Năm 2017, sự xuất hiện của Người Phán Xử và Sống Chung Với Mẹ Chồng đã mang đến sức sống mới cho khung giờ phim truyện Việt mỗi tối trên sóng truyền hình quốc gia. Sau năm 2017, khán giả màn ảnh nhỏ tiếp tục chào đón chùm phim đặc sắc gồm nhiều cái tên như Quỳnh Búp Bê (2018), Về Nhà Đi Con (2019), Hương Vị Tình Thân (2021), Thương Ngày Nắng Về (2022)…
Các bộ phim này đều có điểm chung là khai thác những mâu thuẫn trong gia đình, mà những cuộc hôn nhân là một thành tố quan trọng. Tuy nhiên, đời sống vợ chồng được mô tả trong các TV series này ngày một cũ kỹ, lặp đi lặp lại một vài nhóm tình tiết và nhân vật nhất định, khiến khán giả phải nhận xét phim lê thê, lạm dụng bi kịch, dùng cảnh giường chiếu nhạy cảm để câu khách.
Cưỡng hiếp và người thứ ba - những phụ gia không thể thiếu?
Hành Trình Công Lý , được Việt hóa kịch bản từ TV series The Good Wife , là tác phẩm mới nhất lên sóng đài truyền hình quốc gia. Phim xoay quanh hành trình minh oan cho chồng khỏi tội giết người của nữ luật sư Phương (Hồng Diễm). Khi mới lên sóng được 3 tập, Hành Trình Công Lý từng vướng phải chỉ trích từ dư luận vì nhắc đi nhắc lại quá nhiều lần các cảnh nóng giữa Hoàng (Việt Anh) và nhân tình.
Tác phẩm này cũng giúp khung giờ phim 21h40 của kênh truyền hình quốc gia xác lập một kỷ lục không mấy vẻ vang - cho lên sóng ba tác phẩm liên tiếp đều xuất hiện tình tiết nhân vật bị cưỡng hiếp. Trong phần 2 của Thương Ngày Nắng Về , Khánh (Lan Phương) bị đánh thuốc mê và mang vào khách sạn. Tới Gara Hạnh Phúc (2022), Vân (Nguyễn Hoàng Ngọc Huyền) sang chấn tâm lý sau quá khứ bị xâm hại tình dục. Hoàng của Hành Trình Công Lý cũng bị chuốc thuốc rồi quay clip sex.
Khánh (Lan Phương) trong Thương Ngày Nắng Về hay Châu (Hồng Diễm) của Hướng Dương Ngược Nắng là nạn nhân của xâm hại tình dục, nhưng lại chỉ biết nuốt hận vào trong lòng
Tình tiết nhân vật nữ bị cưỡng hiếp cũng xuất hiện ở nhiều bộ phim ăn khách trước đó của VFC. Trong Cô Gái Nhà Người Ta (2020), Uyên (Phương Oanh) đã bị Cường (Trọng Lân) cưỡng hiếp để ép duyên. Tới Hướng Dương Ngược Nắng (2021), tình tiết Châu (Hồng Diễm) bị Vỹ (Mạnh Cường) cưỡng hiếp rồi quay clip để uy hiếp từng khiến khán giả bất bình. Hồi 2018, bộ phim "ngập tràn cảnh nóng" Quỳnh Búp Bê cũng có chi tiết Lan (Thanh Hương) bị hành hung và hiếp dâm tập thể…
Quan hệ tình dục không đồng thuận đã trở thành tình tiết quen thuộc trong các series truyền hình gần đây - với đỉnh cao là năm 2022 có đến ba bộ phim liên tiếp đều phát triển cốt truyện xoay quanh một vụ cưỡng bức.
Trong giai đoạn 2020-2022, có khoảng 25 series phim Việt được sản xuất và lên sóng truyền hình quốc gia trong các khung giờ vàng. Thống kê một cách tương đối, có đến hơn 10 tác phẩm trong số này xuất hiện tình tiết vợ/chồng ngoại tình hoặc có người thứ ba tìm cách xen vào một mối quan hệ yêu đương đang hồi nồng nhiệt.
