Nam chính trong Gia Tài Của Ngoại trên 2 lần thoại cùng một câu “Tôi/cháu chẳng có ấn tượng gì” khi được nhắc nhớ về những ký ức tuổi thơ sống cùng ngoại. Những mảnh ký ức của đám trẻ nhỏ như một đống hỗn độn mơ hồ mà nếu không được người lớn khơi ra thì có lẽ cả đời này chẳng bao giờ giờ chúng nhớ lại nổi. Và tôi có lẽ cũng giống như M, chẳng còn bao nhiêu ấn tượng về những ngày thơ dại, về khoảng thời gian ngắn ngủi trong đời, tôi có một người để gọi là “bà ngoại”. Nhưng ký ức mơ hồ không có nghĩa là tình yêu cũng mất đi…
Một bộ phim nhẹ nhàng và âm ỉ
Những ngày này trên mạng xã hội Việt xuất hiện hàng loạt những bài review về bộ phim tình cảm gia đình đến từ Thái Lan - Gia Tài Của Ngoại. Số lời khen nhiều vô kể nhưng cũng có những người lại cảm thấy chán nản với bầu không khí nhẹ nhàng mà Gia Tài Của Ngoại đem lại. Đến độ tôi có đọc đâu đó một bình luận phản bác khá hài hước: “Phim gia đình mà đòi kịch tính, gay cấn, không lẽ muốn ngoại đua xe?!”.
Phim gia đình sẽ chẳng bao giờ lỗi thời và Gia Tài Của Ngoại là một minh chứng rõ nét cho điều này. Khá tình cờ khi nội dung của phim lại có chút gì đó rất giống với Lật Mặt 7, khi người bà, người mẹ trong phim cũng vô tình bị đẩy ra ngoài rìa cuộc đời của con cháu họ, trở thành điều không phải ưu tiên hàng đầu trong mắt các con. Chỉ khác khi thời gian của ngoại còn lại rất ngắn ngủi, cơn đau đớn hành hạ hằng đêm khiến ngoại từ người trốn tránh cái chết nay lại mong bố mẹ hãy đến và đưa mình đi. Tôi từng nghe người lớn trong nhà nói rằng càng già thì người ta lại càng sợ chết, sợ bản thân chỉ còn là nấm mồ cô quạnh; sợ mỗi năm chỉ được “gặp” con cháu 2 lần, vào tiết thanh minh và ngày giỗ; càng sợ hơn khi phải bỏ lại con cháu của mình, những người luôn luôn là đứa trẻ trong mắt mẹ cha.
Gia Tài Của Ngoại mở đầu với câu chuyện của M, một thanh niên không có công việc ổn định, kiếm sống qua ngày bằng cách chơi game và ăn bám mẹ. M luôn khao khát đổi đời nhưng lại chẳng biết phải làm gì dù trong quá khứ, bản thân từng là cậu học trò đứng top 1 trong lớp. Một ý tưởng vụt sáng trong đầu khi M thấy người em họ của mình đã được thừa hưởng khối tài sản kếch xù từ ông nội sau một thời gian đứng ra chăm sóc ông. “May mắn thay” (với M lúc này đây là một sự may mắn), ngoại của M phát hiện bị ung thư giai đoạn 4, thời gian còn lại chỉ khoảng 1 năm. M coi đây là cơ hội đổi đời, anh vội tới thăm ngoại sau quá nhiều năm không một lần ngó ngàng, chụp ảnh căn nhà và đăng tin giao bán. M còn quyết tâm tới độ đi học hỏi người em họ cách để chăm người già, khiến mình trở thành số 1 trong lòng người sắp mất. Từng bước một, M đồng hành với ngoại trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, cho đến khi chính M cũng không còn nhận ra, bản thân muốn trở thành số 1 vì căn nhà hay vì tình yêu của ngoại.
