Iron Man 3, Doctor Strange và những lần Hollywood phải chiều lòng Trung Quốc

Để vượt qua vòng kiểm duyệt gắt gao hoặc chiều lòng khán giả tại quốc gia tỷ dân, Hollywood không ít lần buộc phải thay đổi nội dung hoặc chi tiết trong tác phẩm của mình.


Top Gun: Maverick (2020): Ngay từ trailer đầu tiên của Top Gun 2, khán giả đã nhận ra sự thay đổi ở phục trang của chàng phi công siêu đẳng Pete “Maverick” Mitchell do Tom Cruise thể hiện. Hai lá cờ của Nhật Bản và Đài Loan nay bị thay thế bởi các biểu tượng khác. Paramount từ chối đưa ra bình luận, nhưng đây là điều không quá khó hiểu. Top Gun: Maverick cần thị trường Trung Quốc để tăng doanh thu, trong khi mối quan hệ giữa chính quyền nơi đây với cả Đài Loan lẫn Nhật Bản luôn trong tình trạng căng thẳng.


Doctor Strange (2016): Marvel Studios gây tranh cãi khi tuyển một diễn viên da trắng như Tilda Swinton cho vai Ancient One - một nhân vật gốc Á. Tuy nhiên, họ thậm chí còn không đề cập tới nguồn gốc thực sự của sư phụ Doctor Strange (Benedict Cumberbatch) nhằm tránh rơi vào tình huống còn khó xử hơn. Ở nguyên tác, Ancient One là một người đàn ông đến từ Tân Cương - khu tự trị thường xuyên khiến chính phủ Trung Quốc đau đầu.


Pixels (2015): Vụ Sony bị hack hệ thống email làm lộ ra chuyện họ đã chiều lòng người Trung Quốc ở dự án của danh hài Adam Sandler ra sao. Các câu thoại trong Pixels liên quan đến hệ thống chính trị tại quốc gia Đông Á đã bị xóa sạch. Còn ở trường đoạn các kỳ quan thế giới bị đe dọa và tàn phá, cảnh có Vạn Lý Trường Thành rốt cuộc bị thay thế bởi đền Taj Mahal ở Ấn Độ.


Iron Man 3 (2013): Marvel Studios từng gây xôn xao dư luận khi định chọn Lưu Đức Hoa cho vai tiến sĩ Wu ở Iron Man 3. Song, do muốn dành thời gian cho con gái mới sinh, tài tử nhường lại cơ hội cho Vương Học Kỳ. Đó xem ra là quyết định sáng suốt. Trường đoạn của tiến sĩ Wu cùng nhân vật do Phạm Băng Băng thể hiện chỉ xuất hiện trong phiên bản phim chiếu rạp tại Trung Quốc. Nó thậm chí còn chứa đựng nhiều pha quảng cáo lộ liễu đến nỗi chính khán giả quốc gia tỷ dân cũng cảm thấy ngán ngẩm với đoạn thêm thắt này.


World War Z (2013): Theo kịch bản ban đầu của bom tấn có Brad Pitt đóng chính, nguồn gốc virus xác sống trong phim đến từ Trung Quốc. Chưa hết, một vị tướng người Hoa giận dữ đánh bom chính cấp trên, còn Lhasa tại Tân Cương là thành phố còn nhiều người sống sót nhất trên thế giới sau khi đại dịch bùng phát. Tất cả đã bị lược bỏ ở bản phim sau cùng trong một nỗ lực đưa World War Z tới quốc gia tỷ dân. Song, bộ phim rốt cuộc vẫn không nhận được giấy phép trình chiếu. Số đông cho rằng nguyên nhân đến từ việc Brad Pitt nằm trong “danh sách đen” của chính quyền Trung Quốc khi anh từng tham gia bộ phim Seven Years in Tibet (1997) trong quá khứ.


Skyfall (2012): Nhằm thu hút khán giả châu Á, bom tấn 007 có một trường đoạn diễn ra tại Macau. Mọi chuyện chưa dừng lại tại đó. Với bản phim chiếu ở Trung Quốc, Sony lược bỏ cảnh một nhân viên an ninh người Hoa bị hạ gục, cũng như lời thoại liên quan tới chuyện tra tấn tù nhân ở quốc gia tỷ dân. Ngoài ra, phần thoại về chuyện biến trẻ em thành nô lệ tình dục thì bị "bỏ quên" ở phụ đề.


Looper (2012): Bộ phim khoa học viễn tưởng ấn tượng có sự góp mặt của Joseph Gordon-Levitt và Bruce Willis là một xuất phẩm do Mỹ với Trung Quốc hợp tác sản xuất. Để chiều lòng khán giả Trung Quốc, đạo diễn Rian Johnson buộc phải đưa vào một trường đoạn diễn ra tại Thượng Hải. Tuy nhiên, các buổi chiếu thử ở Bắc Mỹ cho thấy khán giả phía bên kia bờ Thái Bình Dương tỏ ra không thích thú gì. Kết quả là với bản chiếu rạp tại Mỹ, trường đoạn Thượng Hải bị thay thế bằng các cảnh diễn ra ở Paris, Pháp.


Red Dawn (2012): Ở nguyên tác năm 1984 của Red Dawn, người Liên Xô bị gán cho vai kẻ xấu. Với phiên bản làm lại năm 2012 có Chris Hemsworth đóng chính, theo kịch bản ban đầu, nước Mỹ bị Trung Quốc xâm lược. Cư dân mạng tại châu Á sau đó liên tục công kích Red Dawn trên các mạng xã hội. Cuối cùng, đoàn làm phim quyết định bỏ ra một triệu USD để thực hiện hiệu ứng thay đổi toàn bộ chi tiết, lời thoại liên quan tới Trung Quốc thành Bắc Triều Tiên.

(Theo zing)