Đừng bắt em phải quên (2020), Hãy Nói Lời Yêu (2021), Hướng Dương Ngược Nắng , Anh Có Phải Đàn Ông Không? (2022), Chồng Cũ, Vợ Cũ, Người Yêu Cũ (2022), Hành Trình Công Lý (2022) có tình tiết người thứ ba xuất hiện dẫn đến quan hệ vợ chồng lục đục. Tình cảm của nhân vật chính phim Tình Yêu Và Tham Vọng (2020), Lửa Ấm (2020), Hương Vị Tình Thân (2021), Gara Hạnh Phúc (2022) đều từng bị đe dọa bởi sự xuất hiện của một người thứ ba.
Những người phụ nữ chịu thiệt thòi
Thưởng thức các bộ phim dài tập chiếu trên khung giờ vàng, khán giả dễ dàng tìm thấy những hình mẫu nhân vật người vợ khơi gợi sự cảm thông, chia sẻ. Họ thủy chung, giàu đức hy sinh, cam chịu, dù chịu nghịch cảnh vẫn kiên cường bám trụ lại cuộc đời… Nhưng để người phụ nữ bộc lộ trọn vẹn những đức tính ấy, dường như họ đều phải nếm trải vô vàn sóng gió hôn nhân.
Ở Phố Trong Làng , Thương (Ngô Lệ Quyên) là người đàn bà thường xuyên bị chồng (Doãn Quốc Đam) đánh đập, chửi bới. Sau hàng chục tập phim chịu cảnh bị hành hạ, Thương vẫn quyết định tha thứ cho chồng. Tập cuối phim, cô cùng chồng và con gái về lại bên nhau dưới một mái nhà. Họ còn chờ đón đứa con thứ hai sắp ra đời.
Trong hồi kết Anh Có Phải Đàn Ông Không? , nhân vật Nhật Minh của Hà Việt Dũng cuối cùng cũng chịu nói lời xin lỗi vợ sau bao năm tháng bạo hành tinh thần cô. Anh bày tỏ mong muốn được yêu vợ thêm một lần nữa và hiện thực hóa nó bằng một màn cầu hôn.
Quay lại với Thương ngày nắng về , sau quãng thời gian bị chồng ruồng rẫy, lạnh nhạt dẫn tới ly hôn, Khánh (Lan Phương) vẫn quyết định cho anh cơ hội thứ hai. Hậu ly hôn, cô đã gặp một người đàn ông chín chắn hơn, yêu thương và trân trọng mình thật lòng, nhưng Khánh vẫn không lựa chọn bước tiếp. Kịch bản phim dù để ngỏ cơ hội Khánh và chồng cũ trở về bên nhau, nhưng vẫn tung nhiều manh mối ngầm khẳng định kết cục này.
Nhiều kịch bản phim truyền hình xây dựng hình tượng người vợ như những phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi
Những câu chuyện này đều đi theo cùng một mô-típ. Ta không nói về cái kết trong mơ khi người phạm sai lầm biết ăn năn hối cải, không chỉ nhận sai mà còn bày tỏ thiện chí muốn bù đắp. Ta đang xem xét những lựa chọn mà một người phụ nữ có thể đưa ra trong những tình huống này. Họ thường phải tha thứ, thêm một lần đánh cược tương lai vào người chồng nhiều vấn đề, chấp nhận cái kết cổ tích kiểu "gương vỡ lại lành".
Nói cách khác, phim truyền hình Việt đang thần thánh giá trị của những cuộc hôn nhân - các cô vợ "tốt" sẽ không bao giờ rời bỏ chồng mình để đến với một người đàn ông khác tốt hơn. Trong Hoa Hồng Trên Ngực Trái (2019), thoát ra khỏi cuộc hôn nhân địa ngục với người chồng trước, Khuê (Hồng Diễm) đã tìm được tình yêu mới. Nhưng tới tận kết phim, cô vẫn không thể chạm đến cái kết viên mãn với người đàn ông này - ngay cả khi chồng cũ đã chết.
Một mô-típ khác, phổ biến không kém những người chồng tệ bạc, là các bà mẹ chồng quái chiêu. Kể từ Sống Chung Với Mẹ Chồng (2017), mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu trên sóng phim giờ vàng ngày càng căng thẳng. Trong Thương Ngày Nắng Về , nữ diễn viên Lan Hương đã có màn tái hiện trọn vẹn nhân vật mẹ chồng cay nghiệt mình từng lột tả rất thành công hồi 2017.
