Là nhân vật mở màn cho MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel), hành trình của Iron Man (Robert Downey Jr.) trên màn ảnh rộng vừa bằng tuổi đời của vũ trụ điện ảnh này. Trải qua 11 năm với bao thăng trầm, Marvel đã là thương hiệu ăn khách hàng đầu thế giới còn Tony Stark cũng từ một gã tỉ phú gàn dở trở thành siêu anh hùng chịu nhiều tổn thương nhất.
Cú vấp ngã của tay tỉ phú sinh ra đã ở vạch đích
Lần đầu tiên ra mắt công chúng, Tony Stark là một đứa trẻ chưa lớn trong hình hài của gã tỉ phú trung niên hào hoa, thông minh, giàu có và kiêu ngạo. Anh như bước ra từ trong trang truyện của Stan Lee - vốn bị thử thách phải tạo ra một siêu anh hùng mà chẳng ai yêu thích. Thế nhưng sao mà ghét cho được cái lối diễn tưng tửng và cực kì duyên dáng của Robert Downey Jr.
Giây phút thể hiện sự kiêu ngạo của Tony ngay khi vừa xuất hiện.
Sự bất cần và đam mê công nghệ lúc đã biến Tony thành một người đàn ông mang trên mình bộ giáp đầy quyền năng. Anh xuất hiện nơi chiến trường, phô diễn thứ vũ khí hiện đại có thể phá nát cả một ngọn núi chỉ trong nháy mắt, nốc một li rượu ướp lạnh ngay dưới cái nắng chói chang. Đó là chưa kể tay tỉ phú vừa trải qua một đêm thác loạn trên máy bay trước khi ra chiến trường.
Anh chàng nhanh chóng vấp ngã khi rơi vào tay bọn khủng bố.
Thế nhưng chỉ vài phút sau, niềm kiêu hãnh của Tony bỗng chốc tụt xuống con số âm khi bị những kẻ khủng bố tấn công bằng chính thứ vũ khí do mình tạo ra. Người luôn tự tin rằng chỉ làm điều tốt chợt nhận ra bản thân không khác gì cái biệt danh "lái buôn của tử thần" do những kẻ quá khích đặt cho. Đây chính là thời điểm khiến Tony không còn tin tưởng vào bất kì ai và tự trở thành một thứ vũ khí để bảo vệ nhân loại.
Đây là lúc Tony Stark trở thành Iron Man để tự thực thi công lý.
Song, nhân vật lại một lần nữa vấp ngã ở Iron Man 2 (2010) khi thứ trao quyền năng điều khiển bộ giáp cũng là thứ đang giết chết anh từng ngày. Không những thế, nó còn giúp kẻ thù của Tony sở hữu sức mạnh không hề thua kém. Câu nói "Con là sáng tạo tuyệt vời nhất của cha" của Howard Stak (John Slattery) khiến anh như bừng tỉnh. Từ đây, ông chủ tập đoàn Stark đã biết chấp nhận sự thiếu hoàn thiện của bản thân cũng như những giá trị chân phương của tình cảm.
"Iron Man 2" giúp anh nhận ra giá trị tình yêu .
The Avengers (2012) không chỉ là bước ngoặt cho cả MCU mà cũng là lúc Tony Stark và các siêu anh hùng khác nhận ra bản thân họ không hề cô độc trong thế giới này. Tay tỉ phú quen thói tự cho mình là "cái rốn của vũ trụ" đã biết cách tin tưởng và sát cánh chiến đấu cùng đồng đội.
Hình ảnh này khiến không ít fan phải nghẹn ngào.
Giây phút Iron Man quyết định ôm quả bom hạt nhân ra khỏi đạo Manhattan để đưa lên vũ trụ mà chẳng kịp nói lời cuối với Pepper Potts (Gwyneth Paltrow) hẳn đã khiến không ít khán giả phải rơi nước mắt. Sau những cú vấp ngã đầu đời, anh đã tự đứng lên và học được những ý nghĩa quý báu trong việc trở thành một siêu anh hùng.
