Kỹ xảo là 1 phần không thể thiếu trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình. Với những bom tấn hành động, sci-fi hay nhiều thể loại khác, kỹ xảo đóng góp 1 phần cực kỳ quan trọng đến thành công chung, giúp hình ảnh công chiếu được lung linh hơn, chân thực và sống động hơn. Với 1 bộ phim siêu anh hùng dài đến 4 tiếng như Justice League Snyder Cut, điều này lại đặc biệt chính xác.
Tuy nhiên, lên phim thì hoành tráng, cool ngầu vậy thôi, chứ thực chất dàn diễn viên đã phải trải qua những giây phút khá là… buồn cười khi phải ghi hình giữa 1 không gian phủ đầy màn xanh. Đây vốn không phải là điều xa lạ gì với nền điện ảnh thế giới ngày nay, thế nhưng rõ ràng là khi nhìn vào loạt ảnh hậu trường dưới đây, so sánh với trên phim, chúng ta mới hiểu câu “đời không như là phim” là như thế nào. Qua đó mới thấy, dàn cast chính của Justice League (cũng như nhiều dự án phim khác) đã phải cực kỳ vất vả, làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp mới có thể nhập tâm giữa khung cảnh hậu trường không mấy sinh động như vậy.
Người Amazon miệt mài đập đá lấp hang
Để bảo vệ khối Mother Box, đồng thời tiêu diệt Steppenwolf, nữ hoàng Hippolyta đã đứng trước 1 quyết định rất khó khăn: Sau khi thoát khỏi hang động ngầm, bà buộc phải hạ lệnh cho những nữ chiến binh của mình dùng búa để đập đổ các cột đá khổng lồ. Điều này đồng nghĩa với việc những bức tường bên trong hang sẽ sụp đổ và lấy đi sinh mạng của rất nhiều người trong đó, bao gồm cả Steppenwolf và nhiều quân thần của Hippolyta. Trên thực tế, công việc này không có gì nặng nhọc, bởi dàn diễn viên phụ thực chất đang đập vào những chiếc cột xốp được bọc màn xanh mà thôi.
Người Amazon bay lượn
Trong câu chuyện lịch sử dài 5 phút mà Diana kể cho Bruce Wayne về thời kỳ Thế hệ Anh hùng chống lại Darkseid, khán giả được được chiêm ngưỡng 1 bữa tiệc kỹ xảo hoành tráng, đỉnh cao và cực kỳ chi tiết. Trong đó, người Amazon, Atlantean, các vị Cựu thần (Old Gods), Green Lantern cùng nhau đoàn kết để chống lại gã bạo chúa đến từ hành tinh Apokolips. Trên thực tế, toàn bộ những phân cảnh bay lượn, chao đảo trên bầu trời trong trận chiến khốc liệt này đều được thực hiện với dây bảo hộ chuyên dụng. Ngoài ra, có thể thấy chiến mã của các anh hùng Trái Đất cũng chỉ là sản phẩm của màn xanh.
Aquaman đắm chìm vào biển khơi
Arthur Curry đã có màn chào sân vũ trụ DCEU khá hoành tráng, với 1 phân cảnh cực ngầu: Vừa uống rượu, vừa đi thẳng vào giữa cơn cuồng phong của biển trời. Tất nhiên, đoàn làm phim sẽ không mạo hiểm tính mạng của nam diễn viên Jason Momoa để quay được phân cảnh đó. Trên thực tế, anh đã ghi hình trong studio, với con thuyền là đạo cụ trên phim trường, còn phần nước biển là do máy phun nước ở bên ngoài tạo ra.
Trận chiến trong lòng đại dương
Sau khi lấy được khối Mother Box đầu tiên ở đảo Themyscira, Steppenwolf tiếp tục mò đến Atlantis để tìm khối thứ 2 - đang được canh gác bởi người Atlantean và Mera, trước khi Aquaman kịp thời đến giải nguy. Đây cũng là 1 trong những phân cảnh chiến đấu dưới nước đầu tiên của vũ trụ DCEU, và nó không dễ để thực hiện 1 chút nào. Có đến 3 thành viên trong đội sản xuất phải mặc bộ đồ màu xanh và giúp cho Jason Momoa dễ dàng “nổi” giữa không trung, như thể anh đang di chuyển trong lòng nước. Được biết, nam diễn viên buộc phải buộc gọn tóc của mình lại, để đội hậu kỳ có thể dễ dàng xử lý hơn và tạo cảm giác như thể tóc anh đang trôi theo làn nước khi lên màn ảnh.