Nhân vật cụ Thập trong Thông Gia Ngõ Hẹp cũng được xây dựng một cách cực đoan đến phi lý khi sẵn sàng để con trai và hai đứa cháu sống cô đơn, khổ sở chứ không chịu mở lòng chấp nhận con dâu trở về. Trên màn ảnh, bà không ít lần bày trò "ăn vạ" để ép mọi chuyện diễn ra theo ý mình.
Trong Hành Trình Công Lý , dù nhân vật mẹ chồng do NSND Như Quỳnh thủ vai không khắc nghiệt hay quá quắt với con dâu, nhưng cách bà nhất nhất vun vén cho con trai dễ khiến người xem hiểu rằng nhân vật thực dụng. Đầu phim, bà chỉ trích con dâu là ích kỷ khi có ý định trở lại làm việc. Nhưng sau khi con trai gặp nạn, bà thay đổi hoàn toàn thái độ, hết sức vun vén, động viên con dâu dùng chuyên môn luật sư của mình để cứu chồng. Bà còn giấu nhẹm chuyện con trai ngoại tình và không cho thấy chút cảm thông nào với hoàn cảnh mà con dâu đang trải qua.
Có đủ "người vợ tốt" nhưng thiếu các ông chồng tử tế
Cổ nhân có câu "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", nhưng loạt sóng gió gia đình trong phim giờ vàng luôn có thể quy về cùng một kiểu kịch bản khi lỗi thuộc về những người đàn ông. Trên màn ảnh, họ thường là những người giữ vai trò trụ cột kinh tế, có tiếng nói quyết định trong mọi vấn đề. Nhưng chính họ cũng là nguồn cơn của mọi rắc rối. Nếu không bị trao cho "sứ mệnh" trở thành những kẻ phản bội vợ con, dưới ngòi bút của các biên kịch, hình tượng người chồng cũng thường bị gán cho đủ thứ thói hư tật xấu khác.
Trong Anh Có Phải Đàn Ông Không? , Tuấn Tú hóa thân thành ông chồng lùi về làm hậu phương cho vợ nhưng lại mắc tính cả nể, thiếu quyết đoán và thường xuyên bị coi thường; Hà Việt Dũng đóng vai người chồng khô khan, ích kỷ và gia trưởng thường để vợ chịu thiệt thòi, thậm chí ghen tị với thành công của cô. Cả Anh Có Phải Đàn Ông Không? và Phố Trong Làng đều xuất hiện nhân vật người chồng vô trách nhiệm, đánh đập vợ tàn nhẫn.
Ở Phố Trong Làng, nhân vật Mến của Doãn Quốc Đam thường xuyên rượu chè rồi đánh đập vợ trong cơn say
Với Thương Ngày Nắng Về - tác phẩm đình đám trên truyền hình thời gian qua - khán giả cũng dành nhiều lời chê trách cho nhân vật Đức (Hồng Đăng). Là người đàn ông đã có một vợ hai con, nhưng cách hành xử của anh vẫn rất ấu trĩ, vô tâm và cả vô tình trong vai trò người trụ cột gia đình. Đức chọn thái độ khuất mắt trông coi khi thấy mẹ và chị gái bắt nạt vợ mình, cũng không lên tiếng bảo vệ khi cô bị hãm hại. Tới khi tưởng mình lâm trọng bệnh, anh ta tự khoác lên mình tấm áo cao thượng khi cố xua đuổi vợ con…
Trong năm 2022, nam diễn viên Việt Anh có hai lần vào vai người chồng trên màn ảnh, thì cả hai lần anh đều làm khổ vợ khổ con. Trong Chồng Cũ, Vợ Cũ, Người Yêu Cũ , vì không thể giải quyết dứt điểm vấn đề với vợ trước, anh đã khiến người vợ hiện tại chịu nhiều tổn thương. Tới Hành Trình Công Lý , anh khiến trái tim vợ tan vỡ khi clip sex quay mình với bồ nhí bị tung lên mạng, khiến các con xấu hổ với bạn bè khi bố bị tình nghi giết nhân tình.