Gia Tài Của Ngoại là giống như một bản nhạc trầm lắng, chẳng có bất cứ nút thắt, cao trào nào cả. Ngay cả cái cách ngoại phát hiện ra lý do M tới chăm sóc mình hay khoảnh khắc M hát ru cho ngoại, mọi thứ đều nhẹ nhàng trôi qua nhưng lại chạm tới sâu thẳm thẳm tâm can của người xem. Những ngày tháng cuối đời của ngoại cũng là khoảng thời gian để M trưởng thành. Cậu một lần nữa nhìn thấy những ký ức tuổi thơ mà mình không còn ấn tượng gì, rằng hoá ra những điều hiển nhiên cứ trôi tuột trong tâm trí con trẻ lại là thứ ôm ấp ngoại trong những ngày tháng cô quạnh của tuổi già. Ngoại nhớ hết, từng chút một đều nhớ, nhớ lý do cây lựu được trồng trước cổng, nhớ cách M từng muốn giữ khư khư những trái lựu cho riêng mình, nhớ từng lời nói, từng thói quen của M ngày nhỏ. Và có lẽ suốt bao năm tháng qua, ngoại vẫn nhớ vẫn mong M về nhà mỗi dịp cuối tuần, để bộ đồ đẹp nhất mà ngoại chọn mặc khi con cháu tụ họp thực sự trở nên xứng đáng.
Cũng trong những ngày tháng “gieo hạt để chờ ngày hái quả”, M hiểu thêm về những người lớn trong nhà. Đó là bác cả, người mà bà thương nhất, tới độ nguyện cả đời không ăn thịt bò để cầu xin sức khỏe cho cậu con trai này. Đó là cậu út, người mà bà lo lắng nhất nên dù chẳng ưu ái gì, ngoại cũng sẵn sàng đi vào vết xe đổ của chính cha mẹ mình khi để lại toàn bộ tài sản cho đứa con này. Và đó là mẹ của M, người mà ngoại muốn sống chung nhất, cũng là người không hề muốn “hôi của”, mẹ chăm sóc ngoại chỉ đơn giản là vì nỗi nhớ và tình yêu. Mẹ của M có lẽ là người duy nhất không đáng trách trong câu chuyện này, người duy nhất không hề mong cầu được đụng đến gia tài của ngoại. Nhưng cho đến sau cùng, dù là M hay bất cứ ai đi chăng nữa, khán giả cũng chẳng muốn oán than, giận hờn. Bởi suy cho cùng, họ vẫn yêu mẹ, yêu ngoại của mình, chỉ là tình yêu vô tình khoả lấp như những ký ức vô tình bị lu mỡ.
Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể khóc…
Cái hay ở Gia Tài Của Ngoại là cách phim xoáy sâu vào tâm can mỗi người xem, khiến họ dù muốn hay không thì cũng có thể thấy một phần cuộc đời của mình ở trong đó.
Ngoại tôi mất từ khi tôi còn rất nhỏ, tới độ giờ đây tôi gần như “không còn ấn tượng gì” về khoảng thời gian có ngoại. May mắn thay, tuổi thơ của tôi vẫn còn có bà nội để chí ít còn biết mùi vị của việc “có bà”. Dù câu chuyện của tôi, bạn và M chẳng giống nhau nhưng có lẽ trên đời, ai chẳng một lần trải qua cảm giác biệt ly người thân của mình. Chính bởi vậy, khi xem Gia Tài Của Ngoại, kịch bản chẳng cần đao to búa, nhân vật cũng chẳng hề gào khóc khổ sở nhưng người xem thì vẫn cứ từ từ mà bị bóp nghẹt.
