Sự kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật ít khi thấy trong manga càng làm one shot Goodbye, Eri của Tatsuki Fujimoto trở nên đặc biệt và ấn tượng hơn tất cả.
Sau một “Look Back” đầy cảm xúc, Tatsuki Fujimoto (tác giả của Fire Punch, Chainsaw Man) đã trở lại với một one shot khác có tên “Goodbye, Eri”. Đây có thể là do cá nhân tôi thích cách kể chuyện của Fujimoto, nhưng tôi nghĩ Goodbye, Eri là tác phẩm one shot yêu thích nhất của tôi trong tất cả các tác phẩm của Fujimoto cho đến nay.
1. Ý tưởng chủ đạo
Sau khi đọc hết Goodbye, Eri, người đọc sẽ nhận ra Tatsuki Fujimoto chỉ vừa kể một câu chuyện rất rất đơn giản: Yuta – một cậu thiếu niên được mẹ giao nhiệm vụ ghi lại những khoảnh khắc cuối đời của bà. Và khi cậu cho cả trường xem bộ phim thành quả, phản ứng nhận lại toàn là chỉ trích đến mức đưa Yuta đến ý định tự tử. Lúc này, Eri, một cô gái xa lạ tự xưng rằng đã xem hàng ngàn bộ phim, cho rằng tư duy làm phim của Yuta là có tiềm năng và đáng để phát triển. Eri mong muốn Yuta làm một bộ phim khác hay ho như vậy. Sau nhiều tháng dài, cả hai đã hoàn thành một bộ phim tuyệt vời đến mức không thể nào “xóa bỏ khỏi ký ức”. Chỉ là nó luôn thiếu một chút xíu “fantasy” – Eri đã luôn nói như vậy cho đến khi Yuta nhận ra…
Tất cả các đặc điểm làm nên thương hiệu tác giả của Fujimoto đều ở đây: những nhân vật nữ rất cá tính có phần bí ẩn, phong cách nghệ thuật tuyệt đẹp, các khung hình đậm chất điện ảnh đến mức bạn sẽ mong đợi bộ manga được chuyển thể anime. Quan trọng hơn, một khiếu hài hước đến mức thô thiển nhưng quyến rũ lạ thường.
Fujimoto luôn thể hiện tài năng của mình trong việc nắm bắt vẻ đẹp trần tục của cuộc sống hàng ngày với guồng quay lộn xộn và dồn dập của nó. Goodbye, Eri là một one shot hội tụ cả nhịp điệu, ngôn ngữ hình ảnh của Look Back, Fire Punch và Chainsaw Man. Tất cả kết hợp lại, nó thực sự giống như một sự gói gọn tuyệt vời của tất cả những gì hay ho trong cách kể chuyện của Fujimoto. Có điều gì đó về cách Goodbye, Eri gây rối loạn cho người đọc và đưa họ vào một chuyến tàu lượn siêu tốc đầy cảm xúc. Tất cả chân thực đến mức tôi không thể không bị cuốn hút bởi sự thẳng thắn của câu chuyện.
Tôi thích chủ đề về cách thức phương tiện truyền thông thao túng con người hiện đại ở Goodbye, Eri. Nó đồng thời thao túng và cũng là một công cụ mạnh mẽ để giải quyết những cảm xúc phức tạp của con người ngày nay. Fujimoto hiểu ở mức độ sâu sắc của cảm xúc con người theo cách mà rất ít người kể chuyện khác có thể làm được. Goodbye, Eri đưa bạn đi qua tất cả những sự kiện khủng khiếp và hạnh phúc trong cuộc đời của một nhân vật xa lạ và tại nhiều thời điểm, bạn bắt đầu tự nghĩ “sự kiện nào trong số những sự kiện này là có thật?”
Luôn không có kết thúc cụ thể trong hầu hết các one shot của Fujimoto, ít nhất là theo ý kiến của tôi. Kết thúc rõ ràng là điều không quan trọng, hoặc có thể, Fujimoto muốn bạn là người đọc câu chuyện nên hãy cảm nhận theo cách bạn muốn. Nói như vậy không có nghĩa Goodbye, Eri kể một câu chuyện mù mờ. Rõ ràng nó có chủ đích, càng đọc càng khiến bạn cảm nhận được mọi thứ. Nhưng nó chỉ đưa bạn đến điểm gần cuối, để lại ấn tượng cho người đọc và rồi để họ tự suy ngẫm theo cách họ thích.
2. Nghệ thuật của sự lặp lại
Một điều thú vị khác mà tôi muốn đề cập là việc Fujimoto sử dụng “sự lặp lại” trong các câu chuyện one shot của mình. Mặc dù tôi không rõ liệu có bất kỳ cuộc phỏng vấn nào mà tác giả giải thích về lí do sử dụng lối kể chuyện này hay không, nhưng rõ ràng là nó để lại khá nhiều ấn tượng. Theo tôi, Fujimoto sử dụng sự lặp lại trong manga của mình cho hai điều. Lý do đầu tiên là khơi gợi cảm giác nhớ nhung trong lòng người đọc. Thứ hai, sự lặp lại ở đó để nâng cao tính hiện thực của một cảnh cụ thể, khiến người đọc đắm chìm sâu hơn vào cuộc sống của các nhân vật.
