Làng phim truyền hình dịp cuối năm rộn ràng với sự xuất hiện của Emily Ở Paris - một bộ phim mới được ra mắt có cô nàng Lily Collins xinh đẹp đóng chính. Kể về một thiếu nữ xinh xắn đi làm ở thành phố Paris hoa lệ, bộ phim đưa người xem từ trai đẹp này đến trai đẹp khác, cùng lúc đó giải quyết những vấn đề rất “trời ơi đất hỡi” được gắp ra từ những bộ phim hài tình cảm của thế kỷ trước.
Nếu như khán giả mong chờ được xem một sự hòa trộn tuyệt vời và thời thượng giữa The Devil Wears Prada cùng Sex and the City thì có lẽ sẽ phải thất vọng nhiều. Nhân vật Emily của bộ phim này là phiên bản hoàn toàn trái ngược với Andrea Sachs chăm chỉ của The Devil Wears Prada, và cũng là một cú trượt dài khi so sánh về độ lãng mạn với Carrie trong Sex and the City. Nói tóm lại, Emily Ở Paris đưa ra một góc nhìn lười biếng, “không làm mà đòi có ăn” rất hão huyền của nhà sản xuất 59 tuổi dành cho đối tượng khán giả trẻ.
Ý nghĩa của Emily Ở Paris? Chính là thành công mà chẳng cần đánh đổi?
Emily Ở Paris vẽ ra nguyên một đế chế nơi chị gái Emily làm chủ, và cô nàng này cũng chẳng phải cố gắng, rèn giũa bản thân gì trong suốt 10 tập phim. Cứ như vua Midas, bà chị này chạm tay vào đâu thì thứ đấy biến ra vàng, thành công trong tầm tay rất đơn giản và gọn nhẹ.
Nhân vật Emily không cần phải noi theo những người sếp, đồng nghiệp của mình để trở nên tài giỏi hơn trong công việc (mà chính cô nói là cô cũng thiếu kinh nghiệm). Thay vào đó, cô nàng này luôn tuôn ra những ý tưởng marketing 10/10 mà thông thường sẽ ngốn cả một đội ngũ biên kịch ngồi nghĩ hộ.
Ở một thế giới song song nào mà một nhân viên marketing quèn có thể diện chiếc áo khoác Chanel đắt đỏ?
Mặc dù ai trong phim cũng nói ra rả rằng đến Pháp làm việc thì phải nói tiếng Pháp, nhưng bất ngờ chưa, phải đến hơn 90% thời lượng phim mọi người đều nói tiếng Anh cho Emily dễ hiểu (thậm chí cả người Pháp nói chuyện với nhau). Vấn đề “rào cản ngôn ngữ” dường như chỉ xuất hiện ở mỗi tập đầu tiên, từ đó trở về sau cứ ai muốn trò chuyện với Emily thì người đó tự nhiên nói tiếng Anh trôi chảy. Suốt 10 tập phim, chị nữ chính này cũng chỉ "phọt" ra được 1, 2 từ tiếng Pháp chêm vào lời nói của mình.
Nếu như thông thường, mọi người phải trầy trật lắm mới làm quen được bạn mới thì ở bộ phim này, đàn ông đẹp trai giàu có cứ bu lấy chị Emily một cách dễ dàng. Chị mê anh nào thì anh ấy tự khắc mê lại chị, cho dù người ta đã có bồ hay chưa. Chẳng nói đến việc bộ phim cổ súy tinh thần “tiểu tam”, riêng việc cô nàng Emily cứ sấn sổ đòi "tòm tem" người yêu của bạn thân là đã đủ gây phẫn nộ.
Cuộc đời chiều chị quá nên chị hư đúng không?
Vậy mới thấy, tính chất của Emily Ở Paris khác hẳn so với những bộ phim khác. Nhân vật chính không trở nên tò mò và khám phá những điều kỳ diệu ở thành phố mới. Thay vào đó, thành phố ấy phải tự uốn mình để phục vụ Emily, khiến mọi thứ trở nên dễ dàng và không đọng lại một ấn tượng nào sâu sắc. Paris trong phim bỗng trở thành một thành phố rỗng tuếch, nhạt nhòa và không có sức ảnh hưởng tới nhân vật chính.
Kịch bản phim hoang đường đến mức bất thường
Như đã nói ở trên, Emily được biên kịch “buff” cho một siêu năng lực còn mạnh hơn cả đội Avengers: may mắn. Cô nàng dễ dàng đạt được thứ mình muốn mà không cần phải quá khổ sở hay đánh đổi bất cứ điều gì. Điều này vô tình tô hồng thêm ước mơ “không làm mà đòi có ăn” và khát khao lười biếng của nhiều người.
Số lượng trai đẹp bâu xung quanh Emily nhiều đến đáng quan ngại
Emily đôi khi trở nên may mắn đến mức lố bịch. Có mấy khi trên đời mà tự nhiên bà sếp lại nghỉ thai sản để bạn được đi công tác hộ ở tận Paris? Có mấy khi bạn đăng mấy bức ảnh xấu điên đảo (chỉ toàn ảnh tự sướng và đồ ăn rung lắc không có filter) mà tài khoản bỗng nhiên trở nên nổi tiếng, thu hút hàng chục nghìn người theo dõi?
