CGI , cụm từ viết tắt cho Computer Generated Imagery, là công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng vi tính đã tạo ra nhiều bước phát triển vượt bậc cho điện ảnh. Công nghệ này cho phép các nhà làm phim mở ra một thế giới viễn tưởng thỏa mãn trí tưởng tượng của người xem hơn.
Tuy nhiên, không phải trong tay bất cứ đội ngũ hình ảnh – kỹ xảo nào, CGI cũng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của nó. Đôi khi, chính nó lại phản bội bộ phim, đem lại một khung hình bừa bộn và không đẹp mắt.
1. Venom trong Spider-man 3 (2007)
Đây là cậu ấy của 2007.
Chúng ta phải cám ơn Sony vì đã mang đến một Venom trông đẹp trai hơn biết bao so với phiên bản xấu đến gớm ghiếc trong Spider-Man 3. Trước khi chê bai tạo hình của Tom Hardy thì mời bạn nhìn lại bước tiến khổng lồ trong công nghệ "phẫu thuật thẩm mỹ" của Sony nhé.
2018 rõ là trông "sáng sủa" ra hẳn.
Thực tế, nỗ lực đưa hình ảnh một trong những nhân vật phản siêu anh hùng được yêu thích nhất Marvel của đạo diễn Sam Raimi từng được đánh giá khá cao. Một thập kỉ trước hình ảnh Venom đã khiến không ít lứa khán giả nhỏ tuổi của Spider-Man sợ chết khiếp. Nhưng giờ nhìn lại, có lẽ là dưới con mắt của một fan cứng nhà Marvel thì ta chỉ thấy Venom của Spider-man 3 là một con quái vật nhầy nhụa, cơ bắp, không cá tính chứ chẳng có vẻ gì là đúng với nguyên tác cả.
2. Móng của Wolverine trong X-Men Origins: Wolverine (Nguồn Gốc Dị Nhân: Người Sói, 2009)
So với 3 phần phim trước đó của X-Men có kĩ xảo khá ổn thì đến phần phim riêng tập trung vào Wolverine, các nhà làm phim lại muốn đột phá bằng cách tặng cho Hugh Jackman một món quà là bộ móng vuốt giả đến mức khó hiểu.
Trông bộ móng vuốt này chẳng khác nào mô hình 3D được dựng lên một cách sơ sài bởi một sinh viên năm nhất ngành đồ họa. Không có vẻ gì là các chuyên viên CGI của Fox đã đầu tư công sức để trải chuốt cho bộ vuốt trông sáng bóng và thực hơn. Nếu không phải vì Hugh Jackman vẫn cứ là quá ngầu và đẹp trai bất chấp mọi vấn đề thì đội ngũ sản xuất của X-Men Origins: Wolverine đã gặp rắc rối lớn rồi đấy!
3. Cảnh đánh nhau ở đường hầm từ tính trong Black Panther (Chiến Binh Báo Đen, 2018)
Đúng là kĩ xảo của Black Panther ở hầu hết các phân đoạn, như dựng lại cảnh Wakanda hùng vĩ, cái thác nước ở trong đoạn tay đôi đầu phim đầu tiên hay những con tê giác nữa đều đẹp hết sẩy. Chỉ duy trận đấu cuối cùng này, với kĩ xảo được dựng trông chẳng khác nào mấy cái trò chơi điện tử vào đầu những năm 2000.
Đây là hậu quả của việc lạm dụng kĩ thuật chuyển/cắt ghép khung hình thay vì bắt trọn các hành động của diễn viên thông qua cảnh quay, điều này khiến cho cảnh hành động có vẻ lề mề hơn hẳn.