Hãy lấy trang này làm ví dụ:
Sự thay đổi trên khuôn mặt của Eri rất tinh tế mà nếu chỉ nhìn thoáng qua, bạn đôi khi sẽ không thể nhận ra. Tuy nhiên, những thay đổi nhỏ trong biểu cảm được bộ não của bạn thu nhận và ghi nhận nó. Tại một số thời điểm, bạn đã thấy có những thay đổi nhỏ trong cách diễn đạt cảm xúc của hai nhân vật chính và trong khi đầu óc tỉnh táo của bạn không thể giải thích tại sao, thì những hình ảnh đó đã vô thức tạo ấn tượng trong trí nhớ.
Tần suất của việc sử dụng nghệ thuật lặp lại được Fujimoto tăng lên cực kì cao ở các phân đoạn hai nhân vật chính cùng nhau xem phim. Chúng cũng cực kì dài. Thật kì lạ khi liên tục là hàng chục khung hình Eri và Yuta chỉ ngồi đó, nhìn về phía người đọc, đôi khi họ nháy mắt, nghiên đầu và… im lặng. Và cũng thật kì lạ khi chúng ta luôn bị thôi thúc tiếp tục đọc với một tâm thế tự hỏi những trường đoạn tĩnh này có chủ ý gì, tại sao tác giả lại nhấn mạnh chúng đến vậy? Một cảm giác bí ẩn luôn bao trùm cho đến cuối câu chuyện, chính điều này tạo nên sức nặng cho từng câu từ mà hai nhân vật chính nói với nhau. Tôi tin bạn sẽ không muốn bỏ lỡ chúng đâu!
3. Nghệ thuật bắt chước cảm giác rung lắc của camera và bố trí khung hình cố định
Một yếu tố khác mà tôi muốn đưa ra là cách Fujimoto bắt chước hiệu ứng rung hình ảnh của máy ảnh smartphone hiệu quả như thế nào. Có thể anime sẽ dễ mô tả lại hiệu ứng đó hơn, nhưng việc truyền tải chuyển động “rung lắc” đó vào một trang manga tĩnh lại là một điều hoàn toàn khác. Fujimoto đã làm được điều đó một cách xuất sắc đi kèm lựa chọn khung hình chữ nhật 4 khung một trang đơn giản – một điều rất hiếm thấy ở manga. Cách bố cục các khung truyện ở Goodbye, Eri khiến tôi liên tưởng khá nhiều đến bộ Land of the Lustrous.
Fujimoto bắt chước cảm giác của một chiếc máy ảnh smartphone thông qua những thứ như góc chụp cận cảnh thường bị nhòe hoặc những bức ảnh selfie, hay thậm chí quay vu vơ một khi ai đó không nhìn vào ống kính. Ngoài ra còn có các hiệu ứng xóa phông, giống như cách một máy ảnh sẽ làm. Đó là một điều đơn giản, nhưng hiệu quả thực sự tốt với cách bố trí khung truyện như thế này. Có cảm giác như đang xem một cuộn phim do chính Fujimoto chụp ảnh thực và sau đó chỉ vẽ lại chúng.
4. Kết luận
Fujimoto vẫn tiếp tục xu hướng đưa những kiểu người “kì quặc” vào câu chuyện của mình. Các nhân vật của Fujimoto thường khá một chiều và suy nghĩ khá là… tiêu cực. Đặc biệt với chủ đề một cậu thiếu niên được giao nhiệm vụ ghi lại những khoảnh khắc cuối đời của người mẹ hấp hối lại càng khiến những phút đầu đọc truyện trở nên nặng nề. Nhưng tất cả các nhân vật đều được thể hiện vô cùng tốt, khi câu chuyện tiếp tục, bạn thực sự không biết bất kỳ ai trong số họ đang diễn và ngược lại. Bạn có cảm giác đang nhìn họ qua lăng kính của smartphone mà Yuta sử dụng, nhưng đồng thời cũng có cảm giác không phải vậy.
Như đã nói, cuộc sống của những Yuta và Eri hoàn toàn là hư cấu và bất kỳ cảm xúc nào chúng ta cảm nhận được từ họ hoàn toàn là một chiều. Chủ đề lớn của manga thường là cách người sáng tạo đưa rất nhiều tâm huyết vào tác phẩm của họ và tô điểm nó như một cách để đối phó với những cảm xúc phức tạp của chính bản thân. Đó là một kiểu quan hệ xã hội kỳ lạ vì bản thân những người sáng tạo không thể hiện họ thực sự là ai, đó chỉ là một phiên bản lý tưởng hóa (hoặc chưa hoàn chỉnh) mà họ muốn khán giả thấy.
Goodbye, Eri là một câu chuyện tuyệt đẹp về sự ảnh hưởng của phương tiện truyền thông. Ý tưởng “quen biết một người nào đó” chưa bao giờ thực sự gặp và vẻ đẹp mong manh của cuộc sống mà con người cố gắng nắm bắt qua những thước phim. Kết hợp với phần thể hiện độc đáo bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật ít khi thấy trong manga càng làm cho Goodbye, Eri của Tatsuki Fujimoto trở nên đặc biệt và ấn tượng hơn tất cả tác phẩm trước đó của tác giả. Nếu đang chờ đợi Chainsaw Man Ss2 và yêu thích cách kể chuyện của Tatsuki Fujimoto, bạn còn chờ gì nữa mà không thử qua Goodbye, Eri?