2022 là năm đánh dấu sự trở lại của thị trường điện ảnh sau thời gian dài im ắng vì Covid-19. Các dự án Việt từng bị dời lịch nhiều lần như Em và Trịnh, Vô diện sát nhân, 578: Phát đạn của kẻ điên,… đồng loạt ra mắt, mang đến cho khán giả nhiều lựa chọn giải trí.
Thế nhưng, 2022 cũng là năm chứng kiến sự thất bại nặng nề của điện ảnh nước nhà. Hàng loạt dự án có chất lượng thấp, rơi vào tình trạng ế ẩm khi phát hành để rồi phải rút rạp từ sớm. Thay vì đặt niềm tin, khán giả dần quay lưng với phim nội và tìm đến phim ngoại, nhất là các bom tấn Hollywood.
Doanh thu chạm đáy
Nửa đầu 2022, điện ảnh Việt có tín hiệu tốt khi nhiều dự án ra mắt, với một số phim đạt mức đầu tư khá cao so với mặt bằng chung. Đề tài và thể loại của các tác phẩm cũng đa dạng. Tiêu biểu như phim hành động 578: Phát đạn của kẻ điên (60 tỷ đồng), phim tâm lý Kẻ thứ ba (33 tỷ đồng) hay phim thiếu nhi Maika – cô bé đến từ hành tinh khác (30 tỷ đồng). Đáng tiếc, các dự án này lại có điểm chung là đều lỗ nặng khi ra mắt.
Đến nửa sau 2022, số lượng phim Việt phát hành ngày càng nhỏ giọt, đỉnh điểm là trong 3 tháng cuối năm chỉ có lác đác vài tác phẩm lên lịch ra rạp. Gần nhất, hai phim Việt khởi chiếu trong tháng 11 lại gây ồn ào vì có chất lượng kém, bị khán giả chê bai thậm tệ dẫn đến doanh thu thấp kỷ lục.
Ra rạp đầu tháng 11, phim kinh dị Virus cuồng loạn (Nguyễn Ngọc Nhất Duy đạo diễn) rơi vào tình trạng lỗ nặng khi chỉ thu về hơn 157 triệu đồng theo thống kê từ Box Office Vietnam - đơn vị kiểm toán doanh thu phòng vé độc lập. So với mức kinh phí công bố gần 8 tỷ đồng, con số này là một thất bại nặng nề, khó thể giúp ê-kíp thu hồi vốn.
Tiếp đó, phim Huyền sử vua Đinh (Anthony Võ đạo diễn) có kinh phí tương đương Virus cuồng loạn nhưng kết quả còn đáng thất vọng hơn. Sau một tuần công chiếu, hiện tác phẩm chỉ đạt hơn 42 triệu đồng, trở thành một trong những phim Việt có doanh thu thấp nhất từ trước đến nay. Ngay cả trong hai ngày cuối tuần, số suất chiếu và lượng vé phim bán được chưa quá 10 đầu ngón tay.
Trước đây, con số 100 tỷ đồng từng là cột mốc quan trọng đánh giá độ hút khách của phim Việt. Song, trong năm 2022 gần như chưa có bất kỳ dự án nào vượt qua được mức doanh thu đó. Tính đến hiện tại, phim Việt ăn khách nhất trong 2022 là Em và Trịnh (Phan Gia Nhật Linh đạo diễn) cũng chỉ dừng lại ở mức hơn 97 tỷ đồng.
Theo Box Office Vietnam, các dự án phát hành sau đó chưa thể nào vượt qua con số này. Một tác phẩm vừa tạo được hiệu ứng khá tốt là Cô gái từ quá khứ (Bảo Nhân, Nam City đạo diễn) cũng chỉ dừng lại ở con số 53 tỷ đồng.
Em và Trịnh - phim Việt ăn khách nhất trong năm 2022 - cũng chưa thể vượt qua con số 100 tỷ đồng. Chất lượng tụt dốc
Không khó để lý giải cho sự thất bại nặng nề về doanh thu của phim Việt. Các tác phẩm ra mắt gần đây đều nhận sự chỉ trích từ phía khán giả vì chất lượng thấp, không đạt chuẩn về nội dung lẫn hình thức. Từ kịch bản đến cách dẫn dắt câu chuyện đều có điểm giới hạn, cho thấy tay nghề kém cỏi của đạo diễn, biên kịch.
Chưa dừng lại ở đó, ngay cả các khâu nhỏ như hóa trang, trang phục, bối cảnh, thiết kế sản xuất đều được thực hiện cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp. Hiệu ứng kỹ xảo vi tính cũ kỹ, được thực hiện qua loa, giống phim truyền hình nhiều hơn là điện ảnh. Thậm chí, phần lớn khán giả đánh giá chất lượng phim Việt chiếu rạp rất tệ, thậm chí còn thấp hơn cả web drama (phim chiếu mạng).
Đa phần các phim Việt đều có nhiều ý tưởng nhưng chưa thể triển khai một cách hợp lý. Khi ra rạp xem phim hành động 578: Phát đạn của kẻ điên, nhiều khán giả cảm thấy mệt mỏi vì nhịp điệu chậm chạp, rề rà như phim tâm lý. Ngay cả các cảnh đánh đấm, rượt đuổi cũng không tạo cảm giác hồi hộp, kịch tính cần thiết.
Tương tự, hai tác phẩm Cù lao xác sống và Virus cuồng loạn đều khai thác đề tài xác sống nhưng lại không thể gây sợ hãi. Trái lại, đôi lúc khán giả phải bật cười vì những tình tiết phí lý, lời thoại ngô nghê và diễn xuất nghiệp dư của dàn diễn viên.
Phim Huyền sử vua Đinh bị đánh giá thấp về nội dung lẫn hình thức, nhất là phần phần hóa trang các diễn viên được thực hiện sơ sài.
Sau Covid-19, điện ảnh quốc tế đã và đang có những tín hiệu tốt cho thấy sự khởi sắc. Điển hình là chiến thắng rực rỡ của Top Gun: Maverick tại phòng vé. Với doanh thu gần 1,5 tỷ USD, tác phẩm trở thành phim điện ảnh ăn khách nhất trong năm, cũng là dự án ăn khách nhất trong sự nghiệp hơn 40 năm của Tom Cruise.
Trong khi đó, phim Việt lại đi ngược hoàn toàn so với thế giới. Hàng loạt dự án thua lỗ là tín hiệu báo động dành cho điện ảnh nước nhà. Thời gian tới, các nhà sản xuất trong nước cần phải tìm cách để giải quyết bài toán doanh thu, cũng như nâng tầm chất lượng phim Việt để có thể lấy lại được lòng tin từ phía khán giả.