Theo thống kê của Box Office Vietnam, tính đến ngày 01/12, tổng doanh thu phòng vé Việt ghi nhận ngưỡng 4.418 tỷ đồng - một con số vô cùng tích cực khi đã vượt qua doanh thu cao nhất trước khi đạt dịch bùng phát vào năm 2019 là 4.100 tỷ đồng. Năm 2023, thị trường nội địa chỉ mới phục hồi được tầm 90% với con số 3.700 tỷ đồng. Điều này cũng cho thấy tín hiệu đáng mừng khi khán giả Việt dần ưa chuộng trở lại các bộ phim được công chiếu trên màn ảnh rộng. Trước đó, điện ảnh Việt từng trải qua thời gian khá chất vật khi lệnh cách ly khiến xu hướng giải trí của người dùng thay đổi. Năm nay, cuộc đua phòng vé vẫn chưa hạ màn khi còn 2 tác phẩm mới ra mắt là Chị Dâu và Kính Vạn Hoa: Bắt Đền Con Ma. Song, doanh thu dự kiến của riêng phim Việt trong năm đã vượt mốc 1.800 tỷ đồng, chiếm 40% tổng doanh thu phòng vé.
Cán cân doanh thu vẫn nghiêng về Trấn Thành, Lý Hải
Dù vậy, các nhà làm phim vẫn chưa thể mừng vội khi một thực tế phũ phàng rằng năm 2024, chỉ có 5 phim vượt mốc trăm tỷ, chiếm khoảng 21%, trong khi con số đổ bộ phòng vé là 24 tác phẩm. Theo số liệu ghi nhận của Box Office Vietnam, các dự án cán mốc hơn trăm tỷ bao gồm: Mai (551 tỷ đồng), Lật Mặt 7: Một Điều Ước (482 tỷ đồng), Làm Giàu Với Ma (128 tỷ đồng), Ma Da (127 tỷ đồng) và Quỷ Cẩu (108 tỷ đồng - bộ phim ra mắt vào cuối năm 2023 nhưng doanh thu đến từ 01/2024).
Cuộc đua phim Việt năm nay không hề xuất hiện hiện tượng “đổi chủ” mà vẫn tiếp tục là sự thống trị của hai đạo diễn “nghìn tỷ” là Lý Hải và Trấn Thành. Tổng doanh thu của hai người cộng lại là 1.033 tỷ đồng, “cân” hơn 50% doanh thu phim Việt trong năm.
Nhìn chung, ngoài Lý Hải và Trấn Thành đã là cái tên bảo chứng phòng vé trước đó, thì Làm Giàu Với Ma, Ma Da và Quỷ Cẩu tạo được tiếng vang nhờ kịch bản chất lượng, hiệu ứng truyền miệng tốt, đảm bảo câu chuyện và thông điệp có chiều sâu. Bên cạnh đó, thành công của ba tác phẩm trên cũng là tín hiệu khả quan cho thấy dòng phim kinh dị đang dần khởi sắc và được công chúng quan tâm nhiều hơn.
Song, điện ảnh Việt vẫn còn tồn tại một số tác phẩm bị gắn mác thảm họa, có phim còn bết bát đến mức ê chề rời rạp khi doanh thu không đạt nổi 1 tỷ đồng. Một số dự án bị “điểm tên” trong danh sách này có thể kể đến như Biệt Đội Hotgirl (gần 68 triệu đồng), Đoá Hoa Mong Manh (430 triệu đồng), Domino: Lối Thoát Cuối Cùng (596 triệu đồng),...
Trào lưu lồng ghép yếu tố văn hoá nở rộ
Năm 2024, khán giả Việt được chiêu đãi bữa tiệc điện ảnh với đa thể loại từ kinh dị, ngôn tình, tình cảm - gia đình đến tâm lý - xã hội. Một điểm giao thoa có thể dễ dàng nhìn thấy đấy là phim nội địa năm nay ít nhiều đều có những yếu tố liên quan đến văn hoá - lịch sử, nhằm tôn vinh các giá trị của đất nước và con người Việt Nam.
