Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối - Nhân tính chói lòa dưới hang sâu

Dù giữa bóng tối và khói lửa, bộ phim vẫn sáng lên với thứ ánh sáng của nhân tính tốt đẹp.

Khác với nhiều bộ phim chiến tranh trước đây thường đề cao chiến thắng và lý tưởng cách mạng. Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đi theo một hướng táo bạo hơn và gai góc hơn là tập trung khắc họa chiều sâu nhân tính trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt - nơi không tồn tại những hình mẫu anh hùng lý tưởng hay chiến thắng huy hoàng.

Để thực hiện được điều đó thay vì nhìn từ góc độ tướng lĩnh, chỉ huy để thấy tổng thể về chiến lược và quy mô chiến sự. Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối chọn tiếp cận "từ dưới lên" qua trải nghiệm sinh tồn của những người lính tuyến đầu. Từ đó đi sâu vào sự kinh hoàng và hỗn loạn của chiến tranh, khai thác những tình bạn giữa các chiến sĩ, sự mất mát, các tình huống đạo đức đầy giằng xé, và sự mâu thuẫn khi buộc phải tuân theo mệnh lệnh trong hoàn cảnh bi thảm. 

Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối - Nhân tính chói lòa dưới hang sâu- Ảnh 1.

Ngay từ những khung hình đầu tiên, đạo diễn đã tạo nên một không khí u ám, ngột ngạt. Rừng cây cháy đen, hoang tàn, gần như không còn dấu hiệu của sự sống. Từ lòng đất, đội phó Ba Hương (do Hồ Thu Anh thủ vai) trồi lên, dần hé lộ thế giới địa đạo tối tăm và chật chội – nơi con người không còn lựa chọn nào khác ngoài bám víu vào bóng tối để tồn tại qua từng ngày.

Sự lựa chọn bối cảnh của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mang tính biểu tượng và ẩn dụ sâu sắc. Nếu như ánh sáng thường gắn liền với sự sống trong các bộ phim thông thường, thì trong Địa Đạo, ánh sáng lại đại diện cho cái chết – nơi mặt đất tràn ngập bom đạn, hiểm nguy luôn rình rập. Ngược lại, chính bóng tối lại trở thành nơi trú ẩn, nơi con người cảm thấy an toàn, dù chỉ là một cảm giác mong manh. Trong bóng tối, con người không chỉ sống, mà còn sinh hoạt, học tập, thậm chí yêu đương. 

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã dứt khoát từ chối mọi lối kể chuyện tô hồng chiến tranh. Ông vận dụng ngôn ngữ điện ảnh của Tân Hiện thực Ý và phong cách phim Noir của Hollywood để tái hiện một thế giới u tối, căng thẳng và bi thảm. Bức tranh chiến tranh không hề hùng tráng mà tràn đầy hiện thực khắc nghiệt từ đó làm nổi bật lên số phận của con người.

Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối - Nhân tính chói lòa dưới hang sâu- Ảnh 2.

Phần lớn thời lượng phim diễn ra trong địa đạo u tối được chiếu rọi bởi những ngọn đèn dầu lơ lửng. Ánh sáng yếu ớt ấy tạo nên những mảng sáng – tối đối lập, càng làm nổi bật cảm giác bức bối, bất an. Trong những phân cảnh đặc biệt căng thẳng, các nhân vật sử dụng đèn pha cầm tay để di chuyển và chiến đấu. Chính thứ ánh sáng nhân tạo ấy, khi xuyên qua màn tối, lại càng khắc họa rõ hơn gương mặt lấm lem, ánh mắt lo âu và cả những phút giây tràn đầy cảm xúc của các nhân vật khiến người xem như cảm nhận được hơi thở của họ.

Các nhân vật trong Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối rất đời thường, họ có ước mơ, khát khao, cả những mặt tối sâu kín và nỗi sợ. Dù các tuyến nhân vật còn một số chỗ thiếu sự liên kết, mỗi người vẫn để lại dấu ấn riêng và khiến người xem nhớ kỷ. Việc chọn dàn nhân vật chủ yếu là thanh thiếu niên càng khiến chiến tranh hiện lên tàn nhẫn hơn: những người trẻ lẽ ra đang sống trong những ước mơ, hoài bão thì lại phải đối mặt với sinh tồn, mất mát và cái chết. Diễn xuất của dàn diễn viên tự nhiên, không cần lời thoại kịch tính hay những cú máy "làm màu". Nỗi đau và sự mất mát được thể hiện qua ánh mắt, cử chỉ tinh tế hay hành động quyết liệt. Chính sự tiết chế và chân thực ấy đã tạo một sợi dây kết nối sâu sắc với người xem. 

Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối - Nhân tính chói lòa dưới hang sâu- Ảnh 3.

