Ngày 14/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra các ý kiện về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trong phiên họp này, Thiếu tướng Lê Tấn Tới đã gây xôn xao dư luận với phát ngôn: "Sau khi VTV chiếu phim Người Phán Xử thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm 'xã hội đen' xảy ra rất nhiều".
Ngay lập tức, việc có hay không chuyện phim ảnh (có những tình tiết bạo lực, ghê rợn, phê phán) làm gia tăng tội phạm và những vấn đề tiêu cực xã hội được đặt ra. Chúng tôi đã liên lạc với đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh, một người có kinh niệm lâu năm trên cả lãnh địa truyền hình, điện ảnh, sân khấu lẫn đằng sau hậu trường, để ghi nhận một số ý kiến khách quan nhất.
Đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh
Về mối tương quan giữa phim ảnh bạo lực với tệ nạn xã hội, khi có những trường hợp đáng tiếc thật sự xảy ra ngoài đời mà nguyên nhân là vì phim ảnh, thì chị thấy thế nào và trách nhiệm thuộc về ai?
Phải có một con số, một sự nghiên cứu rõ ràng rằng vấn đề gia tăng tội phạm do tiêm nhiễm từ phim ảnh là bao nhiêu phần trăm. Nếu chỉ lấy một vài trường hợp cá biệt để kết luận cho cả một vấn đề lớn thì như vậy không công bằng. Đồng ý là một hành vi sai phạm của con người là do ảnh hưởng từ nhiều vấn đề, trong đó có thể là phim ảnh, chứ không chỉ một nguyên nhân. Đôi khi vấn đề thuộc về bệnh lý, xã hội. Mọi người có thể thấy, các hành vi tích cực ảnh hưởng từ phim ảnh nó vẫn nhiều hơn con số những người xem phim mà bắt chước hành vi xấu. Tôi không phủ nhận là có một số trường hợp nhưng nó không phổ biến và nếu anh muốn đưa ra một lời khẳng định như vậy thì anh phải có số liệu, cuộc nghiên cứu, khảo sát ở quy mô phối hợp với các nhà tâm lý học, các bác sĩ rồi nhiều vấn đề khác nữa.
Vấn đề ở đây thuộc về con người mà một con người để hoàn thiện nó là cả một quá trình rất dài, từ giáo dục, nhà trường, gia đình, xã hội, phim ảnh, sách vở,... rất nhiều. Và tôi vẫn thấy người tốt ở xã hội nhiều hơn chứ.
Chuyện giáo dục thông qua phim ảnh thì sao, ở những tác phẩm của mình ngoài việc giải trí, thương mai thì chị đặt bao nhiêu phần trăm trong đó là những bài học dành cho người xem?
Tôi trải qua rất nhiều vai diễn khác nhau và học được rất nhiều từ nhân vật của mình. Nhưng tôi học những cái thay đổi tích cực, đó là tính giáo dục rất cao từ phim ảnh. Tôi quan niệm thế này, dù cho bộ phim, một nhân vật phơi bày những sự thật rất tàn khốc, rất tệ hại nhưng trong mỗi con người, mỗi tác phẩm vẫn có sự hướng thiện. Kim chỉ nam để tôi nhận một vai diễn, dù có là phản diện, là phải để cho khán giả thấy được tại sao nhân vật lại như vậy, phải chạm được một tầng cảm xúc của khán giả, ít nhất là họ sẽ sợ, sẽ căm ghét và đừng trở nên giống như nhân vật của tôi. Đó là ý nghĩa giáo dục của một tác phẩm đem lại.
Và cũng tùy đối tượng tiếp nhận, ví dụ cùng một bộ phim, khi xem tôi không hề thấy tính bạo lực mà sẽ cảm thấy ghê sợ cái ác rồi từ đó hoàn thiện mình hơn, nhưng với người khác, người ta xem rồi bắt chước. Vậy thì lấy thước đo nào khi mà nếu luật đưa ra thì sẽ áp dụng chung. Chính vì vậy câu phát biểu đó mới gây ra sự tranh cãi. Như tôi vẫn nói, bất kể loại hình nghệ thuật nào đều được xây dựng từ những cảm hứng, những câu chuyện có thật ngoài đời.
Luật pháp đưa ra để hướng con người đến những điều tốt hơn thì phim ảnh cũng vậy. Chức năng giáo dục của phim ảnh rất cao nhưng nếu như ý kiến kia thì chắc chỉ có những bộ phim đẹp đẽ, dễ thương, tính hiện thực xã hội, tính phê phán không có.
Tôi rất mừng khi khán giả xem phim mà cảm thấy nó rất thật, rất đời, về mặt chuyên môn thì hãnh diện vô cùng nhưng vì là người trực tiếp tham gia vào việc tạo ra một bộ phim nên tôi biết, dù có thật cỡ nào thì nó cũng là một tác phẩm giả, nó được lấy từ đời ra. Bạo lực ngoài đời có trước rồi phim ảnh mới tái hiện lại chứ đâu phải phim ảnh tự "đẻ" ra những câu chuyện đó để con người bắt chước đâu. Chất liệu để biên kịch viết cũng từ đời thật.
Tôi không được nghe trực tiếp nên cũng không rõ phát biểu đó nằm trong ngữ cảnh nào. Đôi khi cũng lời nói đó, ngữ nghĩa đó nhưng đặt trong bối cảnh, thái độ nói khác thì lại mang ý nghĩa khác, bởi vậy rất khó để đưa ra nhận xét. Còn riêng tôi, dù một vai diễn tận cùng của sự xấu xa, như vai bà Ích của chị Mỹ Duyên trong Cây Táo Nở Hoa chẳng hạn, tôi xem hành trình của người mẹ ấy để bản thân không trở nên như vậy. Hay các áp phích về giao thông trên đường, họ miêu tả một cách trực diện cảnh máu me, tai nạn khiến tôi cảm thấy rất sợ và tự trang bị cho mình những kiến thức về luật, cẩn trọng với tay lái của mình để được an toàn. Thì đó là tính giáo dục hướng tới các công dân tốt của những sản phẩm truyền thông.
Cảm ơn chị vì những chia sẻ rất chân thành, khách quan này!
Nguồn: Tổng hợp