Siêu anh hùng chịu lời nguyền của trí thông minh
Sự trưởng thành chỉ thực sự đến khi Tony Stark phải đối diện với những lỗi lầm do chính bản thân gây ra. Với Iron Man 3 (2013), tay phản diện Killian (Guy Pearce) được sinh ra do chính bản tính chảnh chọe, khinh thường người khác của anh từ 20 năm trước. Chỉ một thái độ thiếu tôn trọng trong quá khứ đã dẫn đến thảm họa của hiện tại và xém xíu đã khiến Tony mất đi người mình yêu thương.
"Iron Man 3" chứng kiến những cơn ác mộng triền miên của Tony.
Xuyên suốt bộ phim, khán giả còn dễ dàng nhận nỗi ám ảnh của Iron Man khi luôn trong tâm thế lo sợ chẳng thể bảo vệ được thế giới. Kể từ cuộc chiến New York, Tony chẳng thể trở về cuộc sống bình thường với nỗi ám ảnh kẻ thù có thể xuất hiện bất kì lúc nào. Anh làm việc không ngừng nghỉ để cải tiến công nghệ liên tục và dường như biến mất sau những bộ giáp.
Anh ám ảnh với việc không thể cứu thế giới.
Đến Avengers: Age of Ultron (2015), nỗi sợ ấy khiến Tony một lần nữa phạm sai lầm. Ảo ảnh thế giới diệt vong do Wanda Maximoff (Elizabeth Olsen) tạo ra đưa Tony đến bước đường tạo ra Ultron (James Spader). Con robot tự phát triển khả năng tư duy và cho rằng con người mới chính là những kẻ phải bị nhổ tận gốc. Hậu quả cuộc chiến là hàng trăm ngàn người dân vô tội ở Sokovia phải bỏ mạng.
Sai lầm khiến Avengers phải đối đầu với Ultron.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, trận chiến kinh hoàng đó đã cướp đi gia đình của Zemo (Daniel Brühl). Từ đây, gã căm thù và nuôi ý định phá hoại nhóm Avengers ngay từ bên trong. Kế hoạch đã thành công khi lôi Bucky Barnes (Sebastian Stan) vào giữa cuộc chiến. Một hiệp định Sokovia đã chia rẽ nhóm siêu anh hùng sâu sắc thành cuộc nội chiến Captain America: Civil War (2016).
Rồi hủy hoại luôn cả nhóm.
Nhưng, nó vẫn không đáng sợ bằng bản báo cáo ngày 16/12/1991 khiến 2 trụ cột Marvel là Captain America (Chris Evans) và Iron Man mâu thuẫn gay gắt. Avengers tan rã từ đây và mãi đến hết Avengers: Infinity War (2018) vẫn chẳng thể khôi phục lại như lúc ban đầu.
Như Thanos (Josh Brolin) từng nói rằng Tony là kẻ phải chịu lời nguyền của trí thông minh. Anh chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi sợ không thể chống lại những thế lực mà bản thân có thể tiên đoán trước. Cái kết của Infinity War chính là lúc những viễn cảnh ác mộng của Tony trở thành sự thật. Anh đã làm việc hết mình để sở hữu những vũ khí mạnh nhất, đã cố gắng chiến đấu đến khi không còn hơi sức nhưng chẳng thể ngăn được cả thế giới "bay màu".
Tony là kẻ phải chịu lời nguyền của trí tuệ.
Từng thành viên nhóm Avengers đều bị tổn thương tinh thần sau mất mát quá to lớn đó nhưng Tony dường như mới là kẻ đau đớn nhất. Bản tính cứng đầu, cái tôi lớn khiến anh tự đổ hết mọi tội lỗi và trách nhiệm lên đầu mình. Đặc biệt là khi chứng kiến "cậu học trò" Spider-Man (Tom Holland) tan biến ngay trước mắt. Xét cho cùng thì chẳng phải "sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng nhiều" đó sao?
"Endgame" chính là cái kết cho hành trình 11 năm của Iron Man trên màn ảnh rộng.
Avengers: Endgame vào ngày 25/04 tới đây có lẽ là lần cuối cùng người xem được chứng kiến Tony Stark khoác lên mình bộ giáp Iron Man. Dù phải hi sinh hay chọn cuộc sống giải nghệ bên Pepper Potts thì anh luôn là một dấu ấn khó phai trong lòng người hâm mộ.