(Bài viết có tiết lộ nội dung phim, xin độc giả cân nhắc)
Đối với điện ảnh, những màu sắc khi xuất hiện dù là trên quần áo nhân vật, bối cảnh, đạo cụ đều có ý nghĩa riêng, tác động đến tư duy người xem. Ở Chị Chị Em Em, những mật mã màu sắc này cũng được áp dụng nhưng kèm theo những biến tấu, hàm ý riêng của đạo diễn.
Thật ra quy tắc màu sắc đã được áp dụng trong điện ảnh từ rất lâu. Có thể thấy, một trong những ví dụ điển hình mà chắc ai cũng từng xem qua, đó là trong series phim Alice In Wonderland (2010). Red Queen (Helena Bonham Carter) là chị cả trong nhà, có tính cách nóng nảy, dữ dội hơn cô em gái nên được gán cho màu đỏ - màu của uy quyền. Trong khi đó - cô em gái Mirana (Anna Hathaway) là màu trắng, tượng cho sự ngây thơ, thuần khiết. Tính cách của hai chị em giống hệt như màu sắc đặc trưng của mình.
Hai chị em nữ hoàng trắng - đỏ trong "Alice In Wonderland".
Ở Chị Chị Em Em, màu sắc không đơn giản là quy định tính cách nhân vật. Các mảng màu còn được đạo diễn sử dụng để định hướng tâm lý khán giả, đưa ra những dự báo cho tương lai hay ngầm thể hiện những miêu tả cho tính cách nhân vật.
Trailer "Chị Chị Em Em"
1. Màu trắng: sự ngây thơ, vụng dại và chưa hề bị vấy bẩn
Ngay từ tấm poster giới thiệu phim, đã thấy nhân vật của Chi Pu mặc chiếc đầm trắng. Điều này thể hiện cô gái mà Chi Pu thể hiện sẽ ngây thơ, non nớt và dễ bị tổn thương. Màu trắng rất dễ vấy bẩn, khiến cho nhiều người dễ đồng hóa người mặc đồ trắng cũng sẽ mong manh y như vậy.
Từ poster đã thấy Chi Pu diện đầm trắng.
Trong phim cũng có cảnh Nhi mặc đầm trắng để thể hiện sự trong sáng, thơ ngây.
Ngược lại, đầu phim Thiên Kim lại mặc sắc trắng và các màu thiên thanh (xanh da trời nhạt) là chủ yếu. Điều này quy định rằng Kim vẫn còn rất tin người. Cô ăn mặc rất sang chảnh, thần thái nhưng mặc toàn màu sáng, chứng tỏ Kim vẫn chỉ là một tiểu thư quen cách sống nhung lụa và chưa hề bị cuộc đời vấy bẩn.
Thiên Kim cũng hay diện đầm trắng.
2. Các màu trung tính: Cách cô nàng Chi Pu thể hiện sự hiền lành, dễ bị tổn thương
Trong phim, Chi Pu xuất hiện trong những trang phục tối màu, giản dị. Cho thấy cô gái này là người rất vô hại, thậm chí là một đối tượng dễ bị tấn công bởi những kẻ săn mồi. Điệu bộ quá nhếch nhác, bơ vơ, yếu ớt của Nhi (Chi Pu) khiến Thiên Kim (Thanh Hằng) dễ nổi lòng thương hại, từ đó là tin tưởng Nhi hơn. Kim mời Nhi về nhà ở tạm 1 - 2 tuần, rồi sau đó ở luôn cũng vì lòng thương hại, tin tưởng kiểu "từ thiện" này.
Những màu trung tính, tối thường được Nhi mặc mới gặp Kim.
Tuy có gu ăn mặc toàn màu rất sáng, nhưng những món đồ nội thất hay giường chiếu trong nhà của Kim đều chọn những tông màu trung tính. Cụ thể là chiếc ghế sofa nơi diễn ra cảnh tình tứ, ngọt ngào đầu tiên của Kim và Nhi. Đây giống như một sự cố gắng của Kim - chủ nhân ngôi nhà. Cô muốn tạo nên không gian ấm áp, gần gũi cho chồng, đồng thời nỗ lực dung hòa gu màu sắc của bản thân với Huy. Khi Nhi xuất hiện, những bộ quần áo màu trung tính của cô nàng như hòa nhập vào nội thất của căn nhà. Điều này như ám chỉ bản thân Nhi cũng đang cố gắng hòa nhập vào gia cang của Kim, hoặc cụ thể hơn là cuộc hôn nhân giữa hai vợ chồng gia chủ.
Giường và sofa của Kim cũng toàn những màu rất nhã nhặn.
Tông màu phim chủ đạo của Chị Chị Em Em là cam trầm, trung tính chứ không quá chói mắt. Sắc cam là một màu gợi nhớ đến sự hạnh phúc, ấm áp trong phim ảnh. Cả ba nhân vật chính: Huy, Kim, Nhi đều lặp đi lặp lại câu nói "như một gia đình hạnh phúc" dự báo cho khán giả về một màn kịch được cả ba dàn dựng. Hạnh phúc, ấm áp chỉ là vẻ bề ngoài. Vì khi có một mối người nữa chen vào giữa hôn nhân, "hạnh phúc" cũng không còn. Từ giữa phim trở về sau, khi chân tướng của các nhân vật bị tiết lộ, thì bức màn cam trầm không còn phủ lên phim nữa mà thay vào đó là những cảnh phim đa sắc hơn.
