Tam Quốc là một thời kì lịch sử oai hùng của Trung Quốc, là giai đoạn lịch sử sản sinh ra vô số anh hùng hào kiệt còn lưu danh cho tới tận ngày nay.
Trong đó có Phượng tiên Lã Bố, Quan Trương Hoàng Mã Triệu Ngũ hổ tướng, Trương Cáp, Hạ Hầu Đôn... Ngũ tử Lương tướng.
Vậy thì, rốt cuộc ai mới được xem là đệ nhất võ tướng thời kì này? Thực ra, vấn đề này vẫn luôn được thảo luận, thậm chí tranh cãi trong vòng nhiều năm, và vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Nhưng, nếu chỉ luận về chiến tích mà nói, có một người xứng đáng được xem là đệ nhất mãnh tướng Tam Quốc, trong 25 lần chinh chiến ông giết được tổng cộng 21 tướng của địch.
Nhân vật Triệu Vân trên màn ảnh nhỏ.
Thường Sơn, Triệu Tử Long
Triệu Vân, thiết nghĩ không còn ai xa lạ với cái tên này. Triệu Vân là người Thường Sơn, khi còn nhỏ, ông đã theo vị sư phụ nổi tiếng Đổng Uyên học cách dùng thương.
Quá trình học tập chăm chỉ suốt nhiều năm trời đã khiến ông luyện được thân thủ và võ nghệ vô cùng cao cường. Lúc xuất sơn, Triệu Vân vô tình bắt gặp Văn Xú truy sát Công Tôn Toản, nên đã ra tay giúp đỡ.
Triệu Vân đấu tay đôi với Văn Xú, hai người đánh với nhau không dưới 50 hồi, nhưng vẫn bất phân thắng bại, Văn Xú cuối cùng đành từ bỏ việc truy sát Công Tôn Toản mà rời đi.
Công Tôn Toản vô cùng cảm kích ơn cứu mạng của Triệu Vân, muốn chiêu mộ Triệu Vân theo mình, Triệu Vân cũng từ đây bước vào con đường của một võ tướng.
Nhân vật Triệu Vân trên màn ảnh nhỏ.
Làm nên tên tuổi từ hai bàn tay trắng
Sau đó, Lưu Bị, người mới khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, khi đó vẫn chưa có nhiều thế lực, cũng đến đầu quân cho Công Tôn Toản, tại đây, ông gặp được Triệu Vân.
Thân là hùng chủ tương lai, Lưu Bị cũng tỏ ra mình là một người rất có mắt nhìn người, vừa gặp đã nhìn ra được tài năng cái thế của Triệu Vân, vì vậy, trong khoảng thời gian đầu quân cho Công Tôn Toản, Lưu Bị luôn tìm cách để trở nên thân thiết hơn với Triệu Vân, kết tình nghĩa huynh đệ với Triệu Tử Long, sau đó, nỗ lực âm thầm muốn "kéo" Triệu Vân về dưới trướng của mình.
Nhưng một người thẳng thắn, trọng tình nghĩa như Triệu Vân lại không nỡ cứ vậy mà bỏ Công Tôn Toản, ông chỉ có thể hứa với Lưu Bị, nếu sau này thế lực của Công Tôn Toản quả thực không thể trụ nổi lại thời loạn, ông sẽ đi tìm Lưu Bị.
Không lâu sau, Công Tôn Toản bị Viên Thiệu tiêu diệt, Triệu Vân giữ đúng lời hứa, gia nhập đại bản doanh quân Thục.
Nhân vật Triệu Vân trên màn ảnh nhỏ.
Câu chuyện sau đó có lẽ không cần nói nhiều bởi có lẽ mọi người đều biết gần hết, Triệu Vân liên tiếp lập nên những chiến công hiển hách, Phá trận Bát Môn kim Tỏa của Tào Nhân (có công của Từ Thứ giúp kế phá ải); cứu con trai Lưu Bị trong trận Trường Bản, chém hơn 50 tướng của Tào Tháo, cướp được thanh kiếm Thanh Công của Tào Tháo; đánh Tây Xuyên, Hán Trung, đánh tộc người Man do Mạnh Hoạch chỉ huy, tham gia Bắc phạt do Gia Cát Lượng chỉ huy... những câu chuyện về chiến tích của Triệu Vân đã trở thành huyền thoại.
Nhân vật Triệu Vân trên màn ảnh nhỏ
Nếu đem ra so sánh, ngay cả Lã Bố, võ thánh Quan Công, dù cũng dũng mãnh, nhưng chiến tích lại khiêm tốn hơn rất nhiều.
Theo thống kê, Triệu Vân cả đời chinh chiến vô số những trận đánh nhỏ, trận lớn có tổng cộng 25 trận, trong đó ông giết được tới 21 tướng quân của địch, còn bản thân ông, dù có trải qua bao nhiêu trận chiến, cũng chưa từng bị thương, trên người ngay cả một vết sẹo cũng không có.
Bản thân Triệu Vân cũng là người sống lâu nhất trong Ngũ hổ tướng của Thục Hán, đồng thời là người duy nhất còn có thể tham gia chiến dịch Bắc phạt của Gia Cát Lượng. Có thể nói, Triệu Vân rất xứng đáng với danh xưng đệ nhất mãnh tướng Tam Quốc.
Theo Trí thức trẻ