Khán giả thích Trịnh Công Sơn hơn Em Và Trịnh: Món ngon chỉ nên ăn vừa đủ, dư chút lại thành ngấy

Dù có chất lượng nội dung tốt hơn, Trịnh Công Sơn lại bị rút khỏi rạp vì doanh thu thua kém Em Và Trịnh.

Em Và Trịnh là tác phẩm điện ảnh Việt Nam đầu tiên cho ra mắt cả hai phiên bản cùng lúc là Trịnh Công Sơn với độ dài 90 phút và Em Và Trịnh tận 135 phút. Trên thực tế thì Trịnh Công Sơn là một bộ phim có chất lượng nội dung tốt hơn. Thế nhưng chỉ sau một tuần chiếu sớm, tác phẩm đã bị rút khỏi rạp một cách đầy tiếc nuối để nhường suất chiếu cho "người anh em" vì doanh thu thua kém.

Trịnh Công Sơn – tác phẩm vừa vặn về một quãng đời của người nhạc sĩ tài hoa

Nếu như Em Và Trịnh tập trung vào tuổi trung niên của Trịnh Công Sơn (Trần Lực) thể hiện thì phiên bản còn lại chỉ xoay quanh thời trai trẻ của nhân vật do Avin Lu thể hiện. Hầu hết cảnh quay trong Trịnh Công Sơn chính là những đoạn hồi tưởng trong Em Và Trịnh được ghép nối lại với nhau kèm lời dẫn truyện để kết nối. Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản chỉ có vậy.

Phiên bản 90 phút còn cắt dựng, thay đổi thứ tự, thêm hoặc bớt đi nhiều tình tiết để đưa đến một góc nhìn hoàn toàn mới. Nhờ đó, bộ phim trở nên gãy gọn và liên kết hơn. Thay vì chỉ là những mảnh ký ức rời rạc, Trịnh Công Sơn cho khán giả hiểu suy nghĩ và lý do đằng sau mỗi hành động, nỗi đau của của chàng nhạc sĩ trẻ sau mỗi mối tình dang dở hay những gì đã xảy ra giữa những mốc thời gian trong phim.

Khán giả thích Trịnh Công Sơn hơn Em Và Trịnh: Món ngon chỉ nên ăn vừa đủ, dư chút lại thành ngấy - Ảnh 1.

Trong khi đó, Em Và Trịnh lại tỏ ra tham lam khi muốn đưa luôn cả tuổi trẻ lẫn khi về già cùng câu chuyện tình với Michiko (Nakatani Akari) lên màn ảnh rộng. Thế nhưng, điều này lại khiến tác phẩm trở nên lê thê và lan man khi không làm nổi bật được bất kỳ yếu tố cốt lõi nào. Mỗi câu chuyện đều trôi qua một cách hời hợt bỗng biến Trịnh Công Sơn thành người đàn ông nông cạn trong cảm xúc, người cũ vừa đi đã yêu người mới, vừa cầu hôn người mới lại quay về bên người cũ.

Phần âm nhạc và bối cảnh trong Trịnh Công Sơn không có sự khác biệt so với Em Và Trịnh, thậm chí còn có phần tốt hơn khi các ca khúc quen thuộc có thời gian lên sóng dài hơn thay vì chỉ vỏn vẹn vài chục giây. Phim chỉ thiếu vắng một vài màn trình diễn của Trịnh Công Sơn đứng tuổi hay Michiko. Tuy nhiên, những ca khúc này không thật sự xuất sắc hay đóng vai trò quá quan trọng trong tổng thể bộ phim.

Sự tiếc nuối trong tình yêu và trăn trở thời cuộc của Trịnh Công Sơn

Do quá ôm đồm về các mối tình của Trịnh Công Sơn mà Em Và Trịnh đã vô tình lướt qua rất nhiều chi tiết đáng giá và có thể khai thác sâu hơn. Đơn cử chính là yếu tố phản chiến trong nhạc Trịnh. Ông là vốn là một người yêu mến và luôn ca ngợi hòa bình, hòa hợp dân tộc. Thế nhưng, Em Và Trịnh chỉ nhồi nhét yếu tố này qua các câu thoại của Michiko một cách gượng gạo.

