Kimetsu no Yaiba: Thân là quỷ, tại sao Nezuko lại kháng được ánh mặt trời?

Việc Nezuko có thể kháng nắng là một kỳ tích và cũng là hệ quả của cả một quá trình phát triển và đấu tranh bản năng; và bước đầu tiên là tìm cách kháng lại cơn thèm khát ăn thịt người.

Ngay từ đầu tác giả đã xây dựng Nezuko là một con quỷ đặc biệt có thể chống lại bản năng khát máu của loài quỷ và chiến đấu chống lại chính loài quỷ. Việc tác giả tự đặt ra điều đặc biệt ấy mà không xây dựng bất cứ dữ kiện nền nào dẫn đến đó, độc giả có thể không đồng ý hoặc chấp nhận một cách tự nhiên, đó là quan điểm riêng. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể cứ chấp nhận một Nezuko đặc biệt như thế, đặc biệt không vì lý do nào. Đơn giản vai trò của cô bé trong truyện là chìa khóa cho động lực của nam chính và cũng là chìa khóa cho cuộc chiến; và cô bé được xây dựng là "Một Kỳ Tích".

Kimetsu no Yaiba: Thân là quỷ, tại sao Nezuko lại kháng được ánh mặt trời? - Ảnh 1.

Thực chất Nezuko không phải là "kỳ tích" duy nhất của bộ truyện. Suốt quá trình 1000 năm đấu tranh vì quỷ, đã có những kỳ tích khác xuất hiện trước cả cô bé, dường như độc giả chấp nhận nó dễ dàng hơn nhưng đến trường hợp của Nezuko thì lại cho rằng nó vô lý. Ví dụ:

Kỳ tích 1: Sự ra đời của kiếm sĩ tài ba Yoriichi với vết bớt bẩm sinh. Yoriichi ngay từ nhỏ đã mang vết bớt kỳ lạ, mang năng lực nhìn thấu bản chất đối thủ, sức mạnh kinh người, kỹ năng kiếm pháp tuyệt đỉnh đánh thắng cả võ sĩ chuyên nghiệp dù chưa hề qua luyện tập. Một người sinh ra đã là kỳ tích và sống với hình tượng "huyền thoại"

Hai kỳ tích từng xảy ra trong quá khứ: Sự ra đời của Yoriichi và nỗ lực thoát khỏi Muzan của Tamayo

Kỳ tích 2: con quỷ đầu tiên thoát khỏi khống chế của Thủy tổ Muzan, Tamayo. Trước khi chạm trán với Yoriichi, quyền lực của Muzan trước những con quỷ khác là tuyệt đối. Dù muốn hay không, Tamayo vẫn cứ phải sống theo lệnh của hắn và buông xuôi theo bản năng khát máu của mình. Nhưng vì cơ duyên Yoriichi làm suy yếu Chúa quỷ mà kỳ tích đã xảy ra: Tamayo thoát khỏi lời nguyền của Muzan. Từ đó cô tìm mọi cách để kiềm chế bản năng ăn thịt người của mình và cuối cùng đã có thể sống tỉnh táo với chỉ một lượng nhỏ máu người. Không những thế, Tamayo đã tạo ra những con quỷ mới mà chẳng cần đến sự cho phép của bậc Thủy tổ. Tamayo sống để tìm thấy kỳ tích và trải qua cuộc đời mà kỳ tích mang lại. Vai trò của cô là "bước đệm" cho sau này.

Kỳ tích 3: Sự ra đời của con quỷ kháng mặt trời - Nezuko. NHƯNG! Để tiến đến kỳ tích này thì đó là cả một quá trình biến đổi, tuy rành rành ra trước mắt nhưng dễ bị bỏ qua.

QUÁ TRÌNH KIỀM CHẾ BẢN NĂNG KHÁT MÁU Ở NEZUKO

Ngay từ ban đầu, Nezuko không hề chống lại được bản năng ăn thịt người. Cô đã tấn công anh trai với tất cả sức lực, với ý định giết người. Nhưng sau cùng thì bản năng bảo vệ người thân ở cô đã chiến thắng điều ấy (1). Đổi lại, Nezuko vẫn chưa hẳn là biết giới hạn của sự kiềm chế. Cô tuy bảo vệ Tanjirou nhưng lại quay sang giơ móng vuốt tấn công Thủy trụ Tomioka. Hành động này không thể coi nhẹ chỉ vì thấy cô bé nhanh chóng bị khống chế, lý do vì sao thì tạm để lại xuống đoạn sau phân tích tiếp (1.1)

Kimetsu no Yaiba: Thân là quỷ, tại sao Nezuko lại kháng được ánh mặt trời? - Ảnh 2.

