Năm 2010, Benedict Cumberbatch vụt sáng thành sao nhờ mini-series Sherlock của đài BBC khi sắm vai phiên bản hiện đại của vị thám tử lừng danh. 6 năm sau, tên tuổi nam diễn viên tiếp tục được nâng tầm nhờ bom tấn Doctor Strange với vai diễn cùng tên.
Song, trước giờ ra rạp, tác phẩm siêu anh hùng của Marvel Studios vấp phải tranh cãi “tẩy trắng”. Ở nguyên tác truyện tranh ra đời nửa thế kỷ trước, người dẫn dắt Stephen Strange trong hành trình nghiên cứu pháp thuật là một vị sư Tây Tạng. Còn với bộ phim năm 2016, sư phụ của anh lại là một phụ nữ da trắng do Tilda Swinton thể hiện.
Khi ấy, đạo diễn Scott Derrickson phân bua rằng quyết định tuyển chọn Swinton không phải là tối ưu nhất, nhưng giúp tránh được việc củng cố thêm quan niệm cố hữu về người châu Á trong con mắt phương Tây.
Từ câu chuyện của Doctor Strange (2016)
Derrickson nói vậy, nhưng quyết định ấy thực ra còn đến từ chuyện Marvel Studios lo lắng Doctor Strange sẽ bị Trung Quốc phản đối bởi những xung đột tại khu tự trị Tây Tạng bấy lâu nay. Điều đó thực tế không gây quá nhiều ngạc nhiên bởi Hollywood lâu nay sẵn sàng làm mọi cách để chiều lòng đội ngũ kiểm duyệt phim tại Trung Quốc.
Doctor Strange chắc chắn còn may mắn hơn nhiều “đồng nghiệp” khác bởi bộ phim không mang màu sắc bạo lực. Dù có được cắt dựng thế nào, Deadpool (2016) cũng không thể ra rạp tại Trung Quốc. Logan (2017) thì “nhẹ đô” hơn nên chỉ cần lược bỏ một vài cảnh quay là qua vòng kiểm duyệt trót lọt.
Các vấn đề chính trị thì phức tạp hơn. Theo CNet, nếu một bộ phim miêu tả Trung Quốc theo hướng tiêu cực, hoặc tôn kẻ thù của Trung Quốc làm người hùng, hoặc biến người Trung Quốc thành kẻ phản diện, nó sẽ không thể được cấp phép ra rạp.
MGM từng phải trả giá đắt cho bài học đó. Trong bản làm lại năm 2012 của bộ phim chiến tranh Red Dawn, quân đội Trung Quốc được miêu tả là lực lượng thù địch.
Khi kịch bản phim bị lọt ra ngoài, truyền thông quốc gia tỷ dân Đông Á tỏ ra không hài lòng một chút nào. Kết quả là MGM phải chi ra 1 triệu USD để “phù phép” biến tất cả thành lính Bắc Triều Tiên.
Miếng bánh khổng lồ không thể bỏ qua
“Trung Quốc hiện là thị trường điện ảnh quan trọng, chỉ đứng sau Bắc Mỹ khi xét về lợi nhuận chiếu rạp mỗi năm”, phân tích viên cấp cao Paul Dergarabedian của công ty phân tích truyền thông Comscore nhận xét. Doanh thu phòng vé toàn cầu sẽ thâm hụt một khoản lớn nếu khán giả Trung Quốc không bỏ tiền ra xem phim bom tấn Hollywood.
Đã có lúc các bộ phim “bom xịt” tại Bắc Mỹ phải cầu viện Trung Quốc, dù phim thực tế chỉ được cầm về 25% doanh thu từ phía bên kia bờ Thái Bình Dương. Như năm 2016, Warcraft thu 225 triệu USD tại Trung Quốc, sau khi chỉ kiếm vỏn vẹn 47 triệu USD tại quê hương.
Fast & Furious 8 (2017) tiếp tục vượt qua cột mốc 1 tỷ USD toàn cầu. Nhưng doanh thu của bom tấn tại Bắc Mỹ kém Trung Quốc tới hơn 100 triệu USD. Hay hồi đầu năm nay, Trung Quốc đóng góp tới ¼ trong tổng số 1,1 tỷ USD doanh thu của Aquaman (2018).
Marvel Studios không nằm ngoài vòng xoáy đó. Avengers: Endgame vượt qua kỷ lục doanh thu toàn cầu 2,78 tỷ USD của Avatar (2009) vốn đã đứng vững gần 10 năm qua. Bom tấn chắc chắn phải cảm ơn Trung Quốc, nơi đã mang về tới 600 triệu USD - tức cao gấp ba lần so Avatar.
Hãng phim siêu anh hùng còn nhiều chiêu khác để chiều lòng Trung Quốc, ví như cho Captain America (Chris Evans) sử dụng điện thoại Vivo của Trung Quốc, thay vì iPhone “của nhà trồng được”. Hay Iron Man 3 (2013) có phân cảnh riêng cho quốc gia tỷ dân với cảnh các bác sĩ Trung Quốc tận tình phẫu thuật cho Tony Stark (Robert Downey Jr.).
