Luận về thực chiến, có lẽ khó ai qua mắt được những cao thủ sau trong tiểu thuyết Kim Dung (Phần 2)

Tiếp nối series của phần 1, hãy cùng tìm hiểu những cao thủ thực chiến nổi tiếng nhất trong các tác phẩm của Kim Dung nhé.

Huyết Đao Lão Tổ

Là chưởng môn của Huyết Đao Môn đời thứ tư, Huyết Đao Lão Tổ cũng có nguồn gốc từ Mật Tông giáo giống như Kim Luân Pháp Vương vậy, chỉ có điều hai người này sinh khác thời cũng như khác tác phẩm của Kim Dung mà thôi. Còn nếu để họ song kiếm hợp bích thì có lẽ võ lâm trung nguyên chẳng mấy chốc mà rơi vào vòng nguy khốn.

Luận về thực chiến, có lẽ khó ai qua mắt được những cao thủ sau trong tiểu thuyết Kim Dung (Phần 2) - Ảnh 1.

Trong Liên Thành Quyết, Huyết Đao Lão Tổ không những võ công mà mồm mép cũng lợi hại

Để nói về kinh nghiêm thực chiến của Huyết Đao Lão Tổ thì cứ lấy trận chiến với Giang Nam tứ đại cao thủ làm ví dụ. Chỉ với thanh thần binh huyết đao, lão ta lần lượt hạ gục Lưu Thừa Phong, Lục Thiên Chữ cũng như Thủy Đại – những cao thủ mà võ công chẳng kém lão là bao. 

Tất cả là nhờ vào đầu óc tinh tế của Huyết Đao Lão Tổ, khi hắn luôn chọn cho mình những vị trí phù hợp, biến cuộc chiến thành đơn đả độc đấu và xa luân chiến dù đối thủ có tận 4 người. Cho tới khi sức cùng lực kiệt, chỉ với vài câu nói tâm lý chiến, Huyết Đao Lão Tổ không đánh mà hàng phục được Hoa Thiết Cán.

Trương Tam Phong

Chỉ với 5 thành của Cửu Dương Thần Công cùng với đôi La hán bằng sắt do Quách Tương tặng là quá đủ để Trương Tam Phong – một kỳ tài võ học tạo được dấu ấn trên giang hồ. Năm ấy, chỉ mới 16, 17 tuổi nhưng Trương Tam Phong đã có thể chống đỡ những chiêu thức xảo diệu của Côn Luân Tam Thánh.

Luận về thực chiến, có lẽ khó ai qua mắt được những cao thủ sau trong tiểu thuyết Kim Dung (Phần 2) - Ảnh 2.

Kim Dung mô tả sau khi Hà Túc Đạo đánh xong 6 chiêu nhưng không hiệu quả, đột nhiên biến thức xuất ra Thiên Sơn Tuyết Tiêu, bao vây Trương Quân Bảo trong chưởng ảnh từ bốn phương tám hướng. Cậu bé Quân Bảo chỉ với vài chiêu thức được Dương Quá chỉ dạy ở Hoa Sơn chưa từng kinh qua bất kỳ vị sư phụ nào khác bất ngờ ứng biến và tự xử ra Song Khuyên Thủ của Thiếu Lâm Quyền, đánh bại chiêu thức của Hà Túc Đạo. Với kỹ năng và đầu óc như vậy, chẳng lạ khi thành tựu sau này của Trương Tam Phong còn vang vọng tới các thế hệ hậu bối.

Viên Tử Y

Đừng nghĩ rằng một cô nương xinh đẹp có phần yếu đuối như Tử Y dễ bắt nạt mà nhầm. Nàng là con đẻ của Phụng Thiên Nam và cũng là đệ tử đích truyền thứ hai của Thiên Trì Quái Hiệp Viên Sĩ Tiêu.

Luận về thực chiến, có lẽ khó ai qua mắt được những cao thủ sau trong tiểu thuyết Kim Dung (Phần 2) - Ảnh 3.

Viên Tử Y trong Tuyết Sơn Phi Hồ

Năm xưa, Tử Y một mình xuất sơn xuống trung nguyên, liên tục đả bại các chưởng môn nhân của nhiều môn phái cho dù bản thân nàng chưa chắc đã mạnh hơn họ. Ngay cả khi phải đối đầu với Vương Kiếm Anh – cao thủ nổi tiếng với bộ Bát Quái Chưởng và Bát Đồ Trận biến hóa khôn lường, nàng cũng vượt qua, dù rằng không theo cái cách nhẹ nhàng lắm. 

Lúc đầu, Tử Y khá bối rối khi tỷ thí ở dưới đất, nhưng chỉ với một chước nhanh nhạy nhảy lên bàn, kèm theo một vài chiêu khích tướng, thế trận đã thay đổi không ngờ. Vương Kiếm Anh nóng nảy, mất bình tĩnh và rồi để Tử Y chớp cơ hội rất nhanh, bẻ gãy xương tay trái của hắn. Tới đây thì chiến quả cũng đã rõ ràng.

Tiêu Phong

Luận về thực chiến, có lẽ khó ai qua mắt được những cao thủ sau trong tiểu thuyết Kim Dung (Phần 2) - Ảnh 4.

Tiêu Phong – thần võ trong các tác phẩm của Kim Dung

Đứng đầu trong bản danh sách này chắc chắn phải là Tiêu Phong, bang chủ một thời của Cái Bang và cũng là nhân vật chính trong tác phẩm Thiên Long Bát Bộ nổi tiếng. Bất kỳ môn công phu tầm thường nào, nhưng chỉ cần rơi vào tay Tiêu Phong đều sẽ trở nên khó nắm bắt cũng như tạo ra sức mạnh khôn lường. Bình sinh, anh đã là một kỳ tài võ học từ nhỏ. Ngay cả khi phải đối đầu với những kẻ địch nội lực cao hơn, chiêu thức biến hóa hơn, Tiêu Phong vẫn biết cách làm sao để vượt qua họ một cách tâm phục khẩu phục. Cũng vì thế ma giang hồ thời ấy mới có câu Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung để nói lên hết uy mãnh của Tiêu Phong trên giang hồ.

Chỉ với một lộ Giáng Long Thập Bát Chưởng thôi mà Tiêu Phong đã đủ sức làm loạn cả Tụ Hiền Trang, mà nếu như không có A Châu thì có lẽ anh thừa sức hủy diệt toàn bộ sơn trang này. Ngay cả khi bị A Tử dùng kế Quy Tức để ám toán, anh cũng phản xạ cực nhanh trong chớp mắt. Nên nhớ rằng, không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh của Tiêu Phong luôn được Kim Dung đặt cho cái biệt hiệu khá kêu là Thần Võ đâu nhé.

Theo dinhphong8104