Năm nay, phim kinh dị nội địa có những bước tiến mạnh mẽ khi Ma Da, Linh Miêu: Quỷ Nhập Tràng và Quỷ Cẩu đều lấy cảm hứng từ các câu chuyện linh dị dân gian. Cám - phiên bản phóng tác từ truyện cổ tích cũng nhận về nhiều phản hồi tích cực bởi sự tỉ mỉ, chỉn chu trong việc cố gắng tái hiện trang phục, bối cảnh vào giai đoạn cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn. Tương tự, điểm cộng này cũng xuất hiện trong Linh Miêu và Công Tử Bạc Liêu. Ở Linh Miêu, đấy nỗ lực khắc hoạ các nét văn hóa đặc trưng Huế, còn Công Tử Bạc Liêu là thông qua điện ảnh để kể chuyện lịch sử và văn hoá Nam Bộ xưa.
Về phía các dòng phim hiện đại, văn hoá Việt được khoác lớp áo và xuất hiện với nhiều hình thức khác nhau. Ở Lật Mặt 7, đấy là việc lồng ghép lễ hội Lăng Thần Nam Hải trong một cảnh phim tại một làng chài. Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình chiêu đãi người xem những thước phim đẹp ngỡ ngàng về tỉnh Phú Yên. Trong khi đó, Sáng Đèn lại lựa chọn phương án mang cải lương xưa lên màn ảnh rộng, đáng tiếc bộ phim lại phải rời rạp sớm bởi doanh thu không được như kỳ vọng dù nội dung kịch bản không hề tệ.
Bên cạnh cuộc đua về của dòng phim thương mại, năm nay phim nhà nước cũng bất ngờ “nhập cuộc” khi Đào, Phở và Piano gây sốt phòng vé. Hiện tượng bùng nổ này vốn là tiền lệ chưa từng có của màn ảnh Việt khi bộ phim vốn không được quảng bá rầm rộ, thậm chí không phát hành trailer và tổ chức họp báo. Chẳng ai có ngờ rằng, tác phẩm do Nhà nước đặt hàng lại có thể “cháy” vé. Sau hơn 3 tháng oanh tạc, Đào, Phở và Piano cán mốc 20,8 tỷ đồng (theo số liệu của Cục Điện ảnh), một con số đầy mơ ước từ dự án không nhận được quá nhiều đầu tư.
Bộ phim chạm đến trái tim người xem bởi những thước phim hào hùng về một thời chiến đấu oanh liệt của bộ đội xưa, truyền tải những thông điệp mạnh mẽ về khao khát giành hòa bình - chống chiến tranh của dân tộc. Sự càn quét Đào, Phở và Piano còn mở đường cho dòng phim lịch sử - chiến tranh có cơ hội phát triển. Tiếng vang của tác phẩm là minh chứng cho thấy xu hướng khán giả trẻ vẫn ưa chuộng, cởi mở với dòng phim lịch sử, chiến tranh nhưng Việt Nam lại thiếu đi các tác phẩm tạo được sự đột phá tương tự.
Phim Việt chiến thắng vẻ vang tại LHP Quốc tế
Năm 2023, chiến thắng của Bên Trong Vỏ Kén Vàng do Phạm Thiên Ân đạo diễn đã thành công giúp Việt Nam ghi dấu ấn rõ nét trên đấu trường quốc tế khi đoạt giải Camera d'Or (Phim đầu tay xuất sắc) - hạng mục vinh danh những bộ phim đầu tay xuất sắc nhất tại liên hoan phim danh giá nhất hành tinh Cannes. Tiếp nối thành công từ người tiền nhiệm, năm 2024 tiếp tục có 2 đại diện đến từ Việt Nam được xướng tên tại các LHP danh giá.
Đầu tiên, đấy là dự án Mưa Trên Cánh Bướm của nữ đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh. Trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Venice lần thứ 81 - diễn ra ở Ý, bộ phim đã “vượt mặt” 5 đối thủ đến từ các quốc gia khác để đoạt giải cao nhất IWONDERFULL Grand Prize (phim hay nhất) - đây là giải tôn vinh phim dài đầu tay của các đạo diễn trẻ.
Đồng thời, bộ phim còn nhận giải sáng tạo nhất (Verona Film Club Prize) do hội đồng các nhà phê bình dưới 35 tuổi thẩm định. Tại buổi công chiếu thử vào ngày 09-04, Mưa Trên Cánh Bướm cũng “ngẩng cao đầu” khi nhận tràng pháo tay dài hơn 2 phút từ khán giả. Theo giới phê bình đánh giá, Mưa Trên Cánh Bướm nhận nhiều phản hồi tích cực bởi lối kể chuyện sáng tạo, độc đáo, xoay quanh mâu thuẫn giữa hai mẹ con trong việc hóa giải thế lực siêu nhiên bí ẩn.
