Nhân vật là người mắc tự kỷ trong các phim Chứng nhân hoàn hảo, Luật sư kỳ lạ Woo Young Woo, As We see it và Bác sĩ thiên tài
Khán giả nhận ra điều này khi xem Luật sư kỳ lạ Woo Young Woo, The Good Doctor (Bác sĩ thiên tài, bản Mỹ và Hàn), Innocent Witness (Chứng nhân hoàn hảo), As We See It...
Gỡ rất nhiều định kiến
Nhân vật công tố viên trong phim Innocent Witness khuyên người luật sư khi muốn giao tiếp với cô bé tự kỷ: "Người tự kỷ thường sống trong thế giới của riêng họ, họ sinh ra đã như vậy rồi. Nếu muốn nói chuyện với một người không thể bước ra thế giới của anh, thì anh hãy bước vào thế giới của họ".
Lời khuyên đó không chỉ xoay quanh việc trò chuyện, mà có thể áp dụng khi bạn muốn sống cùng, làm việc cùng, giao cảm với người mắc tự kỷ.
Trong Innocent Witness, luật sư Soon Ho (Jung Woo Sung đóng) đã bắt đầu bằng những câu đố logic - điều mà hầu như người tự kỷ nào cũng thích - để bước vào thế giới của cô bé nhân chứng Ji Woo (Kim Hyang Gi).
Sau đó, anh chuyển sang bước khó khăn hơn: giúp cô bé hiểu hơn về cảm xúc của người khác và của chính mình. Việc đó khó nhưng không bất khả thi, và chỉ có thể làm được bằng sự quan tâm chân thành.
Không còn những góc nhìn định kiến rằng người có rối loạn tâm lý thường có xu hướng bạo lực nữa, gần đây phim ảnh mô tả các nhân vật ấy với góc nhìn tươi sáng, lạc quan và thấu hiểu hơn.
Với Luật sư kỳ lạ Woo Young Woo, ngay những cảnh đầu tiên của phim có bảng hướng dẫn về các cảm xúc trên gương mặt do người bố làm cho cô con gái tự kỷ. Điều đó cho thấy bộ phim có "nhà tư vấn chân chính" đồng hành.
Một khía cạnh tiến bộ của Luật sư kỳ lạ Woo Young Woo là phim làm về chủ đề luật sư tranh tụng nhưng các vụ kiện đều rất đa dạng, chưa có kẻ giết người hàng loạt hay những góc nhìn tăm tối thường thấy. Phim đề cập nhiều vấn đề nóng hổi của xã hội Hàn Quốc và nhìn nhận vai trò của người mắc tự kỷ trong xã hội. Họ có năng lực, công việc, đời sống riêng và có cả tình yêu lãng mạn.
Yêu và được yêu
Về khía cạnh tình yêu của người mắc tự kỷ, cả về tình yêu đôi lứa lẫn tình yêu theo nghĩa rộng hơn, phim ảnh cũng đang thể hiện tốt.
Đầu năm 2022, khán giả quốc tế thổn thức vì As We See It, phim truyền hình được làm "bằng cả trái tim" để khắc họa cuộc sống của một nhóm bạn mắc tự kỷ. As We See It được sản xuất dựa theo phim On the Spectrum của Israel. Nhân vật chính của phim, Violet, là người khao khát tìm được tình yêu với một anh chàng "bình thường", nghĩa là "không tự kỷ".
Đóng vai Violet là nữ diễn viên Sue Ann Pien, người cũng mắc tự kỷ và rất đồng cảm với nhân vật của mình. Pein cho biết nếu không có trải nghiệm thực tế như nhân vật, cô đã không thể mang lại chiều sâu và màu sắc cho vai diễn như vậy.
Trong The Good Doctor, chàng bác sĩ tự kỷ Shaun (Freddie Highmore đóng) diễn quá hay trong cảnh tỏ tình với cô bạn Lea. "Tại sao em nghĩ anh không thể đối phó được sự ích kỷ, đòi hỏi và hỗn độn của em? Em không muốn làm bạn gái anh vì anh mắc tự kỷ sao?" - Shaun nói. Lea không trả lời, cô chỉ bước đi.
Những cảnh phim như vậy không chỉ chạm vào trái tim các khán giả "bình thường" mà còn khiến các khán giả tự kỷ thấy được thấu hiểu, đồng cảm. Một khán giả bình luận: "Chồng tôi mắc tự kỷ và tôi cũng từng có suy nghĩ như Lea khi chúng tôi đến với nhau. Băn khoăn không có gì sai. Việc có bạn đời tự kỷ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn và khiến bạn phải đối mặt nhiều vấn đề. Tôi mong hai nhân vật có cuộc trò chuyện sâu sắc và mạnh mẽ về chủ đề ấy".
Nhà tâm lý Anna Cristina Tuazon cho rằng cách thể hiện của phim điện ảnh và truyền hình về người mắc tự kỷ "không bao giờ là hoàn hảo", bởi thực tế sẽ luôn phức tạp hơn phim ảnh. Thế nhưng chị tin rằng những bộ phim giúp gia tăng sự đồng cảm của xã hội đối với những con người khác biệt.
"Chúng ta cần thêm những bức chân dung như vậy - rằng người mắc tự kỷ cũng có thể sống một cuộc đời trọn vẹn và đa dạng, có thể mưu cầu những mục tiêu và ước mơ cuộc đời, có thể yêu và được yêu".