Nói như vậy không có nghĩa màn ảnh nhỏ đã "tuyệt chủng" những người đàn ông tận tụy với gia đình. Chỉ là những đức tính như chung thủy hay giỏi chiều vợ chăm con của họ sẽ luôn bị "bán kèm" với một nhược điểm nào đó như nhu nhược (vai của Tuấn Tú trong Anh Có Phải Đàn Ông Không? ), tủn mủn thù dai (vai của nghệ sĩ Trọng Trinh và Chí Trung trong Thông Gia Ngõ Hẹp ).
Hết lòng vì gia đình, nhưng nhân vật của Tuấn Tú trong Anh Có Phải Đàn Ông Không? vẫn thường xuyên bị vợ giận dỗi, hiểu lầm
Đôi khi, ta cũng có những nhân vật ra dáng ông chồng mẫu mực như vai Hùng của Hà Việt Dũng trong Hành Trình Công Lý hay Long của Hương Vị Tình Thân . Trước đó, vai ông Sơn (Trung Anh) của Về Nhà Đi Con cũng được đông đảo khán giả yêu mến vì sự ấm áp và bao dung dành cho các con gái. Tuy nhiên, nhân vật này lại giống như bản sao của ông Lâm (Công Lý) của Khi Người Đàn Ông Góa Vợ Bật Khóc (2013).
Nhìn chung, hình tượng người chồng trên màn ảnh nhỏ vẫn đang bị khuôn vào quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Họ được giao trọng trách làm trụ cột kinh tế và được hưởng đặc quyền là trụ cột tinh thần của gia đình nhỏ. Nhưng mặt khác, các đức lang quân cũng thường bị quy tội là nguồn cơn gây nên mọi sóng gió, đổ vỡ trong gia đình.
Về lâu dài, việc thiếu vắng những góc nhìn mang tính chia sẻ, phân tích sâu xa những gánh nặng mà một người chồng/người đàn ông phải mang trên vai - như những gì bộ phim Anh Có Phải Đàn Ông Không? hay Chồng Cũ, Vợ Cũ, Người Yêu Cũ đã bước đầu làm được - sẽ tạo ra một sự thiên lệch trong cảm thức của khán giả xem phim truyền hình Việt. Việc khuôn hình ảnh người chồng, người cha trên màn ảnh vào những hình mẫu tính cách, vai trò xã hội cố định cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần phân chia quyền lợi và trách nhiệm ngang bằng cho đàn ông và phụ nữ của phong trào bình đẳng giới.
Lối thoát nào cho những cuộc hôn nhân trên màn ảnh?
Nói về việc các phim truyền hình Việt lặp đi lặp lại một số kiểu tình tiết hay hình tượng nhân vật, nhà làm phim Võ Thạch Thảo (đạo diễn phim Cây Táo Nở Hoa ) chia sẻ với chúng tôi: "Tôi không nghĩ là nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này mà là các nhà làm phim cũng lấy cảm hứng từ thực tế không ít. Với kinh phí và quy mô sản xuất phim còn hạn hẹp, những đề tài gia đình là lựa chọn tốt và phù hợp. Và những tình huống ngoại tình, hay khác biệt về phong cách sống giữa các thế hệ, giữa các mối quan hệ chắc chắn sẽ được khai thác nhiều".
Trên thực tế, trong những năm qua, không phải tất cả phim truyền hình chiếu trong các khung giờ vàng VTV đều xoay quanh câu chuyện mâu thuẫn hôn nhân, gia đình. Khán giả cũng được thưởng thức nhiều tác phẩm sở hữu câu chuyện hay ý tưởng mới trong Cô Gái Nhà Người Ta , Mùa Hoa Tìm Lại , 11 Tháng 5 Ngày , Lối Về Miền Hoa hay Gara Hạnh Phúc . Tuy nhiên, các tác phẩm này vẫn tuân thủ đúng công thức lấy dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái làm tiêu chuẩn cho một cái kết có hậu.