Phim không có cảnh quay slow-motion, đóng băng khung hình, không có những màn "một chọi trăm" hào nhoáng để tạo tính biểu tượng anh hùng. Những cảnh chiến đấu được dàn dựng chân thực, dữ dội với bom rơi, đạn nổ. Mỗi chiến thắng, dù nhỏ, đều được đánh đổi bằng máu. Khi một người lính du kích nổ súng, họ cũng phải sẵn sàng đón nhận một quả pháo đáp trả hay thậm chí một trận mưa đạn từ quân thù. Chính cán cân nghiêng lệch đó đã khiến ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh đến tàn nhẫn. Mọi thứ có thể thay đổi chỉ trong tích tắc. Kỹ thuật quay bằng góc máy rộng kết hợp máy quay cầm tay đã góp phần mạnh mẽ vào việc tạo nên bầu không khí nghẹt thở. Người xem không chỉ quan sát, mà như được đẩy vào giữa chiến trường, cảm nhận từng cú giật mình, từng tiếng nổ chát chúa và nỗi căng thẳng không lời cùng nhân vật.

Âm nhạc trong phim cũng được tiết chế đến tối đa, góp phần hoàn thiện bầu không khí ngột ngạt và chân thực mà bộ phim theo đuổi. Không có những bản nhạc nền bi tráng hay hào hùng thường thấy trong dòng phim chiến tranh. Thay vào đó, đạo diễn chọn cách để âm thanh hiện trường lên tiếng: tiếng bom rơi dồn dập, đạn lạc xé gió, tiếng bước chân rón rén dưới lòng đất, âm thanh rung lắc của những bức tường địa đạo đang sụp đổ hay thậm chí cả tiếng thở. Trong một vài khoảnh khắc, nhạc nền trầm, chậm và đầy căng thẳng được sử dụng để đẩy cảm xúc lên cao như một sự nén chặt, dồn ép về tâm lý. Cách xử lý này gợi nhớ đến phong cách âm nhạc từng gây ấn tượng trong Dunkirk của Christopher Nolan, nơi âm nhạc như một nhịp đập hồi hộp kéo dài khiến khán giả không thể thở phào cho đến phút cuối cùng.

Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối - Nhân tính chói lòa dưới hang sâu- Ảnh 4.

Càng về cuối phim, nhịp điệu trở nên dồn dập như một cơn lốc, khi các trận chiến nối tiếp nhau, từ cuộc đối đầu cá nhân này đến cuộc đối đầu cá nhân khác, với cái giá cuối cùng là sự sống hoặc cái chết. Không còn khoảng lặng hay chỗ trốn tránh, từng phân cảnh như đẩy nhân vật và cả khán giả đến giới hạn chịu đựng cuối cùng.

Đạo diễn đã khéo léo sử dụng kỹ thuật dựng song song (cross cutting) để khuếch đại cường độ của mỗi cuộc giao tranh. Những đoạn phim đan xen liên tục giữa các nhóm chiến sĩ ở các vị trí khác nhau đã làm nổi bật mức cược tối thượng mà tất cả đang đối mặt: sự sống còn của từng cá nhân và cả mạng lưới địa đạo.

Dù giữa bóng tối và khói lửa, bộ phim vẫn sáng lên với thứ ánh sáng của nhân tính tốt đẹp. Đó là những khoảnh khắc hóm hỉnh của nhóm du kích, tình yêu mãnh liệt giữa Ba Hương và Tư Đạp, tô canh cá trước trận chiến ác liệt, hay tiếng hát lãng mạn của Út Khờ ngay từ đầu phim. Những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy dù đơn giản, nhưng đủ sức chạm đến trái tim người xem, gợi nhắc rằng, ngay trong những thời khắc khốc liệt nhất của chiến tranh, con người vẫn có thể giữ lại lòng trắc ẩn, tình yêu và khát vọng sống. Cái kết của phim cùng tiếp nối thứ ánh sáng nhân văn ấy nhưng đồng thời nó cũng đầy ám ảnh. Hình ảnh tuyệt đẹp của thời khắc chuyển giao giữa bóng tối và ánh sáng, không chỉ tạo ra khoảng lặng hiếm hoi sau một trận đánh mà còn như một lời ngỏ về những gì khốc liệt sẽ còn tiếp diễn. 

Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối - Nhân tính chói lòa dưới hang sâu- Ảnh 5.

Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối là một bộ phim chiến tranh trần trụi, đau thương nhưng cũng ngập tràn giá trị nhân văn. Phim không dễ theo dõi nhưng nếu bạn kiên nhẫn qua từng cảnh phim, bạn sẽ thấy chân dung con người chân thật trong thế giới chiến tranh ác liệt được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khắc họa nên. Nó sẽ khiến chúng ta phải lặng người suy ngẫm về sự sống, cái chết và ý nghĩa sâu sắc của hòa bình. Như một đoạn trích đầy ám ảnh từ Nỗi Buồn Chiến Tranh của nhà văn Bảo Ninh:

“Chao ôi! Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người... Nhưng tất cả những gì bị chiến tranh nghiền nát thì dư âm lại bền lâu, bền lâu hơn tất cả các tàn tích của chiến tranh và chinh biến”.