Stephen King đã từng "cạch mặt" Stanley Kubrick khi bộ phim The Shining (Ngôi Nhà Ma - 1980) chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của ông đã làm sai nguyên tác. Bất chấp việc The Shining đã trở thành một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Điều này sẽ khiến khán giả đặt câu hỏi rằng, với phần phim nối tiếp là Doctor Sleep (Ký Ức Kinh Hoàng - 2019) cũng xây dựng từ tiểu thuyết của ông trùm phim kinh dị thì liệu có đảm bảo được việc vừa đúng nguyên tác mà lại vừa đi theo đúng mạch giải thích phần trước là The Shining?
1. Doctor Sleep - một hậu truyện tôn trọng phần trước khi đi theo đúng "đường ray"
Hình ảnh Danny được tái hiện trong Doctor Sleep
Căn phòng 237 ám ảnh
Lộn lại quá khứ từ năm 1980, sau khi xảy ra một loạt chuyện kinh hoàng thì Overlook - khách sạn ma ám vẫn còn tồn tại sừng sững và chưa hề bị phá hủy. Ông chú Dick Hallorann - một "người bạn thân" cũng có khả năng "shining" của Danny (Roger Dale Floyd) vẫn hàng ngày dõi theo cậu bé kể từ sự kiện Overlook. Tuy là hai mẹ con Danny đã trốn thoát khỏi khách sạn quỷ ám nhưng những ký ức kinh hoàng vẫn không buông tha Danny. Cậu bé vẫn gặp lại "chị ma thích nude" trong căn phòng 237 biểu tượng, bất chấp khi đó Danny đã chuyển đến sống với mẹ Wendy (Alex Essoe) ở Florida.
Abra (Kyliegh Curran) và Dan (Ewan McGregor)
Tiếp nối từ những sự kiện trên cho đến ngày nay, Dan (Ewan McGregor) hiện đã trở thành một kẻ nghiện rượu nặng và đang phải hồi phục ở New Hampshire. Bất chấp rằng chất cồn đã lấn át ít nhiều khả năng thiên bẩm, Dan vẫn có thể "shining" và anh nhận được những tin nhắn kỳ lạ từ một cô bé tên là Abra (Kyliegh Curran). Abra - bằng khả năng "shining" của mình đã nhìn thấy một nhóm người bất tử chuyên săn lùng trẻ em có khả năng "shining" để giết họ và sau đó thu nhận "sinh khí" như thức ăn hàng ngày. Cô bé kỳ lạ đã đề nghị sự giúp đỡ của Dan để chống lại băng đảng sát thủ tàn nhẫn kia. Từ đây, mạch phim đan xen giữa việc giải thích những chi tiết còn chưa cụ thể trong The Shining và cuộc chiến chống lại băng đảng dị nhân hồi hộp không kém phim hành động.
2. Lối kể chuyện bắc cầu thông minh, hồi tưởng sinh động lại một thời "ký ức kinh hoàng"
Bộ phim Doctor Sleep được đạo diễn bởi Mike Flanagan - một người không còn lạ gì với sở thích làm phim là sẽ xoay quanh nhân vật và lối kể chuyện cẩn thận tỉ mỉ bị khán giả cho là chậm chạp. Điểm đáng khen nhất của đạo diễn là kỹ thuật bắc cầu rất thông minh khi chuyển cảnh được những tình tiết dựng lại từ phim cũ một cách rất hợp lý. Khán giả hoàn toàn có thể cảm nhận được những hình ảnh biểu tượng như đang hiện trước mắt mình là hành lang mê cung khách sạn ma ám, phòng 237 rùng rợn, cặp chị em sinh đôi thích "rủ đi đu đưa", bất chấp việc khán giả chưa hề xem phần phim trước đi nữa thì với lối kể chuyện cẩn thận của Flanagan, ai cũng có thể nắm được nội dung.
