Nhìn lại năm 2023, điện ảnh Việt Nam trải qua một giai đoạn cực kỳ rực rỡ về doanh thu. Tính riêng từ mùa phim Tết 2022 đến nay, phòng vé nội địa đã có thêm 6 tác phẩm gia nhập "câu lạc bộ trăm tỷ". Đây thực sự là một thành tích ấn tượng khi trong lịch sử tổng cộng mới có 21 bộ phim Việt vượt qua được cột mốc này.
Với việc càng ngày càng có nhiều tác phẩm vượt mốc trăm tỷ, nhiều nhà sản xuất trong nước đã bắt đầu nghĩ đến chuyện đầu tư mạnh hơn để cho ra đời những bom tấn thực thụ về mặt hình ảnh. Nguồn vốn này là điều kiện cần thiết để các nhà làm phim đầu tư mạnh cho bối cảnh, phục trang, hóa trang... Giờ đây, việc một bộ phim Việt Nam có hình ảnh đẹp gần như đã trở thành một dạng lời khen thừa thãi.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại từ các dự án doanh thu thảm họa cho tới trăm tỷ trong năm qua, khán giả khó lòng chọn ra những bộ phim có kịch bản thật sự ấn tượng. Các đạo diễn điện ảnh đã phần nào giải quyết được vấn đề về "phần nhìn" thế nhưng chưa đem đến nhiều điều thú vị để khán giả xem chứ chưa nói đến nghiền ngẫm, cảm thụ.
Không thiếu phim thành công nhưng hiếm kịch bản được khen ngợi
Người Mặt Trời là dự án mới nhất của điện ảnh Việt ra rạp trong tháng 12. Tác phẩm khai thác đề tài khá mới mẻ là thể giới của những ma cà rồng, một loài sinh vật huyền bí thường xuất hiện trong các câu chuyện giả tưởng của phương Tây. Bộ phim nhận khá nhiều lời khen về khâu hình ảnh, từ góc quay có ý đồ cho đến kỹ xảo, hóa trang cùng việc xây dựng bối cảnh khá tốt. Tuy nhiên, dù có mở đầu đầy hứa hẹn nhưng Người Mặt Trời nhanh chóng gây thất vọng bởi kịch bản đầy sạn, nhàm chán, dài dòng và dễ đoán.
Trường hợp của Người Mặt Trời chỉ là một ví dụ trong hàng loạt các dự án được khen về mặt hình ảnh nhưng gây thất vọng về nội dung trong năm qua. Trước đó, Người Vợ Cuối Cùng của đạo diễn Victor Vũ cũng đón nhận "cơn mưa" lời khen ngay từ trailer vì trang phục, bối cảnh đẹp. Nhưng đến khi phim ra rạp, tác phẩm khiến người xem thất vọng ê chề vì câu chuyện quá cũ kỹ với nhiều tình tiết bất hợp lý.
Nhà Bà Nữ - tác phẩm phá kỷ lục ăn khách nhất mọi thời - gây chú ý khi khai thác câu chuyện mâu thuẫn giữa các thế hệ. Bộ phim đem đến nhiều góc nhìn mới mẻ và mang tính thời đại cho đề tài gia đình - mảnh đất vốn được nhiều đạo diễn trong nước khai thác triệt để nhiều năm qua. Thế nhưng, về tổng thể, kịch bản Nhà Bà Nữ bị chê rối rắm và gượng ép. Các tình tiết cao trào được đẩy lên một cách vô tội vạ và các vấn đề được giải quyết khá hời hợt, thiếu logic.
Hai bộ phim trăm tỷ khác là Siêu Lừa Gặp Siêu Lầy và Chị Chị Em Em 2 được nhận xét giàu tính giải trí, thỏa mãn phần nhìn nhưng nội dung nhạt nhòa, dạng phim "mì ăn liền". Kịch bản tạo được kịch tính nhưng dễ đoán, cũ kỹ, với đa phần thời lượng dành cho việc gây cười. Lật Mặt 6: Tấm Vé Định Mệnh và Đất Rừng Phương Nam nhận lời khen là những bom tấn trăm tỷ sở hữu kịch bản tương đối tròn trịa nhưng cũng chỉ dừng ở mức lưng chừng với hàng loạt tình tiết được giải quyết chóng vánh và đơn giản.
