Dưới Bóng Trung Điện - Under the Queen's Umbrella đang thiết lập những thành tích tỷ suất người xem hàng đầu của phim Hàn hiện nay. Khai thác đề tài hấp dẫn, kịch tính với bối cảnh nội mệnh phụ (hậu cung), Dưới Bóng Trung Điện vẫn có một số chi tiết chưa hoàn hảo, nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Cung cấm nhưng ra vào như "cơm bữa"
Đây chắc chắn là 1 trong những chi tiết rất khó để chấp nhận trong Dưới Bóng Trung Điện. Thậm chí, việc đi đi về về cung cấm của các nhân vật vương gia có thể được xem là "phương tiện" để giải quyết phần lớn những tình tiết quan trọng trong phim, nhất là cái chết của Thế tử đầu tiên.
Phim rõ ràng khai thác những nhân vật thuộc tầng lớp cao nhất bấy giờ, tức xảy ra trong cung cấm. Mà cung cấm thì không phải nơi dễ dàng ra vào như trẩy hội. Vậy mà các vương tử còn có thể một bước "leo rào" để lẻn ra ngoài chơi, hay Trung điện đi chợ mua đồ như dân thường. Việc lỏng lẻo trong cách quản lý của cung cấm trong Dưới Bóng Trung Điện thực chất không chỉn chu, nhất là trong giai đoạn bối cảnh dịch bệnh trong một số tập đầu của phim. Chỉ cần 1 người bệnh đã đủ để khiến cả cung lâm nguy, chẳng hạn như điều đã xảy ra trong Kingdom đấy!
Diễn xuất của Kim Hye Soo
Đã rất lâu rồi kể từ Thuật Xem Tướng, Kim Hye Soo mới quay trở lại cổ trang, đặc biệt là với cung cách của một vị phi tần. Ở Dưới Bóng Trung Điện, Kim Hye Soo "thăng cấp" trở thành Trung điện nắm giữ quyền lực tối cao, song luôn hết lòng vì con cái. Tuy nhiên khác với nhiều vai diễn trước đó, có lẽ hình tượng Trung điện Hwa Ryeong đã thật sự làm khó được Kim Hye Soo.
Kim Hye Soo vẫn có nhiều khoảnh khắc diễn xuất đỉnh cao, thế nhưng bên cạnh đó tạo cảm giác gượng gạo ở một số phân cảnh. Thay vì là dáng vẻ uy nghi, nữ diễn viên có lúc gồng cứng người, liếc mắt và nhả thoại không tự nhiên. Thế nhưng đây chỉ là nhận xét số ít vì nhìn chung, khả năng của Kim Hye Soo vẫn không có gì đáng nghi ngờ. Đứng trước hàng tá biến cố xảy ra từ tập 1 đến giờ, Hwa Ryeong đã "lèo lái" rất tốt với vai trò trung tâm hậu cung, 1 người mẹ có 5 con và là người phụ nữ đứng đầu với đầy trách nhiệm.
Khi cổ trang chỉ là lớp vỏ bên ngoài
Ngay từ đầu, Dưới Bóng Trung Điện đã được không ít lần so sánh với SKY Castle, thậm chí còn được gọi là phiên bản hiện đại của bom tấn một thời này. Vào phim, khán giả được thưởng thức nội mệnh phụ hoạt động như thế nào, và cả những chi tiết tranh đấu của từng vị phi tần để đưa con mình lên đỉnh cao. Thế nhưng bộ phim vẫn có màu sắc hiện đại rất lớn chứ không hẳn là nương theo 100% tính chất cổ đại.
Ngay từ việc nữ chính Hwa Ryeong giải quyết sự việc của cậu con trai Gyeseong quân đã thể hiện tư tưởng hiện đại quá mức, dù thể hiện tư tưởng và thông điệp ý nghĩa. Bản thân nhân vật Hwa Ryeong được ekip cố tình xây dựng như một phiên bản tiến bộ, vượt lên trên quy chuẩn xưa gò bó, phân biệt nhưng thiếu đi đâu đó bản chất của một nữ nhân sống giữa thời phong kiến. Rất may Dưới Bóng Trung Điện chỉ là phim giả tưởng, không bám theo bất kì chi tiết có thật nào nên sự sáng tạo của ekip không khiến người xem quá khó chịu, nhưng vẫn thấy thiếu vắng.
Tỉ lệ sinh con trai 100%
Nếu để ý kĩ thì trong Dưới Bóng Trung Điện, dàn phi tần của vua hầu như toàn có con trai chứ chẳng có một công chúa, ông chúa nào. Riêng Trung điện có đến 5 người con trai, tỉ lệ có quý tử gần như 100% đến mức khó tin. Hay Phế phi Yoon cũng có toàn con trai, tuyệt nhiên không sinh ra một công chúa nào. Là bộ phim mang nhiều tư tưởng hiện đại, hướng đến sự bình đẳng và cả quyền nữ nhưng việc thiếu bóng hẳn các công chúa trong cung lại là chi tiết gây khó hiểu.
Phim đã gần hết nhưng không thấy vua có 1 người con gái nào
Vay mượn nhiều phim khác
Như đã nói, phim khiến người xem nhớ về một SKY Castle cũng liên quan đến vấn nạn "chạy thành tích", nhưng với lớp vỏ cổ trang thú vị. Mặt khác, phim vẫn có nhiều chi tiết được học hỏi từ các dự án cung đấu nổi tiếng, điển hình như Chân Hoàn Truyện và Như Ý Truyện. Tình tiết Đại phi đưa con mình lên làm vua giống như cách mà năm xưa Chân Hoàn đưa Tứ a ca Hoằng Lịch lên ngôi, ngoài ra còn tạo điều kiện để Hoằng Lịch "nhổ bỏ" những hoàng tử khác (Tam a ca). Những "cuộc đua" địa vị liên quan đến con cái của Dưới Bóng Trung Điện từng được thể hiện rõ nét, thâm sâu hơn trong Như Ý Truyện, khi mà mỗi phi tần đều có những suy tính sâu xa chứ không chỉ là cuộc song đấu giữa Trung điện và Hwang thục viên trong dự án Hàn. Cũng sở hữu hậu cung có kha khá nhân tố nhưng Dưới Bóng Trung Điện không thể khai thác triệt để, cuối cùng sinh ra nhiều nhân vật dư thừa.
Ngoài ra ở tập 11 của Dưới Bóng Trung Điện, khán giả đã có cơ hội thưởng thức một màn "trích máu nghiệm thân" gần như được lấy y nguyên từ Chân Hoàn Truyện sang. Chỉ có một số chi tiết nho nhỏ được thay đổi (như loại tạp chất bỏ vào nước), bầu không khí và cách dàn dựng lại khá chóng vánh, không được chi li, nhiều ẩn ý như Chân Hoàn Truyện. Rõ ràng để làm nên một Dưới Bóng Trung Điện hoàn thiện như hiện tại, ekip đã có sự học hỏi không ít từ rất nhiều dự án đi trước.
Dù có những điểm chưa thật sự thỏa lòng đại bộ phận khán giả nhưng không thể phủ nhậ, Dưới Bóng Trung Điện là dự án đầy sự đầu tư, tâm huyết và chất lượng của Hàn Quốc dịp cuối năm nay. Khi Thế tử mới đã xuất hiện, những tập cuối cùng sẽ là cuộc chạy đua "nước rút" giữa những nhân vật quyền lực để đoạt lấy chiến thắng sau cùng.
Nguồn ảnh: tvN