Ảnh minh họa
VĂN HÓA XEM KỊCH CỦA NGƯỜI DÂN TP.HCM HIỆN TẠI CÓ VUI MÀ CŨNG CÓ BUỒN...
Kịch nói là loại hình nghệ thuật ở phương Tây, du nhập vào nước ta vào cuối Thế kỷ XIX và nơi đầu tiên "người bạn ngoại quốc" này đặt chân đến là mảnh đất Sài Gòn. Qua một chặng đường dài từ làm quen, thay đổi để hòa hợp, kịch nói đến nay dần trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Sài Gòn. Mỗi vở kịch, ngoài yếu tố giải trí thì đâu đó còn chứa đựng nhiều chất liệu của đời sống, xã hội, từ những điều ngọt ngào, mặn đắng đến chua cay... Cũng chính vì vậy mà kịch nói luôn có một vai trò nhất định trong đời sống con người, phù hợp với mọi lứa tuổi lẫn phong phú về mặt nội dung.
Tuy nhiên, các sân khấu kịch tại Sài Gòn đang bước vào giai đoạn mang tính cột mốc với hai chiều hướng "BUỒN" có mà "VUI" cũng có.
Ảnh minh họa
Đầu tiên, buồn là vì dạo gần đây xuất hiện các thông tin về những sân khấu kịch nói phải tạm đóng cửa hay giảm suất diễn. Đây là "cột mốc" đầu tiên cho thấy sự tác động của xã hội và sự thay đổi không thể tránh của thời cuộc kể từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến, các kênh Youtube, Tiktok bùng phát khiến các thể loại như web drama, sitcom,... chiếm lĩnh. Phần nào khiến khán giả thích ở nhà xem miễn phí mà chẳng phải mất công đi xa. Chưa kể còn là ảnh hưởng bởi 2 năm dịch Covid-19, khiến việc duy trì một sân khấu từ mặt bằng, diễn viên, nhân viên,... khó mà "cầm cự" nếu không sớm đi vào sự ổn định.
Nhưng trái lại, tại một số sân khấu khác do tìm được hướng đi khác biệt nên không chỉ giữ phong độ mà còn ngày một hot hơn. Điển hình như sân khấu kịch IDECAF, sân khấu kịch 5B, sân khấu Thế Giới Trẻ,... Nhờ sự mới lạ, nội dung hấp dẫn, cùng yếu tố "cơ hội" hậu dịch Covid-19 - nhu cầu cần được giải trí của mọi người "bùng nổ". Khiến những sân khấu này ngoài đông khách đến "cháy vé" thì họ còn được nhìn thấy khán giả của mình bước vào giai đoạn chọn xem kịch là một trong những hoạt động trải nghiệm, thể hiện lối sống đáng tự hào thay vì chỉ đơn thuần là đi-để-giải-trí như trước kia.
Khán giả đi xem vở Tía ơi má dìa của các nghệ sĩ quen thuộc tại IDECAF
5B, IDECAF và Thế Giới Trẻ là những sân khấu hiện được rất nhiều người yêu mến và luôn đông khách tại Sài Gòn. Ảnh minh họa
NHƯNG CHƯA BAO GIỜ MUA VÉ ĐI XEM KỊCH LẠI KHÓ ĐẾN THẾ, LẠI CÒN PHẢI "ĐÓNG QUỸ..."?
Vì lượng người muốn xem rất đông mà ghế ngồi trong khán phòng có hạn nên đôi lúc để có được một cặp vé cũng trở thành "thử thách". Và thử thách đó lại ngày càng "nâng level" khi ải đầu tiên là vé gốc - ưu điểm bạn sẽ mua được với mức giá "niêm yết" chỉ tầm vài trăm nghìn, nhưng nhược điểm là "rất cực" vì phải "nằm vùng", xếp hàng cực sớm, nhanh tay lẹ mắt và đôi lúc cũng hên xui. Thế nên, không mua kịp thì bạn buộc phải qua "ải chợ đen" - tức mua lại từ những người săn trước với mức giá cao hơn vài chục hoặc 100 - 200k tùy vào độ hot của vở diễn.
Nhưng dạo gần đây đã "biến tướng" thêm một "ải" khác đó chính là người bán "vé chợ đen" còn đưa thêm lý do "gây quỹ" vào các tổ chức để "hợp thức hóa" việc giá bán đắt hơn gấp 3 thậm chí 5 - 6 lần giá gốc. Tức, đáng lẽ một buổi đi xem kịch chỉ tốn vài trăm nghìn thì giờ lại trở thành thú vui "xa xỉ" khi phải bỏ đến bạc triệu.
NHƯNG TẠI SAO BÁN VÉ "GÂY QUỸ" LẠI BỊ NHIỀU NGƯỜI TRANH CÃI ĐẾN THẾ?
