Jojo Rabbit - Phim hài "vẽ" Hitler ngô nghê đến mức đáng yêu gây tranh cãi từ đạo diễn của “Thor"

Bộ phim hài “Jojo Rabbit” khiến người xem bất ngờ với hình tượng Hitler nhây ngốc một cách “khó ở”.

Ngay từ khi dự án Jojo Rabbit (Nhóc Jojo)– bộ phim hài lấy chủ đề phát xít của Taika Waititi được công bố, đội ngũ marketing đã gán cho tác phẩm cái mác "anti-hate satire" – tạm dịch là châm biếm chống thù ghét. Waititi không phải là người đầu tiên làm phim cười cợt Hitler, và hẳn không phải là người xuất sắc nhất. Bộ phim từ đạo diễn của Thor: Ragnarok mới chỉ chạm đến cái vỏ của châm biếm mà không thực sự đưa đến thông điệp chữa lành ý nghĩa, dầu vậy vẫn là một tác phẩm ấm áp và hài hước một cách quái đản khiến nhiều người phải nóng gáy khi xem.

Jojo Rabbit - Phim hài vẽ Hitler ngô nghê đến mức đáng yêu gây tranh cãi từ đạo diễn của “Thor: Ragnarok - Ảnh 1.

Đại khái dựa trên nguyên tác Caging Skies của nhà văn Christine Leunens, Jojo Rabbit (tạm dịch: Thỏ Jojo) lấy bối cảnh giữa thế chiến II với nhân vật chính là cậu bé người Đức 10 tuổi Johannes "Jojo" Betzler (Roman Griffin Davis) bị nhồi sọ bởi chủ nghĩa Phát Xít. Cùng người bạn tưởng tượng là Quốc Trưởng Hitler (Waititi), Jojo có niềm tin sắt đá vào chiến thắng của đất nước và đặc biệt thù ghét người Do Thái. Ông Hitler trong tưởng tượng của Jojo hay nhảy khỏi cửa sổ, ăn tối bằng thịt kỳ lân và cho cậu mấy lời khuyên kỳ quặc.

Jojo Rabbit - Phim hài vẽ Hitler ngô nghê đến mức đáng yêu gây tranh cãi từ đạo diễn của “Thor: Ragnarok - Ảnh 2.

Điều khiến Jojo Rabbit trở nên tranh cãi có lẽ đã hiển hiện ngay trên poster. Đây không phải là lần đầu Hitler bị đem ra bêu riếu, nhưng trước giờ các bộ phim lấy đề tài Thế Chiến thường phải rất cẩn trọng khi xây dựng hình tượng này. Ngoài ra, bộ phim còn đụng chạm đến những vấn đề về sắc tộc mà cụ thể là cuộc diệt chủng người Do Thái tại Đức, việc tẩy não trẻ em Đức và ép chúng chiến đấu, hình tượng người Nga... Ở nhiều phân cảnh, những khán giả nhạy cảm có thể cảm thấy không thoải mái trước câu thoại hoặc trò đùa của nhân vật.

Jojo Rabbit - Phim hài vẽ Hitler ngô nghê đến mức đáng yêu gây tranh cãi từ đạo diễn của “Thor: Ragnarok - Ảnh 3.

Chủ nghĩa phát xít điên cuồng dưới con mắt con trẻ

Jojo Rabbit - Phim hài vẽ Hitler ngô nghê đến mức đáng yêu gây tranh cãi từ đạo diễn của “Thor: Ragnarok - Ảnh 4.

Xuyên suốt bộ phim là góc nhìn của Jojo về cuộc sống, từ trại hè nơi cậu ném cái lựu đạn khiến nó đập vào thân cây văng trở lại nổ tung khiến cậu mất luôn giao diện đẹp trai, cho đến ngôi nhà nhỏ với mẹ Rosie và cuộc chiến mà cậu vốn tin chắc người Đức sẽ thắng. Qua đó, khán giả được thấy một thế giới khác, tất nhiên có cả cường điệu và châm biếm từ Waititi, một tuổi thơ bị nhiễm độc bởi chủ nghĩa Phát Xít.

