Dù hồi đầu năm xem Crash Landing On You (Hạ Cánh Nơi Anh) rất thích, tập nào cũng thấy rất vui và sảng khoái nhưng với tôi,When The Camellia Blooms (Khi Cây Trà Trổ Hoa) mới là phim hay nhất của truyền hình xứ kim chi năm ngoái. Một bộ phim khiến tất cả chúng ta cảm thấy cuộc này luôn đẹp ở từng ngóc ngách, và mỗi con người đều lương thiện khi được bóc tách đến tận cùng.
Ra mắt tầm mùa thu năm ngoái, và là phim có rating cao nhất năm trên Đài (không so với phim đài cáp), When The Camellia Blooms là tác phẩm hiếm hoi kéo chân chị đại Gong Hyo Jin quay lại màn ảnh nhỏ vì vai Dongbaek rất hay, đủ đất cho cô dụng võ. Tiếc rằng cô không đạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất nhưng phải khẳng định Dongbaek của Gong Hyo Jin quá đỉnh, thuyết phục khán giả trong từng phân đoạn.
Và đây cũng là phim đầu tiên Kang Ha Neul đóng vai nam chính trên truyền hình, là phim mở màn sau khi nhập ngũ trở về. Yong Sik thật sự là một vai diễn rất đáng yêu và không dễ diễn chút nào. Qua mỗi nét biểu cảm của Kang Ha Neul, khán giả có thể thấy một Yong Sik lúc nào cũng đáng yêu, kể cả khi anh đang nóng ruột vì không dám nắm tay Dongbaek, hay lúc anh đang tức giận vì có ai đó làm loạn ở quán rượu hoa trà. Chúc mừng Kang Ha Neul với giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Baeksang 2020.
Những khán giả thích xem thể loại phim có đề tài hơi lạ hoặc mới mẻ (như Itaewon Class chẳng hạn) có thể sẽ hơi vất vả để vượt qua 2, 3 tập đầu của When The Camellia Blooms vì thấy nó hơi... tầm thường. Nhưng ai mà thích xem những phim khiến mình dễ cười, dễ xúc động, như những lát cuộc đời được xắt ra thì hẳn sẽ rất thích bộ phim này.
Câu chuyện của When The Camellia Blooms diễn ở một thị trấn không có thật là Ongsan, nơi mà cả khu phố giống như một gia đình. Sinh kế gần như là buôn bán, từ thực phẩm nông nghiệp đến nhà hàng. Mấy bà hàng xóm cả ngày thích tụm năm tụm bảy để buôn chuyện, thông tin còn nhiều hơn cảnh sát. Nhưng cũng ở Ongsan, đến bữa trưa cứ vào đại một gia đình nào đấy, bạn sẽ thấy thêm một đôi đũa được dọn ra. Chính vì những điều này nó mang đến một cảm giác thật thân thuộc, như đang xem phim có bối cảnh ở một khu phố nhỏ của Sài Gòn.
Khi bà mẹ đơn thân Dongbaek dọn đến đây, cô lập tức trở thành một chủ đề cho dân tình bàn tàn. Có con không có chồng, mở quán rượu, lại còn quá xinh đẹp nên Dongbaek giống như cái gai trong mắt của tập thể phụ nữ Ongsan. Nhưng cuộc đời mà, lúc nào cũng có những bù trừ. Yong Sik, một anh cảnh sát địa phương mới chuyển công tác từ Seoul về, phải lòng Dongbaek trong 3 giây đầu tiên nhìn thấy. Nếu như Dongbeak lúc nào cũng cười trừ gượng gạo, giấu đi lòng mình thì Yong Sik lại thẳng và thật đến độ tưởng như không ai trong sáng hơn anh. Yong Sik không ngại nói cho cả Ongsan biết rằng mình yêu Dongbaek. Nhưng cũng tại Ongsan, một nỗi sợ thường trực có tên "kẻ sát nhân hàng loạt Tên Hề" vẫn luôn bám lấy tâm trí mọi người. Đặc biệt khi Dongbaek cũng là mục tiêu.
Những tập phim When The Camellia Blooms được dựng rất thú vị để khán giả luôn cảm thấy rất bình yên, an toàn vì những mẩu đối thoại, những câu chuyện trong nhà ngoài phố của người dân thị trấn. Nhưng đồng thời cảm giác bất an, hồi hộp cũng được cài cắm xuyên suốt: Tên Hề là ai trong cái thị trấn mà ai cũng biết nhau này? Những góc khuất của các nhân vật dần hé lộ, quá khứ lại là thứ luôn đeo bám, từng bước một khiến cho Ongsan không còn đơn giản.
Bộ phim đưa ra những góc nhìn rất thú vị cho những vấn đề thường nhật trong xã hội. Cuộc sống của những bà mẹ đơn thân ở xã hội trọng nam khinh nữ châu Á chúng ta chưa bao giờ đơn giản. Gánh nặng kinh tế không đáng sợ bằng gánh nặng làng xóm, mỗi ngày không chỉ mưu sinh mà còn phải gồng mình để phớt lờ những lời ra tiếng vào chỉ vì mình có con mà không chồng. Một mình làm mẹ, làm cha có khi nào mà dễ dàng cho được khi chỉ cần một chút vô tình thôi, đứa bé sẽ nghĩ nó là gánh nặng của mẹ. Thay vì xoáy vào những tiêu cực để làm người ta khóc, biên kịch Lim Sang Choon khiến khán giả rơi nước mắt vì những quan tâm, những lo lắng của tình mẫu tử.
Cũng là câu chuyện người tình cũ, người cha cũ tìm về khiến mọi thứ đảo lộn nhưng khác hẳn cảm giác drama căng như dây đàn trong Thế Giới Hôn Nhân, drama của When The Camellia Blooms dễ thương, dịu dàng, thấm như mưa thấm đất và khiến ai cũng đáng được yêu thương.
Cậu bé Pil Gu là một nhân vật quá xuất sắc để khán giả cảm nhận được sự khó khăn trong quá trình nuôi con. Một đứa bé có thể suy nghĩ cho người lớn nhiều hơn chúng ta vẫn tưởng. Chúng sẵn sàng hy sinh ham muốn cá nhân, gắng chịu những điều chúng không thích, vì chúng nghĩ đó là điều tốt cho mình, vì chúng ta vô tình khiến chúng nghĩ như thế.
Nhân vật mẹ của Dongbaek lại khiến khán giả cảm phục biên kịch ở một khía cạnh khác. Đúng vậy, cuộc đời này sẽ luôn có sai lầm và đau thương, nhưng ai cũng đã từng là một người tốt. Phân đoạn bà mẹ mặc hanbok, trang điểm loè loẹt, ngồi hát phục vụ khách ở quán bar đã khiến tôi trăn trở cả đêm.
"Tôi ước mơ trở thành người quản lý phòng hành lý thất lạc ở nhà ga, vì chắc chắn tôi sẽ được người ta cảm ơn. Điều mà chưa từng có ai nói với tôi", xem phim mà cứ tò mò không biết hệ quy chiếu của biên kịch ra sao, thế giới quan như thế nào mà có thể chẻ tâm tư nhân vật đến nhiều góc thú vị như thế. Lời thoại của phim đủ nhẹ để hiểu nhưng đủ nặng để nhớ rồi tấm tắc. Biên kịch Lim xứng đáng với giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất này ở Baeksang năm nay. Phim còn đạt được giải Daesang, giải cao quý nhất. Chúc mừng ekip!
When The Camellia Blooms đã phát hành trọn bộ trên Netflix.