“Hoàng tử bé”- Dù đã ra mắt khán gỉa từ rất lâu nhưng đây vẫn là một bộ phim thiếu nhi đầy ý nghĩa và khiến hàng triệu người lớn trên thế giới phải rơi nước mắt. Là một bộ phim hoạt hình 3D năm 2015 được kết hợp sản xuất giữa Pháp-Ý, phim do Mark Osborne đạo diễn và kịch bản dựa trên 1943 tiểu thuyết cùng tên của Antoine de Saint-Exupéry. Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết mang tên The Little Prince - Hoàng tử bé (cuốn truyện thiếu nhi trở thành cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại khi đã được xuất bản trên 250 nước đồng thời bán được 200 triệu bản trên toàn thế giới).
Phim bắt đầu với hình ảnh một cô bé có cuộc sống rất quy tắc với người mẹ của mình. Cô bé đang cố gắng để vào học tại học viện Werth, một nơi danh giá theo lời người lớn.
Thế nhưng cuộc sống nguyên tắc của cô thay đổi khi cô gặp người hàng xóm- là một phi công trở về. Ông kể cho cô nghe câu chuyện gặp nạn của mình trên sa mạc Sahara vì động cơ máy bay bị hỏng. Nơi đây ông đã gặp gỡ một người bạn thú vị. Cậu ấy tự xưng là Hoàng Tử bé đến từ một hành tinh có tên B612, cậu kể cho ông những câu chuyện về hành trình phiêu lưu giàu trí tưởng tượng và nhiều cung bậc cảm xúc mà cậu đã trải qua. Những điều đó được ông kể lại cho cô bé, khiến cô rơi vào một thế giới đầy màu sắc và nhiệm màu tuổi thơ.
Với mong muốn tìm lại cho người xem một bầu trời tuổi thơ tràn đầy sự háo hức, những giấc mơ bay bổng và trí tưởng tưởng không giới hạn, bộ phim đã gạt bỏ mọi lo lắng khó làm hay được như nguyên tác và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Người lớn thích “Hoàng tử bé”, vì cuốn sách khiến họ nhận ra nhiều bài học vốn đơn giản nhưng hay bị lãng quên. Mà trong số “người lớn” ấy, lại có nhiều cách nghĩ khác nhau, bởi những góc nhìn khác nhau.
Giống như bạn Cáo trong phim bật mí: “Người ta chỉ nhìn rõ bằng trái tim, con mắt thường mù loà trước những điều cốt tử…”
Sự khô khan, đơn điệu trong tâm hồn người lớn khi trưởng thành đã được truyền đạt rõ ràng trong phim qua những hình ảnh tông màu đen, xám tối tăm. Những ngôi nhà liền kề nhau dài tăm tắp chỉ có âm thanh nhạt nhẽo, đồng hồ kêu tích tắc; những con số về chứng khoán, dự báo thời tiết, sổ sách và một cuộc sống như được lên kế hoạch sẵn trước khi chúng ta muốn trở thành một ai đó. Chỉ đến khi bước vào thế giới của người phi công và nghe câu truyện về hoàng tử bé, thế giới u tối cô bé mới bắt đầu có thêm màu sắc, nơi có những cánh diều, người bạn để tâm sự, hay người bạn để tưởng tượng cùng ngắm sao trời giữa bầu trời đêm.
Thương xót hơn là hình ảnh Phi Công, bởi những thước phim ngày nhỏ ông đã luôn mang trong mình sự hài hước, lạc quan và tâm hồn mơ mộng nhưng chính những điều đó đã biến ông trở nên lạc lõng, khó hiểu trong thế giới lạnh lẽo của những người trưởng thành.
Còn Hoàng tử bé dẫu sống một mình trên hành tinh nhỏ, nhưng cậu vẫn sống với niềm vui và yêu lấy hành tinh của mình. Bởi cậu có bông hồng của mình.
“Nếu hôm nay tôi biến mất khỏi cuộc đời, bông hồng sẽ níu giữ tôi ở lại”
Nhưng bông hồng chỉ có một, đó cũng là giá trị của chính bản mỗi con người được sinh ra và lớn lên để thoả sức tôn vinh vẻ đẹp của bản thân mình. Bông hồng của Hoàng tử bé không héo tàn mặc cho hành tinh ấy thật vô vị, tưởng chừng không có gì níu giữ cô ở lại. Kể cả khi hoàng tử không còn ở hành tinh, cô vẫn luôn đỏ thắm bởi vì cô biết giá trị của mình. Giá trị con người chẳng thể đo hay đong đếm bằng bất cứ hình thức nào, chẳng phải là cách nghe những con người ngoài kia đánh giá, cũng không phải là khi chúng ta được tôn vinh hay dè bỉu, mà là những cảm xúc đến tử bên trong trái tim của mỗi người. Từ khi ở bên Hoàng tử. hoa hồng đã mang một giá trị: một phần cảm xúc của hoàng tử.
Khi lớn lên, chúng ta đã quên rất nhiều điều ngọt ngào của tuổi thơ như việc sở hữu những giấc mơ, sự yêu thương với vạn vật dù cho đó chỉ là một bông hoa tầm thường hay một con cừu hoặc đơn giản chỉ là cho đi thật nhiều để giữ lại tình bạn. Thay vì giữ lại những điều trong sáng đó trưởng thành khiến chúng ta trở thành một người xa lạ với ngay cả chính bản thân mình. Luôn lặp lại những hành động thường ngày mà không biết mình làm điều đó để làm gì? Thậm chí chúng ta còn quên cả việc lắng nghe và quan tâm đến chính những người thân yêu. Cứ mỗi nhân vật “người lớn” xuất hiện trong phim, khán giả lại thấy thêm một góc tối trong suy nghĩ của mình.
Cuối cùng sau mỗi bộ phim ý nghĩa là những bài học về nghệ thuật sống, có người ngẫm ra các triết lý kinh doanh, có người suy nghĩ về sự vô thường của vạn vật, lại có người lý giải về bản chất con người và những sự sa ngã trong tâm tính…