Một điểm sáng là điện ảnh Việt Nam năm qua chào đón rất nhiều tác phẩm kịch bản gốc. Thậm chí, nhiều dự án khá thành công về mặt doanh thu và được đông đảo khán giả đón nhận. Điều này cho thấy các nhà sản xuất đã bắt đầu tin tưởng hơn vào các nhà biên kịch nội địa thay vì trào lưu mua kịch bản quốc tế để chuyển thể như vài năm trước.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn lại, những dự án thành công đa phần vẫn quanh quẩn trong các đề tài như hài, hành động đơn thuần mà chưa có nhiều đột phá. Hiện trạng này có thể thấy rõ khi các nhà sản xuất muốn thử thách với các thể loại mới như zombie, ma cà rồng, giật gân, trinh thám… Để đảm bảo an toàn, các đạo diễn vẫn thường chọn cách lồng ghép nhiều yếu tố hài hước hoặc đánh đấm để giúp bộ phim dễ xem hơn. Đây là sự lựa chọn hợp lý để giúp một dự án có khả năng đạt doanh thu tốt. Tuy nhiên, thực tế, đa số nhà làm phim Việt thường lạm dụng những thứ "gia vị" này để cứu các kịch bản lỏng lẻo, thiếu chiều sâu hơn là chỉ đơn thuần "nêm nếm" thêm cho hấp dẫn.
Kịch bản phim Việt vẫn chưa được quan tâm đúng mức?
Trong giới làm phim Việt, không ít đạo diễn tên tuổi từng trực tiếp lên tiếng về tình trạng "thiếu và yếu" của đội ngũ biên kịch trong nước. Theo người trong nghề, đa phần người viết kịch bản phim hiện nay chỉ coi đây là nghề tay trái. Họ thường xuất thân là những nhà văn, nhà báo nổi tiếng với khả năng viết tốt. Một nhóm khác chính là các diễn viên, đạo diễn tập tành tự viết vì cảm thấy ngồi chờ kịch bản tốt thì không biết bao giờ mới có.
Một lý do thường được đưa ra là khâu kinh phí thấp nên chưa thu hút được nhiều cây viết chất lượng tham gia sáng tạo. Mức thù lao không cao cộng với thời gian đầu tư cho các dự án kéo dài khiến nhiều biên kịch nhận định rằng chưa tương xứng với chất xám họ bỏ ra. Thực chất, các nhà sản xuất và đạo diễn thừa hiểu tầm quan trọng của một kịch bản hay. Trong một buổi tọa đàm năm 2022, Trấn Thành từng khẳng định sẵn sàng chi tiền tỷ để mua một kịch bản điện ảnh nếu thực sự cảm thấy xứng đáng.
Tuy nhiên, tài chính chỉ là bề nổi của vấn đề. Kịch bản chán là lỗi của biên kịch còn chất lượng của bộ phim lại là trách nhiệm của các nhà làm phim. Để được trở thành phim, kịch bản thường phải trải qua công đoạn đầu tiên và cũng được đánh giá khó khăn nhất là lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất hoặc đơn vị phát hành. Những người này sẽ đánh giá chất lượng và khả năng sinh lời của dự án trước khi quyết định đầu tư. Khi ưng ý, hai bên mới bước vào khâu đàm phán, chỉnh sửa và ký hợp đồng.
Nhiều khán giả đặt câu hỏi tại sao có những câu chuyện ngớ ngẩn đến mức ai cũng nhận ra mà vẫn có người chịu đầu tư tiền tỷ để làm thành phim. Phải chăng nhiều nhà sản xuất Việt Nam đang coi nhẹ khâu kịch bản, cho rằng chỉ cần hình ảnh đẹp, dàn sao đình đám là tác phẩm sẽ có khả năng ăn đậm?
Có thể thấy, hiện trạng phim bị chê về nội dung nhưng vẫn ăn đậm tại phòng vé phần nào chính là lý do khiến khâu kịch bản điện ảnh vẫn là vấn đề được mang ra bàn luận trong hàng chục năm qua. Chỉ khi những nhà sản xuất nhìn thấy số liệu thực tế chứng minh tầm quan trọng của một câu chuyện hay trong việc kéo khán giả tới rạp, có lẽ lúc đó kịch bản mới thực sự được nhìn nhận và quan tâm một cách đúng mức.