Đầu tiên, mọi người cần lưu ý phân biệt rõ trường hợp các tổ chức hợp tác với Sân khấu kịch để mở suất diễn có hợp đồng, có công bố thông tin công khai, minh bạch hẳn hoi với khán giả việc bán vé để nhằm mục đích gây quỹ, ủng hộ từ thiện là không có gì để bàn.
Nhưng cái cần nói ở đây là các trường hợp đăng bài bán vé, cũng với nội dung nhằm gây quỹ từ thiện, nhưng không cung cấp bất cứ thông tin gì khác như: Quỹ này do ai tổ chức, bằng chứng số tiền sẽ hoặc đã đi về đâu, dùng tài khoản ảo/giả mạo, không công khai minh bạch giá vé mà chỉ bán qua ô chat riêng... Đặc biệt, khi người mua nhắn tin, họ lại báo giá vé tăng gấp ba, thậm chí có người bán gấp 10 lần.
Hoàng Huyên - một fan cứng của kịch nói bức xúc về tình trạng bán vé "gây quỹ" này
Là một người có sở thích đi xem kịch, sau khoảng thời gian khá dài không săn được vé và đôn đáo tìm mua trên các hội nhóm, Hồ Thị Hoàng Huyên (TP HCM) chia sẻ: "Mình tìm mua vé giá có thể nhỉnh hơn so với giá gốc một chút cũng không vấn đề gì vì công các bạn săn vé rất cực. Nhưng khi được nhắn tin báo giá với con số 700 nghìn cho hàng ghế B, mình không thể chịu được. Có trường hợp những người tự xưng là người trong ekip, của công ty bán vé dạng thiệp mời lên tới 3 triệu/cặp hoặc có người bán cao gấp 4-5 lần vì "dùng tiền làm từ thiện".
Một người chưa có cơ hội tận mắt xem kịch trực tiếp như mình rất hào hứng và đợi đến thời gian mở bán vé. Nhưng tình trạng vé gốc không săn được, vé "pass" thì giá cao thế này phải nói là quá hụt hẫng và bức xúc. Từ thiện là hành động vô cùng ý nghĩa, đừng đem lý do này để bán vé giá trên trời như vậy. Có rất nhiều bạn nhỏ và gia đình muốn dắt con em đi xem các nhân vật mà chúng thích, các cô chú lớn tuổi lấy kịch nói làm vui, nếu có tình người thì đừng dùng lý do từ thiện và đừng bán giá vé thất đức như thế này."
Chưa bàn đến các trường hợp mọi người bị lừa đảo, chuyển tiền mà không nhận được vé. Chỉ câu chuyện lừa lấy tiền người mua với lí do giúp đỡ người khó khăn của một số thành phần thiếu đạo đức cũng đẩy kịch nói đi quá xa tầm khả năng chi trả của khán giả.
Về phía khán giả yêu kịch, Hoàng Huyên chia sẻ: "Từ nhỏ mình đã xem kịch tại sân khấu I, nhờ vậy mình mới biết được ước mơ của mình là gì và vẫn đang cố gắng từng ngày thực hiện nó. Các vở kịch tại đây mang lại cho mình giá trị nhân văn rất cao. Khi nhỏ, gia đình mình chưa đủ kinh tế nên chỉ có thể xem kịch qua đĩa DVD, bây giờ lớn lên, mình rất muốn gặp mặt trực tiếp các cô chú vì họ là tuổi thơ đáng nhớ của mình, nhưng các thành phần xấu này làm việc mua vé của mình rất khốn đốn..."
Những ai là fan của Sân khấu kịch đều gặp chung một cảnh ngộ
Hiện tại, đi xem kịch đối với người dân TP. HCM nói chung và nhất là các gia đình có con nhỏ nói riêng là một loại hình giải trí lý tưởng. Thậm chí có nhiều gia đình còn yêu xem kịch hơn cả xem phim. "Phim thì hay nhưng không phải phim nào tụi nhỏ thích mà người lớn cũng thích. Trái lại, đi xem kịch thì hầu hết cả gia đình mình ai cũng hào hứng, dù đó là các vở diễn dành cho thiếu nhi. Dạo gần đây đúng là khó mua vé thật, có lần lên săn vé mà thấy giá xong hết hồn nên thôi, ở nhà cho khỏe, khi nào săn được đợt vé mới giá tốt thì tính" - anh Khiêm (TP. HCM) cho biết.
Dẫu biết việc vé hot hay khó mua không thể quy hết trách nhiệm cho những người quản lý sân khấu vì hơn ai hết, chính họ là người rất mong có thật nhiều khán giả đến ủng hộ sau mỗi vở diễn. Nhưng sự "biến tướng" và lợi dụng lòng tin yêu của khán giả để nâng giá vé của các cá nhân bên ngoài lại hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến các fan xem kịch chân chính. Nhất là khi khán giả hiện còn có vô số sự lựa chọn khác với mức giá hợp lý hơn, nên nếu "khó quá" họ đành chấp nhận từ bỏ thì cũng là điều vô cùng dễ hiểu.