Đám cưới, hay những người yêu nhau đến được với nhau là những kiểu kết thúc phổ biến trên phim truyền hình
Hành Trình Công Lý đã bước vào những diễn biến quan trọng, hứa hẹn một chặng đường tương lai hấp dẫn, giàu kịch tính. Đây là bộ phim được sản xuất với kịch bản được Việt hóa từ TV series The Good Wife . Việc sử dụng một cốt truyện không bắt nguồn từ nền văn hóa Việt Nam có thể coi là lợi thế để các nhân vật trong phim - mà cụ thể là nữ chính do Hồng Diễm thủ vai - sống quyết liệt hơn, dám đưa ra những lựa chọn táo bạo hơn.
Sau khi phát hiện ra Hoàng (Việt Anh) hết lần này đến lần khác phản bội mình, Phương (Hồng Diễm) bày tỏ mong muốn được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân giả dối bất chấp chồng hết lời năn nỉ, xin lỗi. Ở tập mới nhất, Hoàng khiến Phương cạn lời khi lấy lý do gia đình bao biện cho hành vi ngoại tình và càng quyết tâm cùng các con dọn ra sống riêng. Bước đầu, Phương gặp không ít khó khăn, nhưng tự hào với lựa chọn của mình. Tuy nhiên, khả năng kịch bản ép buộc cô về bên chồng vẫn còn đó, được rào trước đón sau bằng những lời nỉ non của cô con gái yếu ớt.
Tuy nhiên, chừng ấy thay đổi của Hành Trình Công Lý vẫn là chưa đủ để giúp cỗ xe phim truyền hình Việt Nam vượt qua vũng lầy gắn với quan niệm "xuất giá tòng phu" vẫn chi phối các nhân vật nữ trên màn ảnh hay sự thiếu vắng ý tưởng mới. Tình hình này sẽ khó thay đổi nếu các nhà biên kịch không thay những mô-típ nhân vật đã cũ, những chủ đề dễ tạo tranh luận nhưng thiếu nhân văn như ngoại tình, mâu thuẫn nàng dâu mẹ chồng, trọng nam khinh nữ, định kiến giới… bằng những câu chuyện mới, những bức chân dung hợp thời đại hơn.
Ở một giai đoạn mà các phong trào bình đẳng giới, thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ được quan tâm, khán giả cần những người vợ sẵn sàng bước ra khỏi một mối quan hệ độc hại, đấu tranh cho bản thân mình thay vì tiếp tục sống cam chịu, làm người tốt và chờ đợi sự thay đổi từ đối phương hay một cái kết "khổ tận cam lai". Tương tự, hình tượng "đàn ông tốt" trên màn hình không nên là "độc quyền" của các anh chàng độc thân, còn thói độc đoán, gia trưởng, vô tâm lại là "bản sắc" của các đức ông chồng.
Phương của Hành Trình Công Lý không chấp nhận sai lầm của chồng, quyết định chia tay để thoát khỏi mối quan hệ độc hại
Trong quá khứ, các bộ phim truyền hình Hàn Quốc từng chuộng lối xây dựng hình tượng những người đàn ông gia trưởng, thích kiểm soát bạn gái và gắn nhãn hành vi này là nam tính, mạnh mẽ. Nhưng sau nhiều thập kỷ, xu hướng này đã thay đổi với loạt nhân vật nam chính dịu dàng, lãng mạn và tâm lý hơn trong các TV series dành cho giới trẻ. Đây không phải sự hư cấu xa rời thực tế. Thay vào đó, nó là nỗ lực mang tính "mưa dầm thấm lâu", góp phần thay đổi quan điểm của cả hai giới về kiểu mẫu đàn ông lý tưởng hay cách những người đàn ông thể hiện sức hấp dẫn của bản thân.
Sự thay đổi tương tự cũng có thể xảy đến với phim truyền hình Việt Nam. Các ông chồng trên màn ảnh không nhất thiết phải là bộ sưu tập thói hư tật xấu, các bà mẹ chồng hoàn toàn có thể yêu thương đùm bọc con dâu hay những cô vợ cũng có quyền bình đẳng với các thành viên khác trong gia đình. Bên cạnh việc lột trần hiện thực xã hội như nó vốn có, phim truyền hình cũng có thể xây dựng những hình mẫu lý tưởng để khán giả học theo. Đây xét cho cùng là một hướng đi hợp lý, tránh được việc khán giả xem phim truyền hình Việt mà không khỏi hoài nghi về đời sống gia đình.
Ảnh: VFC