Khoảng đầu năm 2020, nhiều người xem trung thành của MTV – một kênh truyền hình cáp nổi tiếng đã nhận ra một vấn đề: nhà đài này dường như đang bỏ rơi toàn bộ các hoạt động sản xuất chương trình trên TV khi lịch phát sóng bị xáo trộn liên tục và rất ít chương trình mới được ra mắt so với trước đó. Có vẻ như, MTV cũng đã bỏ cuộc trong việc nỗ lực lôi kéo khán giả trẻ bật TV vào một khung giờ nhất định chỉ để xem show truyền hình yêu thích.
Cái chết của các kênh truyền hình cáp – vốn kiếm tiền dựa vào chi phí đăng ký dịch vụ cáp của người dùng – đã được tiên đoán từ lâu, với khởi đầu là sự xuất hiện của các dịch vụ xem phim trực tuyến. Khi đó, Netflix còn là một người bạn, một công cụ quảng bá và kiếm tiền khác cho các nhà đài. Điển hình là bộ phim Breaking Bad của kênh AMC đại thắng vào mùa phim cuối cùng cũng có công của Netflix trong việc giúp bộ phim tiếp cận đến nhiều người xem hơn.
Thế nhưng, người ta bắt đầu coi Breaking Bad như một bộ phim "của" Netflix. Cùng lúc đó, Netflix cũng sử dụng nguồn phim ảnh đồ sộ mà dịch vụ này mua bản quyền của nhiều nhà đài để học hỏi và thay đổi thói quen của khán giả trong thời đại số. Chỉ trong năm 2019, Netflix đã cho ra mắt 371 series và phim điện ảnh – một con số đáng sợ và chắc chắn là nhiều hơn số chương trình mà toàn bộ nền công nghiệp truyền hình cáp sản xuất trong cả thập kỉ vừa qua.
Tại Mỹ, con số các hộ gia đình đăng ký sở hữu truyền hình cáp cũng tụt dốc không phanh. Nếu như mức kỷ lục được ghi lại vào năm 2010 là 105 triệu hộ gia đình, thì tới hôm nay con số này chỉ còn 82.9 triệu. Theo đà này, trang eMarketer dự đoán sẽ chỉ còn 72.7 triệu gia đình lựa chọn xem truyền hình cáp vào năm 2023. Cùng lúc đó, các dịch vụ xem phim trực tuyến như Netflix, Amazon, Hulu… lại đang ăn nên làm ra. Hiện tại, Netflix có khoảng 182 triệu người đăng ký trên khắp thế giới.
Từng được coi là cỗ máy in tiền, là "bàn tay Midas chạm vào đâu cũng thành vàng", giờ đây ngành công nghiệp truyền hình cáp lại đang hấp hối đầy tức tưởi. Liệu Disney có lường trước được điều này khi "chốt sổ" phi vụ 5.3 tỉ đô la để mua lại Fox Family Channel, đổi tên thành ABC Family và giờ là Freeform?
Comcast – ông lớn sở hữu NBC công bố sự tụt giảm về lượng người dùng truyền hình cáp trong đầu năm 2020, nhưng cũng hân hoan thông báo số người sử dụng dịch vụ trực tuyến của họ đang tăng lên.
Lúc này, cuộc chạy đua giữa các dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh không còn quan trọng. Điều các ông lớn đất Hollywood quan tâm lúc này là làm thế nào để có thể đối đầu với những đối thủ đáng gờm của mảng truyền hình trực tuyến. Khởi đầu là Netflix, sau đó là Amazon và bây giờ thì cả Apple cũng nhảy vào cuộc chiến.
"Tương lai sẽ đi về đâu? Hướng đi mới sẽ là gì?", cựu chủ tịch nội dung của kênh Syfy – Mark Stern – đặt câu hỏi. "Tôi thấy rõ ràng chúng ta phải hướng đến vùng không gian trực tuyến, nơi người dùng có thể xem bất cứ thứ gì họ muốn vào bất kỳ lúc nào."
