"Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui". Câu hát như muốn nói lên những khao khát yêu thương trong cuộc đời Trịnh Công Sơn. Ông là một nhạc sĩ chuyên viết tình ca, viết về vô số "nàng thơ" đã đi ngang cuộc đời mình để rồi cho đến tận cuối đời vẫn lẻ bóng. Cuộc đời Trịnh, âm nhạc Trịnh, tình yêu của Trịnh là một câu chuyện quá lớn để đưa lên màn ảnh rộng. Thế nhưng, Em Và Trịnh đã cho thấy được phần nào nét đẹp và buồn đến nao lòng ấy.
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Câu chuyện của Em Và Trịnh lấy bối cảnh một sự kiện âm nhạc tại Paris vào thập niên 1980. Trịnh Công Sơn (NSƯT Trần Lực) lúc này đã đứng tuổi có sự xao xuyến với cô gái trẻ người Nhật tên Michiko Yoshii (Nakatani Akari) – người đã hát nhạc của mình một cách đầy truyền cảm. Michiko ngỏ ý muốn ông giúp mình hoàn thành bài luận văn thạc sĩ về yếu tố phản chiến nhạc Trịnh. Ít lâu sau, "nàng thơ" đã sang Việt Nam để tìm hiểu về người dân và văn hóa nơi đây.
Trịnh Công Sơn bắt đầu rung động với cô gái trẻ nhí nhảnh, tràn đầy năng lượng. Trong khi đó, những ký ức của ông về thời trai trẻ cùng những mối tình với Bích Diễm (Lan Thy), Dao Ánh (Hoàng Hà) và Khánh Ly (Bùi Lan Hương) dần tràn về. Mọi thứ bắt đầu vào một ngày mưa tầm tã năm 1960. Chàng Trịnh Công Sơn (Avin Lu) trẻ tuổi bắt gặp bóng hình mong manh của nàng Bích Diễm bước đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa.
Em Và Trịnh đã đưa ta về xứ Huế đẹp đến nao lòng. Từ "Huế" chưa bao giờ xuất hiện trong nhạc của ông nhưng lại hiện lên qua những câu hát vừa mỹ miều, vừa da diết. Đó là "tầng tháp cổ" của nàng nữ sinh trong một chiều "mưa bay". Đó là khi "chiều một mình qua phố" lại "âm thầm nhớ nhớ tên em" khi thấy một "loài hoa chợt tím". B’lao lại trong xanh, tinh khôi và hùng vĩ như nỗi nhớ tràn đầy trong những cánh thư mà Trịnh Công Sơn gửi nàng Dao Ánh. Đà Lạt thì man mác, lạnh và cô đơn như miền giáo đường ngày Chủ Nhật trong cơn mưa miên man.
Con số 50 tỷ kinh phí có lẽ không nói quá khi những Quán Văn ở Sài Gòn, Tuyệt Tình Cốc của nhóm thanh niên trẻ hay một Sài Gòn xưa cũ những năm 1980 hiện lên một cách chân thật nhất. Màu phim u buồn và hoài cổ như một miền ký ức xa xôi với những kỷ niệm như chỉ vừa xảy ra ngày hôm qua. Âm nhạc của Đức Trí đã làm sống lại trọn vẹn cảm xúc, sự từng trải và tiếc nuối mà chàng nghệ sĩ tài hoa ôm đến tận cuối đời.
Vì em đã mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia
Buồn không chỉ là bối cảnh chung của Em Và Trịnh mà còn là những gì mà Trịnh Công Sơn "mang đi trong hư vô, ngày qua hững hờ". Qua mỗi mối tình, ông đều yêu thương hết mình nhưng lại chẳng bao giờ đến được bến bờ hạnh phúc. Với nàng Bích Diễm là những cảm xúc mong ngóng nàng đi qua con phố thường nhật, để rồi "chiều nay còn mưa sao em không lại, nhớ mãi trong cơn đau vùi". Khi Bích Diễm đi du học, anh lại thấy tim mình rộn ràng với cô em gái Dao Ánh.
3 năm yêu xa với hàng trăm bức thư chỉ để khép lại với một cái kết dang dở. Nàng không xuất hiện cụ thể như trong Diễm Xưa nhưng lại có đôi mắt trong xanh như khu vườn đón ánh nắng trong Nắng Thủy Tinh hay "vùng tóc dài" của Tuổi Đá Buồn. Nàng có những phiến mây hồng mang trên vai như trong Tuổi Đá Buồn, là những hình ảnh trong ký ức về xứ Huế khi "em đi về cầu mưa ướt áo, đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau".
