"Kimetsu no Yaiba" là một bộ manga Nhật Bản của tác giả Koyoharu Gotouge, biệt danh là "Cá Sấu". Tại thị trường Việt Nam, nhà xuất bản Kim Đồng đã mua bản quyền phát hành tiếng Việt dưới tựa đề "Thanh gươm diệt quỷ".
Nội dung truyện tranh kể về thời Taisho, có một cậu bé bán than với tấm lòng nhân hậu tên Tanjiro. Những ngày yên bình đã chẳng còn khi Quỷ đến tàn sát cả gia đình cậu, chỉ duy nhất người em gái Nezuko còn sống sót nhưng lại bị biến thành Quỷ. Mang trong mình quyết tâm chữa cho em gái, Tanjiro đã cùng Nezuko bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm tung tích con quỷ đã ra tay với gia đình cậu.
Tập 21 có tựa đề Ký ức xa xăm trong bộ truyện nổi tiếng "Thanh gươm diệt quỷ".
Tuy nhiên, mới đây, hình ảnh thiếu nữ không mặc đồ trong tư thế gợi cảm được phát hiện xuất hiện trong 1 tập truyện khiến các phụ huynh hoang mang.
Ngoài đâm chém, bạo lực...
Hình ảnh phản cảm như thế này cũng không được cắt bỏ.
Cụ thể trong tập 21 có tựa đề Ký ức xa xăm xuất hiện cảnh một đôi nam nữ với những hành động "thân mật". Đáng nói, cô gái đang trong tình trạng khỏa thân, dù những phần nhạy cảm đã được xử lý che mờ nhưng độc giả cũng rất dễ dàng nhận ra được "diễn biến".
Dù gắn mác 17+, thế nhưng trên thực tế, không ai đòi chứng minh nhân dân khi những đứa trẻ đặt mua những cuốn truyện tranh này.
Dù truyện được gắn mác 17+, thế nhưng trên thực tế, không thể kiểm soát được đối tượng mua hàng. Ngoài nhà sách, bộ truyện còn được bày bán tràn lan trên mạng. Vào Google, chỉ cần làm động tác search, sau mấy giây sẽ dễ dàng tìm thấy cuốn truyện trên các nền tảng mua sắm trực tuyến. Chắc chắn không ai đòi chứng minh nhân dân khi những đứa trẻ dưới độ tuổi quy định đặt mua những cuốn truyện tranh này.
Rất dễ để mua những cuốn truyện này trên mạng.
Khuyến cáo tuổi đọc chưa đủ, cần thắt chặt kiểm soát người mua hàng
Truyện tranh là một thể loại chứ không phải dành cho một đối tượng nhất định, tức sẽ có tác phẩm dành cho thiếu nhi, có tác phẩm dành cho người lớn.
Để ấn phẩm truyện tranh "sạch", phù hợp với từng lứa tuổi, nhiều nhà xuất bản tự mình dán nhãn phân loại cấp độ đọc. Tuy nhiên, nếu có dán nhãn 16+, 18+ thì nhiều loại vẫn nghiễm nhiên nằm ở kệ sách thiếu nhi trong nhà sách do định kiến "truyện tranh chỉ dành cho trẻ em" của người Việt Nam. Hệ quả là trẻ em bị tiếp nhận loại truyện có yếu tố bạo lực, cảnh nóng, ngôn tình ủy mị... không đúng lứa tuổi của mình.
Trong khi câu hỏi làm thế nào để trẻ em chỉ tiếp cận những tác phẩm phù hợp với độ tuổi của mình vẫn chưa có lời giải đáp, vai trò của phụ huynh trong việc lựa chọn, định hướng cho con càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Vai trò của phụ huynh trong việc lựa chọn, định hướng cho con càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Thầy Hà Đình Lực, giáo viên ở Hà Nội, người phản ánh sự phản cảm của cuốn truyện này cho rằng: "Tôi thấy vui là nhiều bố mẹ quan tâm mua sách cho con. Nhưng xem một vài hình ảnh truyện tranh cho trẻ trong 1 bộ truyện 17+ nhiều học sinh tiểu học, cấp 2 đang đọc quả thực quá đáng lo ngại".
Theo thầy Lực, để vẫn khuyến khích con đọc sách nhưng tránh được việc con tiếp cận với văn hóa phẩm không phù hợp lứa tuổi, thầy luôn đọc trước sách truyện mà con sẽ đọc. Đồng thời hạn chế tối đa truyện tranh, 1 tuần chỉ 1 buổi tối đọc truyện tranh giải trí, còn lại đọc truyện chữ, truyện tranh danh nhân, lịch sử. Nói không với các loại truyện nhiều bạo lực, phản cảm.
"Còn trong lớp học, mình nói trước cậu nào đọc truyện có nội dung không phù hợp, không đúng tuổi sẽ tịch thu luôn", thầy Lực chia sẻ.