Và đây là hướng đi được phần đông chọn lựa. Ai cũng cố giành cho mình một phần của "chiếc bánh" truyền hình trực tuyến. Kênh FX cho ra mắt FX on Hulu, National Geographic tưng bừng trên "ngôi nhà" Disney+… CEO của FX Networks – John Landgraf cũng nhận định thẳng thắn: "Việc dịch chuyển lên một vùng không gian số cho phép kênh truyền hình của chúng tôi được tiếp tục tồn tại."
Trở về với câu chuyện của MTV được đề cập phía trên. Khi được hỏi về việc liệu nhà đài này có đang "buông tay" và chấp nhận đi vào dĩ vãng, câu trả lời của họ là không. Giờ đây, kênh truyền hình chỉ là một hoạt động nhỏ trong số các hoạt động của họ. Thay vào đó, họ chọn gửi gắm những "đứa con" mới của mình cho nhiều dịch vụ truyền hình trực tuyến khác nhau: phần làm lại của chương trình Real World được ra mắt tại Facebook Watch, cũng như phần mới của Punk’d và Singled Out sẽ ra mắt tại Quibi. Gần đây nhất, MTV thông báo chương trình nổi tiếng Beavis and Butt-Head của mình sẽ được làm lại và chiếu trên Comedy Central.
Rất nhiều kênh truyền hình cáp tại Mỹ đã nỗ lực tìm cách làm tăng số người đăng ký trong vô vọng trong suốt một thập kỷ trở lại đây. Một vài kênh như MTV, Discovery, Bravo, WGN America, A&E đã cố gắng sản xuất phim truyền hình để thu hút người xem trên kênh của mình, nhưng cũng chỉ nhận lại trái đắng. Lấy WGN America làm ví dụ - dịch vụ cáp này đã sản xuất một vài bộ phim được đánh giá cao và nhận được lời khen, tuy nhiên chẳng ai biết đến những bộ phim này cho đến khi thấy chúng trên các trang xem phim trực tuyến.
Sự từ giã dịch vụ truyền hình cáp thông thường là hoàn toàn hợp lý, nếu nhìn từ góc độ của người dùng. Không ai muốn bỏ ra một đống tiền để mua một gói đăng ký cáp khoảng 200 kênh, rốt cục chỉ xem khoảng 12 kênh trong số đó. Cùng lúc ấy, giá tiền cho Netflix, Disney+ hay Hulu lại quá thấp và có thể xem như không đáng kể - và ta nhận lại được số lượng nội dung khổng lồ ngày càng tăng lên. Cái chết của truyền hình cáp hoàn toàn có thể nhìn thấy trong tương lai.
Mấu chốt của những cuộc đua giữa các ông lớn tại Hollywood vẫn là việc làm thế nào để thu hút khách hàng. Họ có thể lớn lên cùng người xem, hoặc lần lượt đón tiếp các thế hệ đang bước vào một độ tuổi nhất định. Giờ đây, thế hệ trẻ với đại diện là Gen Z đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết với sự phát triển của Internet và các thiết bị cầm tay kết nối mạng. Họ không muốn chờ đợi tới một khung giờ nhất định hàng ngày để bật TV trông chờ bộ phim yêu thích, để rồi cứ 15 phút lại quảng cáo một lần.
Tại Việt Nam, với sự xâm nhập của Netflix cũng như một vài dịch vụ truyền hình trực tuyến trong nước như Pops hay Galaxy Play…, một mồi lửa của cuộc chiến TV - Streaming cũng đang nhen nhóm. Sẽ còn là một chặng đường rất dài để phân định thắng – thua, nhưng nếu ta nhìn vào những gì đang diễn ra tại Hollywood – kinh đô ngành công nghiệp phim của thế giới thì có lẽ, câu chuyện tại Việt Nam sẽ có diễn biến tương đương.