Khán giả thích Trịnh Công Sơn hơn Em Và Trịnh: Món ngon chỉ nên ăn vừa đủ, dư chút lại thành ngấy - Ảnh 2.

Trong khi đó, Trịnh Công Sơn thể hiện tình tiết này khéo léo hơn qua số phận của các thành viên Tuyệt Tình Cốc. Từng là nhóm bạn gắn bó keo sơn, họ cuối cùng tan rã, kẻ nhập ngũ, người bị ám sát, kẻ phát điên chỉ vì chiến tranh. Phân cảnh Trịnh Công Sơn đau lòng vì chiến tranh được xây dựng cảm xúc hơn dưới nền nhạc Một Ngày Dài Trên Quê Hương.

Song, tình tiết ghi điểm nằm ở cuối phim khi Trịnh Công Sơn cùng Khánh Ly (Bùi Lan Hương) cùng nhau trình bày các ca khúc phản chiến tại nhiều tụ điểm. Phim cũng cho phát lại lời kêu gọi hòa bình và ăn mừng thống nhất của ông trên kênh phát thanh ngay sau ngày giải phóng qua bài hát Nối Vòng Tay Lớn kinh điển – chi tiết mà Em Và Trịnh hoàn toàn không có.

Khán giả thích Trịnh Công Sơn hơn Em Và Trịnh: Món ngon chỉ nên ăn vừa đủ, dư chút lại thành ngấy - Ảnh 3.

Không chỉ yếu tố phản chiến mà nỗi buồn trong tình yêu của chàng nhạc sĩ xứ Huế cũng rõ nét hơn ở Trịnh Công Sơn. Vì bỏ hết tuyến truyện của Michiko và sự trở lại của Dao Ánh (Phạm Quỳnh Anh) tuổi trung niên, phim thoát được cảm xúc lạc lõng khi tính cách hai phiên bản Trịnh Công Sơn thiếu kết nối của Em Và Trịnh.

Đồng thời, Trịnh Công Sơn còn cho thấy hình ảnh một nhạc sĩ tài hoa nhưng vẫn mãi cô độc. Trong khi những "nàng thơ" khác đều có gia đình êm ấm, khán giả nhận thấy một Trịnh Công Sơn vẫn mãi tình yêu với âm nhạc, vẫn biết ơn cuộc đời qua ca khúc Cho Đời Chút Ơn do Hồng Nhung (Hoàng Yến Chibi) trình bày. Ngoài ra, phim còn thẳng tay cắt đi chi tiết Khánh Ly ghen với Dao Ánh khi ở ngoài đời, nữ ca sĩ nhiều lần khẳng định cả hai chỉ là tri kỷ.

Vì sao Trịnh Công Sơn bị rút khỏi rạp?

Sau những ngày chiếu sớm, Trịnh Công Sơn có doanh thu chỉ bằng 1/10 so với Em Và Trịnh. Hậu quả tất yếu là bộ phim bị rút khỏi rạp để nhường suất chiếu cho phiên bản dài hơn. Điều này cho thấy rằng không phải cứ phim hay thì sẽ có doanh thu cao mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

Khán giả thích Trịnh Công Sơn hơn Em Và Trịnh: Món ngon chỉ nên ăn vừa đủ, dư chút lại thành ngấy - Ảnh 4.

Đầu tiên là do Em Và Trịnh là từ khóa được quảng bá rầm rộ từ nhiều tháng qua. Trong khi đó, Trịnh Công Sơn là phiên bản được nhà phát hành công bố chỉ vài ngày trước khi ra rạp. Nhờ vậy mà Em Và Trịnh có độ nhận diện cao hơn trong mắt khán giả. Bên cạnh đó, tâm lý người xem luôn muốn coi một tác phẩm có thời lượng dài hơn cho "đáng tiền vé". Những bài đánh giá cũng không nhấn mạnh điểm khác biệt của Trịnh Công Sơn khiến nhiều người cho rằng đây chỉ là bản "thu nhỏ" của Em Và Trịnh chứ không phải một bộ phim tốt hơn hẳn.

Nguồn ảnh: NSX

https://KenhTinGame.Com/khan-gia-thich-trinh-cong-son-hon-em-va-trinh-mon-ngon-chi-nen-an-vua-du-du-chut-lai-thanh-ngay-20220617190710777.chn