4. Mexico City của Spectre (Tổ Chức Bóng Ma, 2015)
Phần phim mới nhất của Bond mở đầu khá hoành tráng với cảnh quay one-take (quay một lần) loạt hành động của James Bond (Daniel Craig) ở Mexico City – thủ đô xinh đẹp của Mexico. Tuy vậy nhưng nếu bạn dừng phim lại ở bất cứ đoạn nào thì sẽ phát hiện ra luôn là Daniel Craig đang đứng trước màn xanh chứ chẳng có đi đâu hết. Đặc biệt là đến khi hiệu ứng cháy nổ xảy ra thì các chuyên viên đồ họa lại càng thêm bối rối và lộ rõ tay nghề không-được-đỉnh-lắm của mình.
Đừng quên là trong phần phim này, chúng ta còn chứng kiến một lỗi kĩ xảo khá tệ do hiệu ứng màu sắc ở trong phân đoạn trực thăng. Cơ mà so ra với một Mexico City "tưởng không giả mà giả không tưởng" kia thì cảnh hành động kém đã mắt ấy vẫn chưa là gì cả.
5. Khuôn mặt tượng tạc của Superman trong Justice League (Liên Minh Công Lý, 2017)
Cũng phải hiểu cho nỗi niềm của các chuyên viên đồ họa, từ con quái vật cho đến cảnh hành động cho đến cảnh cháy nổ và đôi khi là toàn bộ bối cảnh của bộ phim cũng đều do họ lo. Thế mà giờ đến cả chăm lo cho bộ râu của diễn viên, vốn là công việc của chuyên viên hóa trang, mà cũng đến tay họ! Khổ nỗi khi đang quay lại Justice League thì Henry Cavill lại phải nuôi râu để đóng Mission Impossible: Fallout . Điều gì đến cũng phải đến, cứ đoạn nào có Superman xuất hiện, "công nghệ làm mịn da" của máy tính lại cần phát huy tác dụng của nó.
Kết quả thì lại không được giống với mong đợi cho lắm. Tác dụng phụ của việc tẩy râu là việc môi trên và cằm của Henry Cavill trông cứ như vừa được tiêm mấy liều botox vậy. May cho các chuyên viên CGI làm việc cho Warner Bros. là kĩ xảo tệ chưa bao giờ trở thành điểm yếu nhất của Justice League vì điểm yếu của nó rải rác đều đặn ở mọi khía cạnh cơ.
6. Trận đánh cuối cùng trong Wonder Woman (Nữ Thần Chiến Binh, 2017)
Wonder Woman đã có thể hoàn hảo như Gal Gadot nếu các nhà làm phim không để cho Ares (David Thewlis) trông xấu như thế này. Cơ mà chẳng riêng gì đội ngũ đồ họa có tội đâu, team ánh sáng cũng chán đời không kém khi để cho màu sắc cảnh quay trông xám xịt đến đáng thương trong phân cảnh này. Nếu mà người xem không bận khóc hết nước mắt vì Chris Pine thì có lẽ các nhà phê bình đã có nhiều vấn đề hơn để nói khi nhắc đến Wonder Woman.
7. Predator trong The Predator (Quái Thú Vô Hình, 2018)
Có hai lý do lớn để fan mong chờ vào tạo hình của Predator trong phần phim của đạo diễn Shane Black. Thứ nhất là bộ phim này có ngân sách gấp đôi tất cả các phần phim trước của loạt thương hiệu Predator, và trừ khi những phần phim trước nó được đạo diễn bởi James Cameron thì như một lẽ đương nhiên, kĩ xảo của phần sau thì luôn phải đẹp hơn phần trước chứ. Thứ hai là phần phim thứ 4 này được phát hành sau phần phim thứ 3 đến gần một thập kỉ.
Mặc kệ sự ngóng trong này, tạo hình của Predator trong phần phim ra mắt năm ngoái lại được đánh giá là tệ hơn cả phiên bản đầu tiên được lên màn ảnh lớn vào năm 1987. Trận đánh trong rừng nằm ở cuối phim còn chán hơn nữa khi nó để lộ rõ sự cẩu thả trong việc quay và thiết kế lại những đoạn hỏng. Sự tham vọng của đạo diễn đã dẫn đến hậu quả là team kĩ xảo có quá ít thời gian làm việc và đành phải ra đời nhưng thước phim không tốt một chút nào.