất khó. Tôi thì chưa đủ tự tin để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, cũng chưa yên tâm về bản thân với vai trò mới này, một vai trò kéo dài tận mấy chục năm lận, dài quá.
Cảm ơn hai anh vì cuộc trò chuyện. Chúc cho Tiệc Trăng Máu sẽ đạt được thành công về mặt doanh thu cũng như nhận được sự quan tâm nhiều hơn của khán giả.
Tiệc Trăng Máu hiện đang công chiếu trên các cụm rạp toàn quốc.