Ở đó, những đứa trẻ được huấn luyện phải chém giết không nương tay, tin rằng người Do Thái ngủ như dơi và có sừng trên đầu, rằng dòng máu Aryan da trắng mắt xanh mũi lõ mới là thượng đẳng. Tất cả những điều vô lý kia được đám trẻ em trong phim nhận lấy với tất cả hồ hởi ngây thơ. Chúng được tẩy não với vô vàn lời hứa hẹn về một tương lai vĩ đại của nước Đức, dưới sự dẫn dắt của Hitler.

Jojo Rabbit - Phim hài vẽ Hitler ngô nghê đến mức đáng yêu gây tranh cãi từ đạo diễn của “Thor: Ragnarok - Ảnh 5.

Rồi chân lý đã vụn vỡ khi Jojo được thấy một người Do Thái lần đầu tiên (Thomasin McKenzie). Cậu bé đã không thể giữ được định kiến của mình về "kẻ thù" trước Elsa, và rồi hai đứa trẻ đã mất nửa bộ phim để phá bỏ chúng. Tuy nhiên ngoài Jojo (và sau đó là đám mật thám) thì dường như chẳng có nhân vật Phát Xít nào thực sự quan tâm đến sự tồn tại của người Do Thái. Trong những năm cuối của cuộc chiến, mối nguy thực sự là người Nga đang ở ngay cửa ngõ thành phố.

Bộ phim hài "đầu voi đuôi chuột"

Jojo Rabbit gặp vấn đề với tính thống nhất trong tông giọng của phim. Nếu như nửa đầu là chuỗi các tình tiết hài hước với gam màu vàng chóe kiểu Moonrise Kingdom của Wes Anderson, thì nửa sau lại vấp vào phong cách rom-com pha lẫn kịch tính bắt đầu từ việc nhà của Rosie bị mật thám ập tới điều tra.

Jojo Rabbit - Phim hài vẽ Hitler ngô nghê đến mức đáng yêu gây tranh cãi từ đạo diễn của “Thor: Ragnarok - Ảnh 6.

Điều này không thấy ở các phim trước của Waititi như What We Do in the Shadows hay Hunt for the Wilderpeople. Có cảm giác như các phần của bộ phim không thực sự liền mạch, và việc không có một thể loại gì thực sự được nhấn mạnh đã khiến câu chuyện của Jojo Rabbit mất đi sức nặng. Đáng tiếc phải kể đến nhân vật Hitler mà Taika thủ vai, khi không thực sự hiện diện ở đó để đem lại tiếng cười và không có sự phát triển tâm lý nhân vật để rồi bị "bay màu" một cách ngu ngốc.

Jojo Rabbit - Phim hài vẽ Hitler ngô nghê đến mức đáng yêu gây tranh cãi từ đạo diễn của “Thor: Ragnarok - Ảnh 7.

Tất cả những điều trên sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như nghĩ về bộ phim như một thử nghiệm của Taika Waititi. Ở đó, mục đích duy nhất của Jojo Rabbit là đem đến sự xoa dịu, khoảng thời gian nhẹ nhõm hết mức cho phép ở một khía cạnh nhạy cảm như lịch sử, như chế độ Phát Xít hay cuộc diệt chủng người Do Thái. Trừ nhân vật cô thiếu nữ Do Thái Elsa và người mẹ Đức bảo vệ cô, các nhân vật còn lại khuyết thiếu về nhân cách một cách nực cười. Waititi cười vào sự ngu ngốc của con người, trân trọng sự ngây thơ con trẻ và tìm thấy sự an toàn khi nương náu vào tình yêu.

Trailer Jojo Rabbit

Lịch sử không phải thứ để cân đo đúng sai, mà là câu chuyện mà mỗi người nhớ về theo một cách. Nếu như bạn chấp nhận rằng những trang đẫm máu và tàn khốc nhất của lịch sử có thể làm tư liệu để viết nên một bộ phim hài nhẹ nhàng, ngốc nghếch về tình yêu trẻ thơ thì Jojo Rabbit đã làm hết mức có thể để bạn hài lòng.

Jojo Rabbit đã phát hành trên một số nền tảng trực tuyến.