Cùng Game4V tìm hiểu về khái niệm “mùa anime” (anime season) – kiến thức cơ bản mà không phải ai cũng biết.
Anime năm nào cũng có hàng chục bộ mới, phần tiếp theo, hậu truyện hay bản làm lại đều có cả. Thể loại và số lượng thì nhiều, nhưng toàn bộ luôn phải tuân theo một quy tắc nhất định là phát sóng theo “mùa anime” (anime season). Vậy, hôm nay Game4V sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu một chút về thuật ngữ tưởng thông dụng nhưng nhiều nghĩa – “mùa anime”.
Nghĩa thứ nhất: Biểu thị bốn mùa trong năm
Anime được chia làm bốn mùa phát sóng của Nhật Bản là: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Cụ thể như sau:
- Mùa Xuân (từ tháng 4 đến hết tháng 6)
- Mùa Hạ (từ tháng 7 đến hết tháng 9)
- Mùa Thu (từ tháng 10 đến hết tháng 12)
- Mùa Đông (từ tháng 1 đến hết tháng 3) – Đây cũng là mùa anime khởi đầu cho một năm.
Thường thì đa phần các series anime truyền hình sẽ lên lịch phát sóng sao cho gói gọn trong một mùa, tức ba tháng, hay 12 hoặc 13 tập. Như hiện tại là cuối tháng 09/2020, rơi vào khoảng thời gian của “anime mùa hè 2020”. Lấy ví dụ anime The God of High School bắt đầu lên sóng từ ngày 06/07 và sẽ kết thúc vào ngày 28/09 tới đây, với tổng số 13 tập phim. Tương tự cho nhiều bộ anime khác.
Tuy nhiên, anime cũng có một vài ngoại lệ. Một trong số đó là các series kinh điển (thường là shounen) sẽ được ưu tiên phát sóng liên tục. Ở thời điểm này thì không có quá nhiều, nhưng chúng ta có thể kể đến một số cái tên như: Boruto, One Piece, Black Clover, Pokemon,… Điểm chung của các bộ này là manga của chúng vẫn đang tiếp tục, thế giới và nội dung có khả năng phát triển nhiều nhánh; tên tuổi đã được xây dựng từ lâu giúp đảm bảo lượng người xem ổn định. Ngoài ra, một phần không nhỏ do chính sách của nhà phát hành.
Cũng có một số series không phát sóng liên tục mà ngắt quãng từ 1 đến 2 mùa rồi lại chiếu tiếp. Oregairu và SAO là một số ví dụ điển hình. Lí do cho việc này có lẽ nằm ở bản thân nguyên tác là light novel thay vì manga giống các trường hợp kể trên. Và như một lẽ thường tình, quá trình lên kịch bản phù hợp với anime cần nhiều thời gian hơn.
Nghĩa thứ hai: Phân biệt các season
Ở trên là phần giải thích của Game4V về khái niệm 4 mùa phát sóng anime mỗi năm. Cũng từ đây, một sự nhầm lẫn xuất hiện. Lấy ví dụ hồi đầu năm nay, MAPPA xác nhận thực hiện Attack on Titan Final Season thay cho WIT. Trong đoạn teaser có dòng “This Fall” (tức mùa thu năm nay).
Attack on Titan: Còn 5% nội dung để đến hồi kết
Vậy, đoạn teaser cho ta những thông tin được Việt hóa như sau: “Attack on Titan mùa cuối sẽ ra mắt vào mùa thu năm 2020.” Khá nhiều bạn thắc mắc, tại sao lại thêm chữ “season” vào mà không phải là “Attack on Titan 4”, “Attack on Titan Part 4” hay “Attack on Titan The Final” để tránh sự nhầm lẫn.
Câu trả lời rất đơn giản. Sự nhầm lẫn chỉ xảy ra do hạn chế dịch thuật của tiếng Việt dành cho cụm từ “season anime”. Còn chính xác, quy chuẩn của mọi bộ phim truyền hình (tức TV series hay TV Shows) luôn sử dụng “season” để phân biệt các phần, trong khi phim điện ảnh sẽ sử dụng “part” để làm điều tương tự.
Ngoài ra, người ta cũng dùng “part” để phân biệt các phần trong một season. Sword Art Online: Alicization – War of Underword Part 2 và Attack on Titan Season 3 Part 2 là một số ví dụ.
Tổng kết
Tóm lại, cụm từ “mùa anime” (anime season) mang hai nghĩa khác nhau. Nghĩa thứ nhất biểu đạt cho khoảng thời gian các nhà sản xuất Nhật Bản phát sóng anime của họ lên TV. Nghĩa thứ hai dùng phân biệt các phần của một bộ anime truyền hình.
Qua bài viết, Game4V hi vọng giúp quý bạn đọc còn thắc mắc về khái niệm “mùa anime” có cái nhìn rõ hơn về thuật ngữ này để tiện theo dõi những anime mình thích trong tương lai. Hãy chia sẻ với chúng tôi bộ anime bạn đang mong đợi ở “Anime mùa thu” sắp tới bên dưới phần bình luận!
Bạn đã search địa chỉ IP trong tập cuối SAO: Alicization chưa?