Hậu trường khác biệt ở các phim bom tấn nổi tiếng

Những bức ảnh hậu trường thường mang tới cho khán giả trải nghiệm khác biệt so với câu chuyện trên phim.

Sản xuất phim có sự tương tác của động vật là thách thức với các nhà làm phim. Bởi lẽ, đạo diễn không thể thảo luận trực tiếp cùng những diễn viên đặc biệt này. Ngày nay, nhờ sự trợ giúp của công nghệ CGI, nhà làm phim có thể kiểm soát vận động và biểu cảm của động vật. Điển hình, Call of the Wild (2020) đã chấp nhận khả năng bị chỉ trích khi sử dụng diễn viên thật, kết hợp CGI, để khắc họa cảm xúc của những chú cún trong phim. Tuy nhiên, khán giả tiếp nhận câu chuyện theo hướng tích cực cũng như thán phục những nghệ sĩ đứng sau lớp kỹ xảo.

Bên cạnh những cuộc chiến nảy lửa trên màn ảnh, Guardians of the Galaxy Vol. 2 còn có các trận đấu bóng bàn căng thẳng giữa Drax (Dave Bautista) và Yondu (Michael Rooker). Hai chiếc ghế trong bức ảnh hậu trường thường thuộc về hai "khán giả" trung thành là đạo diễn James Gunn và Chris Pratt (vai Star-Lord).

Gal Gadot cho biết trong quá trình thực hiện Justice League, các diễn viên đã có khoảng thời gian vui vẻ bên cạnh phút giây tập trung diễn xuất. Điển hình, nữ diễn viên đã lấy mặt nạ của bạn diễn Ben Affleck (vai Batman) để trêu đùa ê-kíp đoàn phim. Sau khi trải nghiệm với mặt nạ Người Dơi, Gadot nhận xét: "Trông không tệ, đầu tôi cũng không tới mức to lắm".

Marie Antoinette dựa trên tác phẩm văn học của Antonia Fraser, kể về cuộc đời của Marie Antoinette - công chúa nước Áo. Nàng được gả cho hoàng đế Pháp Louis XVI từ năm 14 tuổi và trải qua cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Kirsten Dunst đảm nhận vai chính. Trên màn ảnh, người xem chứng kiến vẻ kiêu sa hoàng tộc của Antoinette. Trong hậu trường, Dunst cùng ê-kíp có những phút giải lao rất "thư thái".

Titanic ra mắt năm 1997, dựa trên sự kiện đắm tàu có thật. Tác phẩm của đạo diễn James Cameron có quy mô lớn từ cơ sở vật chất tới nhân lực. Quá trình sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Với các cảnh quay dưới biển, các diễn viên phải ngâm mình trong nước lạnh nhiều giờ đồng hồ. Kate Winslet thậm chí còn bị cảm vì không mặc đồ bảo hộ giữ nhiệt. Do tính chất làm việc trong nhiệt độ khắc nghiệt, đoàn làm phim đã chuẩn bị một bồn tắm nước ấm để các diễn viên hồi nhiệt sau cảnh quay dài.

Bộ phim kinh dị, giật cân về cá mập - Jaws - ra mắt năm 1975 và trở thành hình mẫu trong cách thức làm phim của các tác phẩm cùng thể loại sau này. Trong phim, con cá mập khổng lồ là mối nguy hiểm rình rập nhân vật chính. Từ những ảnh hậu trường, người xem vỡ lẽ rằng loài vật gian ác trong phim là sản phẩm mô hình, di chuyển bằng động cơ. Ê-kíp Jaws còn tiết lộ một con cá mập ngoài đời bơi xung quanh "tán tỉnh" vì nghĩ mô hình là thật.

Ra mắt năm 1968, Planet of the Apes xây dựng tạo hình hoàn toàn bằng hóa trang và thiết kế bối cảnh. Đoàn làm phim đã sản xuất hàng trăm mặt nạ phỏng theo hình dáng hộp sọ của loài khỉ. Sau đó, bộ phân trang điểm thêm thắt các chi tiết như tóc hay lông tay. Từ những bức ảnh chụp từ phim trường năm 1967, khán giả cảm thấy thú vị khi chứng kiến những "chú tinh tinh" ngồi uống nước ngọt hay đọc báo. Đây là những tấm hình ghi lại khoảnh khắc giữa giờ nghỉ của dàn diễn viên.

(Theo Hạ An - zingnews.vn)