Nezuko liên tục phải kiềm chế sự thèm ăn của mình. Ở chương 2, cô bé khi thấy bữa ăn dở của một con quỷ, đã vô thức chảy nước dãi thèm thuồng và chỉ thực sự dứt ra khỏi cảnh tượng thơm mùi máu đó khi anh trai của cô gặp rắc rối với con quỷ đó. Nezuko quay qua đá bay đầu con quỷ. Đánh dấu một lần nữa cô bé kiềm chế nhờ bản năng thôi thúc bảo vệ người thân của mình. (2)

Kiềm chế "bản năng khát máu" bằng "bản năng bảo vệ", cơ chế này được sử dụng khá triệt để đối với diễn biến câu chuyện, bởi và hai thái cực của cơ chế này lại có sự liên quan xuôi ngược lẫn nhau. Suốt 2 năm chìm vào giấc ngủ ở nhà của dục thủ Urokodaki Sakonji, Nezuko đã được ông gieo ám thị "tiêu diệt loài quỷ, bảo vệ con người". Xét ra thì ám thị này không hề đi ngược lại với cơ chế đã hình thành trong Nezuko ngay từ ngày đầu tiên cô bé hóa quỷ.

Bởi vậy mà nó đặc biệt hiệu quả đối với tâm trí của Nezuko. Tôi cũng cho rằng việc Nezuko nằm ngủ suốt 2 năm ở nhà ông Urokodaki không chỉ là sự tình cờ. Cô bé rơi vào trạng thái "ngủ đông" khi tình huống xung quanh không còn nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của anh trai mình nữa (3). Giấc ngủ dài ấy chắc chắn là cơ hội để tự cơ thể của Nezuko có thể tổ chức lại, hồi phục và việc gieo một ám thị khi quá trình tái cơ cấu diễn ra thế này là đặc biệt hiệu quả.

Kimetsu no Yaiba: Thân là quỷ, tại sao Nezuko lại kháng được ánh mặt trời? - Ảnh 3.

"Bản năng bảo vệ" được dẫn dắt bởi ám thị giúp cho một nữ quỷ như Nezuko tìm được định hướng hành động rất tốt. Sự định hướng ấy thể hiện qua 2 cuộc chiến: Với Quỷ Đầm Lầy và Quỷ Bóng Ném.

Trong cả 2 lần, cô đều nhìn những nạn nhân bị tấn công/nạn nhân cần được bảo vệ là hình ảnh về những người thân đã mất của mình. Kẻ tấn công chính là Quỷ - kẻ thù.

Tại sao "bản năng bảo vệ" này lại lớn mạnh đến vậy và tại sao thời gian đầu khi bảo vệ một ai đó, Nezuko luôn nhớ về những người đã khuất? Bởi vì trải nghiệm cuối cùng khi cô bé còn là con người, trước khi bị biến đổi thành quỷ, tương tự.

Kibutsuji Muzan tấn công. Mẹ, em trai, em gái túm tụm lại khóc lóc, sợ hãi, cố gắng bảo vệ lẫn nhau. Chính Nezuko nhìn thấy em trai Takeo của mình hứng đòn trí mạng của Muzan khi bảo vệ em trai Shigeru và cô bé cũng đang ôm đứa em út cố gắng chạy thoát, cố gắng che chở người thân duy nhất còn sống trong tay mình. Trải nghiệm khủng khiếp ấy cộng thêm với nỗ lực bảo vệ hằn quá sâu và tạo thành cơ chế hoạt động cho nữ quỷ Nezuko.

Kimetsu no Yaiba: Thân là quỷ, tại sao Nezuko lại kháng được ánh mặt trời? - Ảnh 4.

Có thể nói, việc nữ quỷ Nezuko kiềm chế được sự thèm ăn thịt người ngay khi đã biến đổi thành quỷ là do tàn dư của trải nghiệm cuối cùng khi còn là người quá mạnh. Ám thị của ông Urokodaki đã góp phần thúc đẩy cơ chế ấy và giúp định hướng cho tâm trí của con quỷ Nezuko.

Phải nói thêm rằng, ám thị giúp định hướng cho tâm trí của Nezuko, nhưng nó không hề chế ngự hay thống trị tâm trí của cô bé, bởi vậy, đương nhiên Nezuko không phải là dạng nhân vật trống rỗng chỉ biết hoạt động theo chỉ thị. Sự liên tưởng nạn nhân thành người thân đã khuất thường chỉ xuất hiện ở những trận đánh đầu tiên. Từ sau đó ta thấy cô bé chiến đấu linh hoạt hơn cùng đồng đội và thậm chí từ chối máu của Phong trụ bằng chính lý trí của bản thân chứ lúc đó cô bé chả bảo vệ ai cả.