Với Khánh Ly là tình cảm của sự đồng điệu giữa hai tâm hồn âm nhạc. Chỉ có Khánh Ly mới truyền tải được sự day dứt và khao khát yêu thương trong nhạc Trịnh. Có những nỗi buồn đến mức "làm sao em biết bia đá không đau", nhưng người nhạc sĩ đa cảm vẫn khuyên "hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá" vì "ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau". Nhưng dù là Dao Ánh, Khánh Ly hay Michiko thì ông vẫn mãi cô đơn "vì em đã mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia".
Ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi
Đẹp và ngọt ngào là thế nhưng khắc họa cả "một kiếp rong chơi" của Trịnh Công Sơn có lẽ là một nước đi tham vọng. Trong Em Và Trịnh, mọi thứ chỉ đều xuất hiện ở bề mặt mà chưa khai thác hết một cách trọn vẹn. Nhiều tình tiết vẫn còn có thể đào sâu nhưng đã vội chuyển cảnh như khi chưa "gọi mùa thu về" đã phải "nhìn những mùa thu đi". Nhất là sự chuyển biến từ một Trịnh Công Sơn u buồn, trầm tĩnh của Avin đến phiên bản trung niên tếu táo của NSƯT Trần Lực không hề có.
Bộ phim vẫn chứa nhiều điểm vô lý như khi Bích Diễm vừa đi du học thì Trịnh Công Sơn đã… rủ Dao Ánh đi uống cà phê dù vẫn còn đau buồn. Không hiểu sao chi tiết Trịnh Công Sơn trốn quân dịch nhưng khi bị bắt thì chỉ bị hỏi về việc sáng tác nhạc hòa bình. Phần phản chiến của Trịnh Công Sơn dường như chỉ góp mặt cho có với những hình ảnh lồng ghép tư liệu chiến tranh.
Giá như, bộ phim tập trung vào một khoảng thời gian cụ thể thay vì kể câu chuyện dàn trải để rồi mọi thứ cuối cùng trở nên rời rạc. Buồn thay, tuyến nhân vật của NSƯT Trần Lực và Akari lại là mắt xích yếu trong một bản nhạc hay. Tính cách cô nàng người Nhật quá trẻ con so với sự trưởng thành của âm nhạc Trịnh. Giữa họ cũng không đủ cảm xúc để người nhạc sĩ già đã trải qua nhiều đau khổ mở lòng mình và nghĩ đến chuyện kết hôn. Chưa kể, Trần Lực có thể mang vẻ ngoài của Trịnh Công Sơn nhưng lại thiếu đi thần thái của người nhạc sĩ. Trịnh của ông rập khuôn với nét diễn khá kịch và tính cách "hồi xuân" không phù hợp.
Cuối cùng, diễn xuất của dàn diễn viên trẻ có sự chênh lệch lớn khi Bùi Lan Hương, Hoàng Hà chiếm trọn dấu ấn với những tính cách đặc trưng của nhân vật. Qua Bùi Lan Hương, ta thấy được một Khánh Ly hào sảng và chất chơi với chất giọng mạnh mẽ. Hoàng Hà có sự đáng yêu, tinh nghịch và ghen tuông của tuổi mới lớn cùng đấu tranh nội tâm khi yêu chàng nhạc sĩ nghèo, tương lai bất định. Song, Trịnh Công Sơn là chiếc áo khá rộng với Avin Lu khi anh thường xuyên bị bạn diễn lấn át.
Chấm điểm: 3/5
Cũng như âm nhạc của Trịnh Công Sơn, Em Và Trịnh là một khúc ca đẹp da diết, u buồn, cảm xúc và tràn đầy suy tư về người nhạc sĩ tài hoa của nhạc Việt. Nhưng nó vẫn chưa hoàn hảo khi có quá nhiều câu từ và thiếu vắng những điệp khúc khiến khán giả nhớ mãi.
Nguồn ảnh: Tổng hợp
https://KenhTinGame.Com/em-va-trinh-khuc-ca-dep-u-buon-nhung-con-nhieu-luyen-tiec-20220609162814238.chn