Trong "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung, Gia Cát Lượng là một kỳ nhân có tài kinh bang tế thế, thông minh kiệt xuất nhất thiên hạ. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời của ông, chúng ta chưa hề thấy ông thật sự trổ hết tài nghệ của mình. Hầu hết, tài năng của ông được La Quán Trung miêu tả một cách chủ quan.
Chỉ có một số ít lần ông được phô diễn tài năng của mình, nhưng đó lại là khi đối đầu với những đối thủ không xứng tầm. Những kỳ tài kiệt xuất thời bấy giờ đều thay nhau chết yểu hoặc ở ẩn như: Quách Gia, Từ Thứ, Chu Du,… Duy chỉ có Tư Mã Ý là "may mắn" được đối đầu trực tiếp với Lượng trong một cuộc chiến trường kỳ. Vậy rốt cuộc, Gia Cát Lượng có là "thiên hạ đệ nhất kỳ tài" không?
Bối cảnh dẫn đến cuộc tỷ thí kịch tính này
Khi Gia Cát Lượng "lục xuất Kỳ Sơn" đem quân ra Bắc thảo phạt Ngụy quốc, do quá lo sợ nên Tào gia bèn nhờ Tư Mã Ý ra trấn giữ biên cương, không cho Thục có cơ hội chiếm lấy thế chủ động. Vào lần thứ 4 tiến quân ra Bắc, Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý đã có lần đầu tiên được đối đầu với nhau trực tiếp. Khi ấy, hầu như các mưu sĩ trong thiên hạ bấy giờ đa số đều đã mất hoặc ở ẩn. Do đó, tính chất của cuộc đối đầu này có thể nói là rất quan trọng. Ai thắng thì người đó sẽ uy chấn thiên hạ, từ đó dễ dàng thống nhất Trung Nguyên.
Đây cũng là lần hiếm hoi Gia Cát Lượng được trổ hết tài nghệ của mình, đồng thời, ông cũng tìm được một người bạn tri kỷ. Đúng vậy, nói không ngoa thì nếu như không phải ở hai đầu chiến tuyến thì kỳ thực Lượng – Ý chính là đôi bạn tri kỳ hiểu ý nhau đến không thể ngờ.
Kẻ tám lạng, người nửa cân
Nếu lấy thành bại luận anh hùng, Tư Mã Ý đương nhiên là thắng. Ông ta là người thắng chung cuộc. Con cháu Tư Mã Ý đã thống nhất 3 nước. Từ phẩm chất đạo đức và mưu kế mà nói, Gia Cát Lượng có ưu thế hơn. Ông với Lưu Bị quân thần tương tri, đối với Thục Hán cúc cung tận tụy, là khuôn mẫu một danh thần cổ đại.
Nói về năng lực, quả thật hai người này là kỳ phùng địch thủ, khó phân cao thấp. Trong những lần trực tiếp giao đấu, cả 2 đều có thắng có thua, nhưng không tiêu diệt hoàn toàn được đối phương. Nói về nội trị, cả hai đều có quyền lực dưới một người trên vạn người. Gia Cát Lượng là người có công lớn góp phần gây dựng nên cơ đồ nhà Thục. Còn Tư Mã Ý lại là người nắm thực quyền quốc gia.
Trong các lần đối đầu trực tiếp, Gia Cát Lượng hầu hết đều hơn khi lần lượt đánh lui được quân Tư Mã Ý. Thậm chí còn có lần suýt thiêu chết được Ý ở Thượng Phương Cốc. Tuy nhiên, nói về đại cục, Tư Mã Ý vẫn lợi hại hơn khi mục đích chính của ông là giữ vũng chiến tuyến đã thành công.
Đến khi Gia Cát Lượng dùng yếm, váy đàn bà gửi đến khích tướng, Tư Mã Ý vẫn nhịn nhục khoác váy lên người mặc kệ ánh mắt tức tối và khinh thường của các tướng lĩnh xung quanh. Lúc đó, Tư Mã Ý liền nói:"Ta nào không phải không muốn đánh, mà là do Ngụy đế ở kinh thành lệnh không cho đánh. Nếu ta khi quân mà manh động, thành công hay thất bại cũng đều phải về thỉnh tội với Ngụy đế".
Sau đó, ông vờ gửi một bức thư xin đánh về cho vua. Ngụy đế thấy vậy rất ngạc nhiên, nhưng cũng hiểu ra đây thực ra chỉ là cách để Tư Mã Ý tránh mất lòng quân sĩ, sau đó ra lệnh không được đánh. Ngụy Diên thấy vậy bèn về tâu với Khổng Minh, ông liền cười phá lên và nói:"Hắn kỳ thực hiểu ý ta. Trọng Đạt vốn không dám đánh, gửi thư về chỉ là để thị oai với tướng sĩ thôi".
Tổng kết lại thì Gia Cát Lượng lợi hại về trí mưu. Gia Cát Lượng khi Bắc phạt nhiều lần bày kế đánh bại Tư Mã Ý. Trong khi đó, Tư Mã Ý chỉ có một lần thắng Gia Cát Lượng ở Nhai Đình. Luận về quyền mưu thì Tư Mã Ý lợi hại. Tư Mã Ý vì hậu nhân mà đặt cơ sở cho việc soán ngôi đổi triều đại. Trong khi đó Gia Cát Lượng lúc Bắc phạt thì nội bộ bất hòa nên một lần Bắc phạt phải rút lui. Hai người danh lưu thiên cổ, công và lỗi phải nên phân biệt không nên quá phiến diện.