Tây Du Ký 1986 là một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển của Trung Quốc, bộ phim không chỉ làm mưa làm gió ở đại lục mà còn được khán giả nhiều nơi trên thế giới yêu thích. Ra đời vào những năm 80 của thế kỷ XX, kinh phí đầu tư không nhiều, kỹ xảo điện ảnh còn thô sơ lạc hậu, nhưng Tây Du Ký vẫn tạo hiệu ứng cao và ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
Gần 40 năm lên sóng, những câu chuyện hậu trường của bộ phim vẫn luôn được công chúng quan tâm tìm hiểu. Mới đây, tờ Sina vừa tiết lộ thêm những câu chuyện thú vị về đạo cụ trong bộ phim này.
1. Tôn Ngộ Không lướt ván trượt ở Thiên Đình
Ở các cảnh quay trên Thiên Đình, do phải sử dụng băng khô để tạo khói, nên mặt đất khá lạnh, không ít người rét run, chân tím bầm. Không những vậy, vai diễn Tôn Ngộ Không lại phải luôn tỏ ra tinh nghịch, hiếu động nên việc di chuyển nhanh gặp không ít khó khăn.
Để khắc phục, ê – kíp phim đã cho Lục Tiểu Linh Đồng đứng trên ván trượt, vừa đỡ bị lạnh chân, lại có thể đi nhanh theo đúng tạo hình nhân vật. Ở đoạn phim Thái Bạch Kim Tinh dắt Tôn Ngộ Không đi diệt trừ yêu quái, nhiều khán giả tinh mắt đã phát hiện ra tấm ván trượt này ẩn hiện dưới làn khói bồng bềnh.
Khán giả tinh ý phát hiện ra ván trượt
Chi tiết khiến công chúng phải phì cười vì công cụ “nhỏ mà có võ” này, đồng thời thêm nể phục sự sáng tạo của đoàn làm phim.
2. Long Cung là một bể cá cảnh
Các cảnh quay dưới nước trong bộ phim Tây Du Ký cũng khiến khán giả tò mò, bởi giai đoạn đó, chưa hề có các thiết bị quay dưới nước, các diễn viên cũng không thể ở dưới nước lâu như vậy mà vẫn thoải mái nói chuyện được.
Các cảnh quay ở Long Cung chỉ cần sử dụng đạo cụ duy nhất là bể cá cảnh
Để hoàn thành những cảnh này, tổ đạo diễn đã cho đặt trước máy quay một cái bể cá cảnh, bên trong có các loại cá, san hô nhỏ nhiều màu sắc. Ở góc máy không quay tới, sẽ có nhân viên hậu trường cắm ống hút xuống bể và thổi, cứ như vậy, hàng loạt bong bóng hiện lên sinh động như một thế giới dưới đáy biển thu nhỏ.
3. Bạch Cốt Tinh thực chất chỉ là những hình nộm giấy
Bạch Cốt Tinh là một trong những yêu quái nguy hiểm nhất trong Tây Du Ký, khiến Tôn Ngộ Không phải đánh tới 3 lần mới tiêu diệt được, và cũng là nguyên nhân khiến thầy trò Đường Tăng lần đầu tiên bất hòa. Bạch Cốt Tinh biến hóa khôn lường, hết hóa thân thành cô gái trẻ, rồi tới người mẹ đi tìm con, ông bố ở nhà một mình, mỗi lần bị đánh, khán giả sẽ thấy hồn của ả lơ lửng bay lên không trung rồi biến mất.
Các hình nộm giấy để tạo các linh hồn của Bạch Cốt Tinh
Để tạo những linh hồn bay lơ lửng này, đoàn làm phim đã tính đến chuyện mua một chiếc máy quay phim mới, mời chuyên gia về quay, nhưng khi nghe đến chi phí thì tất cả đều chùn bước. Sau cùng, đạo diễn nghĩ ra cách cắt các hình giấy, sau đó để hình nộm bay lơ lửng trước ống kính máy quay.
4. Những chiếc thang thần thánh
Phim có nhiều cảnh phải lấy từ trên cao, đặc biệt là phân đoạn Tôn Ngộ Không bị niệm chú vòng kim cô đau đớn lăn lộn trên mặt đất. Để tạo được cảm giác Tề Thiên Đại Thánh choáng váng quay cuồng, diễn viên Lục TIểu Linh Đồng đã nằm trên mặt đất và xoay theo chiều kim đồng hồ, còn người quay phim sẽ ngồi trên một chiếc thang, bên dưới có nhân viên hậu trường nâng lên và chạy ngược chiều kim đồng hồ.
Quay phim ngồi trên thang để quay Tôn Ngộ Không bị niệm chú vòng kim cô
Sau đó, những chiếc thang này lại được sử dụng vào các cảnh Đại Sư Huynh đi mây về gió hoặc bay trên không giao đấu với yêu quái.
Lục Tiểu Linh Đồng đứng trên thang để quay cảnh bay lượn trên không
Mặc dù được sản xuất trong giai đoạn khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhờ tình yêu với nghệ thuật, nhiệt huyết của các diễn viên và đoàn làm phim, Tây Du Ký đã mang đến cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật kinh điển. Càng xem, khán giả càng nể phục và trân trọng công sức, sự sáng tạo và “cái tâm” với nghề của ê – kíp làm phim.