Nhìn vào trường hợp thực tế, điều gì sẽ xảy ra với bạn nếu có ai đó ngỏ ý cho bạn đến làm ở một thành phố xa thật xa với nền văn hóa khác biệt? Đầu tiên, bạn sẽ phải tìm hiểu về nơi làm việc, sau đó sẽ là cân nhắc, trao đổi với gia đình, bạn bè… Cùng lúc đó, đăng ký vài ba khóa học ngôn ngữ để ít nhất thì cũng phải bập bẹ giao tiếp qua loa. Đấy là còn chưa kể các thủ tục hồ sơ, pháp lý của công ty có thể mất cả tháng (hoặc hơn) để hoàn tất trước khi bạn được đi công tác ở nước khác.
Bộ phim có lẽ là minh chứng rõ nhất cho câu "Xinh đẹp là một loại tài năng"!
Emily thì không, vì chị ta là cái rốn của dải ngân hà. Nhân vật này chuyển công tác từ Chicago sang Paris còn nhanh hơn người ta đi chợ, đến mức khiến bạn trai không kịp “trở tay thay quần áo”.
Ở Paris, những khó khăn lớn nhất mà Emily đương đầu chính là đếm số tầng trong nhà và làm hài lòng bà sếp Sylvie. Tất nhiên là chị ấy chẳng làm cái gì ra hồn. Thế nhưng, anh hàng xóm Gabriel (đã có bồ) lại đâm mê mệt Emily vì cô nàng năm lần bảy lượt vẫn không biết đếm sao cho đúng, còn bà sếp Sylvie vẫn tức điên vì Emily toàn đưa ra những ý kiến không phù hợp với người Pháp.
Đi là mà vừa nhàn, vừa dễ, vừa sướng như chị Emily thì tỉ lệ thất nghiệp của thế giới sẽ ở mức 0%
Thay vì phải tìm hiểu nền văn hóa cũng như thị trường Pháp (giống như mọi nhân viên marketing phải mài mặt ra để làm), Emily ngay lập tức yêu cầu thị trường hàng tiêu dùng cao cấp có giá trị hàng chục tỉ đô này phải nghe theo lời của cô ấy. Mặc dù luôn miệng nói rằng mình rất chăm chỉ nhưng người xem cũng không thấy Emily chịu đi học tiếng Pháp hay thậm chí nắm bắt lịch họp của công ty. Những đóng góp của Emily cho các chiến dịch của khách hàng cũng giống như một cơn ác mộng của mọi công ty marketing vì ngoài việc "làm gì đó trên Instagram" ra thì chị ấy chẳng còn ý tưởng gì.
Nếu những điều này xảy ra ngoài đời thực, Emily có lẽ đã bị đuổi việc từ lâu. Thật khó có thể tin một người đăng ảnh cái bánh với dòng caption “butter+chocolate= ” lại thu hút hàng ngàn lượt hâm mộ.
Cùng lúc đó, những người xung quanh Emily vẫn phải “cày” sấp mặt. Đơn cử là cô bạn thân Mindy: biết nói ít nhất 3 thứ tiếng, sở hữu giọng hát oanh vàng nhưng đến cuối phim vẫn phải chật vật với cái ước mơ đi hát còm cõi tại một quán bar còn còm cõi hơn thế.
Nhân vật Mindy được xây dựng thiếu cá tính, một màu và hoàn toàn bị Emily làm lu mờ
Emily in Paris không đại diện cho người trẻ bây giờ!
Cái sai lớn nhất của Emily Ở Paris chính là việc bộ phim quy chiếu một cái nhìn đầy chủ quan về thế hệ những người trẻ bây giờ. Nếu nhân vật Emily thực sự đại diện cho giới trẻ thì có lẽ thế giới này tàn rồi, vì họ sẽ rất lười biếng, không có thực lực và một ngày ba bữa chỉ "ăn may". Điều này có thể là do nhà sản xuất Darren Star (59 tuổi) đang cố nhìn vào bề nổi của thế hệ Millennials, Gen Z bây giờ và tự buông lời phán đoán.
Tội nghiệp cô gái tóc vàng... là người thứ ba của người thứ ba...
Thực chất, thế hệ người trẻ ngày nay chẳng mấy ai giống Emily. Cho dù là cả những hot Instagramer (những tên tuổi hot trên Instagram) - một trong những chủ đề chính của phim - thì họ đều phải dày công lên kế hoạch nội dung, sản xuất ảnh và làm việc đều đặn để giúp thương hiệu của bản thân khá lên. Những bạn trẻ khác với sự nghiệp rộng mở, đi làm ở nước này, nước kia đều trải qua thời gian dài nỗ lực, rèn giũa và trở nên xuất sắc vượt bậc mới có thể chạm tới thành công.
Sau 10 tập phim, Emily không trở nên mạnh mẽ hơn hay lôi cuốn hơn. Cô vẫn như cũ: xinh đẹp, may mắn trong tình yêu và sự nghiệp, đăng ảnh với caption thiếu muối. Cuộc sống của Emily không phải là ước mơ, là khao khát của những người trẻ bây giờ. Chẳng ai muốn sống mãi trong một thế giới quá hoàn hảo, và thành phố Paris mộng mơ nhưng đầy thử thách giờ đây cũng biến thành cái công viên giải trí toàn trò nhăng cuội, lố lăng.
Xem qua trailer chính thức của Emily Ở Paris
Emily Ở Paris đã lên sóng tất cả các tập từ ngày 2/10/2020.
Nguồn ảnh: Netflix