Một màu cam trầm phủ lên nước phim "Chị Chị Em Em".
3. Màu đen: Ẩn giấu tâm cơ
Huy (Lãnh Thanh) là một nhân vật có nhiều bí mật. Ở môi trường làm việc, Huy vừa phải nịnh nọt giám đốc - cũng chính là bố vợ, vừa phải chiến đấu với gã đối thủ thảo mai Lâm (Trương Thanh Long). Chiến đấu ở đây là đấu trí, hai người ganh đua với nhau qua công việc, rồi tiện thể đả kích, hãm hại lẫn nhau thông qua các bản thuyết trình v.v... Chính vì vậy, mà Huy phải luôn mặc đồ đen đi làm, đi dự sự kiện thậm chí mặc như đồ lót để che giấu tâm trạng của mình.
Huy dù đi làm hay ở nhà cũng toàn mặc đồ đen.
Về cơ bản, mặc quần áo màu đen che giấu được khiếm khuyết cơ thể. Thường thì những người không muốn ai khác biết được tâm trạng của mình, hoặc không muốn cởi mở bản thân, hòa mình vào đám đông sẽ mặc quần áo đen. Màu sắc của màn đêm còn mang lại sự quý phái, danh giá nên rất được các đấng mày râu ưa chuộng. Nhưng đồng thời, màu đen cũng nói lên rằng bản thân người mặc có điều muốn che giấu. Tương tự như những bộ quần áo của mình, Huy luôn có bí mật phải nói dối mặc dù anh thề với vợ là không bao giờ giấu giếm điều gì.
Mặc đồ đen để che giấu cảm xúc, tâm trạng.
Nhân vật Nhi cũng có vài phân đoạn chuyển gu ăn mặc từ màu trung tính sang đen, cho thấy cô gái này cũng có lúc tâm trạng hỗn độn, rối bời và phải giấu đi cảm xúc thật. Giống như một câu hỏi đang bỏ ngỏ, Nhi có thực sự đã dành tình cảm gì đó cho Thiên Kim không?
Bộ đồ đen của Nhi thể hiện sự giấu giếm cảm xúc thật của cô nàng.
4. Màu đỏ: Sự áp chế, uy quyền của chị đại Thanh Hằng, khát vọng đổi đời của Lãnh Thanh
Màu đỏ tượng trưng cho uy quyền, các bậc đế vương nếu không mặc màu vàng kim sa hoa, sẽ mặc màu đỏ. Tính chất của màu đỏ là nổi bật, nhìn vào một rừng hoa nhưng hoa hồng luôn thu hút sự chú ý. Nhưng màu đỏ cũng gợi nên sự căng thẳng, sợ hãi. Chính vì vậy mà ai nhìn lâu vào màu đỏ cũng sẽ bị choáng nhẹ và những người quấn mình trong màu đỏ thường được nể trọng.
Tương tự, lúc Kim vấp phải khủng hoảng cuộc đời, cô dường như đã chết. Khi hồi sinh, cô khoác lên mình bộ đồ đỏ từ đầu đến chân. Điều này nói lên rằng Kim đã trở lại và giành lấy sức mạnh cho đời mình.
Thanh Hằng mặc đồ đỏ thể hiện quyền lực.
Trong nhà của vợ chồng Kim - Huy cũng đặt một chiếc ghế bành lưng cao màu đỏ rượu - pha tím. Huy không cho bất cứ ai ngồi vào chiếc ghế này trừ bản thân anh. Thực ra thì trong căn biệt thự xa hoa, Huy chả có quyền gì cả. Vì mọi thứ đều được mua bằng tiền của Kim. Chính vì thế mà chiếc thể hiện nỗi khát khao nắm quyền của Huy. Anh để giành đến khi đã thâu tóm quyền lực trong tay, sẽ bệ vệ ngồi vào ghế rồi đưa mắt nhìn xung quanh "giang sơn" mới của mình - như một vị vua thực thụ.
Trong cảnh Lãnh Thanh ngồi trên chiếc ghế của mình, màu phim của Chị Chị Em Em chuyển qua một màu đỏ quạch bao trùm lấy mọi thứ. Lúc này, Huy dường như đã là bá chủ của cả ngôi nhà, mọi thứ đồ đạc bên trong đều phản ánh tính cách và gu thẩm mỹ của anh. Màu đỏ được sử dụng trong cảnh này rất mạnh và chói mắt. Đồng thời, sắc đỏ mang lại cảm giác hơi "sến". Đây giống như một sự miêu tả con người và tính cách thật của Huy. Anh ta không hợp với căn nhà nơi mình ở, và bản chất của hắn vốn là thứ màu bị ép tô vào bức tranh không thích hợp.
Sắc đỏ hiện lên sau khi Huy dẹp hết toàn bộ vẻ sang trọng trước đó của căn nhà, anh ta về lại bản ngã của một gã sửa xe thô kệch.
Thăm dò ý kiến
Bạn ấn tượng với gam màu nào nhất của Chị Chị Em Em
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Chị Chị Em Em sẽ công chiếu tại các rạp toàn quốc từ ngày 20/12.