Shang-Chi sẽ phải chiều lòng người Trung Quốc hết mức?
Giờ thì Vũ trụ Điện ảnh Marvel đã bước sáng Kỷ nguyên Anh hùng IV (Phase IV). Một trong những dự án đầu tiên được công bố mang tên Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings. Marvel Studios đường hoàng quảng bá đây là tác phẩm đầu tiên của MCU xoay quanh riêng một siêu anh hùng gốc Á.
Những bước đi đầu tiên cho thấy Marvel Studios đặc biệt cẩn trọng và ưu ái Trung Quốc: chọn diễn viên gốc Hoa Simu Liu cho vai chính dù có một vài phàn nàn về kinh nghiệm diễn xuất của tài tử; chọn ngày khởi chiếu 12/2/2021 - tức đúng dịp Tết Nguyên đán.
Matthias Niedenführ, người đứng đầu Trung tâm Trung Quốc ở Tübingen, Đức, cho rằng giờ là thời điểm chín muồi để Marvel Studios gặt hái thành công lớn từ quốc gia tỷ dân Đông Á. Các tác phẩm theo chủ nghĩa ái quốc, như Chiến lang 2 (2017), từng mang về tới hàng trăm triệu USD từ phòng vé.
Người Trung Quốc nay khao khát có một siêu anh hùng người Hoa xuất hiện trong MCU. Ở nguyên tác, Captain China có tồn tại, nhưng chỉ đóng vai trò rất nhỏ. Đâu đó vẫn xuất hiện các nhân vật gốc Á trong phim truyền hình, điện ảnh Marvel. Nhưng họ chỉ đóng vai phụ, chứ chưa được là người hùng trung tâm.
Lựa chọn Simu Liu cho vai chính, nhưng bài toán tiếp theo thì khó khăn hơn: ai sẽ là đối thủ cho Shang-Chi?
Trong nguyên tác, đó là Fu Manchu (Phúc Mãn Châu) - nhân vật được tạo ra năm 1913 bởi Sax Rohmer trong thời kì “Hiểm họa da vàng”. Đó là quãng các chính trị gia còn thực hiện nhiều chiến dịch ngăn cản người châu Á nhập cư vào Mỹ. Ngoại hình của Fu Manchu với bộ ria mép và cái đầu trọc lốc là hình mẫu rập khuôn dành cho người châu Á thời ấy dưới ánh nhìn thiếu thiện cảm của phương Tây.
Đến những năm 1970, bản quyền truyện tranh nhân vật về tay Marvel. Họ biến gã thành người cha ác độc của Shang-Chi. Fu Manchu bản điện ảnh có lẽ khó qua được cửa xét duyệt từ phía Trung Quốc.
Cuối cùng, trên màn ảnh, Shang-Chi sẽ đối đầu The Mandarin - kẻ thù truyền kiếp của Iron Man ở nguyên tác. Nhân vật tưởng như đã xuất hiện ở Iron Man 3, nhưng đó thực tế chỉ là một diễn viên đóng thế. The Mandarin thực thụ tới đây do tài tử giàu kinh nghiệm Lương Triều Vỹ thể hiện.
Nhưng The Mandarin cũng sớm bị một bộ phận người Trung Quốc săm soi. “Nếu Marvel không muốn xúc phạm Trung Quốc, thì hãy đổi tên The Mandarin thành The English đi, đơn giản mà”, trang RADII dịch lại một bình luận của cư dân mạng Trung Quốc. Một bình luận khác viết: "Ở châu Âu và Mỹ, ai cũng biết Fu Manchu chẳng khác gì The Mandarin”.
Đó chỉ là luồng ý kiến thiểu số. Nhưng Marvel Studios quả là rất khôn ngoan trong chuyện lựa chọn Lương Triều Vỹ bởi anh là một tài tử Hong Kong. Trước những diễn biến chính trị phức tạp của khu vực, đây là bước đi sẽ làm hài lòng gần như mọi bên, cũng như đảm bảo cho quá trình ra rạp của Shang-Chi and the Legend of Ten Rings suôn sẻ hơn.
“Sẽ mạo hiểm hơn rất nhiều nếu Lương Triều Vỹ là ngôi sao Đại lục”, giáo sư ngành điện ảnh Chris Berry từ trường King's College tại London phát biểu trên CNet. “Chọn một ngôi sao người Hong Kong, kể cả được mến mộ rộng khắp như Lương Triều Vỹ, vào vai phản diện là phương án an toàn hơn. Điều đó đặc biệt hợp lý tại thời điểm người Đại lục có cái nhìn tiêu cực đối với Hong Kong”, ông nói thêm.
(Theo Nam Lương - zing.vn)