Đại diện thứ hai là Cu Li Không Bao Giờ Khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân. Cụ thể, đầu tháng 2 năm nay, Cu Li Không Bao Giờ Khóc vinh dự được xướng tên cho giải thưởng Phim dài đầu tay xuất sắc tại LHP Quốc tế Berlin lần thứ 74. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có phim chiến thắng hạng mục này, ghi thêm mốc son chói lọi cho điện ảnh Việt trên trường quốc tế.
Thừa thắng xông lên tại LHP Berlin, Cu Li Không Bao Giờ Khóc nối dài dư âm qua nhiều thánh đường điện ảnh thế giới. Bộ phim đã tiếp tục càn quét tại Liên hoan phim quốc tế Las Palmas de Gran Canaria lần thứ 23 (Giải Màn trình diễn xuất sắc nhất), Liên hoan phim quốc tế Jeonju lần thứ 25 (Giải Phim xuất sắc nhất - hạng mục Cạnh tranh Quốc tế) và Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (Giải Phim hay nhất - Hạng mục phim châu Á dự thi).
Bộ phim khơi gợi lên những cảm xúc khoắc khoải, đau đáu của Nguyện (Nghệ sĩ Minh Châu thủ vai) bị mắc kẹt trong hiện tại - quá khứ giữa phố thị Hà Nội. Bà trở về quê hương nhưng không cảm thấy quen thuộc, trái lại càng cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Dù sản xuất với kinh phí thấp, nhưng bộ phim lại giành được nhiều lời có cánh từ các chuyên gia và truyền thông nước ngoài. Trang ICS nhận định: "Người xem được nhìn tận mắt văn hóa Việt Nam qua nhiều lăng kính. Sự mơ màng trở thành phần không thể thiếu, kết hợp những hình ảnh ấn tượng về mặt thị giác để tạo nên điều gì đó kỳ lạ nhưng hấp dẫn". Trong khi đó, nhà phê bình Susanne Gottlieb của trang Cineuropa cho biết bộ phim mang đến cái nhìn mới về xã hội Việt Nam, tạo ra sự phản ánh đáng suy ngẫm về sự thay đổi của thời cuộc.
Dù rất thành công khi “mang chuông đi đánh xứ người”, nhưng Cu Li Không Bao Giờ Khóc lại bất ngờ bị “ngó lơ” khi công chiếu tại quê nhà khi chỉ thu về vỏn vẹn 745 triệu đồng. Con số này bị đánh giá là khá thấp, không hề tương xứng với chất lượng cũng như giá trị xã hội - thời đại mà bộ phim truyền tải. Bên cạnh đó, điều này cũng phản ánh dòng phim độc lập tại Việt Nam vẫn chưa có “đất dụng võ”, khả năng tiếp cận của khán giả đối các dòng phim nghệ thuật vẫn còn tương đối hạn chế.
Bình chọn cho bộ phim bạn yêu thích nhất ở hạng mục Phim điện ảnh của năm tại WeChoice Awards 2024 ở đây!
WeChoice Awards là giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, có ý nghĩa nhân văn lớn, nhằm tôn vinh những con người, sự kiện, sản phẩm và công trình lan tỏa niềm cảm hứng tích cực tới cộng đồng. Năm 2024, WeChoice Awards đã chính thức quay trở lại với chủ đề "Việt Nam tôi đó".
Sau khi nhận được rất nhiều đề cử ấn tượng do cộng đồng gửi về, cổng bình chọn của WeChoice Awards 2024 đã chính thức mở từ ngày 25/12/2024. Ngay từ bây giờ, hãy truy cập wechoice.vn và bình chọn cho những nhân vật, câu chuyện mà bạn cảm thấy được lan tỏa mạnh mẽ niềm cảm hứng Việt Nam tôi đó.
Thời gian bình chọn sẽ kéo dài từ 25/12/2024 đến 12h00 ngày 12/1/2025. Kết quả bình chọn sẽ được công bố vào đêm Gala vinh danh và trao giải diễn ra tối ngày 12/1/2025. Bình chọn ngay tại wechoice.vn!