Trận bóng bầu dục hóa ra không sôi động đến thế
Trong câu chuyện về chàng Cyborg Victor Stone, khán giả đã được đưa đến 1 sân vận động chật cứng khán giả trong trận đấu quan trọng của đội Wildcats, thuộc trường Đại học Gotham. Tuy nhiên, hóa ra chỉ có vài hàng ghế đầu là thực sự có người ngồi cổ vũ, còn lại đều là sản phẩm của CGI tạo ra. Cảnh quay này cũng được ghi hình ngay bên trong studio, với phần tuyết giả và 1 phần khán đài cũng được tạo ra từ kỹ thuật màn xanh.
Batman không việc gì phải sợ độ cao cả
Trong trận chiến đầu tiên giữa Justice League và Steppenwolf, diễn ra trong hệ thống đường ngầm bên dưới Gotham, Batman thực sự không có quá nhiều đất diễn. Tuy nhiên, anh vẫn gây ấn tượng mạnh khi đạp 1 con parademon rơi thẳng xuống khoảng không hun hút bên dưới. Trên thực tế, “con parademon” này chẳng hề gặp nguy hiểm gì, bởi khoảng cách trên phim trường chỉ là vài feet mà thôi. Chính những tấm màn xanh, cùng bàn tay ma thuật của đội ngũ hậu kỳ đã tạo nên cảnh phim gay cấn đó.
Aquaman “cứu team” đầy ấn tượng
Aquaman có lẽ là 1 trong những nhân vật có nhiều phân cảnh bá đạo nhất trong Justice League. Sau khi đắn đo do dự trước lời đề nghị của Bruce Wayne, anh đã xuất hiện kịp thời trong đường hầm bên dưới Gotham và ra tay ngăn chặn dòng nước hung bạo để đồng đội có thời gian chạy thoát. Tuy nhiên trên thực tế, trận lũ dữ dội này thực chất chỉ là sản phẩm của CGI, còn bối cảnh xung quanh cũng được xây dựng nhờ hệ thống màn xanh quen thuộc.
Cyborg hiên ngang tiến vào trong phòng nghiên cứu S.T.A.R Labs
Phân cảnh này diễn ra ngay trước khi Justice League hồi sinh Superman nhờ khối Mother Box của Victor Stone. Tuy nhiên, toàn bộ khung cảnh xung quanh đều là “hàng thật”, được đội ngũ thiết kế xây dựng xây dựng 1 cách tỉ mỉ. Chỉ có Ray Fisher là phải mặc bộ trang phục motion-capture đặc biệt để tiện cho quá trình hậu kỳ sau này, mặc dù ảnh đèn ở mắt và ngực anh đều là đạo cụ thật.
Cyborg “bóp team” khi Superman vừa mới hồi sinh
Trong khi những đồng nghiệp khác được khoác lên mình các bộ đồ siêu anh hùng cool ngầu, thì Ray Fisher vẫn cứ mãi phải gắn bó với trang phục kĩ xảo đặc biệt. Có thể nhìn thấy rõ sự khác biệt trong hình ảnh trên đây, thuộc phân đoạn Superman vừa mới hồi sinh và chưa ý thức được mình là ai cũng như chuyện gì đang xảy ra. Lúc này, phần máy của Cyborg nhận diện chàng Siêu Nhân là 1 mối hiểm họa và tự động tấn công để phòng vệ. Điều đó dẫn đến trận nội chiến siêu anh hùng nho nhỏ của Justice League, trước khi Lois Lane xuất hiện giải nguy.
Superman đối đầu với Cyborg
Trong phân cảnh này, Ray Fisher đã phải sử dụng 1 tấm xốp bọc màn xanh để đội hậu kỳ có thể tạo ra cánh tay kim loại của anh khi chỉnh sửa. Henry Cavill (Superman) sẽ phải tóm lấy tấm xốp này giống như cách mà anh đang tóm lấy cánh tay của Cyborg và quăng đi. Cả 2 đều phải phối hợp thực hiện chuẩn xác để có được những thước phim chân thực nhất sau quá trình xử lý kỹ xảo.
