Angry Birds - những chú chim đủ chủng loại, màu sắc với khuôn mặt cau có đặc trưng - đã trở nên quen thuộc với người dùng smart phone từ năm 2009 qua dòng game cùng tên của Rovio Entertainment. Năm 2016, hãng phim Sony đã hợp tác cùng Rovio, cho ra mắt phim hoạt hình 3D cùng tên.
Bám sát nội dung của game, câu chuyện của Angry Birds phần đầu tiên đưa ra ba lời giải giải thích - vì sao những chú chim lại giận dữ, nguyên nhân mối thù giữa chúng và bầy lợn xanh, nguồn gốc chiếc súng cao su huyền thoại. Đồng thời, các nhà làm phim cũng mở rộng ý tưởng với khung cảnh cuộc sống thường ngày tại đảo Chim và đảo Heo, biến bè lũ lợn xanh thành tuyến phản diện thuyết phục, xây dựng câu chuyện riêng cho Đại Bàng Vĩ Đại.
Hài hước, dễ thương, âm nhạc tuyệt vời và đồ họa bắt mắt, phần đầu tiên của bộ phim đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt trong dòng phim chuyển thể từ game. Tuy nhiên, dù được khán giả đại chúng yêu thích, phim lại không quá được lòng giới phê bình, và chỉ được đánh giá là một bộ phim hài hước dành cho trẻ nhỏ.
Trở lại sau ba năm im hơi lặng tiếng, Angry Birds 2 đã khắc phục được những nhược điểm của phần đầu tiên, và ngay lập tức nhận được 83% cà chua tươi trên Rotten Tomatoes. Đây là thành tích cao nhất đối với một phim chuyển thể từ game, vượt qua hai tên tuổi đình đám Resident Evil và Prince Of Persia.
Vậy, điều gì làm nên sự khác biệt?
Đầu tiên, phải kể đến việc Angry Birds 2 đã vượt qua được cốt truyện của game gốc và và phát triển được nội dung một cách mới mẻ, mượt mà. Vượt ra khỏi câu chuyện về trò bắn chim, giảm bớt tầm quan trọng của chiếc ná cao su huyền thoại, Angry Birds 2 tự phát triển bản thân nó thành một câu chuyện điện ảnh khá tròn trịa: Có mở đầu, kết thúc hoàn hảo, cùng với đó là plot twist gây tò mò cho người xem. Ngoài những những gương mặt đã không còn xa lạ gì với khán giả như Red, Leonard, Chuck, Bomb và ba chú chim non, phim mở rộng dàn nhân vật của mình với những cái tên đầy ấn tượng như cô nàng mọt sách với IQ cao chót vót Silver, người “gánh team” sự nhanh nhạy, bình tĩnh và khôn ngoan cho nhóm, trợ lý lợn Courtney nhỏ con nhưng đam mê “cà khịa”. Nhân vật phản diện, mụ Zeta (mạnh và điên) cũng sở hữu một động cơ rõ ràng, điều này khá hiếm trong các phim hoạt hình cho trẻ con, vốn được định hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận.
Đặc biệt, các nhà làm phim cũng đã vô cùng nỗ lực khi lồng ghép thêm những bài học giản đơn mà thấm thía. “Ai rồi cũng có thể làm bạn” “Chúng ta sẽ mạnh hơn khi hợp sức với nhau” “Tất cả chúng ta đều chẳng hề cô đơn” “Điều quan trọng nhất là phải biết chấp nhận bản thân mình” – Đó đều là những chủ đề không quá phức tạp để tiếp cận, và có ảnh hưởng tích cực đến đối tượng nhỏ tuổi khi xem.
Thứ hai, phim vẫn giữ nét đặc trưng của dòng phim dành cho trẻ em, đó là phong cách hài hước dễ hiểu, dễ cảm. Được đạo diễn bởi Thurop Van Orman, người đã từng được đề cử Emmy cho sự sáng tạo trong loạt phim hoạt hình trẻ em The Marvelous Misadventures of Flapjack, không ngạc nhiên khi phim có những trò đùa “mạnh”, khiến khán giả cười lăn cười bò trong rạp. Sự hài hước đầy duyên dáng của phim, đôi khi được tạo bởi các tình huống ngặt nghèo, nhưng đôi khi cũng tỏa sáng chỉ bằng vài câu thoại đơn giản.
