Không bùng nổ như mong đợi, Tenet có trở thành nạn nhân chiến dịch quảng bá của chính mình?

“Được ăn cả, ngã về không” chính là những gì chiến dịch marketing đầy rủi ro của Tenet đang làm.

Năm 2020 hứng chịu nhiều tin buồn chẳng ai mong muốn. Sự tấn công của COVID-19 tựa như một cú đấm thật đau vào Hollywood, làm xáo trộn toàn bộ các kế hoạch ra mắt phim. Các bom tấn lớn rồng rắn dắt tay nhau trèo lên kệ nằm im chờ ngày thế gian bình ổn vì chẳng ai muốn phải chiếu bộ phim bạc tỉ của mình giữa thời khắc không ai dám ra rạp xem phim. Nếu như một vài bộ phim như A Quiet Place II hay The King's Man cao chạy xa bay sang tận năm 2021, hoặc Mulan bị Nhà Chuột đưa thẳng về Disney+ chiếu tại gia thì Tenet vẫn khăng khăng đòi ra rạp càng sớm càng tốt. 

Không bùng nổ như mong đợi, Tenet có trở thành nạn nhân chiến dịch quảng bá của chính mình? - Ảnh 1.

Một mình đi theo một hướng chẳng giống ai, tại sao Tenet lại cố đấm ăn xôi như vậy? Không đơn thuần là những chiêu trò làm khuấy động cộng đồng mạng, bộ phim lựa chọn hướng marketing đầy rủi ro, “được ăn cả, ngã về không” trong thời điểm bất ổn như hiện tại.

Siêu bom tấn khăng khăng giữ bí mật nội dung đến phút chót

Được biết đến như một bộ phim có mức độ bảo mật siêu cao, thông tin về nội dung của Tenet cho đến sát ngày chiếu vẫn rất ít và được chắt lọc cẩn thận. Ngoài một vài hình ảnh và 3 trailer cùng với một đoạn mô tả ngắn rất chung chung, không ai có thể tưởng tượng ra chuyện gì sẽ xảy ra trong Tenet. Thậm chí, tên các nhân vật còn không được bộ phim tiết lộ.

Không bùng nổ như mong đợi, Tenet có trở thành nạn nhân chiến dịch quảng bá của chính mình? - Ảnh 2.

Nhân vật chính (thủ vai bởi John David Washington) còn chỉ được gọi là The Protagonist (Chính Diện)

Sử dụng chiêu thức này, bộ phim đã thành công trong việc gợi nên sự tò mò và háo hức từ phía khán giả. Suốt nhiều tháng trời, ai cũng ngóng chờ Tenet và kỳ vọng một siêu phẩm “hack não”, sáng tạo trước giờ chưa từng có, nhất là khi cân nhắc các tác phẩm rất thành công từ trước của đạo diễn Christopher Nolan. Thế nhưng, hứa thật nhiều thì cũng có thể thất hứa thật nhiều, liệu Tenet có thực sự làm thỏa mãn những mong chờ của fan điện ảnh?

Nhất quyết đòi ra mắt sớm, sẵn sàng mở đầu phòng vé sau mùa dịch

Với kinh phí lên đến 225 triệu đô, Tenet là một canh bạc của hãng Warner Bros. và cũng là bộ phim đắt tiền nhất mà đạo diễn Christopher Nolan từng thực hiện. Với số tiền lớn như vậy, hẳn nhiên nhà sản xuất cũng có kỳ vọng lớn vào doanh thu của bộ phim.

Chi tiết bộ phim sẵn sàng đánh nổ một chiếc may bay thật được các kênh truyền thông của phim nhắc lại liên tục

Thế nhưng, để một tác phẩm điện ảnh gặt hái được thành công vào thời điểm dịch bệnh như lúc này là điều khó có thể xảy ra. Với nhiều rạp chiếu trên thế giới phải đóng cửa, các chính sách giãn cách xã hội trong phòng chiếu phim cũng sẽ có ảnh hưởng lớn tới doanh thu của Tenet.

Lúc này, Tenet nổi lên trong mắt của fan điện ảnh không chỉ như một bom tấn mà còn là kẻ dẫn đầu, là bom tấn mạnh dạn “mở màn” cho điện ảnh hậu COVID-19 - một danh hiệu nghe đã thấy oai và to tát, chứng tỏ nhà sản xuất có niềm tin mãnh liệt rằng Tenet “không phải dạng vừa đâu”.

Làm sống dậy bom tấn một thời, mặc kệ rủi ro bị so sánh

Một trong những hoạt động chào đón Tenet ra rạp chính là việc Warner Bros. mạnh tay cho chiếu lại Inception - bom tấn một thời của đạo diễn Nolan với bối cảnh có phần tương đương. Dẫu vậy đây cũng là một pha xử lý rất căng thẳng cho Tenet, khi bộ phim chiếu ngay sau đó rất dễ bị so sánh với Inception. Có lẽ niềm tin của Warner Bros. dành cho Tenet phải thật sự cháy bỏng thì họ mới dám thực hiện một nước đi táo bạo đến vậy.

Không bùng nổ như mong đợi, Tenet có trở thành nạn nhân chiến dịch quảng bá của chính mình? - Ảnh 4.

Cho tới thời điểm này khi đã chính thức khởi chiếu, rõ ràng chất lượng của Tenet vẫn không được đánh giá cao bằng Inception. Việc người người nhà nhà đặt hai bộ phim lên bàn cân để so sánh, vô hình trung tạo nên một ấn tượng không tốt cho Tenet.

Liều thì ăn nhiều, không liều thì ăn ít?

Kinh phí khổng lồ của Tenet yêu cầu bộ phim phải thành công. Những hoạt động quảng bá của phim dường như đang thổi phồng mong đợi của khán giả lên đến mức khủng khiếp, và chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể khiến mọi thứ tan thành mây khói. 

Trong tình hình dịch bệnh, khán giả tại nhiều nước vẫn chần chừ việc ra rạp xem phim. Họ vẫn ngóng chờ những lời bình luận, những nhận xét của mọi người để quyết định liệu Tenet có thực sự xứng đáng để thưởng thức tại màn ảnh lớn giữa thời điểm tính mạng có thể bị đe dọa bởi COVID-19. Chỉ cần một lời nhận xét rằng phim không hấp dẫn, nhạt nhẽo thì mọi kỳ vọng sẽ sụp đổ và cái nhìn tiêu cực về phim sẽ được hình thành. 

Như đã nói ở trên, phần lớn cảm nghĩ của mọi người sau khi xem Tenet đều là mệt mỏi, khó hiểu và không cảm thấy “thấm”. Trang Vulture mạnh dạn thốt lên “Tenet giống như một câu đố hóc búa nhưng chẳng có ý nghĩa gì”.

Không bùng nổ như mong đợi, Tenet có trở thành nạn nhân chiến dịch quảng bá của chính mình? - Ảnh 6.

Phải chăng, Tenet đã quá tự tin đến mức ngạo mạn khi luôn nỗ lực đẩy cao kỳ vọng của khán giả vào phim trong suốt nhiều tháng? Vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá được mức độ thành công của phim. Tuy nhiên nếu Tenet chẳng may có một sự thể hiện yếu kém tại phòng vé, chắc chắn một phần lỗi cũng nằm trong chiến dịch marketing đầy rủi ro như một canh bạc của bộ phim.

Nguồn ảnh: Warner Bros.

Không bùng nổ như mong đợi, Tenet có trở thành nạn nhân chiến dịch quảng bá của chính mình? - Ảnh 7.