“Vũ khí” của Superman
Trong trận chiến cuối cùng của Dawn of Justice, Doomsday đã “chém đầu” bức tượng của Superman, và cho đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra tu sửa nó cả. Khi vừa hồi sinh, lại bị Cyborg tấn công, chàng Siêu Nhân đã lập tức bê chiếc đầu làm bằng đá này quăng về phía đối thủ. Không ai nghi ngờ gì sức khỏe phi thường của Henry Cavill cả, nhưng để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như bạn diễn, chiếc đầu đá siêu nặng đó thực chất chỉ là 1 tấm xốp mềm xìu quấn màn xanh mà thôi.
Superman đối đầu Wonder Woman
Phân cảnh này hoàn toàn phụ thuộc và động tác và khả năng diễn xuất của Henry Cavill cũng như Gal Gadot. Tuy nhiên, đội ngũ sản xuất vẫn phải chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất để phục vụ cho khâu hậu kỳ. Đó chính là vì sao họ phải trải 1 tấm phông xanh ở dưới sàn nhằm thêm vào khu vực hồ nước bằng máy tính, giống như những gì chúng ta đã thấy trên màn ảnh nhỏ.
Cú “thiết đầu công” khiến Wonder Woman đo sàn
Diana có lẽ là chiến binh trụ được lâu nhất khi Justice League đối đầu với Superman. Tuy nhiên cuối cùng, cô cũng phải chịu thất bại sau khi chàng Siêu Nhân bay lên không trung và đập thẳng phần đầu của mình vào mặt Diana khiến cô không thể gượng dậy nổi. Trên thực tế, Henry Cavill đã phải nhờ đến dây cáp và 1 thành viên hậu cần hỗ trợ để thực hiện động tác này, vừa đảm bảo độ chân thực, lại vừa khống chế được lực tấn công để tránh làm bạn diễn bị thương.
Superman đoàn tụ cùng người yêu
Phân cảnh này cho thấy Justice League vẫn luôn ngập tràn kỹ xảo, dù chỉ là những chi tiết siêu nhỏ như bối cảnh xung quanh. Bên cạnh đó, có thể bạn chưa biết, đạo diễn Zack Snyder luôn đứng rất gần các diễn viên khi bấm máy để tiện cho việc hướng dẫn khi cần thiết. Chỉ có điều, ông biết phải đứng ở đâu để không lọt vào khung hình mà thôi.
Chiếc Flying Fox “hầm hố”
Rất nhiều công nghệ, vũ khí mà Batman sử dụng trong Justice League nói riêng cũng như vũ trụ DC nói chung đều là hư cấu hoặc chưa tồn tại trong thực tế. Đó là vì sao anh cũng cần nhờ đến sự giúp đỡ của màn xanh và CGI để bản thân được lên phim ngầu nhất có thể.
Bề ngoài Flying Fox “phèn” vậy thôi, chứ bên trong đều là hàng thật nhé
Không gian bên trong chiếc Flying Fox của Batman đã được đội ngũ hậu cần thiết kế và sản xuất cực kỳ chi tiết và chân thật. Những cảnh quay bên trong phương tiện này đều là thật, với rất ít sự hỗ trợ của màn xanh. Tuy nhiên, khung cảnh bên ngoài lại ngược lại hoàn toàn.
Trận chiến cuối cùng
Không có gì bất ngờ khi trận chiến cuối cùng trong Justice League Snyder Cut lại là phân cảnh đòi hỏi nhiều kỹ xảo nhất. Lúc này, hệ thống màn xanh phát huy tối đa vai trò của mình, kết hợp với các đạo cụ phim trường, để tạo ra 1 khung cảnh chiến đấu hoành tráng và gay cấn, đồng thời còn đen tối đậm chất DC.
Justice League lộ diện
Tương tự như trận chiến cuối cùng, hình ảnh đội hình hoàn chỉnh của Justice League đón bình minh sau khi giành chiến thắng trước Steppenwolf cũng có sự hỗ trợ của màn xanh. Điều này giúp họ không cần phải đứng ở trên 1 độ cao chót vót để có thể ngắm nhìn được thành phố bên dưới, tất cả đã có máy tính và CGI lo.
Dòng thời gian Knightmare
Toàn bộ dòng thời Knightmare được ghi hình bên trong một chiếc hộp xanh khổng lồ. Điều này cho phép đội ngũ hậu kỳ “tô màu” khung cảnh 1 cách đơn giản hơn (chủ yếu là màu cam đất), đồng thời còn thêm vào những hình ảnh đổ nát, ngổn ngang dễ dàng hơn.
Theo Looper