Thứ ba, phim sở hữu đồ họa bắt mắt và âm nhạc tuyệt vời. So với phần phim đầu tiên, tạo hình nhân vật trông có phần tỉ mỉ hơn. Lấy bối cảnh ở Đảo Chim, một hòn đảo nhiệt đới trù phú, chính vì vậy, sự đa dạng màu sắc là điều quan trọng nhất để thể hiện được tinh thần của bộ phim. Ngoài ra, phim cũng sở hữu những bản nhạc vui tươi, da diết, được mix rất khéo tay. Các nhà sản xuất đã cực kì “có tâm” khi mời cả Kesha thể hiện nhạc phim. Với giọng hát mượt mà, tiếng funk bass vui nhộn, tinh thần mùa hè mạnh mẽ, cùng với đó là lời bài hát đầy năng lượng giống như một câu thần chú xua tan mọi sự tiêu cực.
Với những ưu điểm kể trên, không ngạc nhiên khi phim nhận được rất nhiều lời khen từ giới phê bình. Stephen Dalton của tờ The Hollywood Reporter bình luận:
“Nhịp điệu hài hước nhẹ nhàng cho đối tượng mục tiêu chính là trẻ nhỏ, nhưng vẫn đủ người lớn để khiến cha mẹ không ngáp quá nhiều trong rạp.”
Ed Power của Daily Telegraph (UK) viết:
“Vui nhộn, rực rỡ và sống động, bộ phim thật sự giống như những viên kẹo Smarties mà những chú chim non nhà bạn nhất định sẽ yêu thích.”
Website metacritic, bao gồm đánh giá của các chuyên gia cũng phản ứng khá tích cực về Angry Birds 2. “Các tình tiết đều rất siêu thực và vui nhộn” Bilge Ebiri của tờ New York Times bình luận.
Angry Birds 2 nhận được nhiều lời khen co cánh từ giới phê bình
Nhiều tờ báo uy tín bày tỏ sự khen ngợi với Angry Birds 2 trên metacritic
Ngoài lời khen từ các tờ báo uy tín, Angry Birds 2 cũng nhân được nhiều lời khen của khán giả đại chúng. Hầu hết đều nhận xet là họ đã co quãng thời gian vui vẻ trong rạp với Angry Birds 2. Gal Gadot, nữ diễn viên nổi tiếng với vai Wonder Woman trong loạt phim về siêu anh hùng của DC cũng đăng tải trên Instagram rằng cô đã cười thẳng 97 phút trong rạp.
Gal Gadot chia sẻ trên Instagram sự thích của của cô với bộ phim
Tại Việt Nam, khán giả sau khi rạp rạp vào buổi công chiếu đầu tiên cũng bày tỏ sự yêu thích nồng nhiệt với Angry Birds 2.
“Mình tin là những bộ phim mang nguồn cảm hứng vui vẻ, tích cực nhưng Angry Birds 2 sẽ phù hợp với tất cả mọi người chứ không riêng gì trẻ con.” Trả lời phỏng vấn với báo giới, ca sĩ Hoàng Bách cho biết.
Còn Thiên Quang, diễn viên lồng tiếng cho anh Bàng huyền thoại thì đưa ra bình luận:
“Phim Angry Birds 2 có những bài học, những vui tươi, nhí nhảnh của trẻ thơ, giúp các bé vui tươi và năng động hơn.”
Ca sĩ Hoàng Bách “khen không tiếc lời” Angry Birds 2
Với những bình luận tích cực như trên, Angry Birds 2 xứng đáng nhận danh hiệu: “Phim hoạt hình vui nhộn nhất hè này”. Nếu đã quá chán ngán với kinh dị, hành động, máu me, thì còn ngại ngùng gì mà không ra rạp với bạn bè người thân để xem một bộ phim hoạt hình vui vẻ, dễ chịu, vừa đủ để cười banh rạp nhưng cũng vừa đủ thấm thía?
Angry Bird 2 (Phim Angry Bird 2) khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 23.08.2019.