Cái Kết Đau Khổ
Bộ truyện Attack on Titan lần đầu được xuất bản trên tạp chí Kodansha vào ngày 17, tháng 3 năm 2010. Đã hơn 10 năm trôi qua và bộ truyện đã dần đi đến hồi kết. Theo như lời của tác giả Hajime Isayama thì ngay từ khi chắp bút vẽ lên những trang truyện đầu tiên của Attack on Titan, ông đã xây dựng đầy đủ kịch bản từ khi mở đầu đến tận cái kết của nó.
Dĩ nhiên bộ truyện này thời điểm ban đầu không hẳn là bị chìm nghỉm giữa hàng hà xa số những tác phẩm Manga nổi tiếng khác, nhưng phải đến 3 năm, khi Anime cùng tên được IG – WIT Studio thầu và xuất bản toàn cầu vào tháng 10 năm 2013, tên tuổi của Attack on Titan đã được vút bay trên thị trường toàn cầu. Sau đó, cả Anime lẫn Manga Attack on Titan đã trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất từ lúc đó cho đến tận thời điểm hiện tại.
Tác giả cũng chia sẻ lúc đầu ông không nghĩ rằng tác phẩm của mình có thể thành công đến thế, vậy nên ông rất cảm ơn WIT Studio khi đã quyết định dựng tác phẩm của ông thành Anime. Khi bắt đầu với bộ truyện này, hẳn là các độc giả cũng ngay lập tức nhận ra đây là một tác phẩm nặng nề và u ám, với nhân vật chính dù luôn tìm kiếm lý tưởng được tự do, nhưng cả tác phẩm chỉ chìm nghỉm trong nỗi tuyệt vọng, tan thương và mất mát. Chính vì lẽ đó, hầu hết các fan đều đoán già đoán non rằng cái kết của bộ truyện này hẳn là sẽ là một Bad Ending – kết buồn, và điều đó là sự thật.
Ngay từ đầu, tác giả Hajime đã luôn muốn có một cái kết buồn cho Attack on Titan. Vào thời điểm khi bộ truyện đang thành công nhất, tác giả có chia sẻ về tình cảm của độc giả toàn cầu dành cho tác phẩm của ông và ông sợ rằng cái kết của mình sẽ khiến họ không hài lòng, điều này đã khiến cho bố trẻ suy nghĩ rất nhiều, và cũng từ đó mà nhiều fan hâm mộ đã nghĩ rằng ắt hẳn Hajime sẽ thay đổi cái kết đau khổ của Attack on Titan, tuy nhiên điều đó sẽ không xảy ra.
Trong cuộc phỏng vấn ở hội nghĩ triển lãm kỉ niệm 10 năm của Attack on Titan, tác giả Hajime đã nói hết nỗi lòng mình về cái kết của Attack on Titan. Ông tâm sự rằng ông biết rất rõ cái kết buồn của Attack on Titan hẳn sẽ làm người đọc đau khổ, nhưng thú vị thay, đó lại chính là điều mà ông luôn khao khát muốn làm được. Ông muốn được tiếp tục viết cái kết mà ông đã dựng lên từ đầu, và dù rằng điều này không phải là điều tốt với độc giả, nhưng đối với ông, ông muốn tạo dựng một cái kết thúc mà theo lời của ông, đó chính là "đau đớn đến mức độc giả không thể nào quên được".
Tác giả Hajime rất thích Cái Kết của Bộ Phim The Mist
The Mist – Sương Mù là một bộ phim kinh dị dựa trên tác phẩm của nhà văn Stephen King (người rất nổi tiếng qua những tác phẩm khác, mà gần đây nhất là IT với tên hề Pennywise). Bộ phim này ra mắt vào năm 2007 và đã khiến cho cả giới phê bình lẫn phần đông khán giả bị sốc nặng với một cái kết quá đau đớn đến mức "không thể nào quên được". Thú vị thay bộ phim có rất nhiều nét tương đồng với chính manga Attack on Titan.
Tóm tắt về bộ phim thì câu chuyện xoay quanh nhân vật chính David Drayton cùng một vài nhân vật khác cố gắng sống sót trước lũ quái vật kinh hoàng, khi bị cô lập trong một siêu thị nhỏ. Trải qua đủ khó khăn, mất mát và kinh hoàng, David cùng con trai và một vài người khác quyết định liều mình bỏ chạy ra khỏi siêu thị cho đến khi thấy rằng màn sương chứa đầy lũ quái vật vẫn còn dù đã chạy hết xăng trên xe.
Vậy là để giải thoát cho tất cả mọi người khỏi số phận bi kịch đó là bị lũ quái vật xé xác đến chết, David quyết định chọn cách giải thoát dễ dàng nhất và cũng đau đớn nhất, đó là dùng súng với những viên đạn cuối cùng, bắn chết tất cả mọi người xung quanh kể cả đứa con trai của mình rồi bước ra màn sương để tự sát, chờ đợi lũ quái vật xâu xé mình. Nhưng nào có ngờ, giây phút David bước ra cũng là khi quân đội đã đến để cứu người dân, lũ quái vật đang bị tiêu diệt, màn sương đã dần tan, còn tất cả những kẻ "ích kỉ đáng chết" khác đều đã được cứu.
Và trớ trêu thay hiện tại hoàn cảnh của Eren trong Attack on Titan cũng tương tự như David trong The Mist. Eren/David cùng những người mà anh ta "yêu thương" đều bị giam cầm trong những "bức tường/siêu thị". Họ đều bị kẻ thù bên ngoài chèn ép (Titan/Quái Vật hay thế giới/màn sương mù). Họ đều cố gắng để chiến đấu và sống sót bằng mọi giá.
Tuy nhiên cái kết tương tự như David, Eren cũng tự quyết định rằng để bảo vệ cho những người mà anh yêu quý, cách dễ dàng và ít đau khổ nhất đó là một mình anh hủy diệt cả thế giới, giống như cách David tự quyết định giải thoát cho con trai và những người khác khỏi số phận đau thương. Tuy nhiên, David đã không nhận ra rằng nếu anh ta chỉ chờ thêm vài phút nữa và có thêm một chút hy vọng nữa thôi, thì mọi chuyện đã khác.
Nếu như cái kết của Attack on Titan được tác giả lấy cảm hứng như The Mist, thì rất có thể, đến cuối cùng Eren sẽ là người duy nhất còn lại trong khi tất cả những người mà anh ta yêu thương nhất chết sạch, và anh ta sẽ đau khổ cùng cực, còn những kẻ khác mà độc giả xem là "đáng chết" sẽ được sống bằng sự hy sinh của Eren.
Một cái kết đau đớn đến mức độc giả sẽ không thể nào quên được.