Khoảnh khắc đầu tiên khiến tôi rơi nước mắt trong phim, kỳ lạ thay lại là khi cô cháu gái bé nhỏ hồn nhiên xoa đầu bà và nói: “Lớn lên con sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho bà”. Câu thoại được đặt trong tình cảnh vốn chẳng có gì quá xúc động nhưng nó lại như cái tát vào mặt những người lớn đang vì bận rộn và vô tâm mà đến một ván bài cũng chẳng thể ở lại chơi cùng mẹ. Con cái thì có muôn vàn lý do để từ chối việc chăm lo cho cha mẹ mình, lý do nào cũng đáng được cảm thông. Nhưng chỉ một câu nói của trẻ thơ mà có lẽ sau này khi lớn lên, chính nó cũng chẳng còn ấn tượng gì, cũng đủ để người lớn hay thậm chí là cả khán giả phải nhìn lại chính bản thân mình. Và ngay cả M, ngày còn thơ, M cũng từng nói với bà như lời hứa hẹn như thế, những lời hứa hẹn mà bà ôm ấp cả một đời… Con người có thể thay đổi mọi thứ khi ta trưởng thành nhưng những ngây ngô của thời thơ dại lại là sợi dây níu giữ và kết nối điều trân quý trong cuộc đời.
Nội tôi đổ bệnh vào những ngày đầu hạ năm tôi còn là một sinh viên đại học. Những ngày tháng tranh thủ về nhà chăm nội ngắn ngủi nhưng đủ để tôi nhớ cả đời. Nhân vật Mui (em họ của M) trong phim có nói rằng M phải ở cạnh bà đến khi ngửi được trong nhà một mùi khác ngoài “mùi người già”, đến lúc ngay cả nước tiểu của bà cũng không còn cảm thấy hôi. Những ngày tháng đầu hạ năm đó, tôi cũng từng ngửi đủ thứ mùi của bà và thậm chí cũng từng được thấy bà nói trong cơn mê sảng, rằng “ông hãy đến mà đưa tôi đi đi”...
Ngoại của M muốn xin anh trai 1 triệu bath để mua cho mình một mộ phần thật đẹp. Những ngày tháng cuối đời, bà còn tham lam gì một nấm mồ đơn độc? Thứ bà hi vọng là nấm mồ to đẹp sẽ giúp phù hộ con cái khỏe mạnh, giàu sang. Và hơn hết, trong sâu thẳm tâm can bà luôn nghĩ, một nấm mồ đẹp sẽ khiến các con muốn về gặp nhau và “gặp” bà nhiều hơn. Gia đình ông bà nội tôi vốn không có thói quen làm giỗ quá lớn hằng năm. Thế nhưng từ ngày bà nội mất, bố lại quyết định mỗi năm sẽ làm giỗ cho “linh đình”. Chẳng phải phô trương thanh thế gì mà chỉ bởi một lý do duy nhất, rằng khi bà mất rồi, ngày giỗ trở thành sợi dây duy nhất để các anh em, con cháu có cái cớ tề tựu đầy đủ, để ngồi lại với nhau. Cuộc sống của người trưởng thành quá bận rộn và xô bồ đến mức, muốn ngồi lại đông đủ cũng cần đến một “cái cớ”…
Ngoại của M không phải nội của tôi, hai câu chuyện khác biệt nhưng nỗi đau của con người thì có lẽ chẳng mấy khác nhau. Đó là cách Gia Tài Của Ngoại “vận hành”, cách nó bóp nghẹt tâm can khán giả, để đôi khi nhân vật đang nói với nhau những câu bông đùa nhưng khán giả lại là người rơi nước mắt…
Cuối cùng, hãy cứ xem phim và cảm nhận!
Sẽ thật khó để nói Gia Tài Của Ngoại có phải một bộ phim xuất sắc hay không. Bởi những điều đến từ trái tim sẽ được mỗi trái tim cảm nhận theo một cách khác nhau. Điều quan trọng là Gia Tài Của Ngoại thực sự có khả năng chạm vào những vùng ký ức tưởng đâu đã trở nên mơ hồ trong tâm can mỗi khán giả. Để chúng ta nhớ về ông, về bà, về cha, về mẹ, về những người thân trân quý hoặc chỉ đơn giản là về quá khứ của chính mình…
https://kenhtingame.com/gia-tai-cua-ngoai-thuoc-phim-chang-dao-to-bua-lon-chang-gao-khoc-kho-so-van-bop-nghet-trai-tim-khan-gia-20240608185237439.chn