Anime" là một từ được biến đổi theo phong cách của người Nhật nhằm mục đích phát âm chữ "Animation" tức là phim hoạt hình. Nhưng chính bản thân của Anime lại thay đổi hoàn toàn khái niệm mà một bộ phim hoạt hình có thể mang lại. Những người xem anime thông thường có thể biết rằng có sự khác biệt giữa thể loại anime shonen và shojo, hoặc josei và seinen,...
Tuy nhiên, trong bài viết này chúng ta hãy cùng nhau liệt kê những xu hướng anime từ trước đến nay nhé!
5. Idol - Thần tượng
Như tên cho thấy, thể loại Idol xoay quanh ngành công nghiệp ca sĩ thần tượng và được tạo thành từ nhiều nhánh con khác nhau. Anime idol là một trong những thể loại luôn hút người xem, đặc biệt là khán giả trẻ. Sự kết hợp hài hòa giữa cốt truyện hấp dẫn với âm nhạc mang đến cho người xem những giây phút thư giãn.
Ngoài ra còn có một số bộ truyện có yếu tố siêu nhiên. Ví dụ như Creamy Mami, Full Moon o Sagashite và Fancy Lala có một nhân vật nữ chính biến thành một bản ngã khác cho phép cô ấy trở thành một thần tượng. Một số bộ truyện khác lại có các sinh vật siêu nhiên trở thành thần tượng, như Mermaid Melody và Zombie Land Saga.
4. Kodomo muke
Kodomo muke hay rút ngắn là Kodomo là thể loại truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản dành cho trẻ em dưới 10 tuổi, hay nói cách khác là dành cho người đọc nhỏ tuổi hơn lứa tuổi của shonen và shojo. Vì vậy, truyện tranh kodomo thường mang tính giáo dục rất cao, và mỗi chương thường độc lập với nhau và có độ dài không lớn, phù hợp với thị hiếu của trẻ em.
Một dạng phổ biến của thể loại Kodomo muke là được dựa trên văn học cổ điển, như World Masterpiece Theater. Một số ví dụ nổi bật khác có thể nhắc đến Hamtaro và Doraemon.
3. Yonkoma
Manga yonkoma - manga bốn khung tranh, hay đọc gọn là 4-koma là một định dạng khung tranh của manga, thường có các trang gồm bốn khung sắp xếp theo chiều từ trên xuống (đôi khi nó sắp xếp theo chiều ngang từ phải sang trái hoặc sử dụng kiểu hai cột song song, tùy theo nhu cầu bố trí của tác phẩm). Yonkoma tồn tại trong hầu hết các xuất bản phẩm ở Nhật Bản, bao gồm tạp chí manga, tiểu thuyết bằng tranh, mục truyện tranh trên báo,... Nhiều tác phẩm trong số này cũng đã được chuyển thể thành anime.
Ví dụ nổi tiếng nhất của thể loại này là loạt phim hài Sazae-san, tồn tại dưới dạng truyện tranh từ những năm 1940 và cũng đã được chuyển thể thành một bộ anime dài tập. Ngoài ra có thể nhắc đến những tác phẩm khác như Pop Team Epic, Lucky Star và Azumanga Daioh.
2. Iyashikei
Trong khi thể loại isekai và harem khá thống trị trong những năm gần đây, thì có một thể loại khác cũng thú vị không kém đấy là thể loại anime nói về những câu chuyện yên bình - Iyashikei. Iyashikei theo tiếng Nhật có nghĩa là “chữa lành” (healing), những bộ Iyashikei anime là những bộ phim về cuộc sống có nhịp phim chậm rãi và rất nhẹ nhàng, ấm áp. Sở dĩ người ta dùng từ “iyashikei” là vì người ta ví những bộ anime này mang đến những thông điệp tích cực giúp chữa lành và thanh lọc tâm hồn người xem.
Ví dụ nổi bật của thể loại này là Laid-Back Camp, phim tập trung vào các khía cạnh của cắm trại, hay Gakuen Babysitters và Azumanga Daioh nói về cuộc sống hàng ngày.
1. Utsuge
Utsuge có nghĩa là game sầu thảm. Mục đính chính của thể loại này là giúp người xem có mối đồng cảm sâu sắc với các nhân vật và bật khóc vì các tình huống bi kịch, để lại một ấn tượng và tác động lớn đến tâm lý người xem sau khi họ hoàn thành tác phẩm. Các tác phẩm này thường áp dụng chung một công thức: mở đầu là những khoảnh khắc lãng mạn nồng ấm xen lẫn hài hước, kế đến là nỗi đau của sự chia cắt và mất mát, cuối cùng (không phải luôn luôn) là sự tái hợp của những khung bậc cảm xúc đầy hạnh phúc.
Một trong những visual novel kinh điển nhất của tiểu thể loại này là CLANNAD, viết bởi Maeda Jun, Suzumoto Yūichi, Kai và Okano Tōya. Phát hành vào năm 2004, cốt truyện của nó lấy đề tài về những giá trị cao quý của một gia đình.