3. Diễn viên từ nhỏ đến lớn đều đóng đạt đến sợ, trai thì xinh gái thì đẹp
Ewan McGregor là người được giao trọng trách quan trọng nhất khi đảm nhiệm vai chính - cậu bé Danny ngày nào giờ đã trưởng thành nhưng lại mang chấn thương tâm lý. Nam diễn viên chia sẻ mình đã thực sự bị ám ảnh bởi vai diễn vì bản thân đã từng nghiện rượu khi còn trẻ. Có lẽ đây là lý do giúp phân cảnh Danny đối thoại lại với người cha quá cố - một kẻ nát rượu lại có thể mang lại xúc động cho người xem đến thế.
Đồng hành cùng Dan (Ewan McGregor) trên hành trình tìm lại công lý là Abra (Kyliegh Curran) - một nữ diễn viên tuy còn rất trẻ nhưng lại thể hiện khả năng diễn xuất cực tốt. Có những giây phút khán giả thấy Abra hiện lên là một cô bé ngây thơ, nhưng cũng có lúc lại khiến người xem "đóng bỉm" bởi những pha thể hiện siêu năng lực của mình.
Nữ diễn viên Rebecca Ferguson trong vai phản diện Rose the Hat - kẻ cầm đầu băng đảng săn người, đã diễn tròn vai đến mức khán giả cho rằng đây là nhân vật phản diện hay nhất của Stephen King trong nhiều năm. Không phải quái thú, răng nanh hay những tạo hình kỳ quái, Rebecca vẫn là chính cô trong tạo hình một người phụ nữ rất xinh đẹp nhưng ẩn chứa bên trong là sự độc ác kinh hoàng.
Bên cạnh đó là màn trình diễn của một làng các hồn ma bắt đầu từ Carl Lumbly trong vai ông chú Dick Hallorann dễ mến cho đến một lô một lốc các nhân vật ma quái gây "mất ngủ" từ The Shining đều được tái hiện lại một cách trực quan.
4. Nhạc phim từ năm 80 vẫn đủ để "đóng bỉm"
Sẽ là một thiếu sót lớn khi không dành lời khen cho phần nhạc phim. Nhà sản xuất đã tỏ ra là mình rất tinh ý khi tiếp tục sử dụng phần âm nhạc là những đoạn nhạc có nhịp đánh dồn với nhịp tim như phần phim The Shining trước. Điều này tạo cảm giác hồi hộp lo sợ cho khán giả trong rạp. Bên cạnh đó, tại những phân cảnh về khách sạn Overlook, bộ phim đã cho phát lại bản nhạc phim bất hủ từ năm 1980 (The Shining Main Title) khiến những khán giả từng xem phần phim trước cảm thấy bao nhiêu ký ức kinh hoàng bỗng chợt ùa về một cách rất tự nhiên.
5. Nếu là mọt phim kinh dị thì không thể bỏ lỡ Doctor Sleep - siêu phẩm cuối năm
Doctor Sleep - một bộ phim ngay từ khi chưa ra rạp đã nhận vô số áp lực từ người tiền nhiệm. Có những ý kiến cho rằng phim hơi dài gây buồn ngủ thì trái lại việc Doctor Sleep có phần bị cho là "lê thê" này để nhằm mục đích giải thích những chi tiết từ phần phim trước nên vẫn tạo được hứng thú với những khán giả là mọt phim Stephen King. Điểm trừ của Doctor Sleep là không thể tái hiện lại được một bộ phim kinh dị có chất phim nghệ thuật đẹp mắt như The Shining và những yếu tố kinh dị trong phiên bản 2019 là trực quan chứ chưa đủ độ sâu sắc như người đi trước.
Poster phim Doctor Sleep
Tạm kết, với những nỗ lực của nhà sản xuất để thoát khỏi cái bóng siêu to khổng lồ của người đi trước, Doctor Sleep là một bộ phim kinh dị rất ổn để ra rạp xem. Bộ phim trở thành "cứu cánh" trước một rừng phim thị trường "jump scare" nhàm chán hiện nay và hoàn toàn xứng đáng được công nhận như người tiền nhiệm.
Trailer phim Doctor Sleep (2019)
Hiện Doctor Sleep đang được chiếu tại các rạp.