Vào ngày 31/8/2009, Disney đã hoàn tất thương vụ mua lại Marvel với mức giá 4,24 tỉ USD, mở ra một thế hệ vàng son cho nhà Chuột nói chung và Marvel Studios nói riêng. Sau 1 thập kỷ miệt mài sáng tạo, giờ đây họ đã nắm giữ trong tay vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng lớn nhất hành tinh - MCU, cùng với đó là 23 phần phim bom tấn, chia thành 3 giai đoạn khác nhau, thu hút đến hàng trăm triệu fan hâm mộ trên toàn thế giới.
Thế nhưng, ít ai biết rằng nếu không có Iron Man 1 (ra mắt vào năm 2008), chưa chắc Disney đã dám bỏ ra một số tiền quá lớn như vậy để mua một studio phim vẫn còn khá non trẻ ở thời điểm đó. Chủ tịch Marvel Studios, Kevin Feige, đã đặt cược một ván bài tất tay vào Robert Downey Jr. trong vai diễn gã tỉ phú lắm tài nhiều tật Tony Stark, và thực tế chứng minh ông đã “ăn đậm”, thành công ngoài sức mong đợi.
Iron Man 1 nhanh chóng trở thành cú hit toàn cầu, đạt doanh thu phòng vé 585,2 triệu USD - một con số ấn tượng ở thời điểm hơn 10 năm trước. Và quan trọng nhất, chính Người sắt đã giúp Marvel lọt vào mắt xanh của Disney, là người tạo tiền đề cho 1 MCU đồ sộ trong cả thực tế lẫn trên màn ảnh lớn. Sau đó, Iron Man 2 (2010) và 3 (2013) tiếp tục ra mắt, dù không được đánh giá cao như phần 1, nhưng cũng lần lượt cán mốc doanh thu 623,9 triệu USD và 1,215 tỉ USD khiến mọi đối thủ khác phải ghen tị.
Iron Man chính là người đã khai sinh ra MCU trong cả thực tế lẫn trên màn ảnh lớn.
Với đà thăng hoa như vậy, không ít fan hâm mộ tin rằng Disney sẽ tiếp tục sản xuất phần 4 cho siêu anh hùng này, bởi Iron Man cũng là một trong những nhân vật được yêu thích nhất trong MCU suốt nhiều năm vừa qua. Thế nhưng sau tất cả, câu chuyện về Người Sắt chỉ dừng lại sau 3 phần phim riêng mà thôi. Anh vẫn tiếp tục tham gia vào biệt đội Avengers, vẫn máu lửa trong Captain America: Civil War, vẫn xuất hiện đầy hài hước trong Spider-Man: Homecoming. Nhưng tuyệt nhiên, không có thêm bất cứ phần phim riêng nào cho Tony Stark.
Trong một buổi phỏng vấn với chuyên trang Vanity Fair, bộ đôi biên kịch Christopher Markus và Stephen McFeely, hai cây bút ma thuật đằng sau kịch bản hoành tráng của Avengers: Endgame, đã có những chia sẻ về vấn đề này. Stephen cho biết: “Dù bạn có thích toàn bộ 23 phim của MCU hay không, cái cách mà Marvel Studios xây dựng nhân vật cho phép họ vẽ ra câu chuyện gì cũng được, khai thác thêm khía cạnh nào cũng được, chẳng có gì khó khăn cả. Nếu là studio khác, tôi dám cá với bạn họ sẵn sàng “vắt sữa” Người Sắt, tiếp tục sản xuất Iron Man 4”.
“Thế nhưng ở đây chúng tôi không làm thế. Marvel muốn tạo cơ hội, tạo đất diễn cho cả những siêu anh hùng khác nữa. Quyết định ngừng khai thác một nhân vật lớn như Iron Man là cực kỳ mạo hiểm, nhưng đồng thời cũng là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời cho chúng tôi”.
Nếu là studio khác, chắc Iron Man sẽ tiếp tục bị “vắt sữa” cho đến khi nào không kiếm ra tiền nữa mới thôi.
Markus lý giải thêm: “Nếu cứ khai thác Iron Man thì sẽ làm mất đi ý nghĩa cao đẹp về nhân vật này, về 3 phần phim trước đó. Cái kết dành cho Iron Man là vừa phải, đủ để mọi người biết nhân vật này là ai, đáng yêu mến ra sao. Nếu tiếp tục sản xuất Iron Man 4, chắc chắn nhiều người sẽ lắc đầu ngao ngán: Hơi quá đà rồi thì phải”.
Bản thân nam diễn viên Robert Downey Jr. cũng từng nhiều lần úp mở về khả năng Marvel Studios sẽ sản xuất Iron Man 4, thậm chí còn đề xuất nên để Mel Gibson làm đạo diễn cho phần phim này. (Mel Gibson là đạo diễn/diễn viên huyền thoại với nhiều tác phẩm kinh điển như Mad Max 1979, Lethal Weapon 1987…).
Thế nhưng sau tất cả, cái tên Iron Man chỉ dừng lại ở 3 phần phim riêng, chặng đường của nhân vật này cũng đã kết thúc sau khi anh dũng hi sinh ở đoạn cuối Avengers: Endgame. Giờ đây, fan hâm mộ đang cực kỳ háo hức đón chờ phase 4 của MCU, thời kỳ hậu Tony Stark và Steve Rogers, sẽ diễn biến ra sao với phần phim mở màn Black Widow, dự kiến ra rạp vào ngày 30/4/2020.
Theo DenofGeek
Trí thức trẻ