Đào, Phở và Piano là tác phẩm điện ảnh được phát hành tại rạp vào dịp Tết Nguyên đán, chỉ được chiếu duy nhất tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia ở Hà Nội.
Theo kế hoạch ban đầu, phim sẽ được chiếu từ mồng 1 Tết đến hết tháng 2/2024 nhưng với “cơn sốt” đang tạo ra trên mạng xã hội, các suất chiếu được tăng lên và lịch chiếu dự kiến kéo dài đến ngày 10/3.
Phim được đầu tư kinh phí 20 tỷ, do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt hàng. Phim lấy đề tài chiến tranh nhưng khai thác những nét đẹp lãng mạn và hào hùng khi xoay quanh câu chuyện của một anh cảm tử quân và một tiểu thư Hà thành.
Hậu trường một cảnh quay trong phim
Theo chia sẻ từ ông Vũ Đức Tùng - Quyền Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, web của Trung tâm bị sập vì lượng khán giả truy cập mua vé xem phim Đào, Phở và Piano tăng mạnh.
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ khó khăn khi "săn" vé xem bộ phim điện ảnh này. Thậm chí, có cư dân mạng còn so sánh "khó hơn săn vé đêm nhạc Black Pink tại Hà Nội". Đây là một tín hiệu khả quan với một bộ phim điện ảnh do Nhà nước đặt hàng.
Phim lấy bối cảnh chiến tranh về 60 ngày đêm khói lửa
Hiện tại, phim đã được tăng suất chiếu lên 18 suất trong ngày 19/2, với số vé bán ra lên tới 3.398 vé trong một ngày.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, nhà biên kịch, chuyên gia truyền thông điện ảnh Châu Quang Phước nhận định: “Theo tôi nhận thấy, chỉ với lượng mua vé như thế dành cho phim “Đào, Phở và Piano” mà nói rằng trang web của trung tâm "bị sập do lượng đặt vé phim này tăng đột biến", e rằng là cách nói hơi thái quá nhằm phục vụ cho việc truyền thông phim và rạp.
Bởi, nhìn vào mức doanh thu phim hiện có trên bình diện chung của thị trường phim chiếu rạp cả nước, cảm giác như đấy chỉ đơn thuần là do lỗi kỹ thuật trang web còn quá thấp, hoặc do lỗi đường truyền tải quá yếu. Có lẽ do bình thường thì lượng đặt vé online với website ở trung tâm chiếu phim này cũng không cao, nên chưa quen với lực chịu tải chỉ hơi khác thường một chút nếu so với các hệ thống bán vé và đặt vé từ các nhà rạp khác, nhất là với các hệ thống rạp ở phía Nam.
Mặt khác, việc phim “Đào, Phở và Piano” đột nhiên nhận được sự quan tâm có phần đột biến trong mấy ngày vừa qua, nếu nhìn từ góc độ diễn biến trên mạng của dư luận truyền thông phim Việt mùa Tết này, có thể tạm lý giải rằng đấy là tâm lý thương cảm phát sinh với một phim Việt trong tình thế “Kẻ ăn chẳng hết, người lần chẳng ra”/ “Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”, về tỷ suất phòng chiếu lẫn doanh thu phòng vé.
Mặt khác, xem chừng cũng là tâm lý “đổi gió” cho vui với một bộ phận khán giả Việt, sau khi đã xem xong phim “Mai” vốn dĩ đang dẫn đầu bảng xếp hạng phòng vé bằng khoảng cách một trời một vực với các phim còn lại ngoài rạp.
Chưa kể là công chúng Việt Nam nhìn tới ngó lui vẫn chỉ thấy có thông tin phim “Mai” với tần suất xuất hiện và bình luận dày đặc trong dư luận truyền thông chung, về điện ảnh Việt mùa này.
Bên cạnh đó, những ngày gần đây thì giới làm nghề điện ảnh phía Bắc cũng đang nỗ lực hỗ trợ giới thiệu bộ phim này của Nhà nước, ít nhiều cũng góp phần giúp khán giả đại chúng có thêm thông tin tiệm cận về bộ phim cùng lịch trình chiếu phim này - điều vốn dĩ là rất yếu và rất mỏng trong việc truyền thông khi phim chính thức phát hành”.
Phim có những góc quay nghệ thuật qua chuyện tình của hai nhân vật chính
Theo ông Châu Quang Phước, cần công chiếu rộng rãi những bộ phim như Đào, Phở và Piano để công chúng có thể tiếp cận đầy đủ, xác thực hơn là qua những cảm nhận của một vài cư dân mạng đăng trên mạng xã hội.
Ông Châu Quang Phước đưa ra quan điểm: “Muốn chứng minh được thực hư về độ quan tâm cũng như là chất lượng phim “Đào, Phở và Piano” với khán giả đại chúng, có lẽ chỉ có chỉ còn mỗi cách duy nhất là phim phải tìm được đường ra rạp nhiều hơn bằng cách nỗ lực hợp tác hơn nữa với các hệ thống phát hành phim của tư nhân, nhất là ở phía Nam - thị trường trọng điểm của cả nước về doanh thu phòng vé của tất cả các bộ phim chiếu rạp. Chỉ khi doanh thu phòng vé ở mức khả quan, mới phần nào chứng thực được rằng phim có đề tài lịch sử cận đại như “Đào, Phở và Piano” đã có cách kể chạm được vào mắt nhìn của người xem”.